Các yếu tố địa chính trị tạo điều kiện để Dinh Trấn Thanh Chiêm trở thành một trong những chiếc nôi của chữ Quốc ngữ - Bùi Văn Tiếng

29.08.2016

Các yếu tố địa chính trị tạo điều kiện để Dinh Trấn Thanh Chiêm trở thành một trong những chiếc nôi của chữ Quốc ngữ - Bùi Văn Tiếng

Khi nói Thanh Chiêm từng là một trong những chiếc nôi của chữ quốc ngữ, rõ ràng chúng ta đã nhận thức rằng chữ quốc ngữ không chỉ có duy nhất một chiếc nôi. Cùng nằm trên địa bàn Dinh Quảng Nam ngày ấy, ngoài Thanh Chiêm còn có một số nơi khác cũng được xem là chiếc nôi của chữ quốc ngữ như Hội An và Nước Mặn. Đương nhiên cũng không nên có tư tưởng cào bằng, bởi trong buổi đầu hình thành chữ quốc ngữ, có thể thấy vai trò của Thanh Chiêm nổi bật hơn cả. Đó là nhờ các yếu tố địa chính trị riêng có của Thanh Chiêm - với tư cách là một Phủ Chúa thứ hai/một trung tâm quyền lực chính trị không chỉ của Dinh Quảng Nam mà còn của cả Đàng Trong. Tham luận này đi sâu phân tích các yếu tố địa chính trị đã tạo điều kiện để Thanh Chiêm trở thành một chiếc nôi quan trọng của chữ quốc ngữ.

1. Dinh trấn Thanh Chiêm - trung tâm quyền lực chính trị của Dinh Quảng Nam và của Đàng Trong

Trung tâm quyền lực cao nhất của Đàng Trong đầu thế kỷ XVII nằm ở Dinh Ái Tử/Dinh Cát/Phủ Chúa - nơi làm việc của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Tuy nhiên do xu hướng ly khai với Thăng Long/Đàng Ngoài ngày càng rõ và khó đảo ngược, sau khi đích thân đi thăm Quảng Nam vào năm 1602, Nguyễn Hoàng chủ trương hướng mạnh về phương Nam, và ngay từ thập niên đầu của thế kỷ XVII đã chủ động triển khai ý tưởng quảng-nam-mở-cõi của Lê Thánh Tông thông qua việc điều chỉnh địa giới hành chính giữa Dinh Thuận Hóa và Dinh Quảng Nam: Năm 1604, Chúa Tiên cho lập phủ Điện Bàn trên cơ sở chia tách huyện Điện Bàn - vùng đất của phủ Triệu Phong từ phía nam đèo Hải Vân đến bờ bắc sông Thu Bồn đang trực thuộc Dinh Thuận Hóa - và giao trực thuộc Dinh Quảng Nam. Chưa dừng ở đó, Chúa Tiên còn cho nâng cấp Dinh Quảng Nam bằng cách hợp nhất phủ Điện Bàn mới lập với ba phủ vốn có của Dinh Quảng Nam là phủ Thăng Hoa, phủ Tư Nghĩa và phủ Hoài Nhơn, phân quyền mạnh hơn cho con trai là Trấn thủ Nguyễn Phước Nguyên và cũng trong năm 1604, cho xây dựng thủ phủ Dinh Quảng Nam mới - Dinh trấn Quảng Nam - ở Thanh Chiêm bên bờ bắc sông Thu Bồn.

