Những dòng thơ tranh đấu - Lê Hoàng Phò
Việt Nam! Việt Nam!
Không phải chỉ cây lá Trường Sơn, sóng thần biển rộng
Mà còn cả hoài bão đời đời giữ nước
Còn cả ngọn đèn thao thức đêm đêm
Một giọng ru cũng lay động bóng trăng
Một gợn sóng xanh cũng là sóng Bạch Đằng
Một ngọn cây non cũng là cây rừng Bãi Sậy
Chiếc võng đơn sơ cũng là võng Quang Trung năm ấy
Có đất nào như đất của Hùng Vương!
Những dòng thơ tranh đấu - những dòng thơ của anh chị em trong phong trào đấu tranh của các đô thị miền Nam ngày trước giải phóng luôn đầy xúc cảm, gợi tình quê hương, tự hào những trang sử vẻ vang của đất nước, mãi mãi thấm sâu vào lòng mỗi người dân Việt.
Đoạn thơ “kích động” đó có thể xuất phát từ Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Huế hay Tổng hội sinh viên Cần Thơ, Đà Lạt,... cũng có thể là từ Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng, Nha Trang,... hay bất cứ nơi đâu ở miền Nam. Dù giảng đường đại học, ở trường trung học hay ở địa phương nào, thành phố nào thì những dòng thơ đó đều hướng về một mục đích cao cả, truyền nhau một sứ mệnh thiêng liêng.
Cùng với tiếng hát của những đêm không ngủ, của phong trào Hát cho dân tôi nghe, Nối vòng tay lớn,... dòng thơ ca phong trào luôn luôn góp từng mũi nhọn văn hóa, thúc giục ý chí trong cuộc đấu tranh chung của dân tộc: diệt tan lũ cướp nước và bán nước để giành lấy Độc lập - Tự do cho Tổ quốc, Hòa bình - Hạnh phúc cho đồng bào thân yêu.
Những anh chị em thanh niên lao động - sinh viên học sinh đã đẩy thi hứng của mình bùng lên theo từng ngọn lửa vui của bom xăng cháy reo trên xe Mỹ, thơ ca tuôn dòng theo từng cơn quặn thắt của những trận mưa dùi cui, lựu đạn cay, phi tiễn trong những lần xuống đường bãi khóa, bãi chợ, theo từng nỗi đau khôn nguôi của xóm làng cháy đỏ, ruộng vườn hoang phế, của quê mẹ điêu tàn... Thơ của anh em luôn luôn định hướng cho cuộc đấu tranh, tập hợp và đoàn kết lực lượng đồng thời gieo những nụ mầm cho tương lai hòa bình, cho mơ ước dựng xây lại non sông của Vua Hùng đang bị ngoại xâm, chia cắt.
Biết bao tờ báo tường, báo tập, tập san, giai phẩm,... công khai, bí mật và nửa bí mật của giai đoạn đó đã vượt qua muôn ngàn khó khăn, vượt qua tai mắt dòm ngó và chế độ kiểm duyệt hà khắc của kẻ thù để đến với anh em, đến với đồng bào. Các thể loại báo chí luôn chứa đầy những dòng thơ nồng nàn, sẵn sàng lao vào bão lửa. Thơ ca là vũ khí, là tuyên ngôn hành động:
Con sẽ vót thơ thành chông
Xuyên vào gan lũ giặc
Con sẽ mài thơ thành kiếm sắc
Chặt đầu văn nghệ tay sai
Trả thù cho cha, rửa hờn cho nước
Cho con ngẩng đầu nhìn thẳng
tương lai!
(Trần Quang Long)
Hay:
Sinh ra từ mạch máu quê hương
Trái tim anh đỏ theo phương mặt trời
Nên từ khi anh biết yêu người
Anh yêu tha thiết cuộc đời quanh đây.
