Chuyện trẻ con - Lê Hoàng Phò
Chú ơi, sao người ta đặt hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong cách xa nhau vậy?
Nghe thằng cu Dũng hỏi, tôi giật mình, nhận xét của nó đúng thật. Hai con đường đó trong thành phố không gần nhau chút nào. Tôi bèn giải thích một cách vu vơ rồi bật ra câu trả lời khác.
- À, người ta làm như vậy để minh họa, giống như những minh họa trong sách báo mà cháu thường hay đọc đó, bởi hai vợ chồng nhà Cách mạng tiền bối này đâu có được sống gần nhau mấy!
Nó lắc đầu.
- Vậy thì tại sao người ta không minh họa về ước mơ của họ hở chú? Như thế có đẹp hơn không?
- Thế thì cháu biết họ mơ ước gì? Tôi liền truy hỏi.
- Họ mơ ước là nước mình chiến thắng bọn xâm lược tàn ác, đồng bào mình sống yên vui, không ai bị tù đày và hai vợ chồng đó sum họp với nhau - Cu Dũng nhanh miệng trả lời.
- Theo cu Dũng, cháu làm thế nào?
- Dạ, cháu sẽ chọn hai con đường dài vừa vừa cũng được, nhưng hai chỗ cuối lại gặp nhau. Ngay chỗ gặp nhau đó, mình sẽ xây dựng một công viên hay ít ra cũng trồng vài bồn hoa thật tươi tốt, phải chọn cây quanh năm đều ra hoa, giống như cảnh trong phim hôm qua chú đưa cháu đi xem đó.
- Chà thật tuyệt! Rồi chiều chiều cu Dũng dẫn chú ra công viên đó hóng mát phải không? Nó dạ và toét miệng cười sung sướng.
Cái thằng lạ thật. Nhiều lúc tôi cũng phát mệt vì những câu hỏi kiểu đó của nó. Mới học lớp bảy mà nó đã đọc sách báo khá nhiều. Hình như nó làm quen với tôi cũng vì tôi có được một kệ sách?!
- Chú ơi, sao ai cũng gọi chú là chú "Dầu trắng" hở chú?
Cách nó làm quen với tôi là như vậy. Có thể hỏi người lớn cũng biết được cái điển tích ấy, nó lại không. Tự nhiên tôi cảm thấy khoái thằng cu Dũng láu lỉnh này. Tôi giải thích cho nó là tôi tên Dầu, thời bao cấp tem phiếu, mỗi khi Thương nghiệp bán dầu hỏa, bà con trong khu tập thể cứ nhìn thấy tôi là khắc biết cửa hàng bán loại dầu gì. Bố mẹ tôi thích mua dầu trắng để tiết kiệm dầu hơn, tất nhiên là phải lo nghe ngóng và phải xếp hàng từ sớm tinh mơ!
- Chú ơi, làm kinh tế khó lắm phải không chú?
- Ừ. Khó lắm.
Cu Dũng im lặng và buồn buồn. Tôi nói thêm:
- Khó hơn đánh giặc nữa.
- Vậy thì mấy nước tới xâm lược nước mình họ đánh nhau dở hơn làm kinh tế? Đột nhiên nó suy luận.
- Ừ. Tôi nói bừa.
- Như vậy thì làm kinh tế dễ hơn đánh nhau chú hả? Cu Dũng đưa tôi vô thế.
- Họ khác, mình khác! Tôi gần nổi cáu.
Cái thằng thật là lắm chuyện. Chắc chắn là nó vừa vớ một tờ báo bình luận về chuyện làm kinh tế của đất nước mình. Tuy vậy, cái tật hay hỏi của nó dần dần làm tôi đâm ghiền nó. Các câu hỏi của nó đã làm tôi “lớn ra” một chút. Khi gặp và đón nhận nó sắp sửa hỏi thì trong tôi có một cảm giác sao sao ấy, cảm giác như ngày xưa lúc tôi còn đi học, khi các thầy cô giở sổ điểm ra và bắt đầu gọi tên học sinh. Hồi đó, dẫu sao đi nữa, cũng có lúc tôi chuẩn bị bài chu đáo, niềm mong muốn gọi đúng tên mình lại thắng thế hơn những nỗi phập phồng lo sợ thường ngày. Còn bây giờ, chẳng biết thằng bé láu lỉnh này sắp hỏi hay bàn luận về chuyện gì đây?
