“Nhà héo” - xoáy vào lối sống suy đồi (Đọc tiểu thuyết “Nhà héo” của Nguyễn Văn Học)
“Nhà héo” của Nguyễn Văn Học có lối viết truyện đan xen truyện, một truyện là nhóm nhà văn sống trong thực tại, với những bi kịch gia đình, nhức nhối của xã hội, truyện kia chính là các nhà văn kể về một cuốn tiểu thuyết đang viết dở của nhà văn Vừu, với sự xáo trộn, đảo lộn của các thang giá trị gia đình. Cha mẹ không có trách nhiệm với gia đình và con cái, con cái vô lễ với cha mẹ, vợ và chồng mỗi người đều có những tình yêu riêng của mình ở bên ngoài gia đình. Nguyễn Văn Học đã cho người đọc một cách tiếp cận khác, không đi vào xáo mòn, tạo cho người đọc cảm giác tươi mới.
1.
Nhóm nhà văn Gáo, Vừu, nhân vật tôi trong “Nhà héo” là những hình ảnh của các nhà văn trong hiện thực, được lấy từ thực tế cuộc sống của những nhà văn hiện nay. Họ nhiều trăn trở, nhiều khát vọng để hướng tới việc sáng tác chuyên nghiệp, sáng tạo nên những tác phẩm lớn. Nhưng nhiều những cản trở của cuộc sống mưu sinh, của các vấn đề về một hiện trạng văn học không mấy sáng sủa. Riêng nhà văn Vừu, ngoài khát vọng văn chương, anh còn khao khát cháy bỏng có một mụn con trai khi đã có cả đàn con gái. Đây là căn tính tiểu nông, nặng về hình thức, khó mà sửa chữa của một bộ phận người. Nhà văn Vừu chán vợ, chán con, đi săn tìm những hình bóng khách, niềm hạnh phúc khác mà không được. Cuối cùng anh định kể liễu đời mình bằng một tai nạn, nhưng tai nạn không giết được anh. Vừu bị thương nặng và nằm viện, chỉ có bạn văn đến chăm sóc. Và cũng từ chuyện nằm viện, anh đã kể cho bạn nghe một tiểu thuyết mới dự định trong đầu mình.
Nguyễn Văn Học đã đẩy những bi kịch của nhóm các nhà văn lên đến đỉnh điểm, để họ khóc, họ cười, họ đau khổ dằn vặt. Nhưng niềm đam mê văn chương không bị mất đi, nhưng những khúc mắc trong chuyện sáng tác, những suy tư đổi mới, cách tân cũng khiến họ mệt đầu. Họ thực sự là những nhà văn chân chính bị nền kinh tế thị trường ghì sát đất. Họ cũng dám ước ao giải Nobel cho văn học Việt Nam. Họ muốn văn chương Việt Nam được khẳng định trên văn đàn thế giới.
Nhưng ước mơ làm nên giá trị tinh thần là những tác phẩm có thành hiện thực, họ phải chờ đợi và dấn thân. Cần những bứt phá ngoạn mục và hơn thế nữa. Cuối cùng, cái khát vọng không thực của Vừu đã không thực hiện được, đó là anh đi tìm kiếm những người đàn bà khác để cho có mụn con trai. Nhưng anh bị lừa. Người ta đã biết anh bị lợi dụng và anh đã ê chề trong đau đớn bằng một cuộc chơi xỏ thông minh, cũng là một cuộc thử nghiệm của một người đàn bà mất chồng. Nhà văn Vừu trống rỗng trở lại đời thực bằng những suy nghĩ khác, những dự định khác nhưng vô cùng cảm thấy có lỗi với vợ con.
2.