(Nguyễn Công Thắng)
Hẳn nhiên khi đọc, trong hoàn cảnh các đô thị bị tạm chiếm, mọi người đều hiểu “Trái tim anh đỏ theo phương mặt trời” là “phương mặt trời” nào rồi. Lá cờ đỏ sao vàng cứ phấp phới trong thơ ca:
Thơ tôi đây, trao đời làm quà tặng
Thân tôi đây, xin người làm cầu thang
Nên khi chết trái tim xin ở lại
Cho TIN YÊU từ đó nở hoa vàng.
(Phan Duy Nhân)
Dòng thơ tranh đấu còn chứa chan bao tình cảm đồng bào ruột thịt. Miền Nam của đất nước trong những tháng năm gian khổ ấy:
Chuyện quê ta trong những ngày
khói lửa
Mỹ xua quân càn quét cả năm làng
Chiến dịch Bình Định số 25, 26 rồi 27
Chiến dịch sau cùng cả làng ta
bốc cháy
Em phải rời vườn sắn, nương rau.
(Lê Gành)
Ai mà nỡ rời xa quê hương ruột thịt! Thế mà bà con, anh em đồng bào ta phải đành lòng xa tất cả - xa nơi chôn rau cắt rốn, xa nương rẫy, ruộng vườn thân thuộc để rồi sống lang thang, chui rúc nơi phố thị đông người,... Chiến tranh đã làm gia đình tan nát, làng quê hoang tàn.
Cuộc chiến đấu trên trận địa đường phố quả là khó khăn, khốc liệt, mặt đối mặt với quân thù có thừa súng đạn, thừa phương tiện, dụng cụ chiến tranh để hù dọa, để đàn áp. Nhưng một điều mà quân thù không nghĩ tới nổi, tất cả phương tiện chiến tranh khủng khiếp, các dụng cụ tra tấn dã man đã không làm sờn lòng thép của anh em. Chính những sự đàn áp tàn bạo đó làm thêm sôi sục tinh thần tranh đấu, thêm thử thách tính gan dạ, thêm sự dũng cảm trước kẻ thù, nó không làm chúng ta lo sợ, phải rời xa nhau mà trái lại, thôi thúc những người yêu nước thương nòi tìm đến với nhau, họ truyền cho nhau tình dân tộc, nghĩa đồng bào, rồi kết đoàn lại dưới một ngọn cờ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh.
Ôi kiêu hùng thay quê hương ta
Từ dưới vực sâu, hồ thẳm, ao bùn
Vẫn nở ngát những cánh sen
tinh khiết
Trên lâu đài của một thành phố chết
Sáng hôm nay mầm sống đã hồi sinh
Vì có em, biểu tượng tuổi thanh niên
Biết nở đời mình thành đóa hoa
cách mạng.
(Đông Trình)
Những lần xuống đường bãi khóa ở Sài Gòn, Cần Thơ, Huế, ở Nha Trang, Đà Nẵng,... đó còn được thúc giục bởi truyền thống hào hùng của cha anh ngày trước, bởi âm hưởng của khúc hoan ca Cách mạng mùa Thu ngày nào:
Biết bao thế kỷ rồi mà gió bưng biền vẫn hào khí ngát văn chương.
Tiếng trống thúc quân lên đường ngày xưa còn đó
Giặc đổ bộ sang như thác vỡ bờ
Nhưng các vị tiền bối không lo
Bởi thành trì nhân dân vững mạnh...
Ai là người Việt Nam không từng
kiêu hãnh
Non sông trải máu dân mình
Trải cần lao cho đời tiến bộ
Trải anh hùng cho dân tộc đi lên.
(Lê Nhược Thủy)
Hay:
Hải phố quê hương tôi
Có những anh hùng kháng Pháp
Nhập hàng ngũ tiền phong phá đồn
bốt địch
Tay phất cờ kiêu dũng
Giữa đạn thù mơ thấy bóng
quê hương
Có những người con hát khúc
lên đường
Lòng bâng khuâng mưa bụi
xuống sân đời
Tay rét mướt vẫn nâng cờ lịch sử
Đôi chân gầy thơm đất sống tự do.
