Mong manh phận người - Hồ Loan

30.06.2020

 - Chú giàu thật ấy!

- Răng  con?

- Chú sắm được những sáu ngón trên một bàn tay, chẳng bù cho nội con. Nội con có bốn ngón thôi hà.

Chú ký vào đầu tôi một cái rõ đau:

- Tổ cha bây.

Mong manh phận người - Hồ Loan

Rồi hai chú cháu cùng cười ngất.

Tôi không biết chú bao tuổi, cũng không rõ chú có biết buồn không nữa, vì tôi không nhìn thấy được cảm xúc từ đôi mắt trắng mờ đục ấy.

Chẳng hiểu sao, từ ông nội tôi, ba tôi, rồi đến tôi đều gọi bằng chú, cả làng từ lớn đến bé nhất nhất một hai gọi “chú Ba”.

Chú Ba sống trong một căn nhà bốn bề phên, loại vách mỏng manh hè thì lộng gió nhưng đông đến toàn phải vá víu bằng mấy chiếc áo mưa rách rưới.

Chú cực kỳ khéo tay dù một bên mắt chẳng còn thấy gì, con mắt còn lại mờ đục như viên bi ve được bắn hàng chục mùa có lẻ.

Chú sống một mình, vạ vật qua bao nắng mưa. Bụi tre sau hè làm bạn cùng chú. Sáng ra chú đã hì hụi chặt phát, trưa lại tỉa tót chẻ, chiều chiều khi những cơn gió dìu dặt, bọn sẻ vít cành tre ríu rít tôi lại thấy chú ngồi tỉ mẩn đan từng chiếc bội, chiếc trạc, cả thúng mủng, nong, nia, dần sàng các loại. Thích nhất là những lúc nổi hứng chú còn đan tặng tôi đôi mủng bé xíu và bộ gióng cỏn con cho tôi chơi đồ hàng. Tôi lân la nhà chú từ sáng tới trưa, từ chiều tới tối. Tôi bị mê hoặc bởi những câu chuyện không đầu không cuối, những món đồ lần lượt được gả bán với giá rẻ mạt, cả những cuộc viếng thăm của các bác láng giềng sau buổi nông nhàn. Lúc ấy tôi được sai đi mua rượu và được bà Bảy Béo cho vài cái kẹo. Mà thích nhất vẫn là được đặc quyền tót lên cây ổi tha hồ hái quả.

Một lần, tôi lân la hỏi về những người thân của chú, chú cười, hất cằm về phía bàn thờ, nơi lúc nào cũng bí ẩn với màn vải đỏ chạch ma mị.

- Họ ngồi hết trên nớ tề!  Phải ăn chuối nải mới chịu.

Tôi phì cười, chú thì chúm môi, đôi mắt hấp háy, tôi không biết phía sau ấy ẩn chứa điều gì, huyễn hoặc như một chiều đầy dông gió.

- Hồi nớ, chú tầm tuổi con bây chừ, cũng nghịch lắm!

Tôi phì cười, vờ phụng phịu:

- Con ngoan nhất quả đất mờ...

- Ờ thì ngoan. Chú cười, tôi cũng cười.

Chú lại chậm rãi:

- Lần đó cả nhà đang ăn cơm sáng, tự nhiên từ đâu xuất hiện con rắn hổ chui tọt dưới mâm, tau chạy xuống bếp vác cây củi to đùng lên phang cho nó vài phát, mẹ tau cản không kịp, con rắn chết luôn.

- Eo, răng chú ác dữ thần.

- Ác chi mi, không đập hắn cắn mình chết tươi chứ giỡn.

- Rồi răng nữa? - Tôi hồi hộp.

-  Không ngờ đến trưa lại có một con to hơn con lúc sáng, nó lên luôn bàn thờ, nằm khoanh tròn trên dĩa chuối nhựa.

- Chú lại đập?

- Tau chạy đi lấy cây thì mẹ cản, biểu không nên, cái chi mà rắn ông rắn bà!

Tôi hoang mang cho số phận con rắn.

- Chú không đập nó chứ?

- Tau lườm nó từ trưa qua xế, đợi mẹ ra đồng tau lén lấy vải thấm dầu lửa rồi châm đốt.

- Hả, chú đốt bàn thờ hả?

- Thì tau tính đốt con rắn, ai dè...

Tim tôi thót lại:

- Thế cháy nhà còn đâu.

- Cũng may ba tau về kịp, nhưng bàn thờ cháy trụi, cũng không biết con rắn ra răng nữa, bữa đó tau no đòn.

