Chùm tản văn - Hồ Lê Diêm

02.08.2016

Chùm tản văn - Hồ Lê Diêm

Võng đung đưa

Mẹ nhờ bác Năm đóng chiếc giàn võng mới. Con càu nhàu, ra cửa hàng, không thì vào trang bán hàng online của công ty, muốn mẫu nào, có ngay mẫu nấy. Nhanh, mà lại đẹp. Mẹ cười xòa. Nụ cười kéo cái mặt khó coi của con đi chơi chỗ khác. Hai hôm sau, bác Năm khệ nệ đặt cái giàn võng trước sân nhà mẹ.

Mẹ kéo từ trong “bao đồ cổ” ra hai sợi dây dù màu xanh lá mạ mới keng. Tích tắc, hai đầu võng được buộc khéo vào hai đầu chiếc giàn gỗ. Võng được đan bằng những sợi cước màu trắng đục, nhẹ lung lay khi có cơn gió đi ngang qua. Chiếc võng đủ sức mời gọi bất kỳ một đứa trẻ nào, đâu chỉ mỗi con.

Trời xế bóng, mẹ khuân cả giàn võng ra sau vườn. Nơi có những tán cây cổ thụ chụm đầu vào nhau, khiến mặt đất dưới chân mát lành lạnh, con thiếp đi lúc nào không biết. Chẳng may con quên mặc áo hay vì trời quá nóng, tấm lưng sẽ hằn in những vết lằn hình thoi từ thân võng. Cứ như một tác phẩm do tự nhiên sắp đặt, tấm lưng in hình mắc võng gợi cho người ta biết bao nhiêu nỗi niềm. Nhưng rồi, bức tranh mà tấm võng hữu ý để lại trên lưng con sẽ chóng tan biến, hệt như ký ức buổi hoa niên buồn bã quay đi mỗi lần con vùi mình vào chiếu hoa phảng phất vị kim tiền.

Mùa lạnh, mẹ đổi võng cước sang võng dù. Không như võng cước, võng dù ấm hơn, lại có hai lớp hẳn hoi. Ngày con còn bé, mỗi lần giận mẹ thường trốn trong chiếc võng dù. Con mở võng rồi nằm lọt thỏm trong ấy. Võng hệt như con sò há miệng ngoạm lấy con. Con dùng tay nắm chặt miệng võng, nước mắt nước mũi thấm ướt chiếc võng tội nghiệp. Võng vẫn cuộn lấy con, vỗ về cho đến khi đôi mắt con vừa ráo nước.

Thế giới bên trong chiếc võng mới kỳ lạ làm sao. Xuyên qua lớp vải màu xanh, con thấy bầu trời và những mảng mây, vòm lá và cánh chim hệt một bức tranh đen trắng đong đầy hoài niệm. Sợ chị tranh mất võng, nên mỗi khi võng hết đung đưa, con cũng không dám hé mở miệng võng, thò chân xuống đất đưa võng. Con cứ  nằm im cho tới lúc chìm vào giấc ngủ, khi tỉnh dậy, áo đã ướt đầm đìa mồ hôi.

Giữa những ngày thơ, có buổi trưa nào ấy, con rủ cái Ty chơi oẳn tù tì đưa võng. Thua tới lần thứ năm, tức khí con đưa võng thật mạnh. Con Ty vụt tay, quăng ra xa lắc rồi im ru không thèm la đau như mấy lần con nhéo vào tay nó, lúc nó giành chú chuồn chuồn ngô mà con vừa tóm được. Hồn con chỉ trở lại khi nó từ từ mở mắt, cười với con: “Hôm nào Ty đưa võng bù cho nhé!”. Nhưng mẹ Ty không cho Ty chơi trò đưa võng nữa. Con lủi thủi một mình, tưởng có Ty đây, con sẽ không cần oẳn tù tì nữa, đưa võng cho nó hoài cũng được. Ba thấy con đưa chiếc võng không nhẹ hều, bèn nhỏ nhẻ với con, đưa võng không không nên đâu, để ba đưa võng cho bé nhé!

Mẹ bày con cách buộc võng. Buộc và tháo đều đơn giản nhưng chẳng bao giờ võng bị tuột. Ngày vào vụ, con theo mẹ lên rẫy. Bên cạnh thức ăn, nước uống, mẹ thường gói chiếc võng mang theo. Con được nằm võng, ngủ ngon giấc mà không sợ bị kiến cắn hay nắng trưa làm chói mắt. Còn mẹ, mẹ trải mớ lá nghỉ lưng, tay vẫn đưa võng cho con nhanh vào giấc.

Từng mùa bên cánh võng cứ thế trôi, trôi đi trên dòng đời yên ả. Hết ru con, mẹ lại ru cháu trên cánh võng ban sơ. Những đứa con, có khi bận lên rừng lên rẫy, bận cấy lúa, trồng rừng, gửi con cho mẹ từng ngày. Võng ru đứa bé ban trưa, lắc lư, lắc lư. Có những đứa con khác, ra phố mưu sinh, gửi con nhỏ lại cho mẹ từng mùa. Võng ru đứa bé qua ngày thơ ấu, lắc lư, lắc lư mải miết... Võng có biết mỏi không nữa!


Nhớ mùi đu đủ

Bạn đi cơ sở về, ghé phòng tặng mình trái đu đủ hườm. Bảo bà con biếu, mỗi người mỗi trái làm quà chia tay. Nhìn trái đu đủ to tròn nằm gọn lỏn trong túi nilon, mình lừng khừng hỏi mình có nên nhận. Không đưa tay ra cầm thì phụ công, phụ lòng bạn, còn nhận thì tội cho... trái đu đủ quá!

