Chiếc chìa khóa
Ông hơn bà năm tuổi, cùng nghỉ hưu một tháng. Tham gia công tác lâu nên tiền lương hưu của hai vợ chồng cũng không đến nỗi nào. Bà thương chồng, mỗi kỳ nhận lương, bao giờ cũng bỏ vào ví của ông mấy trăm để ông có cái tiêu vặt. Mấy đứa con đều có gia đình, đứa nào cũng làm ăn phát đạt nên thỉnh thoảng cũng biếu cha một ít.
Nhưng bà lấy làm lạ, vài ba lần đem quần áo của ông bỏ vào máy giặt, mở chiếc ví từ túi quần ra xem thử,bà thấy chỉ toàn giấy tờ. Sinh nghi, lần sau, mới đưa tiền cho ông vài ngày bà liền kiểm tra. Cái ví vẫn như lần trước, không một đồng. Chẳng lẽ chồng mình chơi đề hay cá độ? Không, bà biết ông ghét cay ghét đắng mấy trò đỏ đen này. Mua quà cho các cháu? Bà khéo léo kiểm tra từng đứa. Mấy đứa nhỏ đều lắc đầu. Thế thì ông tiêu vào việc gì? Bà tự hỏi nhưng không thể lý giải được. Rồi sực nghĩ tới chuyện chiều thứ bảy, chủ nhật nào ông cũng đi suốt, có lúc bà nhờ chở đi chợ ông cũng không, người bà bỗng sôi sùng sục. Có thể lắm, chồng bà đã sáu mươi nhưng tóc còn đen nhánh, mặt mày đầy đặn, trông điển trai lắm, nhiều đứa trẻ hơn nhưng ngó bộ còn kém xa ông. Thời nay lắm cha về hưu vẫn sinh trò bồ bịch. Bà nghĩ, mình già rồi, chẳng ghen tuông gì nhưng bà tức. Bà ăn không ngon song không nói ra, sợ con cái nghe thấy, chướng lắm. Đôi khi bà nói bóng, nói gió nhưng hình như ông giả vờ không chú ý, chỉ cười hè hè, bắt sang chuyện khác.
Sáng thứ bảy, đứa con gái đầu đến chơi, ông kêu riêng ra sân, nhỏ to xin tiền. Bà biết hết, song giả vờ chẳng quan tâm và bắt đầu kế hoạch theo dõi. Đúng như dự kiến của bà, chưa được hai giờ chiều, ông rục rịch dắt chiếc xe đạp ra sân. Đợi ông rời khỏi nhà, bà liền vội vàng dắt chiếc xe máy ra cửa, bám theo. Ông đi chậm nên có lúc bà phải dừng lại sợ ông thấy.
Quanh co, hết đường nọ lại quẹo đường kia, cuối cùng bà thấy ông dắt xe vào dựng trước một ngôi nhà ở xóm nhỏ ven đô. Máu trong người xông lên mặt bà nóng ran. Bà đoan chắc trong kia sẽ có con ranh nào đó làm chồng mình mê muội, lấy tiền nhà mang đến cho nó. Bà phải xem cho ra nhẽ, con kia mặt mày lớn bé ra làm sao. Đợi thêm một lát, bà liền lặng lẽ khóa xe và bước thẳng vào nhà.
Bà ngạc nhiên vô cùng, vì trong nhà không có cô gái nào cả, chỉ có chồng bà và ông Hạnh, bạn hưu của chồng mình cùng một bà cụ đau ốm đang nằm trên chiếc giường gỗ.
- Trời ơi, chị, chị cũng đến đây hả? Thấy bà, ông Hạnh tỏ ra vui vẻ - Bà cụ bị nặng quá chị à, mà con cháu đều nghèo khó cả. Mấy anh em tụi tui phải vận động nhau góp lại giúp bà cụ…
Bà hơi bối rối khi ông Hạnh cho bà biết người đau ốm kia là mẹ của bạn ông Hạnh và chồng bà - một chiến sĩ đặc công cùng đơn vị đã hy sinh hồi chống Mỹ. Bước đến gần người bệnh, chân hơi run và một lát sau bà mới tìm được cách tháo bỏ tình huống khó xử. Bà luống cuống hỏi chồng: “Ông có cất chùm chìa khóa tủ không?”. “Không, bà cất, tôi đâu biết!”. Thấy chồng lắc đầu, bà liền ngồi xuống hỏi han người bệnh, sau đó vội vã chào ông Hạnh, và nói với chồng: “Để tôi về tìm chiếc chìa khóa cái đã, có việc cần!”.
