Ông lão, tôi và đứa trẻ - Tuyết Diệu
Hằng ngày, tại thư viện trường đại học, biết bao các bạn bỏ cả ăn trưa chỉ để đọc sách. Họ mê sách hay họ cũng đang tìm kiếm điều gì đó thật sự có ý nghĩa “khai sáng” với cùng câu hỏi như tôi? Tôi không đến thư viện trường như các bạn mà lại thích đến nhà sách.
Giảng viên môn xã hội học bảo, nếu là sĩ tử thì nên đọc Dịch học. Dịch học rất phức tạp phải có một trí thông minh nhất định mà nhất là giỏi logic toán học cộng thêm tinh thần quyết tâm cao mới “dấn thân” vào quyển kinh Dịch được. Tôi học chuyên ngành xã hội học và hồi còn học phổ thông bao giờ điểm môn Toán cũng thấp lè tè nên chỉ cần lật vài trang đầu là cơn buồn ngủ kéo tới. Nào là càn, khôn, li, đoài, cấn, chấn, khảm… ôi thôi loạn! Tôi quyết định bỏ cuộc. Nhìn tới, nhìn lui, nhìn ngang, nhìn dọc đâu đâu cũng toàn sách là sách. Có thể một quyển tiểu thuyết sẽ giúp ích được mình chăng? Tôi lại nhớ ai đó có nói, sách mà được thời gian thẩm định trên 30 năm là sách đáng để đọc. Tôi suy diễn rằng, ý người này muốn nói đến sách kinh điển. Trước mắt tôi, quyển Những người khốn khổ của Victor Hugo đang mời gọi. Tôi bước lại gần nhìn thấy có tất thảy 3 tập, mỗi tập đều dày cộm, cơn lười biếng trong tôi dâng lên tột độ, tự nhiên những quyển sách làm tôi choáng váng, tôi muốn về nhà. Cũng may là ngày hôm đó trước khi ra về, tôi góp được tí vốn liếng, hãy quý trọng những gì bạn có, một câu nói tôi đọc được đâu đó trong “đám sách”. Có thể nếu biết vận dụng câu nói này thì cũng sẽ hạnh phúc được chăng? Ý nghĩ đó thoáng qua đầu tôi!
Tôi lang thang trên con phố vắng đếm từng ụ phi lao được cắt tỉa cẩn thận như những cây nấm khổng lồ được trồng đều như sắp, thẳng tắp suốt dọc con đường dài. Một cây trong số chúng chết cứng, gầy trơ. Lạ thật! điều gì đã khiến cây phi lao chết lặng giữa những cây hàng xóm đang xanh tươi như thế? Màu xám ảm đạm tương phản với màu xanh ngắt của hàng phi lao khiến tôi băn khoăn. Nhưng tiếng la toang toác của bà bán hàng rong lại đột ngột thu hút và khiến tôi quên bẵng vụ cây cối. Thì ra là một con sâu lạ vừa rơi từ trên cây sứ được trồng ngay cái quán nhỏ của bà. Bà kinh hãi vì không biết nó là con vật gì? Theo bà thì con này không phải rắn vì nó hơn gang tay người, mình nó còn nhỏ hơn cả một con giun đất có đến hai cái đầu đang cố vùng vẫy ngoằn ngoèo. Tôi cũng phát khiếp lên được khi nhìn nó. Nhưng theo tôi nghĩ thì đó là một loài rắn rất nhỏ và thay vì nó chỉ có một cái đầu và một cái đuôi như thường thì gen di truyền đột biến khiến nó có đến hai cái đầu. Tôi nổi hết da gà vì sự bất thường này.
Sau những gì vừa chứng kiến, tôi lại đột ngột phát hiện thêm một lý thuyết mới, có nhiều thứ sống động đang diễn ra trong cuộc sống thú vị đến kỳ lạ. Tôi lại đâm ra nghi ngờ việc dành hết thời gian của mình vào sách vở và cảm thấy tiêng tiếc vì mình đã dành hầu hết thời gian cho việc này.
