Lục bát trong "Ký ức mưa bay" của Nguyễn Ngọc Trìu

14.09.2015

Lục bát trong

Tập thơ "Ký ức mưa bay" của Nguyễn Ngọc Trìu (NXB Hội nhà văn, 2015) bài nào cũng hay, cũng đẹp nhưng những bài lục bát để lại trong tôi một ấn tượng khó phai, bởi anh kế thừa được nét đẹp vốn có của thể thơ truyền thống, thổi vào mỗi câu, mỗi chữ hơi thở hiện đại làm cho sống động cái hơi, cái hồn của tâm trạng, của cuộc sống.

Có người cho rằng thơ của Nguyễn Ngọc Trìu phảng phất nỗi buồn nhưng với tôi lại thấy đó là điều đáng quí, bởi khi con người ta biết buồn có nghĩa đã biết nhìn nhận lại mình, biết cảm thông và chia sẻ với mọi người. Hay nói một cách khác, khi biết buồn là lúc nhân tính nổi trội hơn.

Trong bài "Về quê thanh minh" nhà thơ tự trách mình:

Trách mình nặng  gánh mưu sinh ít về

Và xa xót:

Phận nghèo khó xót càng sâu

Con về trắng nửa mái đầu chưa nguôi.

Gió đồng an ủi xa xôi

Quê cha, đất mẹ một trời bao dung

Những câu thơ như vết cắt, đau nỗi nhân tình và đầy độ lượng bao dung của quê hương cùng đấng sinh thành.

Ở bài "Nợ quê" ta lại thấy nỗi niềm trăn trở của người con chí hiếu:

Đi đâu cũng thấy nợ  nần

Quê ơi! Tôi có trả dần được không

Câu hỏi tu từ được đặt đúng chỗ thật đắc dụng, sự "trả dần" ấy mang đầy ý thức của con người. Điệp từ "nợ" như khắc sâu vào tâm khảm và như lời nhắc nhở với người con xa quê: "Nợ trưa nồng nắng oi", "Nợ nhau mấy sớm gọi hoài chẳng thưa", "Nợ oằn lưng mẹ chiều chưa thấy về", "Nợ cha trằn trọc canh khuya", "Nợ đồng trong, nợ đồng ngoài" và ta đồng cảm cùng nhà thơ nỗi day dứt khôn nguôi trước cảnh:

Đồng ta lúa vẫn xanh rì

Cái nghèo sao cứ trị vì mãi thôi

Ta lặng người với câu kết bài:

Về quê chả thấy ai đòi

Ở lâu thêm nữa… nợ dôi ra nhiều

Quê hương, cha mẹ vốn độ lượng bao dung như thế đó, còn với những người con có lương tri luôn tự vấn lương tâm đã làm được gì cho quê hương.

Bài "Hẹn Huế và em" lại chở đầy tâm tư, hoài niệm:

Nào than thở của phôi pha

Mơ hồ trong ruột tiếng gà gáy khan

Nhớ từng trầm mặc buồn lan

Ngày tư lự nắng, đêm giàn giụa trăng

Quá khứ, hiện tại, tương lai cùng nhà thơ như đồng điệu tương giao và lời hẹn hò sao mà day dứt:

Nhờ em hẹn với một mai

Huế say dĩ vãng, tôi hoài niệm tôi

Hẹn mây Vĩ Dạ bời bời

Cùng tôi về trọ mắt người… hôm nao

Từ "Trọ" thật lạ và đắt.

Bài "Dưới thông Yên Tử" lại mở ra một không gian và thời gian rộng lớn, khai tâm, khai trí, lay động hồn người:

Tạ từ đất Phật tôi về

Tiếng chuông thong thả sẻ chia ưu phiền

Trí, tâm rộng một cõi thièn

Trong tôi giờ đã có miền… chuông ngân

Ta như thấy tiếng chuông không chỉ ngân trong lòng mà còn ngân xuyên ba cõi.