Lớp truyện thứ hai là tiểu thuyết được kể dưới sự dẫn dắt của nhà văn Vừu, mà người nghe là người dân truyện - nhân vật Tôi. Truyện kể một gia đình tha hóa, đạo đức suy đồi, vợ phản bội chồng, chồng phản bội vợ, con cái không vâng lời cha mẹ, cha mẹ vô trách nhiệm với con cái. Với những tình tiết hấp dẫn đan cài nhau, làm cho người đọc hồi hộp, đôi phút ngộp thở và phải cố đọc tiếp để xem diễn biến thế nào. Mỗi người trong gia đình Thái - Hồng một gia đình trung tâm của tiểu thuyết “Nhà héo” là một mảnh rời nhau. Dường như chỉ có sự liên kết lỏng lẻo bằng đồng tiền, những tính toán vặt vãnh và sự cẩu thả trong lối sống. Có thể nói, gia đình Thái - Hồng được cây dựng bởi những viên gạch vụn, bằng thứ đạo đức “vô đạo đức”, bằng sự nhẫn tâm và vô trách nhiệm. Cho nên mọi tôn ti trật tự bị đảo lộn, phá vỡ. Một gia đình có ngôi biệt thự rộng nhưng luôn ngột ngạt và nó phải chứng kiến những cơn bội phản, những cuộc ngã giá tình - tiền và cuối cùng nó sụp đổ. Nhiều người đọc đến đoạn, người mẹ tên Hồng đã gán cô con gái do mình đẻ ra cho gã Việt kiều hãm hiếp, để đổi lấy sự thuận lợi trong công việc làm ăn, cho thấy sự suy đồi đạo đức đã lên đến đỉnh điểm. Nhà văn cũng cho thấy xã hội đã xuất hiện không ít những người đàn bà trơ trẽn như thế.
Đọc “Nhà héo”, chỉ thấy một sự tính toán độc ác, bỉ ổi phi nhân tính của người mẹ. Cuốn tiểu thuyết cho thấy sự tan hoang của một gia đình và sự sắp sửa biến mất của một gia đình khác - gia đình nhà văn Vừu - người có những ý nghĩ và đuổi theo sự viển vông. Toàn bộ tiểu thuyết “Nhà héo”, dường như có không khí u ám bao trùm. Người đọc có thể hình dung ra những cơn bão tâm trạng, cơn bão tính toán và cơn bão cuộc sống gấp gáp, thực dụng của một bộ phận người trong xã hội.
3.
Đọc “Nhà héo”, người ta thấy Nguyễn Văn Học ở đây, như một vị bác sĩ đi chẩn đoán, bắt bệnh và tìm phương thuốc chữa trị các vết thương gia đình. Anh gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh, cho mỗi thành viên gia đình rằng, hãy biết trân trọng những gì mình có, hãy biết quý trọng hạnh phúc gia đình, đừng phung phí nó. Bằng những chuỗi sự kiện, Nguyễn Văn Học đã để cho nhân vật của mình dường như cả một quãng đời đi chinh phục, đuổi bắt những gì viển vông, vô nghĩa bên ngoài mà quên đi những giá trị đích thực mình đang có trong tay, để rồi đánh rơi mất nó, đến khi ân hận thì đã muộn.
Học còn đề cập đến cái dị biệt, cái dị biệt của hai cha con nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn Vừu. Họ bị bệnh đái dầm và không có cách nào chữa trị, thành ra, đi đến đâu cũng bị bốc mùi. Những chi tiết này khiến cho người đọc có cảm giác, cái xấu xa, cái vô liêm sỉ của cha con nhà kia không thể nào che đậy được, dù có làm bất cứ giá nào. Đọc xong tiểu thuyết, người đọc sẽ hình dung ra hai cơn bão song song nhau, cùng đổ bộ về. Hai cơn bão gia đình nhức nhối, len lỏi vào từng ngõ ngách cuộc sống. Mà nếu mỗi người không biết cách chống đỡ, không biết trân trọng hạnh phúc, không bảo vệ giá trị đạo đức, thì sẽ dẫn đến những đổ vỡ đáng tiếc. Gấp cuốn sách lại, tôi không khỏi xót xa, khi mà cuộc sống vẫn trôi đi một cách chóng mặt, mà xã hội thì đã có những xáo trộn về trật tự, đảo lộn về tôn ti, có những con người chưa bao giờ biết thế nào là hạnh phúc và khổ đau, để chẳng bao giờ biết gìn giữ hạnh phúc.
