Máu ngàn đời vẫn tươi - Lê Minh Quốc
Trong sâu thẳm của ký ức, trong những đêm mất ngủ, tôi luôn nhìn thấy hình ảnh của mẹ tôi ngồi ở một góc hầm chắp tay cầu nguyện. Lúc ấy, tiếng pháo kích đã dội vào thành phố Đà Nẵng. Từng chùm hỏa châu sáng lòe rọi xuống mặt đường phố vắng tênh một sắc màu xám xịt. Màu của cái chết đang rình rập đến từng giờ, từng phút. Có “người phu quét đường dừng chổi lắng nghe” không? Tôi không rõ. Chỉ biết rằng, ba tôi - một người tù vừa trở về từ Côn Đảo, từ nhà lao Đà Nẵng đang cắm cúi hý hoáy viết gì đó bên ngọn đèn dầu. Thỉnh thoảng ông lại bảo “Quân mình đã về” và dặn dò mẹ tôi không phải lo lắng quá. Đêm chập chờn âu lo ấy mệt mỏi trôi qua. Sáng hôm sau, vừa mở mắt dậy, tôi đã thấy các ngả đường mọc lên một rừng cờ giải phóng. Như phép lạ. Lúc ấy, tâm trạng của thế hệ chúng tôi như thế nào? Nhà thơ Lê Thị Kim đã nói hộ nhiều người: “Giải phóng! Giải phóng/ Má như trẻ thơ/ Kêu ba ra đón/ cây cũng hoan hô/ Niềm vui đất nước/ Em vội xuống đường/ Mang nhầm cả guốc”. Thơ đã nói một điều rất thật, không hề “lên gân”. Và bây giờ, trong đêm 29.4.2009 cùng đứng trên sân khấu hiện đại của Nhà sách Phương Nam giao lưu với các bạn trẻ “Những năm tháng không quên”, tôi tin rằng, không riêng gì tôi mà nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Lê Thị Kim; nhà văn Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Đông Thức; nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung, Nguyễn Văn Hiên... cũng bồi hồi sống lại những giây phút thiêng liêng đó.
Có một điều rất lạ, đến bây giờ tôi không hiểu vì sao trước một sự kiện vĩ đại như thế nhưng mọi sinh hoạt trong xã hội vẫn nề nếp, hầu như không có gì thay đổi lớn. Chỉ dăm ngày sau, chúng tôi lại đến trường. Vẫn ngôi trường có cây phượng đang lập lòe trổ bông, vẫn chiếc bàn học cũ kỹ, vẫn cái ghế ngồi xộc xệch, vẫn tấm bảng đen và nhất là vẫn những thầy giáo ấy! Chỉ riêng môn Việt văn, nguồi thầy dạy chúng tôi là một “chú bộ đội” trong quân phục màu xanh luôn gợi đến sự phong sương, từng trải. Bài học của “văn học cách mạng” lần đầu tiên tôi biết đến là bài thơ Nhớ con sông quê hương của nhà thơ Tế Hanh. May mắn, vài chục năm sau ra Hà Nội, nghe tôi kể lại chi tiết này, nhà thơ Hoa niên đã rơm rớm nước mắt... Còn “bài ca cách mạng” đầu tiên, tôi biết đến là ca khúc dễ hát, cậu học trò lớp 9 chỉ hát một lần mà nay đã in trong óc: “Trường em lợp ngói đỏ/ Bên hàng cây xanh xanh/ Ngày ngày vang tiếng hát/ Khúc ca vui học hành/ Chúng em thi nhau viết/ Thật đẹp tên Bác Hồ/ Chúng em thi nhau vẽ/ Ngôi sao trên lá cờ”. Ai là tác giả ca khúc này? Xin làm ơn cho tôi biết.
Khi lồng ngực của tuổi mới lớn ưỡn trước nắng mai với nhiều hoài vọng, tôi đã gặp ngọn gió Giải Phóng. Đất nước thống nhất sau nhiều năm tháng chia cắt. Đất nước sau chiến tranh với nhiều lo toan, vất vã. Rồi chiến tranh Tây Nam. Đất nước vừa hòa bình. Đất nước vừa chiến tranh. “Chúng nó muốn nã pháo trên đầu mẹ/ muốn bẻ gãy chiếc đòn gánh tì trên vai mấy ngàn năm/ hối hả áo xanh lên miền biên giới/ chặn bàn tay chém mẹ vết dao đâm..”. Ngày tháng qua mau. Đời sống có nhiều xáo trộn. Đang chuẩn bị học lớp 12, tôi nhận được giấy gọi nhập ngũ. Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đã nổ ra. Trong ba tháng quân trường, sau lễ chào cờ mỗi sáng thứ hai đầu tuần, chính trị viên của tôi thường kết thúc bài nói chuyện bằng hai câu thơ “Tổ quốc ơi hãy trao tôi cây súng/ Thân tôi đã dài vai tôi đã rộng...”. Thơ của ai, tôi không rõ nhưng nay vẫn nhớ như là bài học đầu tiên về tình yêu bảo vệ Tổ quốc. Không còn một lựa chọn nào khác, thế hệ chúng tôi đã trở thành người lính. Như một lẽ tự nhiên.
