Giếng Tiên - Vũ Trường Anh

29.08.2016

Giếng Tiên - Vũ Trường Anh

Trời sập tối.

Bóng đêm trùm cả lối đi. Trong bụi tre già tiếng con chim Huýt Huýt cứ mãi kêu. An rẽ bước dọc theo lối mòn bên khe núi, chân nhót nhắc vừa đi vừa lừa tránh dẫm lên những bãi phân trâu còn nhão nhoẹt. Lừa là lừa vậy chứ làm sao tránh được. Chân dẫm bùn, dẫm cả lên phân trâu. Đôi lúc dẫm cả gai tre, chồi cây và sỏi đá. Đi trong rừng mà lại dò dẫm trong đêm bao giờ cũng vậy.

 

Ngày ấy.

 Cái ngày ở tuổi thiếu niên, đời An là thế. Bảy tuổi chăn trâu thuê. Mười ba tuổi vác mai làm mướn, dẫy cỏ chè, đẩy xe, làm đường, cuốc đậu. Mười lăm tuổi, vào rừng chặt củi đốt than. Gánh than trên vai, đôi bàn chân đã chai sợ gì sỏi đá. Hết quãng đường rừng, leo dốc, xuống đèo rồi lại đến Giếng Tiên.

Giếng Tiên.

An chỉ trông chờ đến đó. Gánh than mệt rồi ai lại chẳng muốn nghỉ ngơi. Dừng bước, đặt gánh bên vệ đường, lần dò qua giếng nước. Nói là giếng vậy chứ thực ra chỉ là một cái hố nhỏ nhưng được cái nước rất trong. Nước trong núi chảy ra bao giờ cũng trong và rất mát. Nước mội, nước nguồn tinh khiết và vô vi. Không biết tự bao giờ người đi rừng đã tìm ra giếng nước và họ đã đặt sẵn ở đó một chiếc gàu mo. Một chiếc gàu mo với hai cục đá để hai bên vừa để ngồi vừa để đứng. Ngày thì ngồi múc uống. Đêm thì ngồi múc tắm. Rất tự nhiên. Ngày uống giếng tiên. Tối tắm giếng tiên. Tắm giữa đàng sang chi lạ.

Đó là chuyện ngày xưa. Chuyện cách đây đã mấy chục năm rồi. Thuở còn hàn vi nghìn năm sau ai nỡ nào không nhớ. Nhớ để kể. Kể dài dòng thế nhưng điều An cứ mãi suy tư không phải là chuyện đi trong đường rừng mà là chuyện về cái giếng tiên. Đi trong rừng mà lại sáng. Uống nước rừng mà lại sang. Đầu óc minh mẫn hẳn ra. Cái chí nó lên cao. Cái can trường nó dũng mãnh. Cậu bé lên năm không sợ người đời nhác kẹ. Đứa trẻ trăng tròn vượt thác băng rừng lòng vẫn hăng say. Cái trò nhác khỉ rung cây thuở thiếu thời với An chỉ là trò đùa vờn mây thử gió.

 

Vậy mà...

Thế kỷ sau. An lớn lên, trưởng thành, bước qua thời quá niên, lại sợ. Sợ cái trò rung cây nhác khỉ. Đêm nằm mộng tưởng ông Kẹ cứ mãi rình rập quanh mình. Hú hồn. Ông Kẹ bây giờ hù nhác kẻ quá niên. Lúc xưa đi giữa sao đêm lại có bình minh. Giờ đi giữa ban ngày lại lần dò trong bóng tối. Mặt trời lên, mặt trời lặn. Ngày nào chẳng thế. Ánh sáng mặt trời soi rọi ở đằng Đông, rồi lại ở đằng Tây. Ánh sáng chói chang đâu chỉ con người, muôn loài và cây xanh vẫn thế, rất cần ánh sáng. Cần sự sống. Cần cả niềm tin.

