Những trang văn giàu cảm hứng lịch sử
1. Nếu tính từ chương 1 của tiểu thuyết, năm 1035 Lý Nhân Tông gặp thiếu hiệp Ngô Tuấn (tên khai sinh của Lý Thường Kiệt), đến năm 1110, Lý Thường Kiệt mất là hơn 80 năm, thì đây là thời kỳ xã hội nhà Lý nước ta xẩy ra rất nhiều biến động, có quan hệ đến vận mệnh của dân tộc. Đối nội là cuộc nổi loạn phân ly giằng dai của cha con Nùng Tồn Phúc – Nùng Trí Cao ở Cao Bằng, đối ngoại thì phía Bắc nhà Tống âm mưu và đem quân xâm lược, phía Nam quân Chiêm Thành liên tục quấy phá. Muốn hay không thì chiến tranh giữ nước, bảo vệ chủ quyền thống nhất quốc gia đã là nhiệm vụ quân dân nhà Lý phải đặt lên hàng đầu. Thành ra xuất hiện ở giai đoạn lịch sử này, sự nghiệp của Lý Thường Kiệt đã phản ánh đúng quy luật thời thế tạo nghiệp cho anh hùng, và ở chiều ngược lại, ông, con nhà gia thế đã góp phần quan trọng tạo nên những kỳ tích của một thời kỳ lịch sử huy hoàng, đánh dấu bằng sự ra đời bản tuyên ngôn độc lập đanh thép Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư của nước ta.
2. Dựng lại hình ảnh một nhân vật tầm cỡ như thế là một lựa chọn, một thử thách. Vậy trong “Chim Bằng và Nghé hoa”, qua văn chương của nhà văn Bùi Việt Sỹ, Lý Thường Kiệt được miêu tả là con người như thế nào?
Trước hết, phải nói ngay rằng, nhờ cuốn tiểu thuyết dày dặn gần 400 trang với đầy đủ các lớp lang này, bạn đọc đã có thể hình dung được toàn bộ cuộc đời thân thế sự nghiệp một cây cột trụ của Đại Việt thời Lý. Từ thuở thiếu thời võ nghệ cao cường đến khi được vời vào cung, nhờ tài năng đức độ, được ban quốc tính của nhà vua, mang họ tên Lý Thường Kiệt và phong chức Kỵ mã Hiệu úy; từ đỉnh cao võ công hiển hách đến bi kịch thầm kín cá nhân, trải qua bao binh đao trận mạc, oai vũ như đại bàng tung cánh trong phong ba, lên đến chức đại tướng, về già tuổi đã lên tới 86, được vua gọi là tướng phụ vẫn dẫn quân đi đánh Chiêm Thành, rồi trở về trời, là đã trọn vẹn hình ảnh một đại anh hùng ở một thời đoạn quân dân cả nước gồng mình lên để bảo vệ và mở rộng bờ cõi non sông.
Chương 7, chương 8 và chương 11: Kể lại chiến công tiêu biểu đầu tiên của Lý Thường Kiệt là lĩnh ấn tiên phong đi đánh cha con Nùng Tồn Phúc - Nùng Trí Cao làm phản. Chương 14: Dựng lại toàn cảnh Lý tướng quân thống lĩnh 5 vạn hùng binh và 300 chiến thuyền đi chinh phạt quân Chiêm Thành, vì suốt 4 năm trời từ 1065 đến 1069 vua Chiêm Chế Củ đã không triều cống như lệ định, lại còn lợi dụng gió Nam hàng năm đem thuyền ra cướp phá Châu Ái Châu Hoan. Chương 17: Miêu thuật tỉ mỉ cuộc đại chiến nổi tiếng của Lý đại tướng, mở đầu bằng ngày 20 tháng chạp năm 1075, sau khi chiếm giữ hai thành Khâm Châu và Liêm Châu dễ như trở bàn tay, thực hiện tư duy chiến lược cách phòng thủ tốt nhất là tấn công trước, dẫn 1 vạn quân tiến sâu vào nội địa nhà Tống, đánh đòn phủ đầu, vây hãm thành Ung Châu được đối phương coi là bất khả xâm phạm, liên tục 39 ngày đêm với kết quả thắng lợi hoàn toàn, ghi dấu một chiến công lẫy lừng có một không hai trong lịch sử giữ nước của dân tộc. Chương 19: Sử dụng thủ pháp kể, tả kết hợp dựng làm sống lại toàn cục cuộc đại nghênh chiến vô cùng anh dũng của quân ta dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt chống lại 10 vạn quân Tống với các hổ tướng định ăn tươi nuốt sống Đại Việt, một cuộc huyết chiến ác liệt đến mức máu lính Tống và quân Việt đỏ ngầu cả một khúc sông Như Nguyệt, nhưng chỉ cách thành Thăng Long 30 dặm mà quân Tống cả tháng trời không tiến thêm được một thước nào, cuối cùng phải chấp nhận kế sách cầu hòa sói no mà dê không mất khôn ngoan của nhà Lý, của Lý Thường Kiệt.