Trời ạ, mình già rồi, lẽ ra… Trên đường về, bà tự trách mình, song chỉ một lát, bà thấy người nhẹ hẳn, vì bà biết rõ, mình vừa cất chiếc chìa khóa trong ngăn kéo đầu giường trước khi đạp xe theo ông./.
Ông Mười Móc
Với Hoàng, không có gì vui sướng bằng lâu lâu được nghỉ vài ngày về quê thăm chơi. Anh thích cảnh thả bộ trên con đường làng nhiều chỗ gập ghềnh, nghe tiếng gió xào xạc nơi bờ tre, được hít thở cái không khí trong lành, thơm thơm mùi cỏ, mùi lúa, mùi bùn đất rong rêu của ruộng đồng, thích những buổi trưa, nằm đọc sách trên chiếc võng gai, đu đưa dưới mấy gốc bưởi sum suê cành lá, nghe đâu đó tiếng chim gõ kiến lốc cốc, lốc cốc từng hồi trên mấy ngọn cây cao…
Lớn lên, may mắn đỗ đạc làm việc dưới thành phố, được đi đây, đi đó nhiều nơi, kể cả một số nước châu Âu, châu Mỹ, nhưng vốn là đứa con của làng quê, sinh ra từ vườn, ao, ruộng đồng nên mỗi lần về quê, Hoàng thấy rất thoải mái. Bận rộn thì thôi, chứ khi có điều kiện thì anh liền tranh thủ vài ba ngày, đón xe đò về cái làng nhỏ ở đầu nguồn sông Vu Gia. Anh thích cảnh bà con trong làng, nghèo đấy, nhưng ai nấy dung dị, chan hòa, có nhà đang luộc nồi sắn, thấy anh đi ngang cũng bắt vào ăn cho được.
Nhưng từ bận lấy được bằng Thạc sĩ, mỗi lần về làng, Hoàng lại gặp rắc rối. Một rắc rối nhỏ nhưng làm anh lo, nói lo thì hơi quá, đúng hơn cứ làm anh canh cánh trong lòng, giống như thời còn đi học phổ thông lo phải trả bài cho thầy giáo.
Anh biết chú Mười Móc không ghét gì anh, thậm chí thương anh nhiều là đằng khác, nhưng khi nghe anh là Thạc sĩ, mỗi lần anh về làng, hoặc trưa, hoặc tối, thế nào ông cũng tìm đến gặp cho bằng được, và thế là ông hỏi, toàn những câu hỏi về lịch sử.
- Anh tài cao học rộng, anh thử nói cho tui nghe ông Trần Quý Cáp sinh ra ở đâu và bị giặc chém ở đâu, vào năm nào?
Hoàng biết, chú Mười Móc muốn thử tài anh và cũng có một chút chơi khăm để chứng tỏ mình tuy là nông dân song chẳng kém thua ai, một đặc điểm thường gặp ở các cụ ông nơi làng quê. Nhưng trời ạ, anh là Thạc sĩ chuyên ngành tin học, những chi tiết cụ thể của một nhân vật lịch sử như thế làm sao anh biết được. Anh ấm ứ, luống cuống, trong khi đó, người ngồi đối diện với anh, thoải mái, quần xà lỏn, chân gác lên chân, rung rung, nhịp nhịp, miệng cười mỉa, sau đó nói vanh vách rằng, Trần Quý Cáp sinh năm 1870 tại làng Bát Nhị, huyện Diên Phước nay là Điện Phước, Điện Bàn, Quảng Nam, đỗ Tiến sĩ năm 1904 cùng khoa thi với Huỳnh Thúc Kháng, bị giặc xử chém năm 1908 tại Diên Khánh, Khánh Hòa.