Sáng nay, An đến cơ quan. Mà đâu chỉ có sáng nay, sáng nào cũng vậy. Suốt mười tám năm rồi, An cứ mãi đến rồi mãi đi. Khác với ngày xưa đi trong đêm dẫm lên phân trâu, giờ đi giữa ban ngày dẫm lên bóng nắng. Vậy mà,  An cứ mãi khát thèm. Khát thèm được uống ngụm nước mật đường ở cái giếng Tiên. Ngụm nước giếng Tiên rất trong và rất mát. Nước uống vào bụng rồi mà miệng vẫn còn ngon ngọt làm sao. Người và cá uống chung nhau, tắm chung nhau. Duyên trời đã định. Thiên địa nhân hòa. Hạnh phúc đến từ thế giới tự nhiên.

An bật máy xem tivi, người ta báo tin động đất ở Fukushima, rồi chiến tranh ở Lybia. Giá xăng lên. Tiếng gà nhà bên kêu oang oác. Tiếng chị hàng xóm càu nhàu hạt lúa cuối cùng rồi cũng phải bán luôn. Chuyện tính toán bán buôn An không rành. Lúa vườn An không biết. Mười mấy năm rồi An làm công chức - công chức nhà nước – một nhãn mác giàu sang (!).

An nhớ lại câu chuyện hôm xưa, lúc trên xe có thằng bạn cùng quê kể về bác nông dân đi dự đại hội khi trở về được quan trên chiêu đãi.

- Nay Bác ăn gì, cứ thoải mái cháu hầu bao.

- Thật chứ. Cán bộ nói sao?

- Bác cứ ăn. Hôm nay Bác thích ăn gì cháu lo nấy.

- Thật khổ. Bác nông dân gãi đầu - Cái tôi thích ăn thì đây không có. Mà nếu có thì cũng chẳng được ăn.

- Không. Bác cứ nói, cháu gọi Bác ăn. Ở đây Bác cứ vô tư ăn gì cũng được, mà nếu không có thì cháu cố tìm cho có để Bác ăn.

- Nhưng mà...

- Không gì phải nhưng Bác ơi. Bác cứ...

- Thế thì, Bác nông dân cắt lời, cán bộ gọi giúp tôi món “Hối lộ” để tôi được nếm thử một lần xem có ngon không?

Chuyện kể món ăn. Còn An đang kể về món uống. Uống nước rừng không say. Uống nước biển lại say. Chim xanh đó mà lị. Uống nước mặn rồi lại gật gù để người đời sập bắt mà chẳng tỉnh ra. Càng uống càng say. Uống nhiều vô kể. Nước ngập cả trần đời, lênh láng cả thế gian. Vậy mà chẳng mấy chốc cạn khô. Thiên hạ sao lắm người uống ăn khỏe thế. Ăn tất, uống nhiều. Nhiều hơn cả nước mắt chúng sinh.

Lão Ngố hỏi An:

- Nước đâu mà nhiều vậy?

An nghĩ hoài, nghĩ mãi không ra. Một tiến sĩ như An mà lại chịu chào thua trước câu hỏi tưởng chừng như đơn giản. An lắc đầu. Lão Ngố tỏ bộ cảm thông.

- Anh học quá cao nên chuyện đời thường anh không hay biết. Anh có bao giờ xem diễn biến thế sự đang diễn ra?

- Có. Tôi có xem. Chuyện Nhật Bản nhiễm xạ hạt nhân, chuyện Libya đang lâm vào cuộc chiến.

Lão Ngố gật gù:

- Không. Tôi muốn nói cái chuyện nhỏ hơn kia. Chúng tôi, những người nông dân chân bùn tay lấm, quanh năm hiến mặt cho đất bán lưng cho trời thì làm gì biết bàn chuyện cao xa. Chỉ  là chuyện uống chuyện ăn thôi.

Lão Ngố bao giờ cũng vậy. Lúc bàn chuyện chính sự là lão lại cắt ngang. Lão toàn nói chuyện uống, chuyện ăn. Mà lão ăn khỏe thật. Năm bát cơm đầy chỉ một thoắng liến là xong. Lão ăn rất ngon. Người làng hay quen gọi là ăn như Ngố. Gặp gì ăn nấy chẳng tính toán hơn thua.