Tại sao phải xây dựng thủ phủ của Dinh Quảng Nam mới ở Thanh Chiêm? Đó là vì khi không thể bỏ ngõ tuyến phòng thủ phía bắc, không thể dời Phủ Chúa vào Quảng Nam, Nguyễn Hoàng chấp nhận phương án hai cực nhưng muốn thu ngắn khoảng cách của trung tâm quyền lực chính trị ở phía nam với trung tâm quyền lực ở Dinh Ái Tử/Dinh Cát - thời buổi thông tin liên lạc và giao thông vận tải còn chưa thuận lợi, việc thu ngắn khoảng cách như vậy cũng rất cần thiết. Trong tư duy chính trị của Chúa Tiên, Dinh Quảng Nam phải trở thành nơi đào tạo cán bộ cấp chiến lược cho Đàng Trong - người đứng đầu Dinh Quảng Nam phải là một thế tử được quy hoạch cho ngôi Chúa, và ngược lại ngôi Chúa trong tương lai chỉ có thể trao truyền cho người đã kinh bang tế thế thành công ở Dinh Quảng Nam. Chính vì thế Dinh trấn Thanh Chiêm/Dinh Chiêm - nằm ở vị trí không quá gần cũng không quá xa Ái Tử để hai bên có thể dễ dàng hỗ trợ cho nhau trong phát triển - được xem là phương án lựa chọn tối ưu.

Trong buổi đầu hình thành chữ quốc ngữ, đương nhiên không thể không đề cập về vai trò của thương cảng Nước Mặn và của Khám lý phủ Hoài Nhơn/Quy Nhơn Trần Đức Hòa. Thế nhưng nhìn từ góc độ quyền lực chính trị thì thực ra thương cảng Nước Mặn cũng là sản phẩm của tư duy mở về ngoại thương, đồng thời là sản phẩm của tư duy mở về tôn giáo ngoại lai đương thời ở Đàng Trong/Dinh Quảng Nam. Rồi cách hành xử hào hiệp của Khám lý phủ Hoài Nhơn/Quy Nhơn Trần Đức Hòa - một quan chức cấp phủ người Bình Định rất thân cận với Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên, suy đến cùng cũng xuất phát từ sự quán triệt sâu sắc chính sách khoan dung về văn hóa của các Chúa Nguyễn và quan trọng hơn là sự thực thi kịp thời đúng lúc chính sách ấy khi Nguyễn Phước Nguyên - đã kế vị Nguyễn Hoàng trở thành Chúa Sãi từ năm 1613 - vì đại cuộc an dân mà buộc phải hạ lệnh tạm thời trục xuất các giáo sĩ Dòng Tên khỏi phủ Điện Bàn. Nói khác đi, thương cảng Nước Mặn hay Khám lý phủ Hoài Nhơn/Quy Nhơn Trần Đức Hòa đều nằm trong quỹ đạo quyền lực chính trị và chính sách đối ngoại nhất quán của Dinh trấn Thanh Chiêm.

2. Dinh trấn Thanh Chiêm - địa bàn phù hợp với tư duy mở của Đàng Trong 

Như đã nêu trên, trong tiến trình quảng-nam-mở-cõi, Chúa Tiên nói riêng, các Chúa Nguyễn nói chung đều thực hiện chính sách mở cửa thông thoáng trên nhiều lĩnh vực, nhất là hai lĩnh vực có liên quan đến yếu tố nước ngoài là ngoại thương và tôn giáo ngoại lai. Đặc biệt với cương vị Trấn thủ Dinh Quảng Nam, Nguyễn Phước Nguyên đã rất thành công trong việc thu hút thương nhân nước ngoài đến buôn bán, hình thành được những thương cảng quốc tế sôi động ở Dinh Quảng Nam như Đà Nẵng - Hội An ở phủ Điện Bàn hay Nước Mặn ở phủ Hoài Nhơn. Ngồi tại Dinh trấn Thanh Chiêm - một vị trí rất gần thương cảng Hội An, Nguyễn Phước Nguyên hoàn toàn có thể yên tâm theo dõi sát sao quá trình thí điểm mô hình tự quản tại Phố Nhật và Phố Tàu, cũng như toàn bộ hoạt động nhập khẩu/xuất khẩu của các thương thuyền ngoại quốc ở thương cảng này. Cho nên Dinh trấn Thanh Chiêm được xem là địa bàn phù hợp với tư duy mở về kinh tế ở Đàng Trong.

