Phan Huỳnh Điểu - Nhạc sĩ sánh duyên cùng thi ca - Phan Văn Minh

02.08.2016

Phan Huỳnh Điểu - Nhạc sĩ sánh duyên cùng thi ca - Phan Văn Minh

Trong “đại gia đình” với trên 100 “đứa con” ca khúc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, có hơn một nửa là kết quả từ những cuộc “hôn phối” giữa thơ và nhạc. Có thể nói trong nền tân nhạc Việt, ông là một trong 3 “chuyên gia” phổ thơ thành công nhất (Trong đó còn có Phạm Duy cũng khoảng 50% số tác phẩm phổ thơ và Phú Quang thì gần như 100%).

Từ thời chống Pháp, Phan Huỳnh Điểu đã bắt đầu phổ thơ của các nhà thơ  tên tuổi như Những người đã chết - Thơ Tế Hanh (1946); Điệu buồn - Thơ Huy Cận (1949)... Nhưng hình như những bài này không được nhiều người nhớ đến. Chỉ từ sau khi trở lại chiến trường miền Nam, tên tuổi của nhạc sĩ mới ngày càng được khẳng định với những ca khúc phổ thơ có chủ đề chiến tranh cách mạng như: Cuộc đời vẫn đẹp sao. Thơ Dương Hương Ly (1971); Bóng cây Kơ-nia - Thơ Ngọc Anh (1971);  Ngày và đêm (Tựa đề bài hát là Hành khúc ngày và đêm) - Thơ Bùi Công Minh (1972)... Tuy nhiên, những bài hát phổ thơ của Phan Huỳnh Điểu thực sự có sức lan tỏa sâu rộng hơn cả là những tác phẩm viết sau năm 1975 với những ca khúc lãng mạn phổ từ thơ tình của các nhà thơ Hoài Vũ, Xuân Quỳnh, Thúy Bắc, Trần Đình Chính, Diệp Minh Tuyền, Xuân Diệu... Và gần đây nhất, khi tuổi đã cận... cửu tuần, “lão” nhạc sĩ còn cho ra đời một  tình khúc cực kỳ đắm say: Em như áng mây bay, phổ từ bài thơ Nói với em của nữ sĩ Trương Nam Chi. Tất cả những tác phẩm sinh ra từ cuộc tình Thơ - Nhạc đó đã “đăng nhập” vào “sổ hộ khẩu” của gia đình ca khúc Phan Huỳnh Điểu thành những đứa con đương đại đầy cá tính. Và người nhạc sĩ đã rất xứng đáng khi được công chúng tôn vinh là “Con chim vàng của ca khúc Việt”.

Cái “duyên” đầu tiên của Phan Huỳnh Điểu là sự mẫn cảm đối với tác phẩm thơ. Ông vốn yêu thơ từ thuở nhỏ. Trên kệ sách nhà ông có hàng trăm tập thơ thuộc nhiều thời đại, nhiều quốc gia khác nhau, nhưng hình như nguồn cảm hứng chủ yếu không phải đi ra từ đó. Những bài thơ ông chọn để phổ thành ca khúc thường là do tình cờ đọc được trên báo chí. Cho dù chưa phải là một bài thơ hay, cho dù tác giả thơ chưa từng quen biết lại chẳng mấy tiếng tăm, nhưng nếu được trực cảm mách bảo đó là một bài có thể phổ thành ca khúc hay thì ông sẽ chọn. Những bài thơ như Bóng cây kơ nia của Ngọc Anh, Ngày và đêm của Bùi Công Minh, Sợi nhớ sợi thương của Thúy Bắc... là những ví dụ điển hình.

Tài nghệ thứ hai và nổi bật nhất của Phan Huỳnh Điểu là cho dù bài thơ thuộc hình thức và đề tài nào chăng nữa thì bao giờ ông cũng tìm được chất liệu âm nhạc tương thích với nội dung, thậm chí với cả không gian, thời gian khi sáng tác của nhà thơ. Điều này là yếu tố quan trọng nhất tạo nên tính “tạo hình” đa phong cách trong ca khúc phổ thơ của Phan Huỳnh Điểu. Cho nên tác phẩm của ông luôn gây được cảm thức khác biệt, ít có sự lặp lại chính mình như một số tác giả phổ thơ khác. Mỗi “đứa con” của ông mang một gương mặt khác nhau, làm chứng nhân cho những nẻo đời và những nỗi niềm khác nhau.

