Đang rầu ruột nhưng tôi phải bật cười. Ông ta nói tiếp:
- Theo con nước nên có khi mới 2 giờ sáng đã đội đèn lên thúng kêu nhau đi “ăn”. Ra đến nơi là “ăn”, “ăn” hộc tốc, nước lên thì hết “ăn”.
Chị Nga giải thích: Triều lên, gành ngập nước không cạo được cho nên lên gành là lao vào cạo. Chân trụ, tay cạo, tay hứng nhưng mắt nhìn sóng. Sóng sắp ập là cầm vợt chạy. Sơ sẩy hay ham “ăn” thì sóng nhấn chìm hoặc đập đầu vào đá. Dân “ăn” mứt bị gãy chân tay, hà cứa bật máu là việc thường.
Chị Lang, người giới thiệu bà Kế cho tôi nói: từng tốp, 5 - 6 người, cứ nhảy trên gành đá như khỉ ấy. Bà Kế là trùm đó, gần 60 rồi mà “ăn” bộ hay “ăn” thúng gì bả cũng quất láng hết!
- Nhanh chân, nhanh mắt, lẹ tay, bơi giỏi. Nói chung là nghề dạy nghề - Chị Nga cười - Còn tinh thần thì phát huy thời trụ bám.
Một thanh niên nói: Mứt Nam Ô bổ dưỡng, lấy bao nhiêu cũng được thu mua hết. Khách hàng Nam, Bắc đều có cả.
Chị Nga cho tôi xem sổ mua bán, toàn khách Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng...
- Ngon bổ trên mâm chớ “ăn” ngoài gành nguy hiểm lắm - Thanh niên chỉ đôi dép nhựa quai hậu dưới chân: “ăn” mứt phải dép đế bám chắc. Nam, nữ, trẻ, già gì cũng một xì-tai (style - kiểu) này thôi.
Chị Nga nói: Nghề mứt là “cược mạng để ăn”. Năm ngoái cậu Vinh, 40 tuổi, bị một cơn sóng đổ ụp tống vào hộc đá. Đầu đập vào đá chết ngay nên xác không bị trương phình.
- Tháng trước ở Cù Lao Chàm cũng một bà mất mạng vì mứt - Chiến ở Cù Lao Chàm, lấy vợ Nam Ô. Là chủ thúng nhưng hôm nay Chiến ở nhà sửa sang nhà cửa chuẩn bị đón Tết.
Một bà già nói: giờ “ăn” mứt sướng hơn trước nhiều, đèn pin đội đầu sáng choang. Trước đây đèn dầu hoặc đuốc, túi tro để vãi cho đỡ trơn, lích kích lắm.
- Cực rồi cũng quen. Nhờ biển mới có ăn - Ông già nói - Giờ giải tỏa, không đi biển thì ngồi không cũng đủ đổ đau. Chưa nói giải tỏa, thuyền thì họ trả 25 triệu, máy 5 triệu, lưới không mua. 30 triệu ăn được vài tháng. Bây giờ tụi tui chỉ sợ dự án.
Chiến nói: Không bằng cấp, không biết nghề gì ngoài nghề biển. Làm gì?
Chị Lang nói: Sau bão Chan Chu, bà con ngưng đi biển một thời gian nhưng rồi lại đi. Nghề cha ông làm ăn xưa đến giờ. Bây giờ giải tỏa, biết sống sao đây?
Chàng trai cười: Báo chí nói dự án sẽ thay đổi kinh tế địa phương, cho nên vì sự phát triển của thành phố người dân cần phải hy sinh. Nhưng trên mạng đang rao bán đất Nam Ô. Vậy thành phố được gì? Hình ảnh khu biệt thự à?
Bà già ốm nhách thở dài: Nghe như trên trời.
Bỗng chàng thanh niên đột ngột hỏi tôi: Chị nói lãnh đạo thành phố giúp bà con Nam Ô dừng cái dự án này được không?
Tôi nhìn ra gành Nam Ô qua hàng rào sắt. Được ví là lá phổi của cánh bắc quận Liên Chiểu nhưng giờ đây, màu xanh cánh rừng nguyên sinh, gió biển rời rợi mà tôi vẫn cảm thấy ngột thở.