Gọi là Lão Ngố, bởi người ta gọi riết thành quen. Chứ tên khai sinh lão là Trần Văn Ngờ hay Trần Văn Ngơ gì đấy. Đâu cũng vần ngờ nên quen gọi Lão Ngố cũng được thôi. Lão có vợ và ba con. Con lão đứa làm thợ xây, đứa thợ đông ri, đứa chuyên nghề thợ lặn. Lão  nói nghe có vẻ trơn xuôi. Lão cười hì hì. Thế mà chúng sướng. Sướng hơn bố nó và rồi sướng hơn cả ông Tiến sĩ nữa kia. Ông Tiến sĩ suốt ngày chúi mũi vào kho sách, rồi pha rồi chế, rồi rửa ống, rửa ly. Rõ chán lương chẳng biết được bao nhiêu mà lại mang tiếng đời kẻ gây ra tai họa.

Có lẽ cái tên Ngố của lão cũng bắt đầu từ cuộc tranh luận không phân định kẻ thắng người thua.

Nghe đâu hồi đó, bắt đầu chuyện trưng thu ruộng đất của nông dân cho vào hợp tác. Lão bất đồng. Lão không chịu. Lão quyết thực hiện theo cơ chế khoán. Ruộng đất không thể tách rời lưng áo của nông dân. Thế là lão bị gạt khỏi tầm ngắm của cấp trên. Từ một cán bộ “dự nguồn” có nhiều tài năng và trí tuệ lão bị loại ra khỏi “dự bàn” với đủ mọi lý do. Nào là không phải Đảng viên. Nào là do cá tính. Sống không hợp thời. Không chịu uốn nắn theo ý trên... Lão về vườn. Cuốc đất lật cỏ, nuôi heo. Vậy mà hay. Lão chẳng thiết chi cái chuyện công danh. Hơn thua với thiên hạ làm gì. Lão về quanh quẩn bên váy vợ.

Lão cười hì hì. Vợ lão cũng cười hì hì. Dòng họ nhà lão bốn đời làm nông, năm đời làm nghề thuốc. Đến đời lão xem như tuyệt dòng, lão cười, nhưng lại nối dòng. Chẳng phải lão nối nghiệp làm nông. Làm nông điểm danh mà xoay công điểm. Chích thuốc lợn gà cũng là làm thuốc ấy thôi. Lão giỏi nuôi heo. Cứ ba tháng xuất một lứa heo. Lứa nào cũng một tá con. Con nào cũng tròn vo, lưng dài, mông nở. Mọi người bảo vợ lão mát tay còn lão có tài tiêm thuốc. Ống tiêm lão dài mà lại hay chích thường xuyên. Chuyện đó đến tai vợ Lão. Vợ lão cười hì hì. Đúng ông xã nhà tôi có tài chích thuốc. Mà đâu chỉ có chích heo nhà, ổng còn đi chích cả heo hàng xóm nữa kia. Bà nào réo gọi ổng chích là ổng tới ngay. Ổng chích không tốn tiền ngược lại được tiền mắc gì không cho ổng chích. Ổng đúng là heo nọc mà tui đã ráng sức chăm nuôi. Bà cười hì hì. Thật xứng đôi. Chồng nào vợ nấy.

Vợ chồng chí thú làm ăn nuôi con thành tài. Đứa thợ xây, đứa đông ri, đứa làm thợ lặn. Nói là nói vui vậy chứ mà không trật lại trúng tùm lum. Đứa lớn kỹ sư chuyên ngành xây dựng. Đứa lái tàu nay đó mai đây. Đứa thợ mỏ, phụ trách giàn khoan, chuyên gia thợ lặn. Ba đứa, đứa nào cũng hoách cả, hàng xóm ai nấy đều thán phục lão giỏi nuôi con. Vậy không hiểu lý do gì người ta lại đặt cho lão cái tên là Lão Ngố. Hỏi, lão cười hì hì, rồi gật gù, nửa điếc nửa câm. Ngố mà lão đã thắng An hai không. Thắng anh chàng mang danh tiến sĩ. Thắng nhà thông thái chuyên nghiên cứu rượu cồn. Và rồi thắng cả một triết gia.

 

Triết gia.

Ở cái xóm ven ranh, nửa chợ nửa quê mà kiếm đâu ra nhiều trí thức thế. Hết tiến sĩ rồi lại đến triết gia. Thoạt nghe cứ ngỡ Hêghen tái xuất giang hồ hay PhơRơt xuất thần lộ diện. Chuyện thật như đùa. Mỗi lần ngồi lại là mỗi lần có chuyện lý sự cãi nhau.