Với bài Bóng cây kơ nia thì rõ rồi, nó phải mang chất liệu dân ca Tây Nguyên cả nhạc lẫn lời, bởi cả nhà thơ lẫn nhạc sĩ đều đã từng gắn bó với vùng đất đầy huyền thoại này. Phan Huỳnh Điểu đã phổ gần như nguyên vẹn cả tựa đề và từng câu thơ của Ngọc Anh theo thang âm Tây Nguyên. Tuy nhiên, ông đã cấu trúc bài hát theo hình thức 3 đoạn đơn với âm hình tiết tấu tương phản nhau. Đoạn đầu có chất tự sự theo kiểu ballad. Điểm nhấn ấn tượng nhất ở đoạn này là sự chuyển điệu tạm (ly điệu) khá bất ngờ từ bậc III của giọng trưởng chính sang bậc I giọng trưởng song song của  giọng thứ đồng âm với giọng chính. Cách chuyển điệu này rất ít gặp trong ca khúc Việt. Ở đây, sự biểu cảm của nó thật là hiệu quả. Nó gợi lên hình ảnh của một bóng cây kơ nia đơn độc tỏa bóng chênh vênh trên rẫy đại ngàn:

...Bóng ngã che ngực em (A), về nhớ anh không ngủ (C#m) .

Buổi chiều (C) mẹ lên rẫy(A), Thấy bóng cây (C#m) kơ nia(A)...

Qua đoạn hai, tác giả chuyển tiết tấu sang kiểu Latin với nhịp độ sôi động hơn. Đó cũng chính là cách thay đổi tốc độ thường gặp trong các bản hòa tấu cồng chiêng Tây Nguyên:

...Em hỏi cây kơ nia, gió mày thổi về đâu...Về phương mặt trời mọc...

...Mẹ hỏi cây kơ nia, rễ mày uống nước đâu, uống nước nguồn miền Bắc.

Đoạn nhạc cuối như là sự tái hiện chất liệu của hai đoạn trên với nhịp độ từ nhanh đến chậm cùng sự nhắc lại hai câu thơ cuối nhiều lần:

Con giun sống nhớ đất, chim phí sống nhớ rừng. Em và mẹ nhớ anh, uống theo nguồn miền Bắc. Như bóng cây kơ nia, như gió cây kơ nia...

Cái dư âm hoài vọng của đoạn nhạc này còn được tác giả đẩy lên đến đỉnh điểm của sự khắc khoải, da diết chờ mong bằng một đoạn kết (coda) được chuyển hẳn sang giọng thứ đồng âm, nhịp độ chậm dần (rall.), không nhạc đệm:

Ơ...ơ, ơ...ơ... Như bóng cây kơ nia, như gió cây kơ nia.

Có thể nói, sự kết hợp giữa chất folklore của lời thơ và giai điệu mang âm hưởng dân ca bản địa đã làm cho bài hát Bóng cây kơ nia trở thành một khuôn mẫu cho những ca khúc viết về Tây Nguyên sau này.

Sau thành công từ Bóng cây kơ nia, một ca khúc phổ thơ khác có thể được xem là một thử nghiệm của Phan Huỳnh Điểu. Đó là bài Hành khúc ngày và đêm, phổ từ bài thơ Ngày và đêm của Bùi Công Minh. Gọi là thử nghiệm vì trong ca khúc này, ông đã sáng tạo ra một thể loại “hành khúc lãng mạn”. Như nhận xét của nhạc sĩ Doãn Nho thời đó: “...Phan Huỳnh Điểu đã biến tình ca thành hành khúc. Hóa ra tình ca cũng có thể chiến đấu với giặc được...”. Bùi Công Minh viết về tình yêu giữa một chàng lính pháo binh với một cô giáo trẻ. Bài thơ gồm 24 câu thơ 5 chữ chia thành 6 khổ vuông vắn với tiết tấu thơ mạnh mẽ nhưng đều đặn. Khi phổ thành ca khúc, tuy vẫn trung thành với thứ tự cấu trúc bài thơ nhưng nhạc sĩ đã rất tinh tế khi tách riêng 4 câu đầu thành một đoạn nhạc mở đầu với nhịp độ chậm, tiết tấu tự do, hát như là ngâm thơ, mỗi câu thơ tương ứng với một tiết nhạc. Riêng câu cuối được nhắc lại để về chủ âm:

Rất dài và rất xa/ Là những ngày thương nhớ/ Nơi cháy lên ngọn lửa/ Là trái tim yêu thương/ (Là trái tim thương yêu).

Thực ra, đoạn nhạc này không phải là chủ đề âm nhạc chính của tác phẩm. Tác giả dùng nó như là một điểm tựa nhằm đối trọng với toàn bộ phần sau, khá dài, có hình thức như là một đoạn nhạc phức, không có sự nhắc lại về giai điệu. Đoạn này có tiết tấu hành khúc với nhịp độ hơi nhanh, gợi được hình tượng gian lao của người lính đang chuyển pháo ra trận địa. Tuy nhiên giai điệu vẫn nằm trong giọng thứ và xen lẫn những đường nét mềm mại nên vẫn mang tính lãng mạn, trữ tình, đúng như ý đồ của nhà thơ:

Anh đang mùa hành quân, pháo lăn dài chiến dịch/ Bồi hồi đêm xuất kích, chờ nghe tiếng pháo ran...