Chiến công nối tiếp chiến công. Đại cảnh chật ních đại cảnh. Vậy mà vẫn có thể đọc đến trang cuối cùng.
Đó là vì, cùng với việc sở hữu một khối sử liệu đầy đặn chính sử và dã sử, tác giả trân trọng sự kiện đến từng chi tiết, lại nồng nàn cảm hứng trách nhiệm với lịch sử và nhân vật yêu kính của mình. Không thỏa mãn với sự sơ sài qua loa. Tất cả đều được soi xét căn cơ đến từng điều nhỏ nhặt nhất. Tỉ như lần đi chinh phạt Chiêm Thành bắt sống vua Chế Củ, cùng với việc bài binh bố trận đâu vào đó, Tướng quân còn sai quan coi lương chuẩn bị cho một vạn con vịt nhốt sẵn vào lồng sắt không phải để ăn mà để dùng vào việc sau này là khi qua sông thả ra làm mồi cho cá sấu để quân ta thừa cơ vượt sông an toàn. Hết dùng xung xa để phá cửa thành Ung Châu lại dùng lạt mềm buộc ba chiếc thang thành một, nối dài để quân ta leo lên mặt thành địch quân một cách dễ dàng; đến ngày sau rốt, còn nẩy ra sáng kiến đắp đất cao lên cho quân lính từ đó thâm nhập thuận lợi vào nội thành quân giặc.
Lý Thường Kiệt, xuống Đông Đông tĩnh lên Đoài Đoài tan! Lý Thường Kiệt, cánh chim đại bàng vẫy vùng trong giông bão! Lý Thường Kiệt, danh tướng kiêu hùng hiếm hoi của Sử Việt! Có hiệu quả như thế là nhờ cách chọn lựa, độ tập trung, sự khéo léo trong kỹ thuật văn chương. Và về căn bản là nhờ cảm hứng mỹ học sâu xa của nhà văn với lịch sử, nhờ những trang văn dồi dào cảm hứng tôn kính và mến yêu với nhân vật của mình.
3. Tôn kính và yêu mến hình ảnh oai hùng Lý Thường Kiệt trong chiến trận, tác giả còn hào hứng khai mở tính cách ông, tâm hồn, tấm lòng ông ở các chiều kích khác, đặc biệt ở khía cạnh, ông là con người có tấm lòng nhân ái bao la. “Tôi đảm bảo với ngài rằng: quân Lý sẽ không giết một ai, cũng không tơ hào một cây kim sợi chỉ của dân trong thành. Mục đích của chúng tôi chỉ là phá lũy, tịch thu các chiến cụ chiến tranh nhà Tống đã chuẩn bị để tấn công Đại Việt mà thôi” - đó là lời tuyên ngôn của Lý tướng quân trong cuộc đối thoại với Tô Giám, quan nhà Tống giữ thành Ung Châu. Lòng khoan dung độ lượng của ông còn thể hiện trong việc xin vua tha bổng cho mẹ con Ả Nùng - Nùng Trí Cao, con trai duy nhất của Nùng Tồn Phúc, vì nay giết mẹ con Trí Cao thì họ Nùng sẽ bị tuyệt diệt, tuyệt tông. Điển hình cho tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa của ông là sự kiện ông chủ trương nghị hòa sau 39 ngày đêm hai bên quân ta và quân Tống quyết chiến và cùng chịu thương vong nặng nề trên phòng tuyến sông Như Nguyệt, ngay cả khi về phía ta có người nghĩ có thể thừa thắng xông lên tổng công kích đuổi giặc ra khỏi bờ cõi.
