Hưởng ứng cuộc vận động sáng tác văn học “Gương sáng Bác Hồ”

03.11.2008

Hưởng ứng cuộc vận động sáng tác văn học “Gương sáng Bác Hồ”

 Tinh thần lạc quan cách mạng và tình cảm nhân đạo cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua “Nhật ký trong tù”
PHÓ ĐỨC VƯỢNG
 

Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bằng chữ Hán mở đầu tập Nhật ký rằng:

                        “Lão phu nguyên bất ái ngâm thi

                        Nhân vị tù trung vô sở vi

                        Liêu tá ngâm thi tiêu vĩnh nhật

                        Thả ngâm thả đãi tự do thì”

                        (Ngâm thơ ta vốn không ham

                        Nhưng vì trong ngục biết làm gì đây

                        Ngày dài ngâm ngợi cho khuây

                        Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do.)

                                                                       (Nam Trân dịch)

Như vậy, đối với Người, làm thơ và ngâm thơ chỉ là “bất đắc dĩ” mà thôi.

Theo niên biểu của tác giả ghi trong tập nhật ký, thì tập nhật ký được ghi bằng chữ Hán kể từ ngày 29/8/1942 đến ngày 10/9/1943, tức là 13 tháng, tổng cộng 134 bài. Nếu đọc toàn bộ tập nhật ký, do nhà xuất bản Văn học in, các học giả Nam Trân chủ trì bản dịch lần thứ nhất và Nguyễn Huệ Chi chủ trì bản dịch bổ sung và chỉnh lý trọn vẹn, chúng ta thấy toát lên cả tập nhật ký: tinh thần lạc quan cách mạng (chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn) và tình cảm nhân đạo cộng sản chủ nghĩa cao đẹp của Người.

Tập thơ Nhật ký được dịch và in ở các nước: Việt Nam, Trung Quốc, Pháp, Liên Xô (cũ), Mỹ, Hàn Quốc và được xem là tác phẩm văn học lớn của một chiến sĩ cộng sản vĩ đại. Ở Trung Quốc và Hàn Quốc, các nhà thư pháp nổi tiếng có nhiều sáng tạo trong thể hiện tập nhật ký và được người đọc hoan nghênh.

Theo dõi hành trình của Bác Hồ kể từ khi Người bị Tưởng Giới Thạch bắt và giam cầm thì Bác đã bị giải qua 13 huyện của tỉnh Quảng Tây, bị giam giữ ở 18 nhà lao, có khi tối về phải ngồi trên hố xí đợi trời sáng.

Trong 13 tháng bị giam cầm trong các nhà lao của Tưởng khắc nghiệt, Bác đã bị đọa đầy đủ cách:

                        “Bốn tháng ăn không no

                        Bốn tháng không ngủ được

                        Bốn tháng không thay áo quần

                        Bốn tháng không được tắm rửa”.

Lại còn bị rệp, ghẻ lở, giá rét tấn công, tàn phá cơ thể Bác: chân phù và mỏi không đi được, mắt bị mờ, tóc bị bạc và rụng, răng rụng…

Sống trong các nhà tù của Tưởng Giới Thạch khổ cực quá nhiều, nhưng Người vẫn một lòng tin tưởng ở tương lai tươi sáng của cách mạng:

                        “Trong tù không rượu cũng không hoa

                        Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ

                        Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

                        Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”.

                                                                        (Ngắm trăng)

                        “Mặc dù bị trói chân tay

                        Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng

                        Vui say, ai cấm ta đừng

                        Đường xa, âu cũng bớt chừng quạnh hiu”.

                                                                        (Trên đường)

                        “Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng

                        Bóng tôi đêm trần, sớm sạch không

                        Hơi ấm bao la trùm vũ trụ

                        Người đi thi hứng bỗng thêm nồng”.

                                                                        (Giải đi sớm)

Gian lao là lẽ thường đối với người tù. Với Bác, gian lao là cơ sở để rèn luyện, là điều kiện để dẫn tới thành công. Mọi điều cay đắng trong tù, cũng không có gì bằng mất độc lập, tự do:

                        “…Trên đời ngàn vạn điều cay đắng

                        Cay đắng chi bằng mất tự do.”

                                                (Cảnh binh khiêng lợn cùng đi)

Thật kỳ lạ: Người bị giải qua 13 huyện của tỉnh Quảng Tây (Tĩnh Tây, Thiên Bảo, Điền Đông, Quả Đức, Đồng Chính, Long An, Nam Ninh, Ung Ninh, Vũ Minh, Tân Dương, Thiên Giang, Liễu Châu và Quế Lâm), bị giam giữ liên tục 13 tháng, thì trong tập Nhật ký bằng thơ cũng xuất hiện 13 lần TỰ DO!

Tình cảm nhân đạo thể hiện qua những vần thơ ghi lại cảm xúc của Bác đối với mọi hoàn cảnh, con người diễn ra trên đường bị dẫn giải và trong các nhà lao.

Một lần, chứng kiến cảnh vợ chồng người bạn tù Trung Quốc đứng trước và sau hàng song sắt mà không được gặp nhau, như biển trời cách mặt; với cai tù tốt bụng ngay thẳng, giúp đỡ thì Bác vẫn ghi nhận và trân trọng; trong tù, ai có điều gì cần giúp là Bác không từ chối; trên đường bị dẫn giải, gặp những tốp phu làm đường, Bác ghi nhận sự vất vả và công lao của họ đã làm ra những con đường cho ta đi; Bác tiếc thương cây gậy của mình bị bọn lính ngục đánh cắp; với con gà trống gáy báo sáng cho mọi người dậy, cũng được Bác ghi nhận công lao của nó “đâu phải là thường”; có một lần Bác nghe tiếng khóc của một cháu bé mới nửa tuổi, phải theo mẹ vào nhà pha Tôn Dương. Bác thương cháu bé người Trung Quốc, Bác lại thương các cháu bé người Việt Nam cũng bị đau khổ như vậy. Có lẽ với tình cảm ấy, Bác đặt bút ghi ba chữ đầu tiên của bài thơ bằng chữ Việt:

                        “Oa…! Oa…! Oa…!

                        Cha sợ sung quân cứu nước nhà

                        Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi

                        Phải theo mẹ đến ở nhà Pha”

                                                (Cháu bé trong ngục Tân Dương)

Chúng ta đọc lại cuốn “Nhật ký trong tù” của Bác, rút ra những bài học cho bản thân, đó là thiết thực hưởng ứng cuộc vận động lớn “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

                                                                                                P.Đ.V