Bỗng nhiên tôi thèm một tách trà móc câu nóng tỏa hương thơm lừng. Và như thế, bước chân tôi di chuyển về hướng hội quán. Hội quán vào đầu giờ chiều vắng khách. Nếu tính cả tôi thì tổng cộng có hai người. Tôi đoán vị khách chừng ngoài 60 tuổi. Tóc bạc tám phần như kiểu nếu đem 10 sợi tóc ngẫu nhiên trên đầu của ông ra đếm thì có 8 sợi bạc, 2 sợi còn lại vẫn còn pha đen. Làn da sáng, mắt cũng sáng, mũi thẳng, miệng vuông. Nói chung là khí sắc tốt. Đến năm 60 tuổi không biết mình có được như thế không nhỉ? Tôi tự hỏi bản thân. Tôi đang chực ngồi xuống bàn bên cạnh thì ông lão cất tiếng:
- Cháu lại đây ngồi cùng nói chuyện cho vui.
Tôi hơi ngơ ngác nhưng cũng làm theo lời ông cụ.
- Cháu đã bao giờ làm một bài thơ chưa?
Tôi có viết nhưng không biết bài như thế có được gọi là thơ không, chưa có ai được đọc chúng.
- Hồi còn bé cháu có làm thơ.
- Thơ kỳ diệu lắm nhé. Ông yêu thơ lắm. Hồi đó, thời kháng chiến chống Mỹ, khi còn là anh lính, ông thường làm thơ. Ở giữa một cuộc chiến, máu thi sĩ bao giờ cũng khiến ông nổi hứng làm thơ nhé. Khi xếp bút nghiên lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, một tay cầm súng, tay còn lại không yên nên phải làm thơ. Thơ kỳ diệu lắm nhé, ông lặp lại. Không hiểu sao lúc ấy, chỉ huy trưởng lại phát hiện được những bài thơ của ông rồi cử ông đi học lớp biên kịch. Cháu biết vì sao không, những bài thơ thể hiện quyết tâm của chàng trai trẻ vững tin vào lý tưởng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại. Tất cả đều thể hiện trong thơ.
Quả là chuyện thú vị khi chỉ huy phát hiện ra một người lính làm thơ lại được cử đi học biên kịch. Chắc là tại vì lúc ấy, trường học chỉ mở lớp học biên kịch chứ nếu mở lớp dạy làm thơ thì đâu phải đi học lớp biên kịch. Quả là hay, tôi cười xòa và gật gù với lý giải hợp lý của mình. Ông lại hào hứng kể tiếp, nhưng là một câu chuyện hoàn toàn khác.
- Sau giải phóng nhé, lúc ông đi qua một đoạn đường vắng, một bên là đường một bên là rừng. Ông bỗng thấy một bọc vải bị đánh rơi. Khi mở bọc ra, bên trong có vòng vàng và một chiếc đồng hồ đeo tay. Hồi đó, đồng hồ đeo tay quý giá lắm. Có lẽ người đánh rơi đi chưa xa, ông nghĩ thế nên vội đạp xe tăng tốc rượt theo, ông treo cái bọc vải trước cổ xe để ai mất thì còn nhặt lại. Quả thật, lúc ông chạy tới thì người đánh rơi đang tìm kiếm cách ông không xa. Vừa thấy ông, anh ta bảo đó là đồ của anh ta rồi nói một hơi đúng hết các thứ có trong bọc vải. Ông đang lúi húi mở lấy cái bọc vừa mới tháo ra khỏi cái cổ xe là người đàn ông đó giật phắt không nói được cả lời cảm ơn, vội vàng chạy tuốt.
Thái độ hào hứng của ông cụ trong các câu chuyện ông kể khiến tôi có cảm tưởng ông rất giàu năng lượng. Ông ngay thẳng, vững chãi hệt như phẩm chất của một cây tùng.
- Thế ông đã biên được kịch bản nào chưa?