4. Trong tính hiện thực của nó, con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội. Người anh hùng cũng vậy. Vấn đề là biết vượt qua số phận chứ không phải là tránh né nó. Xây dựng nhân vật Lý Thường Kiệt, tác giả Bùi Việt Sỹ có ý thức về điều này, khi dừng lại khai thác khá sâu kỹ tấn bi kịch của đời riêng ông. Lý Thường Kiệt, nạn nhân của luật tịnh thân man rợ khắt khe của các triều đại phong kiến. Tự nguyện chịu đựng một nỗi đau sinh thể, một nỗi tủi nhục âm ỉ kéo dài, một giằng xé suốt cuộc đời, một nỗi buồn thê thảm làm siêu lệch cả đời người vì để buột ra khỏi tầm tay cuộc sống hạnh phúc lứa đôi giữa trai anh hùng với gái thuyền quyên là ông và nàng Thuần Khanh Nghé hoa. Tất cả những điều đó, trong sự phát triển tính cách của nhân vật, hợp lý và thú vị thay, biện chứng pháp của cuộc sống lại chứng tỏ rằng, nỗi bi thảm ông phải chịu đựng lại chính là một cơ hội tôn cao phẩm chất anh hùng cao cả của ông, một con người biết vì đại nghĩa mà cắn răng chấp nhận hy sinh quyền lợi cá nhân, hạnh phúc riêng tư.
5. “Cuốn sách đã thu hút tôi, làm tôi nhớ lại những ấn tượng đẹp khi đọc những cuốn tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng, ít nhất không thể không đối chiếu với cái ấn tượng với Tam Quốc hay là Đông Chu liệt quốc” - một nhận xét có phần xác đáng của nhà văn Xuân Cang! Đặc biệt với những ai đã từng mê say các trang tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa. Đúng là khó có thể rời cuốn sách khi bắt gặp những trang viết như trang 312, kể lại sự kiện Lý Thường Kiệt phóng ngọn giáo vào bộ ngực rộng lớn của tên tướng giặc Tiêu Đình Quý. Hiển nhiên là bạn đọc sẽ vô cùng khoái thú khi dõi theo cuộc đấu khẩu, tranh biện tranh hùng giữa Lý Thường Kiệt và Tô Giám, quan nhà Tống giữ thành Ung Châu. Đọc mà hình dung ra toàn cục các đại cảnh chiến trận của người xưa cách đây đã cả ngàn năm. Âu cũng là một cái khoái cảm mà văn chương có thể đem lại cho con người!
“Chim Bằng và Nghé hoa” hội tụ được những yếu tố của một tác phẩm đạt hiệu quả cao. Tương tự như cuốn “Chim ưng và chàng đan sọt” cũng của tác giả. Đó là nhờ tình yêu với lịch sử, nhờ niềm say mê và cảm hứng ngợi ca người anh hùng của nhà văn hài hòa với một lối phô diễn đậm đà hương vị cổ điển. Trong đó mạch truyện phát triển theo lối tuyến tính chương hồi trước sau, kết hợp với một hệ thống ngôn ngữ mang đầy đủ sắc thái thời đoạn và cách thức diễn đạt đã được mặc định khuôn thức nhưng vẫn còn đủ sức biểu cảm vì được sử dụng khá linh hoạt . Tất nhiên còn có điều cần bổ khuyết, nhưng tựu chung có thể nói, sức hấp dẫn của cuốn sách nằm ở đó, đặc biệt là nhờ nhiệt tâm, năng lượng tri thức, cảm xúc trân trọng của nhà văn với lịch sử và người anh hùng tiêu biểu của dân tộc.
Ma Văn Kháng
(daidoanket.vn)