4.
Một viên ngọc dù quý đến đây cũng tìm ra được tì vết. Người trần mắt thịt sửng sốt, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của viên ngọc có một không hai; nhưng người nghệ sĩ chế tác kim hoàn thì vẫn nhận ra không cần kính hiển vi. Nhưng lại có chuyện ngược đời, không nằm trong quy luật thông thường. Có khi chính “vết xước” của viên ngọc quý cũng như một một “giọt mực tầu”, vô tình người hoạ sĩ làm rơi trên bức tranh thủy mặc…lại làm nên giá trị cao hơn của nó. Tôi đọc và ngẫm nghĩ về nghệ thuật xây dựng tiểu thuyết “Nhà héo” thì không thấy “vết xước” hay “giọt mức tầu” của Nguyễn Văn Học. Có nghĩa là, sự khiếm khuyết về nghệ thuật xây dựng tiểu thuyết “Nhà héo” vẫn là những thiếu xót thông thường, ta vẫn thấy ở đâu đó trong văn chương Việt Nam.
Chẳng hạn, Nguyễn Văn Học trình bày các sự kiện ngổn ngang, dữ dội, lộn tùng phèo… của sự tha hóa, suy đồi hơn là quá trình tha hóa suy đồi. Kiểu trình bày này gần với kỹ thuật phóng sự phơi bày sự kiện. Người viết văn có thể viết thêm nhiều sự kiện, chi tiết suy đồi, tha hóa một cách dễ dàng. Nhưng viết về quá trình tha hoá với những diễn biến tinh thần, tâm lý thường rất khó. Có lẽ chính vì điều này mà nhân vật Thái - Hồng chưa thực sự rõ nét. Chính xác hơn, diễn biến tâm lý của Thái, Hồng, Bát…là chưa sâu sắc. Người đọc nhận ra bề nổi, bề ngoài của các nhân vật này hơn là nội tâm với những chiều sâu tâm lý.
Nếu dùng thủ pháp đối lập thể hiện thì hình ảnh thế giới nội tâm của nhân vật Minh phải đẹp rực rỡ, lung linh hơn nữa. Làm được điều đó, người đọc sẽ trăn trở, day dứt với câu hỏi: “Tại sao cùng sống trong một môi trường gia đình bát nháo, suy đồi, lộn tùng phèo…mà Bát - đứa con trai thì mất dạy, hư đốn, không ra giống người, còn đứa con gái tên Minh lại trong sáng, đẹp lạ lùng như thế. Để rồi cái cây xanh non tươi tên Minh ấy bị bão gió của đời đốn phạt tàn nhẫn, độc ác. Cái đẹp, cái tốt tạm thời lui bước trước cái ác, cái xấu.
Đối thoại trong “Nhà héo” chưa được hay, không thấy câu thoại lấp lánh, hàm súc hoặc mang tính triết lý cuộc sống. Chưa thấy câu thoại ẩn dụ, hàm súc. Những đoạn đám nhà văn bàn về văn chương chưa tinh tường, sâu lắng và khúc triết.
Nguyễn Văn Học quá chú tâm (hoặc vô tình) chạy theo sự kiện, hành động nên dành số chữ, dành trí tụê, công sức, tình cảm cho những dằn vặt, trăn trở, những biến động tâm trạng, tâm lý nhân vật….quá ít. Vì vậy, sức nặng của tiểu thuyết bị vơi đi, hoặc chiều sâu lắng bị bồi đắp dần mà tác giả không ngộ ra.
Tóm lại, “Nhà héo” là cuốn tiểu thuyết rất đáng đọc, rất nên đọc trong thời buổi “hướng ngoại hơn hướng nội”, ưa cái bề ngoài đẹp lộng lẫy hơn thế giới nội tâm ngổn ngang, xấu tốt, thiện ác. Tôi tin rằng Nguyễn Văn Học đầy nội lực sẽ thành công ở tiểu thuyết hơn truyện ngắn. Tiểu thuyết “Nhà héo” vào chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam (2004 - 2008).
Sương Nguyệt Minh
(vanhien.vn)