- Đi học là vì nhiệm vụ, nếu đơn vị cần đến một kịch bản, hay đại loại là những việc liên quan đến viết lách thì viết nhưng ông không thấy ai giao viết kịch bản nào. Nhưng ông luôn làm thơ. Cháu biết hạnh phúc là gì không? Là khi ta biết chắc mình thích điều gì? Từ khi còn trẻ đến bây giờ, ông luôn biết những vần thơ sẽ khiến ông luôn hạnh phúc.
- Tại sao ông lại kể cho cháu nghe câu chuyện nhặt của rơi trả cho người mất ạ?
- Ông nhớ hết những việc làm “oanh liệt” hồi còn trẻ, giờ 80 tuổi rồi không có gì để nói.
- Ông 80 rồi ạ?
- Ờ, ông 80.
Xong câu chuyện, xong tách trà, cụ già đứng dậy và đi. Tôi nhớ nụ cười rạng rỡ trên môi ông, nhớ câu nói: Những vần thơ luôn khiến ông hạnh phúc.
Tôi cảm thấy đói và cần phải kiếm thứ gì đó để ăn. Tôi đi ngang qua quảng trường thành phố. Quảng trường, trời vào chiều mây giăng đen kịt. Một đứa trẻ vừa biết đi khóc thét tìm kiếm. Có lẽ cô bé tìm kiếm mẹ mình. Tôi không thể thờ ơ nên chạy đến bên cô bé dỗ dành nhưng không ăn thua gì. Tôi chợt nhớ đến trò chơi với chú chó nhỏ thông minh ở nhà mình, tôi trốn trong hốc cửa và chú ta chạy đến tìm tôi. Trong phút chốc, tôi núp sau hàng hoa tím được cắt tỉa cận thận:
- Tìm chị đi, tìm chị đi nào, đến đây, đến đây nào. Tôi lấp ló nhằm ra hiệu để cô bé biết mình đang ở đâu. Ngay tức khắc, cô bé hiểu ý tôi vừa mếu máo vừa chập chững bước về phía tôi. Đôi mắt tròn trong veo còn ngân ngấn lệ của đứa trẻ ngơ ngác nhìn tôi rồi ngừng khóc hẳn. Tôi đoán rằng, cô bé đang hân hoan niềm vui chiến thắng. Tôi nở một nụ cười tươi rồi chợt chạy quanh vòng hoa lôi cuốn theo trò chơi trốn tìm thú vị cùng với đứa trẻ.
Một người phụ nữ trẻ tuổi hớt hải chạy đến vội bế đứa trẻ lên tay rồi thì thầm: Mẹ đây, mẹ đây! Cô nguýt dài tôi một cái rồi bỏ đi ngay tức khắc không cần nghe tôi nói chuyện gì đã xảy ra, hay ít ra cũng cho tôi biết vì sao đứa trẻ lại đứng giữa quảng trường một mình như thế. Nhưng mọi lời nói lúc này đều là thừa thãi. Tôi đâu cần chị biết, hành động có vẻ điên rồ của tôi có ích với đứa trẻ như thế nào lúc thiếu chị. Nhưng tôi đã rất hạnh phúc vì việc tốt mình vừa làm. Biết đâu đấy khi về già, trong một câu chuyện với con cháu, tôi sẽ chọn câu chuyện này để kể cho chúng nghe.
Hạnh phúc là khi biết được mình thích làm gì? Tôi đã học được điều ấy! Tôi chợt nhớ những bản thảo còn dang dở trên máy tính. Những bản thảo chưa bao giờ thành sản phẩm hoàn chỉnh bởi tôi đã không tin mình có thể viết được thứ gì đó khiến người khác đọc thích thú. Nhưng giờ tôi biết chắc, mình yêu viết văn và cần phải biết yêu những bản thảo của mình, đó là con đường đưa những trang viết của tôi đến với độc giả. Bất giác, tôi nở một nụ cười mãn nguyện.
T.D
Nguồn: baophuyen.com.vn