Pho tượng mỹ nữ

03.11.2008

Pho tượng mỹ nữ

Truyện ngắn
 

Chuyến ấy Tuấn được cùng đoàn Kiến trúc sư Việt Nam sang thăm La Mã để học tập, nghiên cứu về nền kiến trúc cổ đại của họ. Tuấn là một kiến trúc sư trẻ, đang có công trình nghiên cứu về nghệ thuật kiến trúc cổ phương Đông nói chung và nước nhà nói riêng. Chuyến tham quan sẽ giúp anh hiểu biết thêm về nền kiến trúc phương Tây để nhìn rõ hơn về nghệ thuật kiến trúc phương Đông. Anh hào hứng lắm, nhất lại là lần đầu tiên anh được đi một chuyến thực tế đầy bổ ích như thế.

Đến La Mã các anh thực sự bị choáng ngợp bởi một nền kiến trúc thật sự vĩ đại, huy hoàng. Điều gì các anh cũng thấy thật quen qua phim ảnh, sách báo rồi mà vẫn thật lạ lẫm...

Đến hôm trước, hôm sau anh đã được Nhuận, một người bạn trong đoàn rủ đi xem một triển lãm về nghệ thuật truyền thống phương Đông, trong khi các anh em khác thì đi thăm công viên, thăm phố phường, đi chợ… Cũng hay… Anh cũng đang muốn biết qua triển lãm xem họ đã nói được gì về phương Đông... Thế là hai anh em kéo nhau đi xem luôn. Nhà triển lãm cách nơi ở của đoàn cũng không xa lắm...

Tòa nhà triển lãm khá rộng. Mỗi một gian lớn trưng bày một loại hình nghệ thuật. Có gian dành cho hội họa với đủ các loại tranh truyền thống như thuốc nước, khảm trai, sơn mài, lụa, giấy dó, khắc gỗ, khắc đá, tranh ghép tre nứa, thêu vải.... Có gian toàn là đồ gốm sứ mỹ nghệ. Sứ Giang Tây xen lẫn gốm Bát Tràng, Bình Dương. Đồ cổ thời Minh,Thanh bày cùng đồ cổ thời Đinh, Lê, Lý, Trần... Gian nào trưng bày trông cũng thật hoành tráng, hấp dẫn. Người xem thì đông, chật cứng từng phòng. Người họ lại cao, Tuấn và Nhuận cứ phải cố kiễng chân lên mới xem được. Thì ra nghệ thuật phương Đông cũng hấp dẫn phương Tây lắm. Hai người cứ đi xem hết gian này đến gian khác. Rồi lại bất ngờ Tuấn và Nhuận gặp một gian trưng bày toàn đồ đá mỹ nghệ. Cũng đủ các tác phẩm: Nào là tượng người, voi, hổ, đại bàng, sư tử... nào là cái khay, cái tráp, bộ ấm chén bằng đá...Trông cái nào cũng thấy toát lên sự khéo léo, tinh xảo của những bàn tay thợ đá tài hoa. Trong đó các anh đoán chắc có nhiều thứ được đưa sang từ Việt Nam ... Rồi bỗng cả hai đều giật mình, sững sờ trước pho tượng một thiếu nữ khoả thân. Một pho tượng thật tuyệt mỹ. Sự tinh xảo không thể chê vào đâu được. Đó là một pho tượng đá trắng - giống như loại đá trắng xứ núi Ngũ Hành quê anh. Tượng tạc một cô gái khoả thân hết sức cân đối, hài hoà kiều diễm, phô phang mà vẫn kín đáo, mộc mạc chân quê mà vẫn thanh cao, thánh thiện... Mái tóc cô mềm mại chảy dài vắt qua vai chéo ngang ngực xuống bụng phủ lên hai đùi,… Bộ ngực cô thì căng tròn nổi những vân đá ly ty khiến cho người xem như cảm thấy có từng mạch máu đang rần rật chảy dưới làn da trắng mịn.... Khuôn mặt cô cũng thật khả ái. Một khuôn mặt trái soan rất thanh tú mà vẫn đầy đặn, phúc hậu. Tay trái cô đặt ngang đùi, nhẹ nhàng nâng mái tóc mềm mại che khuất một phần bụng dưới. Tay phải cô cầm nhẹ một đoá sen vừa mới xoè nở... Khuôn mặt cô yểu điệu nghiêng xuống đoá sen. Đôi mắt cô đăm đăm nhìn đoá sen trông vừa có vẻ suy tư, vừa như có phần e lệ... Thật là một pho tượng tuyệt vời. Các nghệ nhân quê Tuấn cũng đã tạc nhiều tượng thiếu nữ nhưng thực sự anh chưa thấy có pho tượng nào được như thế này. Thật chẳng kém gì pho tượng Nữ thần sắc đẹp mà anh đã được thấy qua tranh ảnh... Pho tượng chỉ cao chừng ba mươi phân, rất thanh nhẹ. Tiếc rằng họ không ghi giới thiệu là của nước nào...