Một lần khác, Hoàng về quê đúng dịp cúng đình. Được mùa nên năm nay làng cúng to, làm cả hai con nghé, thứ bóp tái, thứ nấu xáo, chén bát bày la liệt. Tuy nhỏ, nhưng làng vốn trọng học vấn nên khi cúng xong, Hoàng được các cụ cho ngồi mâm trên. Chén ra chén vào, trong lúc đang vui, chú Mười Móc không rõ muốn chơi Hoàng hay muốn chứng tỏ mình trước mọi người, bất ngờ cao hứng, tung ra một câu hỏi nhờ Hoàng giải thích:
- Anh Thạc sĩ xin nói giúp cho bà con mình nghe thử, cái vùng đất này có tên là Quảng
Mặt Hoàng nóng ran. Miệng anh đắng chát không phải do rượu mà do xấu hổ. Anh biết không ít bà con có mặt nghĩ anh thấp kém, vì họ cứ cho rằng đã là Thạc sĩ thì chuyện nhỏ chuyện to trong đời đều am hiểu cả. Mà anh thì đâu phải bộ Bách khoa toàn thư. Anh chỉ biết cười gượng, lắc đầu chịu thua. Trong khi ấy, mọi người, ai nấy mắt mở tròn nghe chú Mười Móc ung dung giải thích:
Tên đất Quảng Nam mà mình đang sống đây là do vua Lê Thánh Tôn đặt cho vào năm Hồng Đức thứ hai, tức năm 1471, khi triều đình nhà Lê vừa chinh phục dải đất dài cho đến tận Phú Yên ngày nay. Tên đất được gọi ban đầu là Quảng
Sau lần ấy Hoàng đau lắm, song không biết phải nói thế nào để không lâm vào tình trạng cũ. Anh biết chú Mười Móc chắc chắn là có đọc sử. Anh về thành phố mua mấy cuốn sử, khi không có việc liền đem ra đọc. Nhưng có trời mới nhớ được hết mọi điều trong những cuốn sách dày cộp để đối phó. Cuối cùng thì Hoàng cũng nghĩ ra một cách, mỗi lần về là anh chủ động đến thăm ông Mười Móc ngay và lúc mang theo chai rượu, lúc hộp bánh. Ông Mười Móc nhận quà mà mặt tỉnh bơ, cười hè hè, rồi bảo: Thạc sĩ gì thì gì cũng phải biết sử nước nhà con à! Mấy thằng Đại học, Cao đẳng về đây tau thử hết. Chúng mày đúng là bét!
Không biết thương cho Hoàng hay do tác dụng từ kế sách “thăm viếng, tặng quà” mà sau đó, ông Mười Móc không chơi ngông với Hoàng nữa. Gặp anh, ông chỉ tủm tỉm cười: Khỏe không, có tìm được sách lịch sử chưa?
Hoàng nghĩ, từ đây mình sẽ yên thân khi về quê. Năm nay nghỉ Ba mươi tháng Tư và ngày Một tháng Năm, sát với ngày Thứ bảy, Chủ nhật nên Hoàng quyết định kéo cả bà xã và con cái về làng.
Buổi trưa, sau khi được bà chị ruột cho ăn món hến xào khô và món mít non trộn, xúc bánh tráng nướng, anh sung sướng ra nằm nơi chiếc võng ở đầu hè. Đúng lúc đó thì khách đến và Hoàng nhận ra đó là anh Bốn Lạch ở xóm trên. Hơn Hoàng chừng vài tuổi nhưng trông anh Bốn Lạch như người sáu mươi, tóc bạc trắng.
Chào hỏi, trò chuyện qua lại một lát, người Hoàng lại lạnh toát khi Bốn Lạch nói:
- Có câu này ghé chơi hỏi chú luôn. Chú có biết gì về cái tích Chiêu Quân cống Hồ trong lịch sử của Tàu không?
Hoàng nhìn mái tóc bạc trắng của anh Bốn Lạch và lúng túng. Không biết anh ta hỏi để làm gì nhưng Hoàng quá ngán những câu hỏi như thế này nên đành xin lỗi và nói vấn đề này mình sẽ về thành phố, tra sách và nói lại sau.
Bốn Lạch lộ vẻ không vui, sau đó còn nói:
- Tui tưởng chú học cao thì biết tất…
Khi Bốn Lạch xách chiếc nón cời, le te bước ra cổng, Hoàng thở dài, anh kịp nhận ra rằng, rồi đây anh còn phải khổ với nhiều ông Mười Móc chứ không phải một./.
