Cố nhà văn Lê Văn Thảo (tên thật là Dương Ngọc Huy) là điển hình cho đội ngũ nhà văn miền Nam trực tiếp tham gia đấu tranh chống Mỹ cứu nước. Năm 1962, từ một chàng sinh viên ở Sài Gòn, Lê Văn Thảo thoát ly vào chiến khu Tây Ninh, công tác tại Hội Văn nghệ Giải phóng, thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam.
Những năm tháng ở mật khu R, ông dùng ngòi bút làm vũ khí, viết những trang sử oai hùng của cuộc kháng chiến. Điều kiện sống khó khăn, gian khổ, giáp mặt cái chết, những trang văn được viết trong khói lửa có thể nói là dấu ấn vinh quang của văn học Việt Nam.
50 năm sau, Lê Văn Thảo mới viết lại những trang hồi ức của mình về những ngày ở R, bên các gương mặt nổi tiếng với văn nghệ kháng chiến miền Nam như Trần Hữu Trang, Anh Đức, Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi, Xuân Hồng, Nguyễn Văn Bổng, Giang Nam...
Chọn cái tên ngắn gọn, xúc tích cho cuốn sách, chỉ với hai chữ Ở R, nhà văn giải thích: "Một bạn trẻ hỏi tôi 'R là gì, có phải là rừng không? Tôi đáp 'Ờ, nói vậy cũng được".
Cuốn sách được viết bằng giọng văn dung dị, chân thực nhưng cũng đầy dí dỏm, gợi cho người đọc suy nghĩ về sứ mệnh văn chương, và sự vinh quang cũng như trách nhiệm nặng nề của nhà văn khi gắn liền với vận mệnh dân tộc. Người đọc bị cuốn theo câu chuyện của các văn nghệ sĩ đã diễn ra trong căn cứ cách mạng miền Nam.
"Những buổi đi rừng đốn cây xẻ gỗ, tải gạo, làm bẫy thú, chặn suối làm sa bắt cá, những công việc thật nặng nhọc, nhưng chiều về ăn uống chuyện trò, tối giăng võng nằm bên nhau, tình đồng đội gắn kết, là thú vui không gì bằng.
Tôi chỉ phiền họp hành nhiều quá. Đi rừng về quăng cuốc xẻng dao rựa, chưa kịp tắm rửa là họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Làm việc có giờ giấc nhưng họp hành không có giới hạn nào cả, ai cũng có quyền phát biểu. Nói ngắn không được thành nói dài", nhà văn miêu tả lại cuộc sống ở mật khu thời chiến.
Lê Văn Thảo được biệt phái về Sư đoàn 9, chủ lực miền Đông Nam Bộ vào năm 1965-1967, rồi tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968 ở Sài Gòn, bám trụ những vùng ác liệt nhất cho đến ngày giải phóng.
Từng có những năm tháng ở chung cơ quan, chung nhà với nhà thơ Lê Anh Xuân, Lê Văn Thảo viết: "Đúng ra tôi ngưỡng mộ lớp người trẻ tuổi như anh trưởng thành sau ngày độc lập ở miền Bắc. Anh là người tôi quen biết đầu tiên, những thanh niên thế hệ của Đặng Thùy Trâm, các anh chị đi vào chiến tranh có thể có chút ngây thơ lãng mạn nhưng thật hồn nhiên trong sáng".
Nhà văn Lê Văn Thảo. Ảnh: Lê Thiếu Nhơn. |
Trong trận đánh tổng tấn công năm 1968, Lê Văn Thảo tự tay chôn cất nhiều đồng đội, trong đó có Lê Anh Xuân. Ông bàng hoàng trước sự ra đi của người anh em thân thiết, "tưởng như chuyện trong mơ". Ông gọi đó là trận đánh hào hùng và bi thảm, có quá nhiều mất mát.
Lê Văn Thảo viết lời kết cho cuốn sách bằng câu chuyện kể về cuộc hội ngộ với một đồng đội, một nữ thanh niên xung phong tên Ng. vào năm 2015 (tức gần 40 năm sau chiến tranh). Trong ký ức của Ng. không có chuyện gian khổ chết chóc, chỉ có những kỷ niệm êm đẹp năm năm ở trong rừng: chuyện đám cưới, hái sim, tắm suối...
Nhà văn Lê Văn Thảo qua đời vào tháng 10/2016 tại nhà riêng do lâm bệnh nặng. Ngoài giải thưởng Hồ Chí Minh, ông từng nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1998 và 2003, Giải thưởng ASEAN năm 2006 với tiểu thuyết Cơn giông và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.