Nỗi sợ hãi mầu nhiệm

05.06.2015

Nỗi sợ hãi mầu nhiệm

Tập sách của Nguyễn Mạnh Tuấn làm sống lại Hà Nội thập niên 1960 với chủ trương đưa sinh viên - học sinh về miền cao xây dựng kinh tế - văn hóa mới.

Tên sách: Nỗi sợ hãi mầu nhiệm
Tác giả: Nguyễn Mạnh Tuấn
Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ

Tập Nỗi sợ hãi mầu nhiệm gồm 5 truyện kể: Đường đi của hoa, Nỗi sợ hãi mầu nhiệm, Sự dối trá vĩ đại, Hà Nội mến yêu và Thằng Đấu. Đây là những câu chuyện riêng rẽ nhưng lại kết nối rất chặt chẽ với nhau qua lời kể của nhân vật chính xưng "tôi". Nhiều chỗ trong sách, tác giả cũng không ngần ngại đưa tên thật của mình vào vị trí người kể chuyện.

Không khẳng định sách viết hoàn toàn theo thể loại tự truyện, nhưng Nguyễn Mạnh Tuấn cho rằng, cũng có thể xem đây là tự truyện. Vì: "... các câu chuyện trong tập đều kể về các thầy cô giáo, các bạn học ở trường Chu Văn An 3A Hà Nội, mái trường cuối cùng tôi xa rời để cùng các bạn bước vào đời. Trong tập cũng có những người thân, những bạn ở trường khác, những đồng nghiệp trong đời thợ, được gọi một cách vinh quang là lớp Thanh Niên Tháng Tám Thủ Đô, đã cùng tôi lớn lên ở Hà Nội, rồi trưởng thành trên đất mỏ Quảng Ninh, rồi định cư ở TP HCM, với đủ mọi hỉ, nộ, ái, ố cay đắng ngọt bùi, một thời tuổi trẻ" (Lời tác giả).


Đón thầy giáo già vào Nam thăm học trò cũ, những đứa trẻ ngày nào - nay đều thành đạt - dành rất nhiều bông hoa quý, hoa đẹp tri ân. Theo dòng hồi tưởng của học trò, hình ảnh thầy với lối sống nghiêm khắc, chuẩn mực theo lý tưởng đã chọn được phác lại với nhiều kỷ niệm vui buồn.Ngay ở tác phẩm đầu tiên, Đường đi của hoa, Nguyễn Mạnh Tuấn cuốn hút độc giả qua lối kể sinh động từ lời thoại cho đến khắc họa tính cách, tâm lý nhân vật. Hình ảnh trung tâm trong truyện là thầy Hào - người thầy giáo một thời là thần tượng của nhiều học sinh trường Chu Văn An, Hà Nội.

Kết truyện mang tới thế đảo chiều ngoạn mục. Thực tế cuộc sống bóp nghẹt và phá vỡ mọi lý tưởng mà người thầy theo đuổi. Những đứa học trò giờ đối diện với điều phũ phàng, vẫn không nỡ đạp đổ hình tượng từng dựng nên. "...Vì sao? Vì sao những người thầy của chúng ta lại không còn như cũ?", đó là câu hỏi thảng thốt kết lại chuyện kể mang nhiều dư âm buồn.

Lặp đi lặp lại qua nhiều trang sách chính là câu hỏi day dứt về giá trị đạo đức tạo nền tảng tinh thần của xã hội một thời. Đâu là thật, đâu là giả, thế nào là đúng và điều gì là sai trái? Những câu hỏi ấy được đan cài qua lời kể bình thản nhưng đầy sức nặng chiêm nghiệm mà nhân vật Nguyễn Mạnh Tuấn là người trong cuộc.

Điều khiến trang viết của tác giả trở nên gợi mở, chứ không phải là những kỷ niệm khép, chính là nhờ tài kể chuyện. Ông thuật lại và để cho những chi tiết sống động dẫn dắt người đọc, để họ tự kết luận về từng số phận, hoàn cảnh, chứ không làm nhiệm vụ kết luận thay họ. Vì thế, những câu chuyện, dù viết về một thời đã qua, sức ám ảnh của nó vẫn còn tươi mới đến tận hôm nay.

