ĐÀ NẴNG – MỘT MÙA VĂN CHƯƠNG. - Hoàng Minh Tường
Một chủ đích đầy tính nhân văn hay là một trùng hợp ngẫu nhiên văn hóa mà cuộc thi Ký văn học 2009 do Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng tổ chức lại tổng kết đúng vào dịp Đà Nẵng kỷ niệm 35 năm thành phố giải phóng , hòa chung một dải non sông nước Việt ( 29/3/1975 – 29/3/2010).
35 năm , một nửa đời người, một chuỗi thời gian đủ nhận ra sự đổi đời của bao lớp cư dân, sự đổi thay choáng ngợp của thành phố cửa sông Hàn, với những cái tên thân thương: Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Chăm, Bà Nà, Hòa Vang, Túy Loan, Liên Chiểu, Mỹ Khê, Điện Hải…
Một chiều dầy mở nước và giữ nước với những trang lịch sử oai hùng, với một dải non sông cẩm tú, lại được cộng hưởng với 35 năm Đà Nẵng hòa nhập và đổi mới, luôn luôn đi đầu và quyết liệt, đó là chất liệu và cảm hứng để bất cứ người cầm bút nào cũng có thể tạo nên những áng văn chương tiếp cận gương mặt hiện thực của Đà Nẵng hôm nay. Một gương mặt thành phố cửa sông Hàn, một vóc dáng đô thị đang vươn tầm hiện đại, một nội lực tiềm tàng với trầm tích văn hóa, với phong cách và lối sống thấm đẫm tinh hoa xứ Quảng, không cần sơn phết, khoa trương bằng các mỹ từ, cứ gân guốc, ngổn ngang, thô ráp như đời sống, cũng đủ trình bày một Đà Nẵng đang từng ngày thay da đổi thịt xứng tầm một thành phố tâm điểm của miền Trung, có sức dẫn dụ mời gọi mọi đối tác làm ăn, mọi du khách ưa khám phá và thưởng ngoạn…
23 tác phẩm bút ký, phóng sự, ký sự của 19 tác giả tham dự cuộc thi “ ký văn học Đà Nẵng 2009” lọt vào vòng chung khảo, cùng với hàng trăm tác phẩm của hàng trăm tác giả đang sinh sống tại Đà Nẵng và trên khắp mọi miền đất nước gửi về tham dự cuộc thi, đã cộng hưởng vẽ lên phần nào bức tranh toàn cảnh Đà Nẵng thời kỳ đổi mới hôm nay.
Thật hào hứng và xúc động khi được đọc những trang văn tràn đầy tình yêu, niềm tự hào về vùng đất con người Đà Nẵng, những phác thảo tươi rói về nhịp sống sôi động thời hội nhập của thành phố chúng ta qua những trang văn của hàng loạt những cây bút đã trở nên thân thuộc không chỉ với bạn đọc Đà Nẵng : Trần Thị Thu Sương, Nguyễn Trường Tam, Văn Thành Lê, Nguyễn Nhã Tiên, Trần Phú Yên, Lưu Anh Rô, Trần Trung Sáng, Lê Anh Dũng, Nguyễn Đỗ Vĩnh Phong, Phan Minh Mẫn. Hoàng Hương Việt, Nguyễn Xuân Tùng, Minh Thùy, Nguyễn Văn Tám, Phan Vân Trình…Họ viết như một nhu cầu tự thân, như muốn giãi bày, thổ lộ. Đóng vai thư ký của thời đại, họ muốn ghi lại những mảnh đời, những đổi thay, muốn lưu giữ lại những gam màu tươi non của đời sống, những biến ảo kỳ vĩ của một vùng cửa biển sông Hàn.
Có hai dòng cảm hứng chủ đạo được các tác giả dồn tâm huyết trong cuộc thi này. Một là những khúc tráng ca về một Đà Nẵng bứt phá trong công cuộc kiến thiết dựng xây thời mở cửa. Ở đây chân dung con người Đà Nẵng hiện lên như những mảng phù điêu gân guốc, quyết liệt, hàng ngày chống chọi với bão lũ, nắng lửa để tạo lập một một thành phố tâm điểm miền Trung với những đại lộ thênh thang dọc biển Mỹ Khê, những nhịp cầu kỳ vĩ qua sông Hàn, đường cáp treo kỷ lục nối biển Sơn Trà thơ mộng với đỉnh Bà Nà mây phủ .Nguyễn Thị Thu Sương, một nhà báo nữ xông xáo và đắm đuối qua hai bút ký “ Lính làng” và “Khung nhạc xuân”, đã khắc hoạ hình ảnh những người lính xả thân cứu dân trong cơn bão lũ lịch sử Xangsane tưởng muốn san bằng thành phố , những người thợ điện dũng cảm quên mình giữ dòng điện thông suốt trong cơn đại hồng thuỷ miền Trung. Hình ảnh những người thợ áo vàng da cam treo mình trên những đường dây điện trên cao được tác giả ví như những nốt nhạc lặng khiến cho thiên bút ký tưởng chừng khô khan thông tấn bỗng được phủ một màu men đa cảm trữ tình.