Theo Lê Thành Khôi trong sách Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XX, ngày 18 tháng 1 năm 1615, hai tu sĩ Dòng Tên: Francesco Buzomi người Ý, Diego Carvalho người Bồ Đào Nha tới Đà Nẵng1; còn Đỗ Quang Chính trong cuốn Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659 thì lại cho rằng có ba nhà truyền giáo thuộc Dòng Tên: Francesco Buzomi người Ý, Diego Carvalho và Antonio Dias người Bồ Đào Nha từ Macau/Áo Môn đến Cửa Hàn2 vào ngày 18 tháng 1 năm 1615. Các thừa sai này từ Cửa Hàn đến Hội An và lên tận Thanh Chiêm để làm mục vụ và truyền giáo. Họ làm nhà thờ và nhà ở tại Cửa Hàn nhưng chưa thành lập cư sở/residentia theo Hiến pháp của Dòng. Và Biến cố Cửa Hàn năm 1617 - nhà thờ Cửa Hàn và nhà ở của các thừa sai bị dân chúng địa phương đốt sạch - đã đưa các thừa sai đến gần hơn với Nước Mặn để được sự bảo hộ trực tiếp của Khám lý phủ Hoài Nhơn/Quy Nhơn Trần Đức Hòa, và sau đó vài năm đến gần hơn với Thanh Chiêm - khi thời tiết chính trị ở Phủ Điện Bàn đang ấm lại đối với đạo Thiên chúa. 

Việc truyền giáo của các thừa sai Dòng Tên ở thời điểm 1617 phát sinh hai đòi hỏi mới: trước mắt phải học cho được Tiếng Việt để có thể trực tiếp giảng đạo bằng ngôn ngữ bản địa và về lâu dài phải chế tác cho được một thứ chữ viết thuận lợi hơn chữ Hán và chữ Nôm với mục đích ban đầu “là giúp người ngoại quốc học tiếng Việt chứ không phải là phổ biến chữ quốc ngữ cho người Việt”3, đồng thời cũng nhằm phổ cập kinh bổn trong giáo dân bản xứ, mặc dầu có khả năng “các giáo sĩ không có ý đồ dùng chữ quốc ngữ thay chữ Nôm - thực tế là sau khi có chữ quốc ngữ, đến suốt thế kỉ XIX, chữ Nôm và cả chữ Hán vẫn tiếp tục được dùng trong giáo hội ở Việt Nam”4. Người có công đầu với Giáo hội Thiên chúa giáo trong việc đáp ứng cả hai đòi hỏi này là Francisco de Pina - sinh năm 1585 tại thành phố Guarda, thuộc vùng Beira Alta của Bồ Đào Nha, đến Đàng Trong ngay sau Biến cố Cửa Hàn năm 1617.

Francisco de Pina đã học Tiếng Việt và trở thành giáo sĩ đầu tiên giảng đạo cho tín đồ bản địa mà không cần phiên dịch. Francisco de Pina cũng đã dạy Tiếng Việt cho một số giáo sĩ khác, chẳng hạn cho Alexandre de Rhodes người Pháp, Antonio de Fonte người Bồ Đào Nha, hay Girolarmo Majorica người Ý... mới được cử đến Thanh Chiêm vào cuối năm 1624. Sau này trong lời tựa cuốn Từ điển Annam-Bồ-Latinh/ Dictionarium Annamiticum Lusitanum e Latinum xuất bản năm 1651, Alexandre de Rhodes công khai thừa nhận vai trò số một của Francisco de Pina trong việc Latinh hóa Tiếng Việt, khẳng định Francisco de Pina là: “người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường thứ tiếng này, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn”. Cũng chính tại Thanh Chiêm, Francisco de Pina đã biên soạn tài liệu về Phương pháp Latinh hóa Tiếng Việt và cuốn Ngữ pháp Tiếng Việt, đã lập trường đào tạo phiên dịch tiếng Bồ Đào Nha chủ yếu phục vụ hoạt động truyền giáo.