Tôi đã nhiều lần về Nam Ô. Năm 2013, tôi được UBND phường Hòa Hiệp Nam kết hợp với Quận ủy Liên Chiểu mời viết về Phạm Chu, một chiến sĩ cách mạng đã chiến đấu và hy sinh rất anh dũng. Về các nơi thu thập tư liệu chúng tôi mới biết, Nam Ô, một ngôi làng có nhiều điều thú vị. Địa thế làng rất đặc biệt. Văn tế Tiền hiền Triệu Cơ của làng ghi khoảng giữa thế kỷ 19 như sau: Chấn cung hình Lỗ Hạc triều dương/ Đông phương tượng Trà Sơn tác án/ Đoài hậu ủng Xuân Sơn xán lạn/ Ly trung hư Đà tấn thanh bình. (Lỗ Hạc là mỏm gành Nam Ô, Xuân Sơn là ngọn núi sát đường quốc lộ I). Còn sách “Hòa Vang huyện chí” do Tú tài Trần Nhật Tĩnh soạn năm Tự Đức thứ mười ba (1861) mô tả: “Làng Hóa Ổ (Nam Ô) phía đông đảo gành sóng phun trong nắng sớm, phía tây sông Hóa Ổ ngậm dòng nước biếc, phía bắc ráng trời chiều Liên Chiểu rực màu, thật là một thắng cảnh của đất Hòa Vang vậy”. Bao quanh gành Nam Ô, đá nâu sẫm, nhẵn thín, có chỗ dựng đứng như bức vách. Trên gành, cổ thụ rất nhiều. Hầu như không có sự khai thác của con người. Tầng tầng lớp lớp là cây. Đi rừng giữa thành phố mà cảm giác như đi giữa đại ngàn! Trên gành có miếu “Chúa Tiên Thần Nữ” tức Bà Liễu Hạnh - vị nữ thần bảo hộ dân làng và miếu vọng Công chúa Huyền Trân. Tương truyền, nơi đây là điểm ẩn nấp cuối cùng của Công chúa Huyền Trân trước khi lên “thuyền nhẹ” ra “thuyền lớn” để về cố quốc(1). Miếu vọng Công chúa đã hỏng, chỉ còn lại bức bình phong. Anh Đặng Dùng, người được gọi là nhà sử học Nam Ô, chỉ một cây cao vút nói làng anh gọi là cây Huyền Trân Công chúa. Bởi cây mọc ngay sau hậu tẩm miếu vọng Huyền Trân công chúa. Tôi nhìn mãi ngọn cây cao vút. Nàng Công chúa nước Việt đã hóa thân? Có phải đó là một trong những lý do mà dù chật chội, kiệt hẻm nhỏ nhưng người Nam Ô không lấn rừng và chặt cây?
Vừa nằm bên vịnh Đà Nẵng, vừa gần chân đèo Hải Vân và bên đường Bắc -Nam nên Nam Ô có rất nhiều sự kiện lịch sử. Theo các cụ cao niên, trong cuộc chiến chống quân Pháp đánh cửa biển Đà Nẵng vào năm 1858, 1859, 1862, quân lính triều đình của 2 đồn Nam Ô, Cu Đê và dân binh địa phương tử trận rất nhiều. Vua Tự Đức sắc dụ cho dân lập âm linh tưởng nhớ tử sĩ trận vong. Khi Thành Thái lên ngôi đã sắc dụ cho các nơi lập Âm Hồn Đàn tưởng vọng các tử sĩ đã bỏ mình trong biến cố thất thủ kinh đô 1885. Sau này miếu Âm Linh được dân làng mở rộng thờ thập loại chúng sinh, cô hồn phiêu phương, xiêu mồ lạc nấm của chư phái tộc họ trong làng.
Thời kháng chiến chống Pháp, Nam Ô là cửa ngõ phòng thủ phía bắc của chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng và Liên khu 5. Nhiều trận đánh ác liệt đã xảy ra tại đây: ngày 25/5/1947, ta chặn đánh, phá hỏng 11 xe quân sự, diệt 80 tên địch, trong đó một tên quan năm. Ngày 24/1/1949 một trận thắng lớn, trở thành cảm hứng cho bài hát “Hải Vân”... Trong kháng chiến chống Mỹ, địch lập ấp, đóng đồn Nam Ô, xây dựng sân bay trực thăng, kho xăng Liên Chiểu để cung cấp nhiên liệu và đảm bảo lưu thông con đường huyết mạch này. Dù địch canh gác nghiêm ngặt nhưng người dân vẫn hướng về cách mạng. Năm 1960-1961, Hố Chuối ở Kim Liên là địa điểm tiếp nhận vũ khí, điện đài, máy in của miền Bắc chi viện bằng tàu thuyền. Trong buổi gặp mặt nhân chứng chiến tranh tại phường, tôi gặp nhiều chị từng là cơ sở cách mạng. Họ đứng mũi chịu sào, giáp mặt với địch. Chị Tâm, chị Mai... bị địch bắt 5, 6 lần. Bị đánh đập tra tấn dã man nhưng ra tù các chị lại tiếp tục hoạt động. Lại bị bắt. Bọn trại giam gọi các chị là “tú tài”, tức tái tù. Các chị nói: anh em về mà không có mình thì khác chi cá nằm trên cát? Cho nên chết cũng trụ bám làng quê cho anh em có chỗ bám trụ. Bộ đội “Tiến quân có dân lo gạo, lui quân có dân che chở, dẫn đường”. Chị Dương Thị Cữ, mũi trưởng cơ sở cách mạng Nam Ô dưới vỏ bọc buôn gạo, thu mua rồi gửi ở các cơ sở sau đó tìm cách chuyển cho các chị Dương Thị Niêm, chị Cưu, chị Mai, chị Tâm ở Thủy Tú, Xuân Thiều. Khuya họ đưa thuyền chở cá, mắm, muối, gạo lên chiến khu, mờ sáng xuôi về làm ăn. Họ là điểm tựa cho các trận đánh. Ngày 5/8/1965, 9 bồn xăng của kho xăng Liên Chiểu bị ta đánh thuốc nổ làm 20 triệu lít xăng ục ra, đổ ào ào như những con rồng lửa lao xuống vịnh. Trong phút chốc thành biển lửa tràn ra hướng cảng sâu làm 30 tàu chiến đang đậu trên vịnh hú còi chạy thục mạng theo hướng ngược nước về sông Hàn. 9 toa tàu chở xăng đang nằm trên đường ray trước kho và 2 xe quân sự bị thiêu rụi. Sau trận đánh này, chị Cữ bị địch bắt, dù đang có thai bảy tháng. Không có chứng cứ nhưng chúng bảo: chồng theo cách mạng mà vẫn có bầu là còn liên lạc. Ngày 2/4/1972, bộ đội đánh sập cầu Thủy Tú, báo Sài Gòn in đậm dòng tít “Việt cộng đánh gãy xương sống miền Trung”. Chồng chị Cữ hy sinh ngày 27/1/1973, khi cắm cờ giành đất. Ông Bùi Tam, Trần Kỳ Hổ, Bùi Nhơn... những người con Nam Ô đã đóng góp nhiều công sức trong cuộc chiến này.