Lão Triết, tên thật của triết gia, trước đây làm nghề dạy học. Là con liệt sĩ. Là học sinh miền Nam. Triết đi đó đi đây, học được nhiều lý luận. Triết dạy toán nhưng học trò cứ ngỡ thầy dạy sử - công dân. Thời bao cấp, Triết nấu rượu nuôi heo. Thời mở cửa Triết xoay qua làm nghề chụp ảnh, dạy là tay trái, tay phải mở máy pho to. Triết làm rất chỉn chu. Chẳng mấy chốc Triết giàu lên. Vậy mà giờ đây, lúc về hưu, Triết quay sang nghề thợ cãi.

Triết cãi với lão Ngố về chuyện đề cử ông trưởng thôn. Lão Ngố nói đằng nào ông Bành cũng dính chứ bầu ai. Triết nói, không ở đâu có quyền dân chủ như nước mình. Ai ai cũng được bầu, được tự do bỏ lá phiếu. Lão triết luận một hồi về dân chủ về công bằng về xã hội văn minh. Lão Ngố cười hì hì, nâng ly chúc tụng. Rất tài. Rất tài. Tui khen ông giỏi tài triết luận. Tui hỏi ông đã từng đọc “Mảnh đất lắm người nhiều ma”? Lão Triết ngã ngửa người ra. Triết há hai hàm răng, bộ râu lão chĩa lên trông như hố chông thời kháng chiến. Nghe nói thời trai trẻ, Triết đã từng tham gia đóng phim. Triết đóng “Tràng vị khang” có sức mạnh đệ nhất băng sơn kéo chạy cả một toa nhưng không phải toa tàu mà là toilet. Giờ Triết thọ cực kỳ. Tuổi đã vượt khỏi ngưỡng sáu mươi.

Triết nói, đó là thời của những năm chín mươi, mấy ông nhà văn nói tào lao chứ làm gì ở chế độ ta có đưa họ hàng vào trong ấy.

Thế chứ còn bây giờ, chắc ông đã đọc “Sấp ngửa bàn tay”? Lão Ngố chẳng chịu thua. Lão Triết đáp ngay:

- Ối chà. Nói chi cái “dòng văn học ám thị”, chuyên châm chích người đời, chọc gậy bánh xe.

- Thế ông nghĩ sao về lời tiên tri của anh chàng cắt tóc. Cái ông Vách Vênh ấy giờ làm gì? Rồi ông đội mũ lác bây giờ sống ở đâu? Nhà hàng Hoa trẩu đưa rước ai lên, lời nói của nhà tiên tri có còn hiệu nghiệm?

Trời ơi. Hôm nay sao Lão Ngố nói nhiều thế. Cứ ngỡ lão chỉ biết toàn chuyện chích thuốc, chuyện chiếc máng heo. Ai dè lão thông thạo cả văn chương.

Triết gia gật gù. Ở đời đôi lúc cũng có tiên tri. Họ biết trước chuyện sẽ xảy ra để mà phòng tránh. Giống Nhật Bản phòng tránh quá tài nên các lò phản ứng bị động đất làm nổ tung (!)

Lão Ngố lặng thinh rồi cười hì hì, thôi tui phải về tui chích. Con heo nhà tui mà không chích phòng thì có ngày nó giãy nãy khó chịu lắm mấy ông ơi.

 

Đêm khuya.

An vắt tay lên trán suy ngẫm lời lão Ngố nói khi đêm. Không biết lão đọc khi mô mà lão biết sạch trơn từ “Mảnh đất lắm người nhiều ma” đến “Hậu thiên đường” rồi “Thiên đường mù” thời xa lơ xa lắc. Giờ lão lại biết luôn cả “Cánh đồng bất tận”, biết luôn cả “Sấp ngửa bàn tay”...

Thật tài. Thật tài. Lão Ngố biết sạch trơn. Lão quá tinh thông vậy mà lâu nay cứ gọi là Lão Ngố. Ngố chính là mình. Thằng Tiến sĩ chỉ biết pha pha chế chế. Chế rượu, chế cồn. Chế thuốc diệt cỏ. Chế thuốc trừ sâu.