(Trần Phá Nhạc)
Những dòng thơ nồng nàn mà dịu êm, mỗi lần đọc lại đều làm chúng ta xúc động, vẫn làm lòng ta rung lên muôn nỗi thương yêu và kính phục, trân trọng về một giai đoạn tối tăm của đất nước. Hàng hàng lớp lớp thanh niên, sinh viên học sinh ngày ấy đã từng rung cảm theo những khúc tráng ca rồi tự mình tìm đến phong trào, họ coi nhau như anh em. Những đoàn công tác xã hội được thành lập tại mỗi trường, mỗi địa phương hay có khi là đoàn công tác Liên khoa Đại học để lo cứu trợ đồng bào, nạn nhân chiến tranh và cả thiên tai bão lụt. Chính những việc đầy tình cảm, đầy cụ thể thiết thực đó thêm góp phần đoàn kết thành một khối đồng lòng:
Ba mươi triệu người vẫn sống
Ba mươi triệu người nhất tâm.
(Trần Đình Sơn Cước)
Do đó, trong cuộc đấu tranh đô thị thì càng kiên cường, lớn mạnh. Hòa bình - Cơm áo - Tự do! Những tiếng thét run rẩy của các bà mẹ Việt Nam trong những lần đình công bãi chợ, bãi trường, bãi khóa đã xoáy sâu vào lòng mỗi người anh em:
Dùi cui thì mặc dùi cui
Nhưng lòng tranh đấu dùi cui
cũng cùi!
(Trần Phá Nhạc)
Anh chị em trong phong trào còn được cổ vũ lớn lao bởi những tấm gương tranh đấu, hy sinh mà giặc thù Mỹ - ngụy gian ngoan đã dùng mọi thủ đoạn và tra tấn cực hình cũng không khuất phục nổi, các lao tù Côn Đảo, khám Chí Hòa, lao Thừa Phủ,... càng làm các anh chị thêm nổi tiếng gan thép. Các anh Lê Quang Vịnh, Huỳnh Tấn Mẫm, Ngô Kha,... còn lấy nhà tù, lấy tòa án binh để nêu cao tính quật khởi, để tuyên truyền Cách mạng, hiên ngang trước họng súng quân thù như anh Trần Văn Ơn, như nụ cười chị Võ Thị Thắng, như ngọn lửa Quách Thị Trang,... để chứng minh chân lý của thanh niên: quyết chiến đấu hy sinh để giành độc lập tự do. Tất cả những người anh em dũng cảm, những trí thức trẻ ấy đã ghi sâu vào ký ức đồng đội, các anh chị đã đi vào lịch sử đấu tranh của dân tộc với những nét son không thể phai mờ. Bao huyền thoại, bao kỳ tích về sự hy sinh, về lòng quả cảm,... những lời tranh luận sắc bén, đanh thép đó là đề tài lớn cho lớp trẻ ngày ấy truyền nhau học tập,
noi theo.
Từ ngục tù độc ác, tàn bạo của kẻ thù, anh chị em cũng vẫn truyền ra những lời thơ tâm huyết, nhắn gởi ra những niềm ước mong:
Người giáo sinh ơi!
Những ngày đại học
Em hằng nuôi dự tính của ngày mai
Em có nghe đêm đêm vắng tiếng
thở dài
Từ ngục tối chờ tay em phấn trắng
Vẽ lên tim muôn mầm tươi hy vọng
Cho học đường đỏ ngói nóc
nhà giam
Tiếng trống trường thay tiếng
kẻng tù vang
Manh áo vá biến thành trang
sách mới.
(Võ Quê)
Và tình yêu tuổi trẻ, một chủ đề muôn thuở của lứa tuổi thanh niên, sinh viên học sinh. Lớp trẻ miền Nam ngày ấy không thiếu những con người đến với nhau bằng tình đồng đội, tình yêu cách mạng. Thật đáng trân trọng những tình cảm riêng tư trong cuộc đấu tranh chung, cổ vũ thêm dũng khí cho cuộc đấu tranh chống kẻ thù:
Có phải không Tố Chân
Tháng Tám năm nào anh cùng
bạn bè bị bắt
Những lá thư tình em gởi qua
cửa ngục
Vo tròn trong gói xôi thơm
Và em gởi lời hôn anh bí mật
Trong bao thuốc xanh nét chữ
rất tròn.