Không chỉ đứng đầu mũi súng, người Nam Ô còn bảo vệ từng tấc đất, tảng đá làng mình. Năm 1960, núi Xuân Sơn, nơi có ngôi đình làng đang tọa lạc bị một công ty của Mỹ thỏa thuận với chính quyền muốn mua đứt để lấy vật liệu làm sân bay. Các cụ trong làng họp bàn nghĩ cách giữ lại. Ông Xã Thái đã bỏ ra 110 đồng, thuê thợ mộc giỏi làm bức hoành phi ghi hai chữ "Tổ quốc" rồi đặt lên nơi cao nhất của đình. Ông nghĩ hai chữ “Tổ quốc” thì ai cũng phải "kiêng" đụng tới. Chính vì vậy, dù cật vấn đủ điều nhưng rồi chính quyền lúc ấy phải dừng ý định khai thác ngọn núi. Gần đây, năm 2011, phát hiện một chiếc tàu sắt rất to đang cẩu đá gành. Sợ hỏng gành, bà con yêu cầu họ dừng lại. Vậy mà những người trên chiếc tàu lạ vẫn cứ cẩu. Hòn Heo cả chục m3 cũng bị ròng xích. Bà con phân nhau, người leo lên nằm, người chạy về đình đánh trống. Cả làng kéo ra phản đối. Mấy bà già cũng ôm cứng Hòn Heo. Cuối cùng chiếc tàu phải bỏ đi.
Khi làm một đề tài liên quan đến cư dân ven biển, tôi có dịp hiểu thêm về Nam Ô. Là địa đầu cõi đất phương Nam trong lịch sử mở nước, Nam Ô còn lưu nhiều dấu tích văn hóa Chăm. Làng còn 4 giếng thành vuông bằng đá đế lót gỗ, dấu tích tháp Chăm ở núi Xuân Dương.
Nam Ô còn là ngôi làng đậm dấu ấn văn hóa biển. Làng có nhiều lễ hội, mang đặc trưng văn hóa tín ngưỡng ngành nghề rất rõ: lễ tế đình làng Kỳ Yên thuận đường buôn bán. Lễ vía Bà Phường Buôn 24 tháng Giêng, cầu mua may bán đắt. Xóm ngoài chuyên nghề sông nước thì ngày 20 tháng Hai có lễ vía Bà Dòng - lạch. Đặc biệt, hai lễ hội lớn là lễ tế cô hồn và lễ hội cầu ngư. Tôi đã một lần dự lễ hội này. Lễ hội tổ chức trang nghiêm với các lễ bến, lễ túc và lễ chánh. Bô lão, thanh niên mặc áo dài, đội mão đứng 2 hàng. Văn tế thể hiện lòng tôn kính, biết ơn của ngư dân đối với sự che chở của cá Ông và các bậc tiền nhân. Sau phần lễ là thi đua thuyền, lắc thúng. Lão ngư cũng như thanh niên, reo hò, vang cả bờ bãi. Xa xa Hải Vân, Sơn Trà xanh thắm, phố xá ngời trong nắng mới...
Chúng tôi rủ nhau ra quán nhỏ gần cầu Nam Ô ăn gỏi cá trích. Bạn tôi còn dặn sẵn một tô mứt nấu cá khoai. Mứt Nam Ô màu nâu sẫm, mỏng, tựa như bao nilon nhưng khi đưa vào miệng thì vị giòn giòn, dai dai của mứt cộng với vị ngọt thanh của cá khoai làm mọi xúc giác bừng dậy. Bạn tôi kể mứt Nam Ô có truyền thuyết rằng: có lão ngư nghèo vác cần câu ra gành. Cá chưa kịp ăn câu ông đã lả đi vì đói. Trong mơ ông thấy một bà tiên tóc đen nhánh bay qua. Đang đói nên ông vội bứt lấy tóc bỏ vào mồm. Vị mằn mặn, đậm đà hương vị biển làm ông khỏe hẳn. Tỉnh dậy thấy tay còn nắm mớ mứt, nghĩ rằng tiên hiện báo, ông đem về cho cả nhà ăn. Mứt Nam Ô được sử dụng từ đấy.