Sự va đập, mâu thuẫn giữa lý tưởng sống theo phương diện lý thuyết và quan niệm sống trong thực tế là điều đau đáu trong văn của Nguyễn Mạnh Tuấn. Ở bối cảnh đất nước trải qua giai đoạn chiến tranh khốc liệt những năm 1960, mỗi số phận đơn lẻ hoàn toàn có thể bị xoay chuyển, chi phối, dẫn dắt bởi bước chuyển chung của tập thể. Một lớp thanh niên Hà Nội hừng hực khí thế rời nhà trường, xếp bút nghiên lên đường xây dựng kinh tế - văn hóa miền núi năm 1963. Những thanh niên ấy choáng và sốc khi họ không chỉ là đối tượng được kỳ vọng xây dựng cái mới, mà còn là những người cần được cải tạo, giáo huấn vì thuộc thành phần tiểu tư sản.

Sống giữa một tập thể như thế, nhân vật tôi trong truyện không giấu sự yếu đuối, hoang mang trong tinh thần. Từ lời hứa đi thanh niên xung phong chỉ trong ba năm được trở về với giảng đường đại học, nhân vật tôi trải qua 8 năm ròng rã giữa vùng rừng núi, mòn mỏi tuổi trẻ bên công việc tẻ nhạt. Nhân vật tôi tuyệt vọng trong cách tìm đường về lại với thủ đô. Anh luôn bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi khá hài hước là sợ tập thể phát hiện mình mắc bệnh "di tinh".

Những giấc mơ, khát khao cháy bỏng bị đè nén, bức bối chẳng khác nào căn bệnh quái ác mà anh lại tưởng là bệnh "đái dầm". Câu chuyện càng trở nên hài hước, sâu cay khi anh đi tìm cách chữa bệnh ở một người đàn bà cũng đang mắc bệnh và cần được giải quyết nhu cầu sinh lý, nhưng rồi vì quá nhút nhát, đã phải tháo chạy khỏi căn nhà. "Sự trong sạch nào cũng phải đấu tranh mới có. Không biết sợ hãi chưa chắc đã thành anh hùng, mà biết sợ hãi chẳng hẳn đã là hèn kém", lời một nhân vật trong Nỗi sợ hãi mầu nhiệm chứa đựng tâm tư của nhiều người trí thức từng sống trong thời chiến.

Truyện Thằng Đấu chiếm dung lượng lớn nhất trong tập sách. Nguyễn Tranh Đấu - tên của nhân vật chính - được tác giả dành nhiều thời gian miêu tả. Dù không có kết luận "đúng - sai" về nhân vật độc đáo này, ngòi bút của tác giả cho thấy, ông Tranh Đấu chính là sản phẩm chỉ có thể được sinh ra ở một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước. Suốt cuộc đời mình, ông Đấu dường như đi bấp bênh giữa lý tưởng tranh đấu tìm công bằng, lẽ phải cho con người với sự ích kỷ, độc đoán, chủ quan, cứng nhắc, sĩ diện hão và nhẫn tâm tồn tại trong chính ông. Ông mất cân bằng và bấp bênh giữa những điều này, nhưng không nhận ra. Ông luôn nghĩ mình đứng cao hơn tất cả mọi người. Và ông chấp nhận sự cô độc, sự thất bại của bản thân một cách kiêu hãnh.

Không trực diện nói về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam thập niên 60, nhưng thông qua những số phận, những câu chuyện cũ về con người Hà Nội giai đoạn này, Nguyễn Mạnh Tuấn dựng lại không khí một thời đã qua với tất cả lý tưởng đẹp, những niềm vui, nỗi buồn, hy vọng và thất vọng. Đọc xong tập sách, nhà văn Bích Ngân chia sẻ: "Đã khá lâu, từ sau Ba phút sự thật (tập ký của nhà văn Phùng Quán) đến nay, đọc Nỗi sợ hãi mầu nhiệm, tôi mới gặp lại cảm giác không muốn rời trang sách...".

Nguyễn Mạnh Tuấn sinh năm 1945, ông là tác giả của rất nhiều tiểu thuyết, tập truyện ngắn nổi tiếng. Từ những năm 1990 đến nay, ông được xem là biên kịch giỏi với nhiều kịch bản phim ăn khách như: Đồng tiền xương máu, Người đàn bà yếu đuối, Blouse trắng, Hướng nghiệp, Huyền sử Thiên đô, Trúng số... Ông có nhiều kịch bản phim truyện nhựa đang và sắp được dàn dựng: Chùa trong xứ đạo, Nước mắt phương xa...

Dương Vân
(vnexpress.net/)