Tuấn và Nhuận nắm tay nhau cùng đứng lặng ngắm pho tượng. Rồi nhìn kỹ, Tuấn lại bỗng giật mình khi nhận ra pho tượng có khuôn mặt thật giống Mai... của anh.

Mai cùng quê Tuấn. Mai là một cô gái đẹp có tiếng vùng đá núi Ngũ Hành. Mai kém Tuấn ba tuổi. Cô là con một gia đình thợ đá nổi tiếng từ xưa. Các cụ cao niên trong vùng vẫn thường kể lại rằng ngày xưa ông cố Mai là một nghệ nhân tài hoa, đã được nhà Vua vời về kinh tạc tượng cho các lăng tẩm, đền đài... Cụ đã tạc tới hàng trăm pho tượng đá, đã được nhà vua phong là "Kim thủ nghệ nhân khả phong", nghĩa là nghệ nhân có đôi bàn tay vàng... Nối nghiệp cha ông, ngày nay cha, chú bác, anh em Mai đều chỉ làm nghề đá mỹ nghệ... Mai lại cũng rất có năng khiếu hội họa, rất yêu nghề đá cổ truyền của quê hương nên khi học xong trung học phổ thông Mai không đi thi đại học mà vui vẻ ở nhà làm nghề cùng gia đình... Hiện tại Mai đã là một tay thợ giỏi không kém gì nhiều thợ giỏi khác... Nhiều người đã nhận xét tương lai Mai sẽ là một nghệ nhân có đôi tay vàng như ông cha xưa...

Tuấn và Mai thân nhau đã từ lâu. Mai vẫn thường động viên Tuấn cứ yên tâm tập trung cho sự nghiệp. Ở nhà Mai sẽ hết lòng chờ đợi anh, giống như ông Mai đi tập kết, bà Mai ở nhà đã một mực đợi chờ cho đến tận ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước…

Thấy Tuấn có vẻ mê pho tượng, Nhuận khẽ vỗ vai bạn hỏi:

- Cậu mê lắm hả?

- Ừ... Cậu còn phát hiện ra điều gì không?

- Còn gì nữa ?

- Về... khuôn mặt cô ấy… rất giống với Mai... cậu còn nhớ Mai không?

Nhuận hào hứng hẳn lên:

- Nhớ... nhớ...Hồi cuối năm ngoái một lần về quê cậu chơi, cô ấy đã đến ăn cơm với bọn mình mà...Hì..Hì... quên sao được "ý trung nhân" của cậu... Với lại cậu chả thường xuyên nhắc đến và cho bạn bè xem ảnh cô ấy là gì ?...Ừ, giống lắm...

Tuấn nhìn bạn gật đầu rồi thong thả tiếp lời:

- Tớ muốn mua quá... Một là để kỷ niệm chuyến đi này... hai là... để về tặng Mai, tặng cho những người thợ đá mỹ nghệ của Mai… thực tình từ lúc trông thấy pho tượng, tớ chỉ khao khát mong sao tài nghệ của dân thợ quê tớ cũng được như thế này... Pho tượng tuyệt vời quá !Thật là một tuyệt tác, một đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình đá mỹ nghệ...

- Thế thì mua luôn đi thôi...Tặng phẩm này đem về tặng cho Mai, cho những người thợ đá ấy thì còn gì bằng…

Bỗng nhìn thấy Tuấn có vẻ ngần ngừ, phân vân Nhuận biết ngay là còn có khó khăn về vấn đề tài chính... Anh liền vỗ vai bạn cười:

- Không đủ tiền chứ gì ?…. được, yên tâm đi…

Khi hai người trở về, Nhuận liền nói chuyện với mọi người... không ngờ ai cũng vui và gom đủ tiền cho anh. Pho tượng giá cũng không cao lắm, nên việc Tuấn mượn tiền của anh em mua pho tượng chẳng khó khăn gì ...