Sở dĩ Francisco de Pina chọn Thanh Chiêm - chứ không phải Hội An - làm chiếc nôi chính của chữ quốc ngữ là vì môi trường giao lưu văn hóa đa ngôn ngữ như Hội An không thật phù hợp với yêu cầu Latinh hóa Tiếng Việt so với môi trường ngôn ngữ bản địa thuần nhất ở Thanh Chiêm. Đương nhiên Francisco de Pina còn xuất phát từ một mục vụ quan trọng mà bản thân Francisco de Pina có trách nhiệm phải hoàn thành: xây dựng cư sở/residentia Thanh Chiêm trong năm 1623 và trực tiếp phụ trách cư sở/residentia này. Ưu thế của Francisco de Pina so với các giáo sĩ Dòng Tên khác đương thời ở Đàng Trong là thành thạo Tiếng Nhật, do vậy với sự trợ giúp hữu hiệu của một số giáo sĩ/giáo dân người Nhật ở Hội An, Francisco de Pina có thể tận dụng kinh nghiệm Latinh hóa Tiếng Nhật hồi cuối thế kỷ XVI của chính các giáo sĩ Dòng Tên - cũng xin nói thêm rằng việc Latinh hóa Tiếng Nhật và cả Tiếng Hoa chỉ thành công trên lý thuyết, còn sau đó vì không được người Nhật và người Trung Quốc đón nhận nên rốt cuộc cũng chỉ có thể lặng lẽ ngàn năm trong thư tịch cổ ở các bảo tàng.

Trong thư viết từ Thanh Chiêm vào đầu năm 1623 gửi về Lisbonne tường trình về việc truyền giáo và đặc biệt là việc Latinh hóa Tiếng Việt ở Dinh trấn này, Francisco de Pina khẳng định: “Về việc học ngôn ngữ, thì Dinh Chiêm là nơi tốt nhất, vì dinh trấn thủ đóng nơi này; người ta nói năng rất chuẩn và có nhiều thanh niên học trò quy tụ về, nên những ai bắt đầu học ngôn ngữ thì tìm được sự giúp đỡ nơi các học trò ấy... Ngôn ngữ này có cung điệu giống như cung nhạc, cần phải biết xướng thanh đúng điệu trước đã, sau mới học các âm qua bảng chữ cái... Về phần tôi, tôi đã soạn một tập nhỏ về chữ viết và các thanh của ngôn ngữ này; tôi hiện đang bắt tay vào học ngữ pháp...”5. Như vậy Francisco de Pina công khai thừa nhận đóng góp của một số trí thức người Việt vào quá trình gầy dựng chữ quốc ngữ buổi sơ khai, đồng thời khẳng định: chính vai trò trung tâm quyền lực - yếu tố địa chính trị hàng đầu - đã tạo điều kiện về môi trường văn hóa để Dinh trấn Thanh Chiêm trở thành một chiếc nôi quan trọng của chữ quốc ngữ./.

 

1 Lê Thành Khôi (2014), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XX, NXB Thế giới, Hà Nội, tr.335

2 Đỗ Quang Chính (1972), Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659, NXB Đuốc Sáng, Sài Gòn, tr.24

3 GS.TS Nguyễn Thiện Giáp, Báo cáo đề dẫn “Một số vấn đề về chữ Quốc ngữ” trong Hội thảo Quốc gia Chữ quốc ngữ: sự hình thành, phát triển và những đóng góp vào văn hóa Việt Nam, 10-2015.

4 Hoàng Tuệ, Về sự sáng chế chữ Quốc ngữ, Tạp chí Ngôn ngữ, số 4 (1994), tr.20-24. Viện Ngôn ngữ, Hoàng Tuệ tuyển tập, NXB Giáo dục, 2009, tr.214.

5 Dẫn theo Trần Duy Nhiên: Công cuộc truyền giáo tại Quảng Nam năm 1632, Roland Jacques, Công giáo và Dân tộc số 90, tháng 6-2002, tr.95-105.

B.V.T