2.
Bước vào chiến trường, tôi làm thơ. Ngày đó, tôi mới vừa 18 tuổi. Những đêm mưa, trong phiên gác đêm trên một cao điểm sát với biên giới K, tôi đã nghe trong gió hú một nỗi nhớ nhà xa thăm thẳm. Nhớ nhà khủng khiếp. Tôi nhớ đến ly chè đậu đen thật ngọt trước cổng trường Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), tôi nhớ đến cô bạn học cùng lớp dịu dàng như mây trời. Nhưng lúc ấy trước mắt tôi chỉ có bóng đêm và những ngọn lau sậy vật vờ trong gió cuốn. Sau phiên gác, không thể chợp mắt, dưới ngọn đèn dầu chập chờn, tôi nằm sấp trong hầm làm thơ. “Em ơi, đất lửa chiến trướng/ Làm sao vọng lại gió hương bạch đàn/ Mùa xuân ơi! Có hân hoan/ Trăng đêm Đà Nẵng, nắng vàng Tây nguyên”.
Ít lâu sau, chúng tôi bắt đầu hành quân sang đất K. Trên đường đi, tôi đã gặp những anh em TNXP cán thương, tải đạn... gọi nhau ơi ới. Rồi có tiếng mìn nổ. Có người quay về tuyến sau trên chiếc võng toòng teng những máu. Năm tháng này, một thời gian dài, chúng tôi phải sống trong hầm dưới hào công sự và sẵn sàng nổ súng. Cái sống và cái chết chỉ gần nhau như một gang tấc. Tôi lại làm thơ như một cách ghi nhật ký, bởi từng ngày phải đón nhận những điều khủng khiếp mà mình chưa hề chuẩn bị trước, không thể lường trước...
Nếu lúc ấy cả nước bước vào cuộc chiến tranh, tâm trạng chúng tôi đã khác. Khổ nỗi, đất nước vẫn đang hòa bình. Chỉ có tiếng súng nổ ra ở biên giới. Đêm đêm đứng trên chốt, nhìn về phía sau, chúng tôi vẫn còn thấy những ngọn đèn mờ nhạt từ phía Pleiku hắt lên nền trời đen. Như những lời mời gọi rất quyến rũ. Chỉ cần quay đầu, chúng tôi đã có mặt tại đô thị, đã có thể nhân nha vị ngọt hòa bình ngày ngày bình yên vô sự. Nhưng rồi không thể. Chúng tôi lại tiếp tục đi về tuyến lửa. Rồi một buổi chiều nắng úa trên những vòm cây đã bị cụt ngọn bởi hỏa lực, tại một giao thông hào chật hẹp, chúng tôi được kết nạp vào Đoàn. Không còn cờ, không có hoa, chỉ có lời tuyên thệ. Sáng hôm sau, Sư đoàn 307 mở màn chiến dịch đánh thẳng qua K. Từ đó, tôi thật sự trưởng thành người lính. “Cái nắng quái như lửa nung cháy họng/ cổ bỏng lên! ôi khát! ôi nắng/ chúng tôi đi rùng rùng bụi đỏ/ hái lá tai voi nhai suốt chặng đường dài/ ba lô đeo vai/ súng và gạo đeo vai/ vác trái đất nặng ba mươi ký/ chúng tôi hành quân qua Xam- coong Thmây”. Đó là những câu thơ tôi còn ghi trong sổ tay.
Thật ra, lúc bấy giờ, suốt năm tháng hành quân và tác chiến, chúng tôi không có báo để đọc, không có đài để nghe. Vì thế, một lá thư từ hậu phương gửi đến là niềm vui không thể nào tả nổi. Thư viết cho bạn, nhưng mình cũng xin đọc ké cho đỡ buồn. Chỉ trong lính mới có loại “thư tọa độ”. Nghĩa là chúng tôi “san sẻ” cho nhau địa chỉ của những cô gái mà mình biết để bạn mình viết thư làm quen. Thư gửi đi một cách hú họa vì biết đâu sẽ có “bóng hồng” nào đó hồi âm! Nếu được, thì cứ tiếp tục viết thư chia sẻ “buồn vui đời lính”, tha hồ tưởng tượng và bay bổng yêu thương dù không hề biết mặt nhau! Chính nhờ cảm xúc đó, mà trong thời gian ở lính, tôi cũng làm khá nhiều thơ tình. Một mối tình hoàn toàn chỉ có trong tưởng tượng.
Mà cũng phải làm thơ thôi. Như một cách để tìm cái gì đó mà đọc khi sống trong rừng sâu chỉ có mìn, tiếng súng và cái chết rình rập đến từng ngày... “Câu thơ nào bên bếp lửa/ Ngồi hơ lạnh cóng bàn tay/ Áo quần mưa ướt chềm chệp/ Làm thơ rét lạnh không hay/ Câu thơ toòng teng cánh võng/ Nối liền tiền tuyến hậu phương/ Lính nằm vắt chân chữ ngũ/ Đọc thơ ấm cả chiến trường...”.
3.
