Hồ Trường và Nam Phương ca khúc - Nguyễn Hồng

17.02.2011

Hồ Trường và Nam Phương ca khúc - Nguyễn Hồng

Vào đầu thế kỷ hai mươi có một bài thơ đăng trên Nam Phong tạp chí và ngay lập tức nổi tiếng trong giới chí sĩ lúc bấy giờ. Đó là bài Hồ trường của Nguyễn Bá Trác (1881-1945).

Khi nhắc đến bài Hồ trường bạn đọc đinh ninh rằng bài thơ trên do Nguyễn Bá Trác sáng tác. Cho đến năm 1998 trên báo Tuổi Trẻ chủ nhật có đăng một bài của Đông Trình dẫn lời Nguyễn Văn Xuân cho biết bài Hồ Trường do Nguyễn Bá Trác dịch lại từ một ca khúc của Trung Quốc.


I. Nguồn gốc lời ca Hồ Trường

Trong khoảng thời gian từ năm 1909 đến năm 1914 Nguyễn Bá Trác có chuyến đông du từ Sài Gòn sang Xiêm La - Hương Cảng - Nhật - Trung Hoa - rồi về Việt Nam. Trong chuyến đi này ông có thiên ký sự “Hạn mạn du ký” gồm 14 chương.

Tại chương 10 “Tại Thượng Hải gặp người đồng hương” của thiên ký sự này, tác giả cho biết Hồ trường có xuất xứ từ bài “Nam phương ca khúc”: Vào khoảng năm 1912, khi lưu lạc ở Thượng Hải, tác giả gặp một người đồng hương cùng chí hướng, người này có giọng hát hay (giọng Quảng Đông). Một đêm nọ, hai người đi uống rượu, “rượu ngà ngà, Nguyên quân đứng dậy mà hát” (lời Nam phương ca khúc), ở bàn bên cạnh, một võ quan họ Lưu, người Trực Lệ, nghe điệu hát, sang hỏi là điệu gì, được trả lời: “Ấy là một điệu đặc biệt ở phương nam” (1), họ Lưu nói “nghe tiếng bi mà tráng, nhiều hơi khảng khái, nam phương mà có điệu hát đến thế ru?”. Sau đó họ Lưu xin người hát chép ra giấy lời ca ấy để giữ xem.
Về mặt văn bản mà xét, thì bài ca ấy không rõ tựa đề, không biết tác giả, Nguyễn Bá Trác chép lại toàn vẹn Nam phương ca khúc. Và khi Hạn mạn du ký được sang chữ Việt thì lời ca này đã được dịch rất thoát, tuy nhiên nó vẫn là “lời ca” minh hoạ cho văn cảnh ấy chứ không phải “bài thơ hồ trường” như nhiều người từng gọi.

Nam phương ca khúc (NPCK) được đăng lần đầu tiên theo thiên ký sự Hạn mạn du ký (HMDK) của Nguyễn Bá Trác trên Nam Phong tạp chí phần chữ Hán số 30, trang 214 năm 1919.

Cũng vì vậy, trong bài viết này, người viết xin gọi theo cách cũ là “Lời ca hồ trường” (2). Hồ trường so với Nam phương ca khúc có nhiều điểm khác biệt. Người dịch đã linh động nương theo âm điệu tiếng Việt và có chỗ thêm tứ có chỗ bớt lời, khéo giữ được cái thần thái hào sảng của nguyên tác.


II. Nam phương ca khúc

Phiên âm:

Trượng phu sanh bất năng phi can chiết hạm vị thế phù cương thường
Tiêu dao tứ hải, hồ vị hồ thử hương
Hồi đầu nam vọng mạc vô cực hề, thiên vân nhất sắc đồ thương thương
Lập công bất thành, học bất tựu, thiếu tráng hữu cơ thời hề, toạ thị bách niên thân thế khu âm dương
Phủ chưởng cuồng ca vấn tư thế, mang mang thiên địa, an đắc tri nhất tri kỷ hề, , thí lai đối chước hữu dư thương.
Dư thương trịch hướng đông minh thủy, đông minh chi thủy vạn đội khởi cuồng lan
Dư thương trịch hướng tây sơn vũ, tây sơn chi vũ nhất trận hà uông dương
Dư thương trịch hướng bắc phong khứ, bắc phong dương sa tẩu thạch phi thù phương
Dư thương trịch hướng nam thiên vụ, vụ trung hữu nhân khai khẩu nhất ẩm cừ nhiên túy
Thiên địa vũ trụ hồn tương vong, dư bất túy hĩ, dư hành dư chí
Nam nhi tự cổ sự tang bồng, hà tất cùng sầu khấp phần tử


Dịch nghĩa:

Kẻ trượng phu sống mà không vạch gan, bẻ cột lo giềng mối cho đời
Rong chơi bốn biển, quê hương ở nơi đâu?
Quay đầu trông về nam, miệt mù vậy hỉ! Trời mây nối màu xanh ngắt
Lập công chẳng được, học không xong, trai trẻ có bao lâu, ngồi ngó trăm năm, thân đuổi cuộc sớm chiều.
Vỗ tay hát khùng, hỏi đời kia, đất trời mờ mịt vậy, một người tri kỷ tìm ở đâu, thử đến giúp ta rót chén rượu này
Ta quăng chén rượu đầy trộn nước biển đông, nước biển đông nổi cuộn vạn lớp sóng
Ta quăng chén rượu đầy vào mưa núi tây, mưa núi tây một trận sao lênh láng
Ta quăng chén rượu đầy đuổi theo gió bắc, gió bắc tung cát lăn đá bay nơi khác
Ta quăng chén rượu đầy vào mây mù trời nam, trong mây mù có người há miệng điềm nhiên say tràn
Trời đất dọc ngang đều mất hết, sao ta không say, chí ta thời ta làm
Từ xưa nam nhi đuổi theo tang bồng, cớ gì sùi sụt sầu cố hương.


III. Lời ca Hồ trường

Nguyên bản trích từ Nam Phong tạp chí số 41 năm 1920. Trang 400 – 401 (giữ nguyên các lỗi sai so với chính tả ngày nay)

1. Trượng phu không hay sé gan bẻ cột phù cương thường;
2. Hà tất tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương
3. Trời nam nghìn dậm thẳm, mây nước một mầu sương
4. Học không thành, danh chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thể bóng tà dương.
5. Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
6. Hồ trường! Hồ trường! ta biết rót về đâu?
7. Rót về đông phương, nước bể đông chẩy xiết sinh cuồng lạn;
8. Rót về tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan
9. Rót về bắc phương, ngọn bắc phong vì vụt, đá chạy cát dương;
10. Rót về nam phương, trời nam mù mịt, có người quá chén, như điên như cuồng
11. Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết, lòng ta hay
12. Nam nhi sự ngiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.


Qua lời ca Hồ trường này, chúng ta thấy các bản in lại có nhiều chỗ khác biệt. Các điểm sai lệch quan trọng có thể kể:

Ở câu 1: có vài bản in là bẻ cật (có lẽ do liện hệ gan - cật nên thành xé gan bẻ cật thay vì bẻ cột). Ở câu 2: nhầm thành tha phương (nguyên bản là “tha hương”).

Ở câu 4: hầu hết các bản in lại đều là “thân thế” (nguyên bản là “thân thể”), tuy nhiên, ở đây có lẽ bản gốc Nam Phong sai vì trong NPCK chữ Hán dùng chữ “thân thế”.

Ở câu 5: có vài bản in “vỗ gươm mà hát” (thay vì “vỗ tay”) và tiếp đó là “nghiêng bầu mà hỏi” (thay vì “nghiêng đầu”). Ở câu 9 hầu hết các bản đều in “ngọn bắc phong vi vút” (thay vì “vì vụt”)…

Bài viết khác cùng số

Nghĩ về sự đổi thay của Đà Nẵng - Đinh Văn DũngSông Hàn huyền thoại - Nguyễn Thị HươngCái được lớn nhất trong hơn mười năm qua là được lòng dân - Nguyễn Bá ThanhĐi thi chuyên viên - HoàngMáu ngàn đời vẫn tươi - Lê Minh Quốc Kỳ diệu Kỳ Anh- Thanh QuếCơn lốc từ sông Vàm Cỏ Đông- Tô PhươngLục bát múa, Thi sĩ - Phạm Phú HảiCô dâu đất QuảngThơ Haiku -Nguyễn Nho Đinh DuyThiền thơ - Nguyễn KiênGiọt nước mắt sinh thành - Nguyễn Hồng ÂnDốc đỏ - Phạm Thế ChấtBà Nà - Ngô MinhÔng Ích Khiêm - Trần Vạn GiãĐÀ NẴNG – MỘT MÙA VĂN CHƯƠNG. - Hoàng Minh TườngVĨNH BIỆT NGUYỄN ĐỨC HẠNH Người họa sĩ của dân - NGUYỄN ĐÌNH ANMỌI TÁC PHẨM VĂN HỌC ĐỀU DANG DỞ - Nguyễn Thanh Tuấn BƯỚC ĐI CỦA NGÔN NGỮ THƠ MỚI 1932-1945 - TS.Hoàng Sỹ NguyênĐà Nẵng-một mùa văn chương - hoàng Minh TườngNgười họa sĩ của dân - Nguyễn Đình AnQuý phi - Nguyễn Thị Cung MiPhế tích tháp Chăm ở chùa An Sơn - Hồ Tấn TuấnPHẾ TÍCH THÁP CHĂM Ở CHÙA AN SƠN - Hồ Tấn TuấnNhân đọc “Ca dao, dân ca đất Quảng” - Phan Ngọc ThuThơ như sương khói long lanh - Nguyễn Đình VĩnhSự thật chính xác về Bà Thân, Hà Thân hay Hà Thị Thân? - Anh DuyHồ Trường và Nam Phương ca khúc - Nguyễn HồngChuyện nhà văn Nguyễn Văn Xuân - Canh TiếnQuê nhà, chiều 30…- Mang Viên Long