- Thế rồi làm răng chú bị mù?

- Chiều đó tau đi chăn trâu, một cơn mưa dông ầm ầm trút xuống, tau đổ bệnh. Mà lạ nghe, hồi nào giờ tau có bệnh tật chi, cứ trùi trũi. Hết thuốc hết thang, tau cứ vật vờ không hết bệnh, người lúc nóng lúc lạnh, lúc vui lúc buồn, khó chịu kinh. Mẹ tau hoảng đi cúng thầy bà tứ xứ, họ bảo tau bị bà quở. Uầy, rứa là về xách cái đầu tau ra cho bà phạt. Xông lá mấy ngày đêm nghe, khi tau ngưng sốt thì đôi mắt cũng mờ dần, cứ tưởng còn mệt nên rứa, dè đâu càng ngày càng mờ.

Mặt chú trầm ngâm:

- Mẹ tau bệnh rồi mất ngay sau đó, ba tau đổ bệnh ngã theo không lâu. Bỗng dưng tau thành đứa trẻ mù mồ côi cả cha lẫn mẹ, con ợ!

- Lúc đó chú bằng tuổi con hả?

- Uhm, đâu chừng nớ hà.

Tôi xuýt xoa:

- Tội chú quá! Rồi chú sống răng? - Tôi vặn vẹo.

- Lúc đó có bà cô ruột đưa tau về nuôi, mà cái lão dượng khó ưa cứ hạch hoẹ, tau buồn lắm nhưng ráng chịu. Tiền họ hàng phúng điếu lão giữ trọi. Tau ở được đến năm mười ba tuổi thì không thèm ở nữa, tau về nhà. Con thấy bụi tre sau hè không? Nó nuôi tau từ nớ đến chừ.

Tôi nhoài người ra sau, để nhìn kỹ hơn thứ ngỡ vô tri đã cưu mang chú gần cả đời người.

- Chú nhớ mẹ nhiều không?

Tôi buột miệng.

Chú trầm ngâm, trũng sâu nơi hai hố mắt khô cằn. Tôi biết chú đã khóc cạn những ngày mất cha mất mẹ, những ngày phải sống nương nhờ vá víu bữa đói bữa no.

Lắc lư trên cánh võng tre, tôi nghe gió chiều ngân nga, như tiếng mẹ chú từ xa xăm vọng về. Hẳn bà cũng nhớ chú nhiều lắm, chợt mắt tôi cay xè, mặn đắng.

Tôi lủi thủi ra về không hỏi gì thêm.

Mấy hôm nay tôi bận đi học nên không sang chơi với chú được. Nghe đâu chú ốm, mẹ bảo mang cho chú bát cháo, tôi xung phong liền, ghé coi chú thế nào, thêm nữa thăm luôn cây ổi.

Vừa vào nhà, tôi giật mình bởi cái lưng to đùng đang hì hà thổi lửa. Đây là lần thứ hai tôi gặp người phụ nữ này, cô ấy tận miền biển, quẩy mắm lên miền ngược đổi khoai, thấy tôi bà cũng giật bắn như kẻ trộm.

- Mẹ con biểu mang cháo cho chú Ba.

Nói rồi tôi đặt vội bát cháo nóng hổi vào tay bà, lòng có chút dỗi hờn. Không hiểu sao tôi ích kỷ thế, chỉ muốn chú là của tôi và riêng tôi thôi. Tôi ngúng nguẩy ra về quên luôn cây ổi đang sai quả, quên cả vào xem chú ốm ra sao.

Sáng ấy trời trở, từng đợt gió bấc tràn về, gió thổi tung đám lá úa xả đầy sân mưa, gió quật ngọn tre xơ xác, gió mang hơi lạnh phủ khắp xóm làng, lũ gà mang tơi chống rét. Chị mái mơ xem chừng ngã bệnh, đít trắng toát. Ba bảo kho sả là nhất. Thời ấy cứ con gà nào dịch là mang kho sả ớt, thể nào cũng được một bữa lặc lè.

Tôi vô tình gặp lại người phụ nữ hôm nọ khi mang thịt gà qua cho chú Ba. Bà đang lúi húi búi lại tóc, sửa lại chiếc áo xộc xệch rồi xả lả cười:

- Con lại cho cô chi rứa ?

- Mẹ con biểu mang qua cho chú Ba, không phải cho cô mô!

Tôi đanh đá trả lời.

