Vết nhơ của người kể về Coleman Silk, giáo sư văn chương Hy La, một người gần như hoàn hảo, bị đá ra khỏi Đại học Athena, nơi ông dành gần nửa thế kỷ giảng dạy, cải tổ, chấn hưng. Ở tuổi 71, ông vẫn đứng lớp, vẫn miệt mài với ý tưởng mang đến một thế giới học thuật, sư phạm tiền phong và chưa có dấu hiệu rệu rã.
Vết nhơ khó gột rửa của một kiếp người
Nhưng đoạn cuối đời ông không thuận lợi, trái lại, đầy nghiệt ngã. Ông dính phải một "vết nhơ", một đòn chí mạng. Thế giới học thuật, mà cụ thể là Đại học Athena đã nhấn Coleman Silk xuống bùn đen, từ câu chuyện hai sinh viên da màu cúp học tố ông là kẻ "phân biệt chủng tộc", chỉ bởi lời phát biểu theo đúng nghĩa đen: "Có ai biết người này không? Họ là người hay là ma vậy?".
Vợ chết, từ bỏ vị trí quan trọng và đáng kính, thất nghiệp ở tuổi sắp nghỉ hưu, trở thành chủ đề bàn tán và chỉ trích của trường, con cái xa lánh... Coleman Silk đau đớn, có ý định trả thù những kẻ hại mình bằng cách viết một cuốn sách có tên Lũ ma, mà bản thảo gồm mấy chục cuốn sổ tràn đầy chữ.
Những tưởng đời Coleman Silk coi như chấm hết. Nhưng không, Philip Roth vẫn để nhân vật của mình sống thêm một quãng (huy hoàng mà cay đắng) và đôi khi còn "hùng hổ" hơn trước khi "vết nhơ" dây vào người
Coleman Silk - cái tên đọc lên đồng âm với cold man (người đàn ông lạnh lẽo) - là kiểu người mà lửa sống, lửa dục dường như đã tắt, sau chuỗi tai họa kể trên. Không biết Philip Roth có ẩn ý gì khi gọi nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết như vậy, nhưng rõ ràng ông đã thảy một vết nhơ vào đời Coleman và lần lượt bóc tách những lớp vỏ, hiển lộ ra một bức chân dung độc đáo về con người lạ thường này.
Ở tuổi 71, Coleman cũng hay ho ra trò. Ông gặp Faunia và đời ông bừng tỉnh. Ông hẹn hò với Faunia, cô bồ bé hơn cả tuổi con gái mình, rồi cứ thế dùng thuốc cường dương (viagra) để thoả mãn khi quan hệ tình dục.
Cái bản lĩnh vượt qua mọi lề thói, định kiến của Coleman Silk không phải là thứ bột phát mà chính là bản chất của ông, sau này được tác giả hé lộ qua những lần hồi tưởng về năm tháng ấu thơ và trưởng thành.
Vốn là một người da đen có nước da trắng, Coleman Silk từ chối gốc gác, chủng tộc, căn tính của mình để sống cuộc đời của một người "trắng còn hơn cả da trắng" như lời Walter, anh trai của ông nói.
Từng là một người da đen ưu tú, tốt nghiệp thủ khoa, một võ sĩ bất bại trên sàn đấm bốc, Coleman từ bỏ hết để làm một người da trắng vì cái ngột ngạt dưới mác "mọi đen", từ khước gia đình và giữ bí mật đó suốt phần đời còn lại.
Tuy nhiên, đời ông bị kết án là phân biệt chủng tộc và gián tiếp mang ông đến với cái chết sau này. Phải chăng, làm một người da đen là mang vết nhơ khó gột, bị ám theo suốt đời?
Thế giới mục rã, đầy rẫy những kẻ tổn thương
Philip Roth không ấn định cứ là người da đen như Coleman Silk mới mang “vết nhơ khó gột”. Đã sinh ra phận người, ai nấy cũng đều mang vết nhơ. Chính điều này cũng là cánh cửa để tác giả bày ra các vấn đề lớn trong xã hội, là lời ai điếu cho mọi kiếp người, cho những ai mang “giấc mơ Mỹ” đẹp mà phù phiếm.
Vết nhơ của người được đặt trong bối cảnh mùa hè năm 1998, với sự kiện động trời, vụ ngoại tình của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Monica Lewinsky.
Coleman Silk không phải là duy nhất, ông chỉ là một trong rất nhiều người sống trong xã hội Mỹ. Ông là đại diện của người da đen với nạn phân biệt chủng tộc đã phủ bóng suốt nhiều thập kỷ nay trở thành bóng ma đầy ám ảnh.Trên nền của xã hội Mỹ những năm cuối thế kỷ 20 đó, Philip Roth bày ra một thế giới loài người đầy mục rã, đầy rẫy những kẻ tổn thương, nhưng chẳng ai được quan tâm, ngó ngàng, chẳng một lời công chính được ban bố. Không phải là con mắt của một kẻ tuyệt vọng, nhưng là con mắt của một người nhuốm buồn, Philip Roth nhìn thấy tất cả những thói đạo đức giả lên ngôi, sự thật phơi bày khủng khiếp chẳng kém gì những bí mật và con người thì nhỏ bé, đơn độc.
Coleman Silk chọn cách khai sinh lại chính mình, biến “đen thành trắng” như một cách để không cho những kẻ khác có quyền tổn thương bởi gốc gác của ông. Tuy nhiên, quyết định này khiến ông phải vật lộn sống chẳng kém so với việc làm một người da đen.
Ngoài Coleman Silk, những thành viên trong gia đình ông cũng như người da đen khác vẫn phải chịu nỗi ám ảnh phân biệt chủng tộc. Sự nhạy cảm của những người thuộc cộng đồng yếu thế, dễ bị tổn thương tiếp tục bị ăn mòn, dù cố gắng đến đâu thì nó vẫn là một vết nhơ bám chặt lấy cuộc đời họ, định nghĩa họ, kìm kẹp họ, giết chết họ…
Qua con mắt của Philip Roth, giấc mơ Mỹ không hề có thực, hoàn toàn phù phiếm và dối lừa. Với hơn 400 trang sách Vết nhơ của người, dù đây đó vẫn có những đoạn châm biếm, từ hài hước đến sâu cay, ngồn ngộn ngôn từ đả kích thì tựu trung, đó vẫn là một cuốn sách đầy rẫy nỗi buồn kiếp nhân sinh.
Nhã Linh
(news.zing.vn)