Cô chủ quán nói: Nhờ nghề mà Nam Ô có một xóm gọi là xóm Mứt. Nhưng giờ hết mùa rồi, chị muốn viết thì chờ mùa tới, tháng 10 âm lịch.
Lãng đãng bao việc đến khi nghe Nam Ô bị giải tỏa tôi mới vội vàng để rồi nhìn thấy một dọc dài bờ biển đầy ghe thuyền bây giờ vắng vẻ im lìm. Lăng Ông trơ trọi giữa ngổn ngang gạch vụn. Trong vô thức, tôi đi về xóm nhỏ mang tên từ một truyền thuyết.
Có danh như thế nhưng trùm Kế (từ giờ tôi sẽ gọi theo đúng như chị Lang và chị Nga) lại rất mảnh mai. Hành trang ăn mứt cũng khá gọn nhẹ. Túi đựng mứt là bao dứa được buộc dây ở hai đáy góc rồi luồn ống nhựa cho đỡ nghiến vai và buộc túm trên đầu như ba lô. Đặc biệt, lần đầu tiên tôi thấy kiểu mặc áo mưa kỳ lạ vậy. Áo mưa mặc ở trong rồi mới mặc áo ấm bên ngoài. Trùm Kế nói ngồi thúng mặc vậy cho đỡ gió chớ “ăn” mứt áo quần càng mỏng càng tốt.
Mấy bà già cạnh nhà nghe mứt về cũng xúm lại nhặt rong, sạn, y như sản phẩm của chính họ vậy. Sau nửa giờ, gần chục ký mứt đã sạch tinh. Chị Nga cho hay, hôm nay mưa nên làm nhanh để ra chợ. Hôm nào có nắng mới phơi.
Một người đàn ông bước vào gọi ly cà phê. Chị Nga nói đó là Bằng, chủ thúng mà trùm Kế vừa đi về. Anh Bằng cho tôi hay “ăn” bộ thì ra gành Nam Ô, Hải Vân, xa thì ra vịnh Lăng Cô (Huế). Đi xe máy ra rồi gởi đâu đó mới xuống gành. Còn “ăn” mứt thúng thì ra Bãi Rạng, Bãi Bụt ở bán đảo Sơn Trà hoặc ra gành Lăng Cô. Gần nhất là 5 hải lý, chừng 10km, đi hết 3 tiếng. “Ăn” vào giờ nước ròng nên tùy điểm “ăn” xa hay gần mà đi. Phải tính sao để khi tới nơi vừa lúc triều xuống thấp nhất. Nhưng dù tối thì cũng phải thấy được lượn sóng mới ghé thúng vào, không thấy được sóng thì dứt khoát không ghé. Có khi xuất bến thì êm, đến chỗ “ăn” thì gió to, sóng lớn, phải chờ. Có khi mới một người lên phải dừng lại sau đó mới ghé tiếp, sóng cả lũ chớ đâu phải một “ông”. Và chỉ lên nơi có lối chạy để sóng ập vào có lối thoát. Bởi vậy “ăn” mứt bộ hay thúng cũng phải đi nhóm để hỗ trợ nhau.
Khi tôi đề nghị cho đi theo thì anh Bằng bảo nguy hiểm lắm. Ông trung niên chêm thêm: một thúng thường là 6 người, đủ “mâm” rồi.
Tôi năn nỉ, cuối cùng anh Bằng nói: mưa gió thế này giờ đến tết chưa chắc đã đi được. Chị “ăn” bộ với bà Kế rồi mà vẫn muốn đi thì tui xếp cho một chuyến.
Tôi mừng rơn. Trước khi ra chợ, trùm Kế bảo tôi: 3 giờ sáng mai đi.
Tôi dậy từ 2 giờ sáng, uống ly cà phê cho tỉnh người rồi áo mũ dày cộp, găng tay tất chân kín mít. Tôi không đi đường Nguyễn Tất Thành mà đi đường Tôn Đức Thắng cho đỡ gió vậy mà hở khoảng da nào là tê nhức khoảng da đó. Đến Nam Ô mới gần 3 giờ sáng. Trùm Kế, mở cửa xuýt xoa, lạnh quá. Trùm Kế lấy bao đồ nghề và cây đèn pin nhỏ, dài chừng gang tay. Tôi hỏi: sao không dùng loại đèn pin đội đầu cho rảnh tay? Trùm Kế bảo: mọi người vẫn dùng loại ấy nhưng tôi thấy cái này tiện hơn. Tôi ngạc nhiên: tiện thế nào? Trùm Kế bảo: ngậm vào miệng và chỉ cần chu môi theo hướng nào là đèn rọi ngay chỗ đó, đèn đội đầu thì phải điều khiển hướng bằng cổ. Thế này đây!... Thấy chưa?! Tôi phì cười khi trùm Kế ngậm đèn pin, nhoay nhoáy rọi tứ phía bằng miệng. Phải chăng đây là một yếu tố để người đàn bà mảnh mai này được suy tôn thành trùm?
