PHẾ TÍCH THÁP CHĂM Ở CHÙA AN SƠN - Hồ Tấn Tuấn

17.02.2011

PHẾ TÍCH THÁP CHĂM Ở CHÙA AN SƠN - Hồ Tấn Tuấn

Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng về phía Tây – Nam khoảng 10km, dưới chân núi Phước Tường, ít ai ngờ nơi đây còn lại dấu vết của một quần thể đền tháp Chăm rộng lớn, khu phế tích hiện ở trong khuôn viên An Sơn cổ tự, một ngôi chùa được dựng vào những năm giữa thế kỷ XIX, trước đây thuộc thôn Hòa An, xã Hòa Phát, huyện Hòa Vang, nay là phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ.

Trên diện tích khoảng 15.000m2 của chùa An Sơn, từ ngoài sân cho đến khu vực sân vườn, chúng tôi thấy còn lại nhiều đống gạch của những ngôi tháp Chăm đổ xuống, gạch có kích thước 30 x 20 x 10cm và nhiều dấu vết nền móng tháp bằng gạch trải dọc suốt các lối đi, số lượng các tác phẩm bằng đá sa thạch cũng khá nhiều gồm trụ cửa, bệ cửa, tượng, đài thờ, nhưng đáng chú ý nhất là 2 trụ cửa đang dựng làm cột cờ ở phía trước sân chùa, 2 trụ cửa này có chiều cao khoảng 1,5m, nếu tính thêm phần chôn dưới đất, thì khoảng gần 2m, thiết diện hình tròn, nhưng hai đầu hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 22cm, được chạm trổ hoa văn hình hoa lá, hình con sâu uốn khúc và nhiều họa tiết hoa văn khác được cách điệu một cách tỉ mỉ, công phu nhưng cũng khá rối rắm. Những họa tiết hoa văn này gần gũi với loại hình hoa văn trên trụ cửa Hà Trung - Quảng Trị, có kí hiệu (26.8) đang trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chăm và đồng nhất với hoa văn trên các đài thờ Đồng Dương, ngoài hai trụ cửa, còn lại hai cột đá khác có dáng hình chữ nhật cao khoảng 1,2m, nằm ở phía trước cổng chùa. Những bệ đá dùng để đặt trụ cửa lại có dạng hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 40cm và chiều cao cũng 40cm, có bệ được chạm hình hoa Sen cách điệu nằm đối xứng nhau, mỗi cánh hoa Sen đường kính 10cm, còn bệ đế của mỗi đài thờ có chiều cao khoảng 30cm, hình vuông mỗi cạnh dài 1m, chạm trổ hoa văn đơn giản. Trong số các tác phẩm điêu khắc còn lại có một tượng Nam Thần, được nhà chùa thờ trong một ngôi miếu nhỏ cạnh chùa, rất tiếc là tượng đã mất đầu và từ lâu nay người ta thay vào đó là một đầu tượng bằng xi măng, thể hiện hình ảnh của một vị Hòa Thượng, chứ không phải vị thần Ấn Độ giáo. Tượng được thể hiện trong tư thế ngồi với chân trái xếp bằng, còn chân phải co lên, bàn tay phải cầm một vật gì không rõ đang đặt trên đầu gối chân phải, toàn thân tượng được phủ một lớp nhụ vàng, tượng Nam Thần này giống với những tượng Nam Thần đang trưng bày trên đài thờ Đồng Dương ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm.

Chung quanh chùa An Sơn, còn có một giếng cổ, theo các Thầy trụ trì tại chùa cho biết, giếng này được xây rất lâu, hoàn toàn bằng đá, được ghép bởi những tảng đá nhỏ hình chữ nhật, giếng hình tròn có đường kính khoảng 1,2m. Trước đây nhân nạo vét đáy giếng để lấy nước dùng, đã tìm thấy một số bình gốm bằng đất nung, phía trên miệng bình có hoa văn khắc vạch và lượn sóng. Hiện còn một bình đã bị sứt miệng để ở trước hiên Chùa có niên đại khoảng XII – XIV.