                                                       ***

Chuyến đi kết thúc tốt đẹp. Thế mà khi về, bao nhiêu công việc ập đến làm Tuấn bù đầu suốt ngày. Đến hơn tháng sau Tuấn mới tranh thủ mang được pho tượng về tặng cho Mai, cho bà con...

Nghe tin anh đi Tây về, lại có quà đặc biệt... ai cũng háo hức giục nhau đến xem. Trà thơm, thuốc ngon được chính tay Mai chuẩn bị. Chả mấy chốc bà con đã đến khá đông, ngồi chật cả gian nhà. Toàn là anh em bà con thợ đá. Ai cũng cười nói vui vẻ và nóng lòng muốn được xem ngay món quà của Tuấn. Tuấn thì càng ra vẻ quan trọng làm cho mọi người càng thêm hồi hộp.

Pho tượng được Tuấn đóng trong một chiếc hộp cát- tông vuông, dán kín bày sẵn trên bàn. Ai cũng chăm chú nhìn gói quà của Tuấn. Nhiều tiếng lao xao hỏi nhau, đố nhau mà không ai biết là món quà gì bên trong.

Chờ cho đông đủ mọi người, Tuấn mới thong thả lên tiếng:

- Kính thưa các cụ, các ông bà, các bác... sang thăm bên ấy, cháu được học tập, mở mang nhiều lắm... bổ sung được rất nhiều điều bổ ích cho công trình đang nghiên cứu của cháu. Nghệ thuật kiến trúc cổ La Mã quả là một nền kiến trúc vĩ đại... Lại cũng rất may... là chúng cháu gặp được một triển lãm về nghệ thuật truyền thống phương Đông... Không biết họ sưu tập từ bao giờ mà triển lãm hết sức phong phú... Họ đã nói được rất nhiều về nền nghệ thuật truyền thống của phương Đông ta... Cũng rất nhiều kiệt tác về mỹ thuật, về đồ gốm, đồ đá... nhưng là của Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên hay Việt Nam... thì chúng cháu không phân biệt được. Đến xem triển lãm, cháu đã mua được một tác phẩm cực kỳ tinh xảo. Tác phẩm đó chắc chắn là của một tay thợ tài hoa đệ nhất, nếu chưa nói là thiên tài... Cháu mua về xin tặng các cụ, các ông các bác… để mọi người cùng chiêm ngưỡng, học tập... Nghề đá mỹ nghệ truyền thống của quê ta thì các cụ, các bác đã biết rồi... thực sự cũng chẳng kém gì thiên hạ... Nhưng có được một tác phẩm như thế này thì... xin các cụ thứ lỗi… đúng là bà con ta còn phải luyện tay nghề nhiều…

- Gì mà ghê thế…

- Thì mở nhanh ra xem nào…

- Sốt cả ruột…

Có nhiều tiếng xì xào nổi lên... Người thì xuýt xoa đầy vẻ thán phục... người giục anh nhanh bóc mở…

Không muốn kéo dài thêm sự nóng ruột chờ đợi của mọi người, Tuấn nhanh nhẹn bóc hộp quà. Anh nhấc pho tượng đặt ra bàn... Khi Tuấn hí hửng chờ đợi sự thán phục, ngợi khen của mọi người... thì lạ thay mọi người lại cười ồ lên ... làm cho Tuấn tưng hửng, ngơ ngác không hiểu ra sao. Rồi mọi người dừng bặt tiếng cười khi bố Mai đứng lên vỗ vai Tuấn nói:

- Bà con chúng tôi rất cảm động và rất cám ơn tấm thịnh tình của anh... Qua món quà rất giá trị này chúng tôi hiểu tấm lòng của anh đối với nghề truyền thống của xứ ta... nhưng thưa anh, anh có biết pho tượng mà anh gọi là kiệt tác này là của Tầu, của Nhật... hay của nước nào không?

Bố Mai dừng lời vui vẻ nhìn Tuấn như chờ đợi câu trả lời của anh. Tuấn thì bỗng trở nên lúng túng... anh chưa hiểu ra thế nào. Khi được ông bố Mai hỏi thế thì anh chỉ còn biết lý nhí trả lời "Dạ... không ạ!”. Mọi người lại vừa vui vẻ nâng chén trà thơm vừa như thúc giục bố Mai nói. Ông bố Mai uống một chén nước rồi vỗ vỗ vào pho tượng nhìn Tuấn nói :

- Chắc… anh không thể ngờ…

Mặt Tuấn đã hơi đỏ lên. Anh chăm chăm nhìn ông bố vợ tương lai như hồi hộp chờ đợi một điều gì đó… Bố Mai thong thả nói tiếp:

- Nó chính là... là tác phẩm sinh ra từ xứ này đó… Mấy anh em thợ chúng tôi đã cùng tạc ba pho tượng như thế này… Nếu anh không tin thì cứ lật pho tượng lên mà xem… Dưới đế tượng còn có mấy chữ viết tắt rất nhỏ là "N.H.S" đó...