Không mưa nhưng trùm Kế bảo tôi mặc áo mưa cho đỡ lạnh. Trùm Kế đeo găng tay và chỉ trùm mũ len, bảo đội mũ bảo hiểm nặng lắm!
Đến gần cầu Nam Ô, trùm Kế chỉ quán ăn bên đường bảo vào làm một tô cho ấm bụng đã. Phải nói tôi quá bất ngờ vì mới 4 giờ sáng mà bàn đã kín chỗ. Hóa ra dân ăn mứt khá nhiều. Họ đã ăn xong, trả tiền rồi đi ngay. Trùm Kế bảo họ đi “ăn” xa. Tôi hỏi trùm Kế: mình có thể đi cùng? Trùm Kế bảo: không được đâu, khó đi lắm. Rồi trùm Kế giục tôi: ăn nhanh rồi đi.
Chúng tôi đến chân núi Hải Vân trời vẫn còn tối mịt. Trùm Kế hỏi tôi có chạy đèo được không? Tôi nói “được” dù nhìn rừng núi tối sẫm phía trước cảm thấy chờn chợn. Không biết có nhận thấy cảm giác của tôi không mà qua vài lượn đèo, trùm Kế bảo tôi dừng lại, gửi xe ở một trạm xăng rồi đi bộ. Trùm Kế nói: mọi người còn lên một quãng nữa, nhưng thôi, mình chịu khó đi bộ.
Gần năm giờ, dưới chân núi, thành phố rực rỡ ánh điện, trông như viên kim cương khổng lồ nhưng trời núi vẫn một màu tối sẫm, tĩnh mịch. Chim chóc đang say giấc, chỉ có tiếng sóng xa xa vọng đến. Bỗng tôi nhớ đến bài thơ của vua Lê Thánh Tông trên đường mang quân chinh phạt Chiêm Thành năm 1470. Khi dừng chân nghỉ tại cửa biển bên đèo Hải Vân, vua Lê Thánh Tông đã làm một bài thơ trong đó có câu “Tam canh dạ tĩnh Đồng Long(2) nguyệt. Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền”. (Gió ru thuyền Lộ canh năm. Đồng Long đêm lặng, bóng trăng xế tà - Ngô Linh Ngọc dịch).
Gió quật áo mưa phần phật nhưng toàn dốc lên nên chỉ mươi phút tôi đã nóng rực người. Trùm Kế vẫn lặng lẽ bước. Chân mỏi rũ, tôi tụt bước dần. May thay trùm Kế lên tiếng: rẽ vào đây rồi xuống gành.
Mừng hú nhưng rồi tôi nhận ra còn mệt hơn vì con đường phía trước. Lối xuống vừa dốc vừa nhỏ, không nói ngoa, có chỗ dốc phải 70o! Tôi phải bíu cây hai bên đường thật chắc mới thả chân, tụt từng bước. Nhiều chỗ chỉ đặt vừa bàn chân, phải rẽ cây mà đi. Trùm Kế ngậm đèn pin, xuống vài bước rồi quay lại rọi đường cho tôi. Dốc xuống không dài nhưng tôi mướt mồ hôi. Đặt chân trên phiến đá gành, tôi nhìn lên con dốc vừa qua mà thở phào như đã đứng trên đỉnh Olympia.
Thủy triều đang xuống thấp, sóng đánh ầm ầm vào gành đá. Không gian thấm đẫm một mùi vị biển rất khác lạ. Tôi nhận ra đó là mùi các loài rong tảo ven bờ được sóng của biển động vỗ vào, “xông” thứ hương liệu thiên nhiên đặc biệt khiến tôi khỏe hẳn. Trùm Kế rọi pin xuống mặt gành đá ẩm ướt có những mảng cỏ nâu sẫm ướt láng, bảo: Mứt nè! Tôi đưa tay sờ: Trời ơi, mềm như nhung.
Trùm Kế dặn tôi không được xuống gần mé nước kẻo trượt té rồi cởi áo ấm gùi với túi đồ nghề để lên một phiến đá cao. Bỏ áo mưa vào quần, tay cầm vợt, tay cầm dũm cạo, loáng cái, trùm Kế đã nhảy qua mấy phiến đá ra gần mé biển. Cái nóng bốc lên sau con dốc dựng đứng tiêu tan nhanh chóng trong gió rít u u. Tôi để nguyên áo mũ theo trùm Kế nhưng đá bóng nhẫy, sờ vào trơn trượt. Đang loay hoay đã nghe tiếng dao cạo trên mặt đá vang lên rồn rột. Tôi lần qua được vài tảng đá thì trùm Kế đã xa hơn. Tôi bật cười, đi theo cũng khó vậy mà lúc đầu còn hỏi trùm Kế có đem thêm đồ nghề không! Cuối cùng tôi thấy chỉ có theo những tảng đá khô nhám vì sóng không đổ tới, đón đầu mới xem trùm Kế “ăn” được.