Vẫn nối tiếp theo bước chân người lính thời bình dọc dải đất miền Trung, Lê Anh Dũng trong bút ký " Có một Trường Sơn 532" đã ghi lại những kỳ tích thời đổi mới của những người lính Binh đoàn Trường Sơn năm xưa, mà cụ thể là lữ đoàn 532 đóng quân trên địa bàn Đà Nẵng. Người ta nói nước sông công lính với hàm ý trào lộng, nhưng với nghĩa đen hiện thực, quả cũng không ngoa.Nước sông Hàn mênh mông, và công lao của những người lính binh đoàn Trường Sơn tạo nên những công trình kỳ vĩ hai bờ sông Hàn cũng mênh mông như thế. Chính nhờ thế, sông Hàn hôm nay đã khác xa con sông buồn tẻ hoang vắng ngày xưa. Vẫn dòng chảy ấy, giống như khúc sông Đà Giang độc bắc lưu trước khi đổ vào sông Hồng, đoạn cửa sông Hàn uốn mình qua thành phố, cũng vặn mình ngược lên phía bắc để đổ vào vịnh Liên Chiểu , cái đoạn độc bắc lưu độc đáo này giờ đã thành hồn vía của Đà Nẵng, trở thành huyết mạch, thành đại long mạch, một tuyệt tác thiên nhiên ban tặng cho Đà Nẵng. Dòng sông kỳ vĩ trữ tình đến mức, một nữ giám đốc xuất khẩu đồ gỗ và chủ nhân của chiếc tàu du lịch trên sông Hàn đang có ý định tái hiện một bến đò ngang để chở du khách giữa " thăm thẳm thời gian và hồi ức", tạo " con đường hành hương khơi gợi mọi trí tưởng tượng về cõi vô tận", như trong bút ký "Lãng du một khúc đồng dao" của Nguyễn Nhã Tiên.
Dòng cảm xúc thứ hai dễ nhận biết trong cuộc thi này là dòng tự sự trữ tình giàu cảm hứng sử thi về một vùng đất kiên cường bất khuất trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, về những con người chân chất, nhân hậu nhưng đầy khí phách, trung kiên, về những miền quê thân thương với bao hoài niệm đủ làm hành trang cho cả đời người. “Lãng du một khúc đồng dao” của Nguyễn Nhã Tiên, “Đồng vọng Tuý Loan” của Trần Phú Yên, “ Nghìn năm vàng dấu cát” của Văn Thành Lê, “ Dọc miền tây bắc Hoà Vang “ của Lưu Anh Rô, " Thành phố nhỏ của tôi" của Nguyễn Đỗ Vĩnh Phong, " Mùa xuân đầu tiên của một người Việt Nam" của Trần Trung Sáng ...là những tác phẩm tiêu biểu cho dòng cảm hứng này. Theo chân tác giả Nguyễn Nhã Tiên trong chuyến điền dã dọc con sông Lỗ Đông , người đọc bị dẫn dụ ngay từ đầu cùng khúc đồng dao của đám trẻ bên cồn cát. Và cứ thế, một Đà Nẵng bình yên thơ mộng tưởng như chưa hề trải qua những năm tháng khốc liệt chiến tranh, một Đà Nẵng của những tầng vỉa văn hoá, đậm đặc nhân văn cứ trôi theo dòng sông tới cửa biển Hàn Giang.
Cũng dòng cảm xúc ấy, Trần Phú Yên lại đưa người đọc tới một làng quê có bề dày truyền thống hơn 500 năm trước. Làng cổ Tuý Loan. Thật khó tin, qua bao tang thương dâu biển, bao khoí lửa binh đao mà vẫn còn lưu giữ hồn cốt một làng Việt cổ từ thuở vị vua anh minh Lê Thánh Tông đi mở cõi. Cái làng quê xanh um bóng cau tre bên dòng sông Tuý Loan trong lành thơ mộng ấy, không ngờ chỉ cách trung tâm đô thị náo nhiệt chừng mười lăm cây số. Cùng hợp lưu với dòng Túy Loan, là sông Cầu Đỏ, sông Yên, sông Cẩm Lệ, như những dòng cổ tích in bóng những làng quê với tầng tầng văn hóa và lớp lớp trầm tích thời gian...