Trong số những tài liệu khảo cổ học của người Pháp trước đây, không ghi chú rõ về nhóm Tháp ở chùa An Sơn, có lẽ do đền tháp nơi đây sụp đổ quá sớm, chùa An Sơn lại xây dựng trên nền móng tháp trước thời gian người Pháp nghiên cứu tìm hiểu các công trình nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chăm, nên chúng ta không biết gì về khu phế tích tháp này. Tuy nhiên, qua những gì còn lại, từ những hiện vật điêu khắc mang đặc trưng của thời kỳ nghệ thuật Đồng Dương đến những viên gạch mộc nằm rải rác khắp nơi, cho thấy ngày xưa nơi đây có thể là một quần thể đền tháp uy nghiêm, to lớn được xây dựng cùng thời gian với phật viện Đồng Dương ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam để thờ phật thuộc tông phái Đại Thừa và có niên đại khoảng thế kỷ thứ IX – X.

Với việc tìm thấy phế tích tháp Chăm ở chùa An Sơn, cho thấy rằng, cũng như một số tỉnh ở miền Trung – Tây Nguyên, Đà Nẵng cũng là địa phương từng có những đền tháp được người Chăm xây dựng và tồn tại trong nhiều thế kỷ mà về mặt kiến trúc giống như các khu tháp Đồng Dương, Chiên Đàn, Khương Mỹ ở Quảng Nam, hay như tháp Cánh Tiên, tháp Đôi ở Bình Định…, nhưng sau này có lẽ do thời tiết, khí hậu và nhất là do quá trình sớm đô thị hóa trong thời thuộc Pháp nên nhiều đền tháp Chăm ở Đà Nẵng đã bị sụp đổ chỉ còn lại nền móng và hiện vật điêu khắc, trong số những đền tháp Chăm sụp đổ đó có tháp Chăm ở chùa An Sơn, cho đến nay số phế tích đền tháp Chăm được phát hiện trên địa bàn Đà Nẵng là 10 phế tích, đã góp thêm tư liệu quý giá trong công tác nghiên cứu văn hóa Chăm ở Đà Nẵng hiện nay.

Bài viết khác cùng số

Nghĩ về sự đổi thay của Đà Nẵng - Đinh Văn DũngSông Hàn huyền thoại - Nguyễn Thị HươngCái được lớn nhất trong hơn mười năm qua là được lòng dân - Nguyễn Bá ThanhĐi thi chuyên viên - HoàngMáu ngàn đời vẫn tươi - Lê Minh Quốc Kỳ diệu Kỳ Anh- Thanh QuếCơn lốc từ sông Vàm Cỏ Đông- Tô PhươngLục bát múa, Thi sĩ - Phạm Phú HảiCô dâu đất QuảngThơ Haiku -Nguyễn Nho Đinh DuyThiền thơ - Nguyễn KiênGiọt nước mắt sinh thành - Nguyễn Hồng ÂnDốc đỏ - Phạm Thế ChấtBà Nà - Ngô MinhÔng Ích Khiêm - Trần Vạn GiãĐÀ NẴNG – MỘT MÙA VĂN CHƯƠNG. - Hoàng Minh TườngVĨNH BIỆT NGUYỄN ĐỨC HẠNH Người họa sĩ của dân - NGUYỄN ĐÌNH ANMỌI TÁC PHẨM VĂN HỌC ĐỀU DANG DỞ - Nguyễn Thanh Tuấn BƯỚC ĐI CỦA NGÔN NGỮ THƠ MỚI 1932-1945 - TS.Hoàng Sỹ NguyênĐà Nẵng-một mùa văn chương - hoàng Minh TườngNgười họa sĩ của dân - Nguyễn Đình AnQuý phi - Nguyễn Thị Cung MiPhế tích tháp Chăm ở chùa An Sơn - Hồ Tấn TuấnPHẾ TÍCH THÁP CHĂM Ở CHÙA AN SƠN - Hồ Tấn TuấnNhân đọc “Ca dao, dân ca đất Quảng” - Phan Ngọc ThuThơ như sương khói long lanh - Nguyễn Đình VĩnhSự thật chính xác về Bà Thân, Hà Thân hay Hà Thị Thân? - Anh DuyHồ Trường và Nam Phương ca khúc - Nguyễn HồngChuyện nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Canh TiếnQuê nhà, chiều 30…- Mang Viên Long