Vừa nói ông vừa lật ngược pho tượng giơ cho mọi người xem. Tất nhiên không cần xem mấy chữ ấy thì ai cũng đã nhận ra tác phẩm của mình rồi. Riêng với Tuấn thì thực sự anh không ngờ vì chữ khắc hơi nhỏ và anh lại chưa lật đế tượng lên xem...

Ông bố Mai lại nhìn pho tượng nói tiếp:

- Pho này chúng tôi gửi vào triển lãm tại Thành phố Hồ Chí Minh... chắc nhà sưu tập tranh tượng quốc tế nào đã mua mang về bên đó… Hai pho sau còn đẹp hơn nhiều, tinh xảo hơn nhiều...

Nói đến đấy ông liền ngoảnh lại bảo Mai bê ra hai pho nữa. Phút chốc ba pho tượng được cùng bày trên bàn. Hai pho sau đúng là có đẹp hơn. Ai cũng cười vui, gật gù vẻ hồ hởi mãn nguyện...Tuấn thì vẫn còn tỏ ra bối rối, nhưng anh cũng thật vui . Rồi anh cũng trở lại bình tĩnh nói:

- Quả thực... cháu cũng không ngờ... lâu, bận quá ít về... nên cháu không biết tài năng của bà con quê ta lại đã tiến bộ, đã đạt đến mức này...

Mọi người lại cười vui... Cuối cùng ông bố Mai nói tiếp:

- Không sao... đây cũng là một sự ngẫu nhiên, tuyệt vời... Chúng tôi hết sức cảm ơn anh...vì rất tình cờ mà chúng tôi hiểu thêm được tay nghề của mình.... Việc anh mua pho tượng này từ bên ấy về là một minh chứng... Thật không ngờ tác phẩm của mình lại đã được bay sang dự triển lãm tận bên phía trời Tây kia... mà chính anh cũng đã nhầm tưởng là một kiệt tác của một quốc gia nào đó... Thôi, pho tượng này từ nay chúng tôi sẽ không đưa đi đâu nữa... Chúng tôi sẽ chọn bày ở một nơi trang trọng nhất ... Quả là một pho tượng thiêng... nó đã được đi đến nửa vòng trái đất rồi lại được quay trở về với cái nơi mình đã sinh ra...

Bố Mai vừa dứt lời thì tiếng vỗ tay rào rào nổi lên làm cho Tuấn cũng thực sự vui hơn và nhận thấy việc làm tưởng như vô nghĩa của mình lại hoá ra hay…

Bỗng ông San, một ông chú của Mai ngồi bên Tuấn lại khẽ nắm tay anh hỏi:

- Còn về khuôn mặt bức tượng… anh có biết chúng tôi lấy từ khuôn mẫu nào không?

Tuấn nhìn ông chú nọ rồi liếc sang phía Mai như thay cho câu trả lời. Ông chú Mai gật gật đầu thừa nhận.

Mai cũng rất vui, rồi khi nhìn bố nháy nháy mắt cô liền đứng vụt dậy chạy vào nhà... Chỉ trong giây phút cô đã hai tay hai chai rượu trắng xách ra. Thấy vậy mọi người lại vỗ tay reo lên:

- Đúng rồi... đúng rồi... phải có cái đó chúc mừng mới được...Hì! Hì! Hà! Hà! ... Hoan hô cô Mai... Hoan hô cô Mai...

Căn nhà lại đầy ắp niềm vui và tiếng cười. Rồi rượu được Mai nhanh chóng rót ra từng ly đã chuẩn bị sẵn... Mọi người cùng đứng dậy và bước đến chạm ly chúc mừng Tuấn. Tuấn thì cứ như người chưa uống đã say. Mặt anh tươi tỉnh, hồng hào hẳn lên. Anh cứ hết nhìn pho tượng rồi lại nhìn Mai. Và anh cũng bắt gặp nhiều cái nhìn đằm thắm của Mai... Với anh, niềm vui hôm nay thực sự là một niềm vui không sao tả hết...

                                                             NB 3. 2008

THANH THẢN