Và, Nguyễn Trường Tam với " Gặp lại bên sông Hàn",nhớ về mối tình thầm lặng với người con gái sông Hàn để khắc họa nét thủy chung nhân hậu của Đà Nẵng, Lưu Anh Rô với phóng sự “ Dọc miền tây bắc Hoà Vang”, đưa ta về với "cửa ải" Đại La, vùng tây bắc Hòa Vang, nơi ghi dấu trận chiến đầu tiên với giặc Pháp năm 1947, nơi khơi nguồn cho nhà thơ Khương Hữu Dụng viết bản trường ca " Từ đêm 19", nơi có làng Khê Lâm với ngôi mộ bị xiềng của quan Khâm Nguyễn Hữu Lịch, một người chống cả triều đình nhà Nguyễn, chống cả Tây để chứng tỏ lòng tận trung với nước. Chân dung con người Đà Nẵng, tuy chỉ là những nét phác thảo, chấm phá, có khi chỉ là một đường viền qua một ký họa về một người Việt Nam đặc biệt : ông Andre Menras Hồ Cương Quyết ( trong bút ký của Trần Trung Sáng), nhưng vẫn sắc nét một tính cách xứ Quảng , kiên trung bất khuất mà nhân ái bao dung.
Góp phần bổ sung cho mảng "nhân vật chí", " dư địa chí " của Đà Nẵng và đẩy dòng cảm xúc sử thi lên mức cao trào là bút ký " Ngàn năm vàng dấu cát" vủa Văn Thành Lê. Tác giả chỉ làm công việc của người ghi chép, đi gặp lần lượt những người con của Đà Nẵng từng hiện diện ở " Bãi Cát Vàng" từ những năm 1969 đến ngày 19 tháng 1 năm 1974, ngày Hoàng Sa thất thủ. Đó là ông già 82 tuổi Nguyễn Nhự ở thôn Bắc An xã Hòa Tiến huyện Hòa Vang, nhân viên Trung tâm khí tượng Đà Nẵng từng ba lần ra Hoàng Sa sống và đo gió đo mưa ở đó trong các năm 1969 -1972 với tổng cộng thời gian gần bốn trăm ngày. Đó là anh Lê Lan, hiện sống ở phường Sơn Phong, Hội An, ra Hoàng Sa từ năm1971, khi vừa tròn 19 tuổi và người thầy dạy câu cá cho anh là ông Tạ Song, 75 tuổi, đang sinh sống ở phường Minh An, Hội An. Nhắc đến Hai Song, những ai từng ở Bãi Cát Vàng đều không thể quên người y tá Ban quân y chi khu Điện Bàn có nghề phụ câu cá đến mức kỳ tài. Đó là các ông Khôi hiện ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu, ông Nguyễn Giáo ( đã mất) ở thôn Bắc An, Hòa Vang, anh Nguyễn Văn Cúc, hiện ở tổ 11 Phước Mỹ, Sơn Trà; ông Trương Quá, ông Nguyễn Phú Lộc ở Ngã ba Phú Lộc, ông Phạm Ngọc Chung hiện ở phường Minh An, Hội An...những con người gần như vô danh đang mưu sinh bằng đủ loại nghề ấy là những chứng nhân của Hoàng Sa, "ngọn hải đăng" giữa trùng khơi của nước Việt. Họ đã từng trấn giữ đồn tiền tiêu của Tổ quốc, mà ông cha ta từng khai mở hàng trăm năm trước, với tình yêu nước và tinh thần quả cảm anh dũng tuyệt vời.
Cẩn trọng tìm gặp và ghi chép, như nhà sưu tập công phu và tâm huyêt, rồi bằng một giọng văn trần thuật giàu cảm xúc, Văn Thành Lê đã mở ra cho người đọc những trang sử bi hùng của một phần non sông nước Việt giao cho Đà Nẵng quản lý. Không ghi lại, có thể chỉ vài ba năm nữa thời gian và thế thái nhân tình sẽ vùi lấp vĩnh viễn... Đọc những trang đời về Hoàng Sa mà nhói buốt trong lòng, rưng rưng một tình yêu xứ sở." Ngàn năm vàng dấu cát" của Văn Thành Lê xứng đáng đoạt giải cao nhất của cuộc thi này, vì lễ văn chương đã đồng hành cùng cuộc sống, người viết, qua chân dung một Đà Nẵng chìm khuất, đã chạm vào huyệt đạo của tình yêu Tổ quốc.
Vậy là cuộc thi đã tạo một dấu ấn, có sức âm vang. Với 9 tác phẩm được giải, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Đà Nẵng đã có trong tay một tập ký sự phóng sự xinh xắn, như một mùa văn chương đầy hương sắc, một món quà đầy ý nghĩa mừng công trong ngày kỷ niệm 35 năm thành phố giải phóng.
Tất nhiên, để ngang tầm với Đà Nẵng thời mở của và hội nhập hôm nay, văn chương còn có một khoảng cách khá xa. Biết bao công trình , biết bao tấm gương , biết bao cảnh đời phải được thể hiện trên trang giấy...Tin rằng những công việc ấy vẫn đang thôi thúc, vẫn đang am thầm nung nấu những cây bút yêu mến và gắn bó với Đà Nẵng.