Ngày và đêm xa nhau, đâu chỉ dài và nhớ/ Thời gian trong cách trở, vẫn cháy ngời tình yêu...

Phải chăng thoáng trong một phút giây giữa cuộc chiến tử sinh quyết liệt, con người vẫn có thể, và có quyền mơ về một miền yên tĩnh với những biểu tượng của niềm khao khát yêu thương?

Với hai câu thơ cuối “Ngày đêm ta bên nhau/ Những đêm ngày chiến đấu”, bài thơ có vẻ như còn lửng lơ chưa hết ý. Nhạc sĩ đã kéo dài thêm một tiết nhạc nữa  bằng cách phát triển hai câu thơ trên để đưa giai điệu tiến về chủ âm một cách dứt khoát, mạnh mẽ: “Đêm ngày trong chiến đấu, anh với em sống vẫn gần nhau”.

Có thể nói, Phan Huỳnh Điểu đã rất thành công trong cuộc “thử nghiệm” này. Bản “hành khúc lãng mạn” không những đã không làm mất đi tính cương nghị của thể loại hành khúc quân đội (marche militaire) mà còn thể hiện được tính nhân văn qua yếu tố trữ tình. Tuy nhiên, do bài thơ quá dài nên hòa âm ở một số câu có phần gượng gạo, chẳng hạn ở 2 câu “Giáo án em vẫn mở/ cho ánh sao bay vào”. Dường như giai điệu ở đây chưa tạo được hình tượng tương ứng với lời thơ.

Thêm một dẫn chứng khác để khẳng định tính “đa phong cách” trong nhạc phổ thơ của Phan Huỳnh Điểu. Đó là bài thơ Sợi nhớ sợi thương của nhà thơ nữ Thúy Bắc. Nếu chỉ nghe qua ca khúc của Phan Huỳnh Điểu, có thể nhiều người sẽ không nghĩ rằng nguyên thể của nó là một bài thơ... 3 chữ:

Trường Sơn Đông/ Trường Sơn Tây/ Bên nắng đốt/ Bên mưa quây/ Em dang tay/ Em xòe tay/ Chẳng thể nào/ Xua tan mây/ Chẳng thể nào/ Che anh được...

Và thú thực, theo cảm nhận của người viết, hình thức này không thể tải được nội dung bài thơ. Đọc lên theo tiết tấu 3 chữ thế này, người nghe chỉ hình dung ra một cô bé đang vừa nhảy lò cò chân sáo vừa đọc... đồng dao hơn là nghe một bài thơ tình. Nhưng “vào tay” Phan Huỳnh Điểu, bài thơ đã biến dạng, mặc dầu nhạc sĩ rất trung thành với trật tự các câu thơ. Ông chỉ thêm vào các từ đệm như “mà”, “chớ”, “ấy mấy”... theo cách hát của dân ca Nghệ Tĩnh, bởi nhạc sĩ đã có ý đồ viết giai điệu theo ngôn ngữ vùng này. Phải chăng ông muốn chiều lòng... người thơ vì Thúy Bắc vốn quê gốc Nghệ An lại có một thời phục vụ chiến đấu ở chiến trường Khu Bốn? Với thủ pháp dồn mỗi hai câu thơ thành một tiết nhạc và viết ở nhịp độ vừa phải, nhạc sĩ đã làm cho giai điệu trở nên mềm mại, uyển chuyển như một làn điệu dân ca ví giặm. Từ đó nổi bật lên hình tượng một cô gái đang đi giữa bên này Trường Sơn mưa nắng thất thường, lòng vẫn hướng về người yêu bên kia đại ngàn với bao nỗi khát khao yêu thương. Bài hát đẹp nhất, gợi cảm nhất ở câu kết, cả nhạc lẫn lời:

...Rợp trời thương (ấy) màu xanh suốt/ (Mà) em nghiêng hết (ấy mấy) về phương anh/ (Mà) em nghiêng hết... (ấy mấy) về phương anh.

Còn có thể đặt vấn đề trong nhiều trường hợp khác để minh chứng cho khả năng thẩm thấu tinh tế đối với thơ của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Chẳng hạn vì sao bài Gửi miền hạ của Hoài Vũ có tới 14 khổ thơ nhưng ông chỉ chọn 2 khổ đầu, khổ thứ 11 và khổ cuối để viết nên bài Anh ở đầu sông em cuối sông? Và tương tự với những bài khác như Thuyền và biển, Cuộc đời vẫn đẹp sao...

Chỉ có thể giải thích rằng: đó là tài năng!

P.V.M