- Ờ nói mẹ cho cô, à, chú Ba cảm ơn nghe!

Tôi tròn mắt nhìn chăm chăm bà.

Như chợt nhớ ra điều gì, bà chạy vào đôi quang gánh, lôi dưới đáy thạp ra chùm sao biển:

- Cô cho con nè!

Tôi tròn mắt ngạc nhiên

- Ôi đẹp quá! Ở đâu cô có rứa?

Có đồ chơi tôi bỗng dưng thân thiện lạ.

- Dưới quê cô đầy, nếu con thích hôm mô cô lại đem lên!

- Con thích con ốc to mang tiếng hát của nàng tiên cá nữa.

Cô hiền lành:

- Ờ, hôm mô cô lên nhất định mang cho con.

Tôi không còn ác cảm với người đàn bà đã tranh mất chú Ba của tôi, vì ít ra cô ấy cũng thật dễ thương, dễ thương như mấy con ốc biển, xù xì nhưng thật đáng yêu - tôi nghĩ thế.

Bẵng đi mấy năm, tôi theo nội về phố.

Tôi khác.

Thi thoảng tôi trở về. Về để nghe những thanh âm quê còn vương vất nơi hồn mình. Tôi nghe giọt sương ủ ướt rêu mềm, từng phiến non xanh dịu nhẹ. Tôi nghe chim chóc quanh vườn ríu rít tiếng ca, thứ âm thanh của tự do, của đất trời trong trẻo. Vườn mẹ tôi là thiên đường của lũ trẻ. Từng chùm hoa mận trắng muốt li ti, xen lẫn trong  phiến lá. Những quả mận đỏ mọng chi chít. Chùm bông bưởi thơm lừng nơi góc vườn, như e thẹn, như bẽn lẽn, cứ khiêm nhường mà tỏa hương ngào ngạt. Cây xoan trước nhà chi chít hoa, phiến  mỏng manh tim tím vương vãi khắp lối vào. Hoa trải đều trên lối đi bị sương khuya tắm ướt, cứ man mát lòng.

Tôi về trong thinh lặng. Thi thoảng gửi tặng chú chút quà. Những món quà vô tri nhưng với chú là vô giá. Tôi cũng không biết nữa. Nghe mẹ bảo chú vui lắm, cứ nhắc con hoài.

Cuộc gọi của mẹ ngắt quãng cuộc vui. Tôi ôm điện thoại chạy ra ngoài nghe, tiếng được tiếng mất:

- Chú Ba mất rồi, con về tiễn chú một đoạn, nghe con!

Mắt tôi nhòa đi, tai ù đặc:

- Mẹ nói chi rứa, chú Ba đi đâu, mất là mất làm răng?

Tôi ngồi phịch xuống sàn nhà, nước mắt thi nhau tuôn. Những hồi ức đẹp cứ thế  ùa về. Nơi ấy, nơi chiếc võng tre kĩu kịt sau hè, nơi tuổi thơ tôi có hình bóng chú lầm lũi vót từng chiếc nan, nơi gió hào phóng bốn mùa với căn nhà vách nứa...

Đám tang chú diễn ra trong lặng lẽ, trong tiếng kèn đưa ma réo rắt lòng, trong cái gió hiu hiu lành lạnh của những ngày trở trời. Giữa khói hương mù mịt, tiếng khóc thương cũng dè dặt cầm chừng, như nghẹn lại, như nén xuống, như chẳng thể vỡ ra.

Mọi người chú ý đến người phụ nữ chít vành tang trắng toát, mắt cô xa xăm vô định, tay nắm chặt tay cậu con trai khôi ngô có đôi mắt sáng quắc lanh lợi. Tôi nhận ngay ra cô bởi dáng người to đậm, bởi đuôi mắt dài và bởi kỷ niệm về mấy con sao biển.

Lòng tôi nhẹ như gió chiều khi nhìn thấy ngón tay thứ sáu gầy guộc tong teo trên bàn tay trắng trẻo ấy của cậu nhóc. Ánh mắt tôi tìm mắt em, khẽ siết  nhẹ đôi bàn tay ấy. Mắt tôi ngân ngấn lệ thầm thì:

- Thế cũng qua một kiếp người. Cầu mong nơi xa xôi ấy chú gặp được ba mẹ mình. Gặp được những người thân yêu đã bỏ quên chú nơi cuộc đời dông gió này.

Và cầu mong cho cô và em bình an. Bình an hơn vốn dĩ, nhé chú Ba!

H.L
(baoquangnam.vn)