Nằm trên biển - Nguyễn Đông Nhật

29.08.2016

Nằm trên biển - Nguyễn Đông Nhật

Nằm trên bờ mép cát và sóng. Sóng lùa cát, cát tan vào sóng, rồi cát - sóng phủ quanh thân thể. Như kéo đi, như giữ lại, mơn man xì xào. Có lúc xoay người thử soi mình trên nước. Nhưng khác với sông với suối, biển không mang hình bóng tôi theo dòng nước cuốn trôi mà xóa nhòa ngay tức khắc. Biển là sự hòa tan; biển không là sự trôi cuốn. Biển nhận tất cả vào lòng. Để làm nên sự chuyển dịch bất tận là sóng. Thầm gọi sóng, sóng ơi! Và ngay lập tức nhận ra sự sai lầm: tại sao lại dại khờ tạo ra một sóng nhỏ nhoi vô nghĩa trong khi điều duy nhất nên làm là buông thả hoàn toàn trong lòng sóng bằng sự yên lặng đón chờ (?)

Nhiều người nằm trên cát. Những người khác đi lại trên cát hay nô đùa trong bãi tắm. Họ là khách du lịch, tây và ta. Một số ít là dân phố địa phương. Nhưng họ đều giống nhau: họ đến với biển để tìm niềm vui. Niềm vui là gì? Lên núi, xuống biển… phải chăng là để tìm sự bình yên? Sự bình yên bên trong chẳng lẽ không phải là hạnh phúc thật sự, đối với tất cả mọi thành phần xã hội? Nhưng phải chăng, biển đang mất dần, ít nhất là đối với những người có túi tiền eo hẹp? Chẳng phải thế sao, khi giờ đây, hàng trăm khu du lịch dọc các đô thị ven biển đã che khuất tầm nhìn của bao nhiêu “thường dân”? Chỉ “đơn cử” một địa phương thôi. Ở Phan Rang, muốn thấy màu xanh nước biển, phải “chạy” đến tận bãi tắm Ninh Chữ. Hay, dọc tuyến đường ven biển ở nhiều nơi khác, những bức tường vững chắc, được “vẽ vời” đủ màu sắc khiến cho biển trở thành một thứ... thiên đường đã mất! Những resort ấy, hẳn nhiên đem lại nhiều lợi nhuận. Tiếc thay, tiếng nói của đồng tiền và hạnh phúc thường không phải bao giờ cũng tìm được sự “đồng thanh”! Bởi vì, nghĩ cho cùng, sống, là đi, nhìn ngắm, đón nhận ánh nắng và gió trời; nghe và thấy cảnh vật - con người trên mỗi vùng đất đi qua. Là để đi xa hơn, sâu hơn vào văn hóa - lịch sử. Và trên hành trình đi ngược lại thời gian ấy, con người sẽ dần dần hiểu rõ hơn bản thân. Để tìm lại chính mình. Cảnh và người, đáo cùng, sẽ phản chiếu rõ hơn chân dung của khách, trên đường đi.

Đã nằm trên nhiều bãi biển. Biển Quảng Bình hoang vu không bóng người mùa hè năm 1974. Gió hung dữ xô lệch, những đồi cát lúc ra đi buổi sáng, buổi chiều trở về đã đổi thay hình dạng. Đêm biển Nha Trang mùa thu năm 1977, những chấm sáng chạy men theo bờ vịnh như cánh cung lửa giương ra, bắn vào đêm tối mũi tên vô hình. Và Cửa Đại - Hội An ngày trẻ thơ, những dấu chân nhỏ mất hút trong rừng dương, ngập ngừng bên mộ táng cá ông. Và Lăng Cô, Cửa Thuận. Và bãi Hàm Rồng nằm không xa núi Linh Thái của Túy Vân (Thừa Thiên - Huế) những năm 1975 -1980 đìu hiu... Rồi tất cả đã sống lại. Vũng Tàu, Mũi Né ngập tràn nỗi khát thèm nắng gió của thị dân Sài Gòn vào mỗi cuối tuần. Quy Nhơn, Sầm Sơn, Hạ Long bước ra khỏi cơn ngái ngủ, vươn vai cười với khách viễn phương. Cảm ơn biển. Biển đã cho tôi nghe được nghĩa thịt da trong đêm Tam Thanh mờ ảo. Đã tan trong sóng chiều Mỹ Khê rộng lớn niềm vui. Hay một sáng Sa Huỳnh trong veo nắng biếc mà gió trên hàng dương kia như còn gửi lại lời mến thương của thời gian đến với cuộc đời.

Biển đã rơi trên mình tôi. Những cái bóng ngũ sắc cứ mơ hồ rơi - bay. Cho được mất cái - tôi trong tiếng hải triều trong veo - an lặng. Để được thấy lại chính - tôi, trong sự quay về giữa đời sống, sau khi lạc lối đến tận cùng của những câu hỏi. Như thế, tôi không còn là một cá thể vô danh vô nghĩa mà là sự trở thành của khoảnh khắc bay vào - tan biến giữa thời gian. Thời gian là dòng sông không có bờ mà hai cánh tay ôm hóa thành Dòng - Sông - Một - Bờ, nếu còn phải mượn lời để diễn tả Điều - Không - Nói - Được...

Mặt trời đang xuống, còn treo một hình tròn màu cam đỏ. Trăng lên. Yên lặng một dáng tròn trắng xanh. Bao nhiêu khách du kia có gì khác hơn là hình chiếu của luật âm dương không ngừng vận chuyển ấy?

Trong phố và trong vùng cận duyên, những tiếng đời vẫn ngập ngừng xao xác. Và gió vẫn thổi qua mọi niềm thịnh suy, như lời tiếc thương hay bỡn cợt trước sự mù lòa của con người?

Ngoài kia, biển yên tĩnh hay rì rào?

Những câu hỏi, là biển. Trả lời, cũng là biển. Và gió, tiếng hát nhớ - quên của thời gian. Tất cả những thanh âm với vô vàn sắc thái và cung bậc, đáo cùng, sẽ dẫn đến tiếng hải triều âm yên lặng - trong suốt - rỗng không. Có phải như thế? Hay chính là như thế? Không biết. Chưa biết. Hãy đi. Hãy tìm. Sẽ thấy.

Biển ơi!

N.Đ.N