Đây là năm tháng những cậu tân binh non choẹt rời ghế nhà trường bước vào cuộc chiến, trực tiếp cầm súng và đã trở thành nhà thơ của thế hệ sau năm 1975: Phạm Sỹ Sáu,Thành Nguyễn (Quân khu 7); Lê Mạnh Tuấn, Huỳnh Kim (Quân khu 9); Nguyễn Quốc Trung (Quân đoàn 4); Lê Minh Quốc, Đoàn Tuấn (Quân khu 5)... Thế hệ chúng tôi đứng trong cuộc chiến, lấy chất liệu và cảm hứng từ cuộc chiến để viết. Ngày ấy chúng tôi làm thơ không để in báo, không để tìm mong có một cái danh phận bọt bèo - mà trong cuộc giao lưu này tôi đã tự sự: “Chúng tôi làm thơ để đọc/ Như trồng thêm lúa để ăn/ Như cắt tranh lợp nhà ở/ Làm thơ dưới tiếng pháo gầm”. Đây cũng là năm tháng, các anh Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Đông Thức, Cao Vũ Huy Miên, Đỗ Trung Quân, Phạm Trường Phục, Nam Thiên, Nguyễn Đức Trung... gia nhập TNXP. Họ vác leng, vác xẻng, vác ba lô đi khai hoang vỡ đất và họ cũng là lực lượng cán thương tải đạn, đào hầm, làm cầu đường cho bộ đội chúng tôi đã bám chốt ở tuyến trước. Đến bây giờ, tôi không thể kìm được giọt nước mắt khi nghe ca khúc của anh Cửu Dũng phổ từ thơ của anh Đỗ Trung Quân. Ca khúc này đã đánh thức trong trí nhớ mờ mịt của tôi một hình ảnh mà tôi từng gặp trên đường biên giới 19B: “Anh bộ đội thương binh vừa tỉnh lại sáng nay/ Đã hỏi thăm em người cán thương đêm trước/ Cô ấy ngã mấy lần tôi đếm được/ Mà sao không khóc mới lạ lùng/ Chắc anh hiểu rồi em ở tấm lòng/ Nước mắt chỉ dành cho người ngã xuống/ Nên dù té đau, gai rừng tê chân buốt/ Đâu để vết thương anh rỉ máu hai lần/ Em là người thanh niên xung phong/ Không có súng chỉ có đôi vai cán thương tải đạn/ Giữa tầm đạn thù tấm lòng dũng cảm/ Em vượt đường dài tiếp thêm lửa tiến công”.
Làm sao có thể quên? Làm sao có thể quên cung đường máu- cung đường 19B từ Đức Cơ qua biên giới Kampuchia mà suốt mấy tháng trời Trung đoàn 29, Sư đoàn 307 chúng tôi đã bám trụ giữ chốt và liên tục bổ sung quân. Cũng chính tại đây, tôi đã gặp Đoàn Tuấn. Lúc ấy, tôi đang nằm đung đưa trên võng trong căn hầm thùng thì bỗng nghe tiếng nói của một tân binh: “-Báo cáo hạ sĩ...”. Tôi ngước mắt lên nhìn thì gặp một gương mặt trắng trẻo, môi đỏ, giọng nói Hà Nội, quân phục còn mới, rộng thùng thình. Tuấn là một trong những tân binh được bổ sung khi chuẩn bị mở màn chiến dịch. Lúc ấy, tháng 12.1978. Trời thường mưa. Mỗi sáng được ăn những cục mì đen đúa và cứng như đá. Đã là may, nếu không chỉ ăn toàn bắp luộc, ăn đến phát nôn. Tuấn có một quyển sổ nhỏ, thường giấu ở túi áo, mỗi lần tìm được một câu thơ hay lại ghi vào đó mà sau này đã được tạp chí Văn nghệ quân đội trao giải A. “Mặt chúng tôi gầy như gương mặt núi/ hào phóng như trời xanh/ tính thẳng như nòng súng/ ăn cơm cục/ uống nước đục/ hồn như sông in mây trắng vô tư”, tôi đọc và nhớ thơ của Tuấn đến lúc đã đi hết một chặng đường chiến binh.
Cho đến khi nhắm mắt, lìa bỏ trần gian này, chắc chắn không bao giờ tôi và đồng đội quân khu 5 có thể quên một con số, một dòng chữ giản dị: “Hòm thư 5A 2106 Pleiku (Đoàn 330 chuyển)” đã gắn liền với năm tháng mà anh Phạm Sỹ Sáu đã khái quát: “Đi giữ nước mà trong lòng nhớ nước”. Nhớ nước, bởi chúng tôi giữ nước từ xa, từ vùng đất bên ngoài Tổ quốc. Bây giờ, giao lưu cùng các bạn trẻ thế hệ @ trong tôi lại hiện lên những cánh rừng biên giới mà đồng đội tôi đã ngã xuống. Biên giới, tưởng rằng xa nhưng thật ra lại gần gũi và gắn bó bằng chính máu thịt của mình. Máu của nhiều thế hệ đã đổ xuống ở biên giới và ngoài biên giới, chính vì thế tôi luôn xác tín: “Máu ngàn đời vẫn tươi”...