(Trần Quang Long)
Công tác thanh vận của Đảng, vận động thanh niên - là vô cùng quan trọng, dẫu qua những thăng trầm, lao đao, nguy khốn, có lúc tưởng chừng như “ngàn cân treo sợi tóc”, phải nhảy núi, vô bưng biền,... nhưng các cấp ủy Đảng Cộng sản luôn luôn lãnh đạo trực tiếp và tranh thủ lực lượng. Tổng hội sinh viên, các tổng đoàn học sinh luôn luôn là trái tim hồng tập hợp anh em mọi tầng lớp, mọi tôn giáo. Và cũng từ đây, các anh chị sinh viên tỏa đi công tác hoặc tốt nghiệp ra trường về đủ mọi miền đất nước. Họ là những người truyền lửa, họ là mạch máu giao liên với các tỉnh thành, huyện lỵ, làm vệ tinh nối với tổ chức, phong trào:
Có anh về
Trường làng tôi hoa thơm đầu ngõ
Có anh về đàn trẻ bớt bơ vơ.
(Nguyễn Hoàng Thọ)
Hay:
Mai em lại lên đường ra Mỹ Chánh
Về quê tôi những ngày tháng
đầu đông...
Lời cô giáo là những dòng sữa ngọt
Những dòng thơm của tình nước
bao la.
(Hồ Sỹ Bình)
Tất cả đã làm cho phong trào ngày một lớn mạnh, lan tỏa rộng khắp.
Cách mạng sẽ đâm chồi nảy lộc
Giữa công trường hoa Độc lập, Tự do
Em là chiến sĩ, em cũng là thơ
Nở giữa tim người ngày hội lớn!
(Thái Ngọc Sơn)
Sau thắng lợi của Hiệp định Paris 1973 anh chị em trong phong trào càng hy vọng sự tất thắng lớn lao đang gần kề, mùa Xuân vui đang gần tới:
Mùa xuân đang bắt đầu thổi lại
Trên những đám mạ non
Những cơn mưa phùn tai ương
đã đứt
Dưới túp lều hoang mẹ mở cửa
đón con về
Đoàn con yêu gian nan giữ nước
Từ núi rừng về nối lại tình quê
Dòng máu hôm nay thắm màu cờ
Tổ quốc
Ngày mai đây nở thành hạt lúa vàng
Dưới chân đời thơ thành đất
nuôi dân
Tim dân tộc cũng là tim cách mạng
Những dòng sông liên hiệp những
dòng sông
Ôi nắng mai hồng Tổ quốc
vinh quang!
(Tần Hoài Dạ Vũ)
Anh chị em trong phong trào đấu tranh đều có ước vọng lớn lao là dựng xây lại quê hương sau chiến tranh tàn phá bởi chính bàn tay, khối óc của mình. Ngày toàn thắng 30 tháng 4 mong đợi sau bao năm đã đến, biết bao dòng lệ tuôn rơi, dòng lệ vui cho ngày thống nhất, cho ngày anh em kẻ trên rừng người ở lại phố gặp lại mừng mừng tủi tủi, những dòng lệ của mẹ nhớ người con không trở về, những dòng lệ cho các anh chị em đồng đội đã hy sinh trong đấu tranh, trong lao tù. Chính sự hy sinh xương máu đó đã làm phân bón cho cây hòa bình mau đâm hoa, đã làm cây độc lập mau kết quả:
Quê mẹ bao la sông dài bể rộng
Đường ngược, đường xuôi,
cửa Thuận, cửa Hàn
Đường đến nhà em cau ấp bẹ
Hai họ ăn trầu ước hẹn trăm năm.
(Hoàng Tư Thiện)
Trong những ngày tươi đẹp ấy, mùa Xuân đầu tiên ấy:
Chim vỗ cánh bay theo đàn tình tự
Xứ mẹ con về góp hội trùng tu
Người rời đỉnh non, cây tỳ dốc núi
Một bước về xuôi một quyết đời đời.
(Ngô Kha)
L.H.P