Phải nói là thời còn đi học, tôi cũng mê đọc sách báo như cu Dũng bây giờ. Sách báo hồi đó thiếu thốn lắm, vớ được loại sách báo gì tôi cũng xem ngấu nghiến cả. Nhưng rồi, những năm tháng dài của đời thường vất vả đã làm mai một dần đi kho tri thức ngày xưa tích cóp. Vả lại trình độ tôi cũng có hạn - tầm tầm anh thợ kỹ thuật điện.
Sau hai tháng dài của đợt công tác tăng cường xây lắp đường dây, tôi trở lại thành phố. Tôi nhớ cu Dũng, nhớ những câu hỏi của nó quá.
- Báo mới đây! Vụ án xóm Chuối đã tìm ra thủ phạm!
- Báo mới đây. Mời cô chú mua
một tờ.
Nghe giọng rao quen quen, tôi
quay lại.
- À, cu Dũng! - Tôi ngạc nhiên gọi lớn.
Cu Dũng chạy đến bên tôi. Trông nó hơi đen một chút. Nó sung sướng toét miệng cười. Tôi chưa kịp hỏi thì nó đã kể vắn tắt một mạch về chuyện nó đi bán báo, chuyện học hành, chuyện khu tập thể. Theo cách nói của nó thì nó chỉ bán báo nghiệp dư thôi, cu Dũng nắm chắc ngày giờ ra các loại báo ăn khách để kiếm thêm chút ít.
- Mai chắc chú nghỉ bù hở?
- Ừ, chú nghỉ hai ngày lận. Có chuyện gì hả?
- Mai chú đi họp phụ huynh cho cháu với. Mẹ cháu bận về quê thăm bà ốm.
- Ừ, chú sẽ đi họp thế.
Nó dúi trong tay tôi một tờ báo rồi chạy biến vào đám đông.
Cô chủ nhiệm của cu Dũng dạy môn Văn. Tôi cầm trong tay tờ thông báo điểm học kỳ. Tất cả môn học đều trên trung bình, môn văn khá được sáu phẩy năm, còn môn toán chỉ được năm phẩy bảy. Môn lịch sử và địa lý cao nhất, đến tám phẩy mốt.
Lúc họp xong, cô giáo mời tôi ở lại để trao đổi thêm về chuyện riêng của cu Dũng. Cô kể lại, hôm cô ra đề tập làm văn: “Hãy kể lại một chuyến đi tham quan của em”, Dũng làm rất hay. Nó tả là chưa lần nào được đi tham quan cả nhưng lúc học lớp Ba, có lần được bác lái xe trong khu tập thể, bác tài tốt bụng đã nổi hứng cho mấy đứa trẻ ngồi lên xe con rồi chạy một vòng quanh khu phố. Tuy là không được “đi” mà chỉ “ngồi” thôi nhưng nó vẫn nhớ như in về một cuộc đi tham quan thú vị.
Sau buổi họp, tôi đến nhà cu Dũng.
- Cháu không thích học toán hả?
Cháu rất thích nhưng môn đó khó nắm được lắm. Mấy anh chị lớp mười hai mà cháu hỏi cũng bí rị cả! Sách cải cách mà chú.
- Bắt đầu từ hôm nay, chú sẽ giúp thêm việc học toán của cháu. Cháu có quyết tâm không?
- Dạ, cháu sẽ cố gắng. Cu Dũng liến thoắng trả lời.
Hôm sau, khi hướng dẫn và kiểm tra bài toán trôi chảy xong, nó liền hỏi tôi:
- Chú còn nhớ chuyện vua Lê Lợi không?
- Lê Lợi, Lê Lai chống quân Minh?
- Không chỉ hai người đó chống quân Minh thôi đâu. Nó bắt bẻ. Tôi cười và chấp nhận sự sơ hở của mình.
- Chú ơi, sao Rùa Vàng đòi gươm báu lại hở chú?
- À, của họ thì họ đòi lại thôi.
Tôi trả lời và cố nhớ lại chuyện kể của người thầy dạy môn lịch sử tài hoa ngày xưa. Thầy tôi thường dạy dưới dạng kể chuyện làm chúng tôi rất thích, thầy cho phép chúng tôi trao đổi, và nhiều lần thầy tập cho học trò cách kể. Đã gọi là truyền thuyết thì sẽ có khác biệt giữa người kể này với người kể khác. Khi người em trai của Lê Lợi nhặt được thanh gươm thì chỉ đọc được hai chữ “Thuận Thiên” cho đến khi thanh gươm đó nằm trong tay Lê Lợi, nhờ ánh hào quang vụt sáng mà đọc trọn bốn chữ: “Thuận Thiên Lê Lợi”. Rõ ràng trời đã tin và nhân dân đã trao trách nhiệm lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh cho chàng trai áo vải đất Lam Sơn.