Hai trong một
Nghề làm báo giúp tôi đi nhiều nơi, từ thành thị đến nông thôn, cả miền núi, hải đảo; gặp gỡ được nhiều người, từ bác nông dân, anh công nhân cho tới các quan chức… Rất nhiều dấu ấn đã để lại trong ký ức tôi trong quá trình tiếp xúc, khai thác tư liệu. Thông thường, để có tài liệu viết bài, tôi phải liên hệ trực tiếp hoặc gọi điện thoại xin được gặp đối tượng mình cần trước khi đến. Tuy nhiên, có một trường hợp ngoại lệ đã xảy ra.
Mấy năm trước, vào một buổi sáng, khi tôi vừa cho xe máy ra khỏi tòa soạn thì có một người phóng xe theo sau, chào hỏi rất đon đả, tôi gật đầu cười tươi vì nhận ra, không phải người xa lạ mà là anh chánh văn phòng Sở X., nơi tôi đến làm việc vài lần.
- Vào uống với mình ly cà phê! Anh bạn ấy tỏ ra rất thân thiện Mình có việc này muốn nhờ ông!
Đang lúc rảnh, lại nghĩ giúp người khác là một việc làm để phúc cho con cháu nên tôi nhận lời. Trong quán cà phê, anh chánh văn phòng Sở X. đã ca ngợi tôi hết lời, rằng tôi là nhà báo dũng cảm, đã dám phanh phui nhiều vụ việc tiêu cực trong tỉnh, nào là phong cách viết phóng sự của tôi cô đọng nhưng sắc bén… Và cuối cùng anh bạn ấy đã chìa ra cho tôi một loạt bản photocopy các loại hóa đơn chứng từ với lời giải thích và dặn dò:
- Đây là chuyện ở cơ quan tôi ông ạ! Mấy cha lãnh đạo tiêu pha lung tung, nhìn tiền của dân, của nước bị phung phí tôi xót quá. Ông nghiên cứu và viết một bài báo động giùm. Nhưng phải bí mật nhé! Ông mà để lộ ra, bọn họ trù dập, chết tôi!
- Được rồi, được rồi! Tôi cất tập giấy tờ vào cặp và hứa với anh bạn là mình sẽ điều tra cặn kẽ.
Buổi tối, tôi mang các thứ giấy tờ ra xem. Đúng là lãnh đạo Sở X. đã chi không đúng một số khoản nhưng chủ yếu ở chuyện tiếp khách, hoặc vận dụng hỗ trợ cho công đoàn tổ chức cho anh em đi tham quan… không đáng để đưa lên mặt báo.
Sáng hôm sau, tôi gặp anh chánh văn phòng và trả lại giấy tờ cũng như nói thật với anh ta về nhận xét của mình. Anh chánh văn phòng tỏ ra buồn buồn, có vẻ như không bằng lòng rồi buông một câu ngắn gọn:
- Dù sao thì cũng cảm ơn ông. Mình cũng xót của nhà nước mà nói vậy thôi!
Vì được chuyển qua bộ phận thư ký xuất bản, phải ở nhà biên tập bài vở, ít đi cơ sở nên bẵng đi một thời gian phải đến hai năm, sáng nay tôi mới có dịp ghé qua Sở X. Anh chánh văn phòng ngày xưa, giờ đã là Phó giám đốc trực của Sở.
Gặp nhau tay bắt mặt mừng và anh ta nắm tay, đon đả kéo tôi vào phòng làm việc của mình, gọi cô tạp vụ vào, sai đi lấy cà phê mời tôi.
Qua vài chuyện vòng vo, trong khi tôi chưa biết người ngồi trước mặt mình cần gì thì anh ta cười hì hì, giọng nhỏ nhẹ:
- Ông ạ, làm lãnh đạo một Sở cũng vất vả lắm, trăm thứ phải giải quyết. Ông làm ở báo, nếu anh em trong cơ quan mình có đứa nào chưa hiểu công việc cơ quan, nói bậy bạ điều này, điều nọ, ông khoan cho đăng báo mà mách mình một tiếng để mình biết nhé!
Trong trường hợp trên, đối với người làm báo, biện pháp tốt nhất để giải hóa mà không phải hứa hẹn điều gì là chỉ nên cười. Tôi cười, một nụ cười rất mù mờ rồi giả bộ có việc gấp, xin về. Khi tôi kể lại chuyện này cho một đồng nghiệp, anh ta bảo, đó là chuyện phổ biến thời nay và khuyên tôi nên viết thành một truyện thật ngắn và lấy tên là hai trong một./.
H.N.T