Gió rít u u, sóng đánh rầm rầm. Có con sóng lừng lững tiến vào rồi như bất thần lao vào gành đánh rầm, dựng lên cột nước trắng xóa cao đến bốn, năm mét rồi lùi ra, rồi lại lừng lững tiến vào, như muốn kéo gành đá ra khơi. Nhiều tảng đá to như ngôi nhà nhưng phía dưới hang hục, sóng đổ vào, tràn ra ồ ồ. Đá càng trơn, càng chênh vênh mứt càng nhiều. Trùm Kế vừa cào vừa đưa vợt hứng. Không có dũm, tôi đành hái nhưng mứt trơn lứt nên phải nhổ. Trời ơi! mứt bám vào đá khá chắc, như tách hai thỏi nam châm vậy. Trùm Kế bảo: cuối mùa nên rễ mứt đã lụi bớt chứ đầu mùa chắc hơn. Mươi hôm nữa thì chẳng còn một chút dấu vết.
Vợt đã được lưng nửa, trùm Kế đổ vào bao dứa. Tôi đưa bình nước trà nóng và gói bánh cho trùm Kế, trêu: Già rồi mà cứ song chưởng vậy.
Trùm Kế đơn giản: “Ăn” thúng nhiều mứt hơn, ngày được khoảng chục ký. Đi cả chục cây số nhưng vẫn là làm ven bờ chớ ngon gì...
Trùm Kế nói không giỏi như “ăn” mứt. Đại khái: dân Nam Ô có việc quanh năm. Tháng 2, 3, 4 âm lịch đi lặn hàu, ốc tai, bào ngư. Tháng 5, 6, 7 đi mành, rớ làm cá, mực. Tháng 8, 9 thả lưới ven bờ. Tháng 10, biển động thì đi “ăn” mứt. Hiện tại giá 1kg chừng 100 ngàn, mỗi ngày “ăn” thúng được chừng 1 triệu. Nghe nhiều nhưng nghề mứt không giàu được vì làm năm, bảy ngày thì biển động phải nghỉ. Lạnh lẽo, nguy hiểm nhưng nhờ mứt mà có ăn trong mùa động, có chút tiền sắm sanh tết nhất... Hôm nay 4 giờ mới đi là sướng đó! Nói rồi trùm Kế xách vợt, loáng cái đã đến tảng đá sóng tung trắng nước.
Nhảy lên nhảy xuống mấy tảng đá khiến chân mỏi đừ, tôi leo lên hòn đá cao ngồi chờ trùm Kế. Trời đã sáng, không dùng pin nữa nên gặp những đám mứt nhỏ, trùm Kế ngậm dũm, tay nhổ, tay cầm vợt. Nhìn trùm Kế tôi nhớ đến cuộc tranh cãi xuyên thế kỷ về thuyết tiến hóa. Đau đầu giữa những luận điểm của Darwin và Lamac nhưng bây giờ tôi đứng về Darwin. Bởi tôi đang chứng kiến sự đi lên trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Với khí hậu khắc nghiệt và môi trường làm ăn nguy hiểm, họ đã tìm cách thích nghi. Nói theo họ là nghề dạy nghề. Thiên nhiên và họ đã ăn khớp với nhau như những bánh răng cưa đồng hồ. Xuân đến lặn hàu, ốc, bào ngư. Hè về đánh cá, mực. Thu sang ven bờ thả lưới. Mùa biển động, mứt cho cơm áo và Tết nhất. Thiên nhiên và họ tôn trọng lẫn nhau, dù nhà cửa chật chội, cánh rừng bên làng vẫn được giữ nguyên. Qua mùa mưa gió lại rộn ràng lễ hội... Con đường họ đang đi chính là con đường mà nhân sĩ, trí thức tiến bộ thế giới đang hướng tới.
Tôi mân mê nhúm mứt nâu sẫm mềm mướt. Thật kỳ lạ, sinh ra trong mưa giá, trên gành đá nhẵn thín vậy mà mứt rất bổ dưỡng. Vào google gõ “mứt Nam Ô” sẽ nhảy ra hàng loạt bài với những thông số tuyệt hảo: hàm lượng Canxi cao hơn sữa, vitamin A gấp 10 lần bơ, vitamin B2 gấp 7 lần trứng, vitamin C, E cũng cao hơn rau quả. Đặc biệt, mứt chứa nhiều khoáng chất, các yếu tố vi lượng, trong đó nổi bật là vi lượng iốt (iốt tối cần thiết cho tuyến giáp, để tổng hợp hóc-môn thyroxin cho cơ thể. Trẻ thiếu iốt sẽ bị đần độn, người lớn thiếu iốt sẽ bị bướu giáp đơn). Mứt Nam Ô là thực phẩm “dưỡng sinh” tốt cho điều trị ung thư, béo phì, đái tháo đường, huyết áp cao, suy tuyến giáp, còi xương, thải độc... Mứt đã “luyện” mình với giá lạnh, sóng gió để vừa trở thành “rau xanh” độc đáo vừa là loại thuốc quý. Và cũng thật vô thường, mứt tự mọc tự tiêu, đến khi mưa gió, biển động lại hiện ra như bà tiên để cứu rỗi người nghèo.
