Đứa con thời hậu chiến - tiểu thuyết Lại Văn Long
Ngoài 30 truyện ngắn đã in rải rác trên các báo gom lại thành hai tậpThủy Cơ và Hồ vạn kiếp, đây là tiểu thuyết thứ tư của tôi (sau Thạch Đế, Người khổng lồ đội mồ kể chuyện và Thánh Thi). Tôi viết tác phẩm này bằng ký ức và cảm xúc của hai mươi bảy năm viết báo.
Với những góp ý của các nhà phê bình, độc giả và bạn bè từ các tác phẩm trước; với những thay đổi của thời cuộc và thay đổi nhận thức của chính mình, tôi chọn ngay tựa Đứa con thời hậu chiến đặt tên cho tác phẩm mới hình thành trong đầu.
Đây là giai đoạn rất bận rộn, nhưng nhờ sức khỏe tốt hơn những năm trước và có thêm kinh nghiệm viết tiểu thuyết nên tôi triển khai tác phẩm rất nhanh. Cũng như khi viết Người khổng lồ đội mồ kể chuyện, tôi chỉ định viết thành một truyện ngắn. Nhưng khi vào cuộc, cảm xúc tuôn trào lôi tôi vào miên man không thể dừng lại khi chưa thấy thỏa mãn. Khởi đầu Chương I từ ngày 19.8 đến 2.10.2015 đã hoàn tất và bảy ngày sau đó là hoàn chỉnh bản thảo, tổng cộng chỉ bảy tuần lễ, nhanh hơn so với Người khổng lồ đội mồ kể chuyện hai tuần…
Một cô gái sinh năm 1976 trong một gia đình cán bộ, trí thức tại Thành phố Hồ Chí Minh; nhưng mới hai ngày tuổi đã bị ông ngoại đưa vào trại mồ côi rồi lưu lạc trên vùng rừng núi heo hút sống với đồng bào dân tộc Stiêng. Mười tám năm sau, báo Công An Thành phố Hồ Chí Minh đã giúp cô tìm lại được người mẹ đã mòn mỏi chờ đợi đứa con thất lạc.
Cuộc sống mới trong gia đình giàu có của mẹ cô đã bị đảo lộn khi có thêm một thành viên “từ trên trời rơi xuống”. Cô gái mồ côi ngày nào lại phải ra đi mà không có tiền bạc, nghề nghiệp, giấy tờ tùy thân. Một lần nữa báo Công An Thành phố Hồ Chí Minh đã giúp cô…
Tôi viết tiểu thuyết này từ cảm hứng với câu chuyện đặc biệt đó, cầu mong tất cả các nhân vật đã đi vào trong sách của tôi đều được hạnh phúc, bình an!
Lại Văn Long
(nhavantphcm.com.vn)