Không nhớ lần cuối cùng mình tự nấu ăn là khi nào. Từ ngày ra trường, công việc cứ cuốn mình đi mải miết. Cái thời lén nấu cơm ở ký túc xá đã lùi xa, thế vào chỗ đấy bằng chuỗi ngày cơm đường cháo chợ qua quýt. Vậy nhận trái đu đủ biết làm gì với nó bây giờ?

Bạn về rồi, mình cứ ngồi đó nhìn trái đu đủ mà nhớ một thời trẻ dại. Quê mình, nhà nào cũng trồng một tới hai cây đu đủ trong vườn, chúng đứng cạnh đám môn ngọt, mã đề, lá lốt, rau răm hệt một chiếc ô xanh mát. Nhiều nhà còn trồng cả vườn đu đủ. Trong lúc đu đủ cái thấp lè tè, trái lúc nhúc quây bốn bề nặng trịch thì đu đủ đực được nhẹ mình bởi chỉ “đèo” vài nhành hoa màu trắng sữa.

Nhà mình cũng có đôi ba cây. Đực cái đủ mặt. Mấy lần ba dọa chặt cây đu đủ đực vì sợ rợp vườn. Mẹ can ngay, con Ty tạng yếu, hễ trở trời là ho, ba nó để mấy nhánh còn giã cho con chén thuốc. Mùa lạnh mình trổ chứng, mẹ thường phải chạy tuốt xóm trên xin cho kỳ được vài chùm hoa về giã lách chách suốt buổi. Vì thương mẹ, ba xuôi.

Mình ghét uống nước cốt hoa đu đủ với mấy loại lá hầm bà lằng nhưng cực kỳ mê đu đủ chín. Cách ít ngày, mình lại ra vườn một lần, ngước cổ tìm những trái đu đủ chuẩn bị chuyển màu. Có lần vì nôn nóng muốn ăn đu đủ, mình bịa ra đủ lý do, nào là con chim sẽ tha mất đu đủ của Ty, bà Bảy bà Năm gần xin đu đủ về xào lá gừng rồi, kìa mẹ!...Mẹ bật cười, ký vào đầu mình cái cốc.

Rồi ngày được ăn đu đủ cũng tới. Mẹ bổ ngang trái đu đủ làm hai. Cơm vàng ươm, hạt đen óng ánh. Mẹ vát sạch hạt rồi đẩy nửa trái đu đủ và cái muỗng về phía mình. Đu đủ ngọt thanh thanh, tan ngay trong miệng. Mình, lần nào cũng nạo tới gần thủng vỏ. Mẹ can: “Thôi, đắng con, ăn của mẹ nè”.

Thêm mười mấy tuổi nhưng sở thích ăn đu đủ của mình vẫn không đổi. Đi chợ vẫn thường ngó nghiêng xem có quả đu đủ nào ngon, mua mấy lần nhưng vị cứ sượng sùng, không ngọt tự nhiên như đu đủ của mẹ.

Học cấp hai, mình biết thêm món gỏi đu đủ nhờ mấy đứa bạn cùng lớp. Hễ rảnh ra, cả đám sẽ kéo đến nhà đứa nào đấy bày trò làm gỏi. Và dĩ nhiên, cây đu đủ nhà đứa đấy sẽ trở thành nạn nhân và bị vặt không tiếc tay. Nhà này hết đu đủ lại sang nhà khác, như đánh giáp vòng. Có khi trái đu đủ chưa kịp ngả màu thì đã lọt vào tầm ngắm của cả lũ. Cả đám phân chia nhiệm vụ rất rõ ràng và... chuyên nghiệp. Trong lúc hai đứa nào đó đứng sẵn dưới gốc thì nhỏ Hằng lì lợm thót lên đọt, lảy một lúc ba trái, lần lượt thả xuống. Bọn khác vặn nước rửa dao đợi sẵn. Không có dao bào như bây giờ, bọn con gái thay phiên nhau băm đu đủ thành từng sợi mỏng. Ngâm nước. Vắt khô. Đứa kia giã mắm, đứa khác cắt chanh. Có hôm trở quậy, nhỏ Hằng mò đi trộm xoài. Thế là món gỏi thêm phần sinh động.

Xong xuôi, bảy tám đứa con gái quây tròn quanh thành phẩm. Vừa ăn vừa hít hà vừa chảy nước mắt vừa uống nước mà có đứa nào chịu thôi. Lần sau lại hẹn làm gỏi tiếp. Cứ vậy, gỏi và những trưa tan học, đọng mãi trong tâm trí mỗi người.

Mới đây thôi mà cái thời đu đủ trộn mắm đã đi đâu xa lắc, xa lơ. Xòe tay ra bắt lại cũng không còn kịp nữa. Giờ nhắc đến gỏi phải hình dung ra một đĩa đủ màu sắc với vị ngọt của biển, của rừng. Mình phân vân, lũ nhỏ nhà quê bằng tuổi mình ngày ấy mỗi lần tụ tập sẽ ăn cái gì nếu không phải là gỏi đu đủ?

Cuối tuần, phép thêm mấy ngày, đóng cửa phòng trọ, móc túi đu đủ bạn tặng lên xe. Giữa đường tạt vào chợ mua thêm miếng xương heo. Rồ ga, phóng thẳng về nhà nấu canh đu đủ ăn cơm với mẹ.

H.L.D