Không chỉ có mứt, Nam Ô còn nổi tiếng với nghề pháo và nước mắm. Pháo Nam Ô có đủ loại: ngũ sắc, nhật nguyệt, phi thuyền... Từng được vua Bảo Đại đặt làm cho lễ cưới Nam Phương Hoàng hậu. Đặc biệt, nước mắm Nam Ô có độ đạm cao, thơm ngon, đậm đà mà chỉ cần “ngửi qua là biết ngay". Một vị tổng đốc Quảng Nam mê nước mắm Nam Ô nên muốn mở cơ sở tại Hội An. Sau khi nhờ người Nam Ô ủ, ông cho chở về, thực hiện nghiêm ngặt mọi quy trình nhưng rồi thất vọng và nhận ra: chỉ có đất đai, khí trời Nam Ô mới cho loại mắm tuyệt hảo. Hiện nay, một số dân bị giải tỏa để nhường đất cho dự án, vẫn làm mắm nhưng chất lượng không được như ở Nam Ô. Mắm chính là tinh túy của vùng đất này, những người làm mắm lâu năm ở Nam Ô đã đúc kết vậy.
Dù chưa đi “ăn” thúng nhưng nhìn trùm Kế nhỏ nhoi trước biển sóng tôi đã hiểu phần nào là “đầu sóng ngọn gió”. Đâu phải ngẫu nhiên khi nói “ăn” mứt. Chẳng phải khi “ăn” trầm nơi sơn cùng thủy tận, người ta phải ngậm ngãi đó sao. Trùm Kế và những người tôi gặp ở quán bún đang ở đâu đó, có thể bên kia Hải Vân, có thể bên kia Sơn Trà, đang chạy đua với con nước, bởi muôn thứ đang chờ.
Tôi nhìn về gành Nam Ô. Trong cánh rừng ấy còn dấu tích nàng Công chúa triều Trần. Mình hạc vóc mai và duyên phận như sóng ba đào nhưng nàng đã góp phần mở mang đất nước về phương Nam. Và cửa biển kia còn lưu bức tranh tuyệt đẹp được vẽ bằng ngôn từ trong đêm không ngủ của vị vua triều Lê thân chinh bảo vệ đất nước. Và bao đời sau đã tiếp tục tô điểm trong văn tế tiền hiền, dư địa chí... Ngay cả người ngoại quốc cũng sững sờ trước cảnh sắc non nước này. Paul Doumer(3), viên toàn quyền Đông Dương đã có những dòng ký sự nói về Đà Nẵng. “Thật là mê mẩn, không có một phong cảnh thần tiên nào trên bờ Địa Trung Hải có thể vừa đẹp mắt vừa lớn lao như vậy. Ta đưa cái cửa biển đẹp nhất của Pháp trên bờ biển Cote d’azur để làm ví dụ. Lấy diện tích của nó mà nhân với 10, lấy các vùng đất được trông thấy, và độ cao của các địa thế xung quanh nhân với 100 thì đáp số sẽ là Đà Nẵng gồm cái vịnh và cánh đồng bằng được nhìn thấy từ đèo Hải Vân ở độ cao 496m so với mặt nước biển. Thật vậy, chỉ riêng cái cảnh trời mây nước ở đây cũng đã kêu gọi những kẻ nhàn rỗi thực hiện một chuyến du lịch từ Pháp sang Viễn Đông để thưởng thức biết bao sự vật quyến rũ và kỳ thú”.
Không biết Doumer đứng ở điểm nào trên Hải Vân mà đã rung lên cảm xúc trước trời mây non nước Đà Nẵng nhưng tôi tin rằng, nếu biết bên mỏm gành cửa sông ấy có những con người bốn mùa lăn lộn với nắng mưa, dông gió nhưng vẫn sống nghĩa tình hẳn ông đã đem lại nhiều điều tốt đẹp hơn. Tôi cũng chắc chắn một điều, không biết đến cung đàn đã ngân lên trong lòng vị Toàn quyền Pháp khi ngắm nhìn Đà Nẵng từ Hải Vân nhưng chẳng ai yêu hơn chị già Kế và bà con Nam Ô mảnh đất của họ. Tự nhiên như dòng thời gian, cha truyền con nối, từ ngọn đèn dầu hiu hắt đến đèn pin đội đầu sáng lóa. Chị già Kế của tôi còn vượt qua quy luật khắc nghiệt của nghề “ăn” mứt để vững chân trong đội hình thiện chiến. Bao biến cố chẻ núi ngăn sông, bom đạn, chết chóc rình rập nhưng họ vẫn trụ bám làng quê để cách mạng có cơ sở bám trụ. Cách mạng thắng lợi huy hoàng, họ lại lưới thuyền. Một năm làm ăn đầy âu lo nhưng xuân về lại rộn ràng lễ hội. Dù mưu sinh vất vả, hiểm nguy nhưng họ yêu ngôi làng nhỏ, chật chội mà đầy ắp huyền thoại, đầy ắp tình người.