- Cháu cũng nghe kể vậy nhưng cháu muốn hỏi là tại sao người ta đưa ra truyền thuyết Rùa Vàng đó?
- Rùa Vàng hay Long Vương là đại diện cho nhân dân. Nhân dân đã chọn Lê Lợi...
- Như vậy là khi chiến thắng xong, nhân dân không còn tin vào Lê Lợi nữa hay sao?
Tôi nhớ, hình như chuyện đó xảy ra sau khi vua Lê Lợi đã giết nhiều công thần - những người có công lớn đối với đất nước trong mười năm kháng chiến vô cùng gian khổ. Tôi ngẫm nghĩ, khi chiến tranh đã chấm dứt, thanh gươm đó phải trả lại cho chủ nhân. Có lẽ các đấng thần linh đã tiên đoán trước sự vững vàng của triều Lê nên không cần thanh gươm bảo vệ tổ quốc chăng? Hay có thể, thanh gươm như một ông quan Ngự sử - chuyên can gián khi nhà vua sắp làm điều không đúng? Thầy tôi đã kể, chuyện Rùa vàng đòi lại thanh gươm trong khi nhà vua đang du thuyền trên hồ - sau này gọi là Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm. Rùa Vàng đòi lại nhưng cũng không kịp thời, ngai vàng quyền lực và sự hưởng thụ xa hoa đã làm Lê Lợi xa dần nhân dân, nghi ngờ và tiêu diệt những người đã cùng mình nằm gai nếm mật qua nhiều năm tháng.
- Chú ơi, sao người xây dựng chuyện này không dám nói thẳng với nhà vua hở chú?
- Các công thần bậc nhất mà Lê Lợi còn không tin tưởng, nhiều kẻ còn bị giết nữa là!.
- Khó ghê chú hở.
- Ừ. Cháu có biết là ngày xửa, ngày xưa dân mình tin thần thánh lắm. Cháu còn nhớ, chuyện quân sư Nguyễn Trãi đã cho người lấy mỡ viết lên lá cây rừng để sâu đục thành câu chữ. Nhân dân đã lan truyền thông tin nhanh chóng về sự giao phó trách nhiệm của trời đất cho người anh hùng.
- Nếu vậy thì người dựng chuyện truyền thuyết này thật là thông minh tuyệt đỉnh phải không chú?
Chuyện đang đến hồi sôi nổi thì có người trong khu tập thể đến nhờ sửa lại đường dây điện. Tôi đứng lên và thoáng thấy nét luyến tiếc trong ánh mắt cậu bé.
Một chiều đi làm về gần nhà, cơn mưa đầu mùa bỗng ập đến. Tôi vội ghé vào một quán xép bên đường, ngồi nhâm nhi ly cà phê đá và nhìn cơn mưa xối xả... Tôi chợt thoáng thấy thằng cu Dũng chạy sang đường. Nó ôm một tập báo mới và cố che những giọt mưa quái ác. Tôi định gọi nó lại nhưng lại nghĩ ra là nó đang vội đi bán cho những vị khách trú mưa dưới những hàng hiên. Cu Dũng kẹp bên hông một cuốn sách cũ đã xoăn góc, đầu tập sách mỏng khổ lớn ló ra phía sau lưng, tôi đọc được hai chữ “Thánh Gióng” to to.
Chà, cu cậu lại bắt đầu “nghiên cứu” sang lĩnh vực thần thoại rồi đây. Tôi thầm nghĩ và bỗng xấu hổ về bộ nhớ của mình, quên khuấy đi mất. Câu chuyện hôm trước tôi vẫn còn nợ thằng bé.
- Chú ơi. Có gì cháu làm giúp không?
- Không có gì Dũng à.
Tôi đoán không sai. Cu Dũng gọi lúc tôi đang lui cui chuẩn bị bữa ăn. Tôi chạy vội lên nhưng nó lại không vào nhà như mọi khi.
- Chú ơi, sao ông Gióng không lên làm vua?
Tôi chưa kịp trả lời thì nó đã hỏi thêm:
- Lúc dẹp xong giặc Ân, sao ông Gióng về trời mà không ở lại giúp nhân dân?
Nó hẹn tối nay trở lại. Tôi nhìn theo bước đi hấp tấp của nó. Dáng nó gầy gầy. Tôi nhắm mắt lại và mơ màng thấy thằng bé đang toét miệng cười sung sướng bên tôi. Ờ nhỉ, đơn giản thôi mà cũng thật khó trả lời, ông Gióng sao không xưng hùng, xưng bá? Tôi phải trả lời thằng bé như thế nào đây?
L.H.P