Bìa sách


Bài "Tạm" đem lại cho  người đọc một tâm trạng nhức nhối, thương cảm cho cảnh những thầy cô giáo cùng các em học sinh vùng sâu, vùng xa còn vô cùng thiếu thốn nhưng ăm ắp tình người. Từ: 'Tạm" được nhà thơ nhắc lại nhiều lần,  mỗi lần một cung bậc khác nhau: "Tạm giữ trò, tạm mời cơm" lúc mưa rừng thác lũ, "Tạm không ngon giấc gió vào… hỏi thăm", "Nhà công vụ tạm dăm năm", "Đường lên bản lẻ nhọc nhằn… tạm đi", rồi: "Tạm chờ khi/ Thế nào chả có nhỡ thì… thương nhau", "thắp tạm đèn dầu". Tất cả những điều đó đang là hiện thực, gian khổ là vậy nhưng đáng quí thay, các thày cô giáo cùng các em học sinh vẫn hy vọng:

Thầm mong một dải vùng sâu sáng dần

Ánh sáng ấy không chỉ của ánh điện khắp bản mường mà hơn thế ánh sáng của tri thức, của tình người.

Bài "Về quê ăn tết" người đọc ấm lòng khi được sống trong không khí ấm cúng của quê hương:

Năm còn một buổi chợ phiên

Tôi về mua chút hồn nhiên thuở nào

Cái mới ấm từng ngôi nhà, ngõ xóm:

Cả lời chúc tết quê tôi,

Đậm phần khoai lúa, bớt lời viển vông…

Bài "Chiều Đồng Lộc" không chỉ là tấm lòng của thế hệ sau trước anh linh các cô gái Đồng Lộc mà còn là thái độ sống của thế hệ hôm nay:

Đâu là lẽ sống tuổi xuân

Đâu là lẽ sống trong ngần xót xa.

Từ  "Đâu" như một câu hỏi lớn cho mỗi con người và thời đại.

"Nghĩa Lộ mùa ban" lại tràn ngập tình yêu trong trắng nguyên sơ trước một vùng đất, một vùng người lịch sử và huyền thoại, ngòi bút của anh chợt thanh thoát chan chứa tình, điệp từ "muốn" gói ghém cả nỗi khát khao, mong đợi:

Muốn vào Nghĩa Lộ mùa ban

Hương từ em, có thấm tràn sang tôi.

Câu thơ đẹp quá, đầy ẩn ý mà không phô khiến người đọc phải mỉm cười trước sự tinh tế của nhà thơ. Rồi nhà thơ còn:

Muốn vào Nghĩa Lộ giêng hai

Muốn vào Nghĩa Lộ ngày thu

Muốn vào Nghĩa Lộ ngày hè

Muốn vào Nghĩa Lộ ngày đông

Thì ra ý "muốn" ấy chỉ là cái cớ, còn tác giả đã bị vùng đất đầy ma lực này cùng các cô sơn nữ hút hồn rồi nhưng lối nói ấy làm cho tình thêm đượm, ý thêm sâu mà không phô.

Bài "Với văn chiêu hồn" người đọc như thấy sự giao cảm giữa ba tầng thế giới:

Gửi lời cả cõi bên kia

Đơn sơ lễ mọn nhớ chia cho đều

Ta gai người trước lời thỉnh cầu ấy, phải chăng hiện thực cuộc sống đang hiện hữu quanh ta ẩn trong câu thơ? Mạch thơ được đẩy lên một cung bậc mới:

Lệ rơi nhòa buổi cầu siêu

Còn ngân ngấn đọng một chiều nhân gian

Và thi nhân ơi, câu thơ nào nhân tính? Câu thơ nào tải đạo:

Thi nhân đâu đã thảnh thơi

Tối trông cõi ấy, ngày soi cõi này

Riêng gì phận có nơi đây

Thế gian từ đấy… đắng cay đến giờ

"Chắt ra phận người", mượn ý thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du như suy tư của mình;

Một thiên lục bát tài hoa

Lọc trăm thân phận chắt ra… phận đời.

Đọc thơ lục bát của Nguyễn Ngọc Trìu ta như thấy hồn quê làng Việt, thấy thân phận con người trong những hoàn cảnh khác nhau. Anh tuân thủ nghiêm ngặt cách gieo vần, nhịp, nhạc, cẩn trọng trong lập tứ, lập ngôn cùng việc xây dựng hình tượng. Bên cạnh đấy với các biện pháp tu từ phong phú, những ẩn dụ tinh tế làm cho thơ lục bát của anh chuyển, tải được những ý tưởng sâu sắc. Mỗi bài thơ như một bức tranh với những sắc màu, âm thanh, nhạc điệu phong phú, ấm áp, đầy tình người, người đọc thích thú được cùng sáng tạo trong một thời gian vô hạn và không gian rộng mở.

Hà Nội 9.2015

Trần Vân Hạc
(vanhocquenha.vn)