Tôi lại nhớ đến buổi gặp mặt nhân chứng chiến tranh của UBND phường Hòa Hiệp Nam. Không phải ngẫu nhiên mà thực dân Pháp và đế quốc Mỹ chọn Đà Nẵng làm nơi đổ bộ và đều từ đường biển vào. Đà Nẵng thành nơi đầu sóng ngọn gió trong cuộc đối đầu với ngoại xâm. Và đương nhiên, người Đà Nẵng lại ở tuyến đầu chống giặc. Cuộc gặp mặt nhân chứng chiến tranh hôm ấy có điểm danh những người đã hy sinh, người không tham dự được vì đau ốm, vì đã lãng quên bởi tuổi tác, thậm chí, đã ly hương... Dù tích cực thu thập tài liệu, nhưng hôm nay đến đây tôi mới biết, họ, cũng như loài mứt, sinh ra từ sóng nước và khí trời quê hương, kiên cường bám mình trên đá. Mưa gió, rét mướt chỉ để luyện mình khôn khéo hơn, vững vàng hơn. Chị già Kế cũng như bà con Nam Ô chọn nơi đầu sóng vì cơm áo. Để tồn tại, họ phải bám chặt gành đá, đương đầu với sóng gió. Biển trời, làng quê đã thành máu thịt của họ. Nhưng cũng thật xót xa, vượt qua bao biến cuộc, mạnh mẽ thế, quật cường thế vậy mà giờ đây họ sợ “dự án”. Họ sợ là phải, bởi là ngư dân, cha truyền con nối thúng chèo. Gió mưa, dông bão, giặc giã là thứ đối mặt còn “dự án”, với họ là rất... vô hình. Tôi không thể trả lời họ được bởi đang bất lực với chính mình. Bởi tôi đang tự vấn, lẽ nào mai sau sẽ gặp “nhân chứng” một ngôi làng mang đậm dấu ấn văn hóa biển trong bảo tàng?
Sinh giới biến đổi chứ không bất biến nhưng giải tỏa Nam Ô là triệt hạ ngôi làng đậm văn hóa biển, là vĩnh viễn mất “gien” lịch sử văn hóa mà bao triều đại nước Việt đã dựng xây. Bỗng tôi mơ gặp bà tiên. Bà ấy nói: giữ lại thực chất môi trường biển, sông núi một cách bền vững. Để câu hỏi của chàng trai trẻ Nam Ô không rơi vào thinh không. Để lịch sử Nam Ô được nối dài. Để Đà Nẵng luôn đi đầu trong bảo vệ và dựng xây.
M.S
(1) Tháng 6 năm Bính Ngọ (1306), thực hiện lời hứa trước đó của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, vua Trần Anh Tông đem em gái là Công chúa Huyền Trân gả cho Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân. Đáp lại, Chế Mân đã đem đất hai châu Ô và Lý - tức phần phía Nam tỉnh Quảng Trị và toàn bộ tỉnh Thừa Thiên ngày nay - dâng cho Đại Việt làm sính lễ. Một năm sau, Chế Mân chết. Theo tục lệ Chiêm Thành, Vua mất thì Hoàng hậu phải lên giàn hỏa thiêu để chết theo. Thương em, vua Anh Tông sai tướng Trần Khắc Chung lập mưu, tổ chức cướp Huyền Trân đem về. Sau đó bà xuất gia đi tu rồi mất vào năm 1340.
(2) Đồng Long, còn gọi là Đồng Long Loan, tức vịnh Đà Nẵng.
(3) Paul Doumer: Toàn quyền Đông Dương từ 1897-1902 và Tổng thống Pháp từ 1931-1932. Là nhà cai trị độc tài, chủ trương biến chế độ bảo hộ thành chế độ thực trị, tuy nhiên Doumer cũng có những đóng góp nhất định cho Việt Nam. Ông là người bênh vực mạnh mẽ việc xây tuyến đường sắt xuyên Đông Dương và nối với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, cho mở mang cảng Hải Phòng làm đầu cuối của tuyến đường sắt nối vùng cao Tây Nam Trung Quốc với duyên hải Bắc Bộ Việt Nam (nhưng người dân Việt Nam phải chịu sưu thuế rất nặng để phục dịch và chu cấp cho việc này). Chính Doumer cho lập một số nhà máy điện. Dưới nhiệm kỳ ông, Hà Nội là thành phố đầu tiên ở châu Á có điện chiếu sáng. Ông khuyến khích nhập cây cao su, lập những đồn điền lớn do người Pháp làm chủ, tạo nguồn hàng xuất khẩu. Ông đồng tình với kiến nghị của bác sĩ Yersin về việc lập thành phố Đà Lạt. Paul Doumer cũng là người chính thức quyết định xây dựng cầu Long Biên, một công trình kỳ vĩ (trước 1945 là cầu dài nhất Đông Dương), tạo thêm một nét đặc trưng cho Hà Nội.
M.S
|