Mấy ông quan trên cứ khen mình biết làm giàu cho đất nước. Nếu không có những công trình khoa học của Tiến sĩ  thì lấy đâu ra thức uống. Bia rượu cứ nhập vào mà mình không biết chế xuất tại nước thì tiếc lắm thay. An nhận được rất nhiều lời khen, từ quan cao đến quan thấp. An thấy mở cờ trong bụng, tự hào về những đóng góp của mình mấy chục năm qua.

Vậy mà tối nay, An bị Lão Ngố chê là kẻ đã gây ra nhiều tai họa. An hủy diệt sự sống của cây xanh mà An nghĩ mình ươm mầm cho sự sống. An giết hại động vật, côn trùng, giết cả loài người bằng hàng trăm thứ nước thế mà An nghĩ mình lấy nước làm giàu cho Tổ Quốc cho nhân dân.

Nhớ lại cách đây mấy hôm, An đi dự hội trường sau ba lăm năm thành lập. Thằng bạn đồng khóa với An giờ đã là Tiến sĩ. Tiến sĩ như An, nhưng khác An, An là Tiến sĩ Hóa. Nó Tiến sĩ văn chương. Nó viết rất hay, nói rất hay. Bài phát biểu của nó làm quý Thầy phải máy môi, làm quý Cô đều rơi lệ. An nghe rất mùi tai, bởi toàn những lời hoa mỹ. Phải thừa nhận rằng nó kết thúc bằng câu chuyện khá hay.

Chuyện kể về một ông quan. Một ông quan nhưng cũng là bạn bè cùng lớp. Nhân dịp hội trường nó mời thầy cùng bạn du ký một tí xíu để nhớ lại cái thuở hàn huyên. Ngồi cùng thầy nó cứ gọi bằng anh, chắc nó nghĩ nó làm quan, sợ mếch lòng thầy bạn bè ra tay cứu vớt.

- H. Bạn em nó quen giao du với người ngoài nên xưng anh xưng chị, có gì thầy thứ lỗi bỏ qua.

Thầy giáo điềm nhiên.

- Có gì đâu em. Trách gì người không có học. Người không có học thì làm gì có thầy mà lễ phép dạ thưa.

Lời Thầy giảng năm xưa, lời Thầy dạy năm nay, thằng bạn kể làm An cứ mãi nao nao. Chuyện quá khứ, chuyện thế sự, chuyện thời nay dập dồn theo An vào giấc ngủ.

 

Sáng.

An thức dậy. Miệng đắng ngắt. Nhìn đồng hồ đã tám giờ, An vội vã đến cơ quan.

Bàn làm việc, một tờ giấy thật to, màu hồng hồng đập soi vào mắt. An đã quen rồi những tấm thiệp mời, mời đám cưới, mời tân gia. An chẳng muốn xem. Vội chi, trưa hẳn hay, giờ lo làm việc. Nhưng sao trên bề mặt của tờ bìa lại có hình của một cái lon.

Điện thoại reo. An cầm máy, một giọng nữ rất trong, ngọt ngào, sâu lắng...

Thì ra, cái thiệp mang hình cái lon là của hãng bia. Đơn đặt hàng chi đây hay là một tờ tố tụng. An lấy kéo cắt bì.

Trời ơi. Lại là chuyện viết bài biện hộ. Biện hộ cho cái lon.  Bia nào chả là bia. Chỉ khác tại bởi cái lon. Cái lon 333. Cái lon Heineken. Cái lon Tiger mang hình con cọp. Công thức hóa học An viết ra, cách điều chế An soạn ra, bia nào mà chẳng giống. Chuyện đấu đá trên thương trường, uống bia vào không đái đường thì biết đái ở đâu. Miệng đắng ngắt mà phải chào sang, ngậm bồ hòn làm ngọt. Tại mày hại mày. Hết đời rồi ông Tiến sĩ ơi.

An mặc áo Blu vào phòng. Nào ống, nào kim, nào chai, nào lọ. Xanh, đỏ, tím, vàng. Bao nhãn mác đập vào mắt An. Rượu Etilic, thuốc trừ sâu, thuốc diệt rầy, thuốc diệt cỏ... Công thức hóa học, mác hiệu nhập nhòe như cố vờn độc bộ óc của An. An hoảng hốt lùi ra, ôm đầu chạy về phòng giấy. Trên tủ trưng bày nào là quà tặng của các công ty, của các hãng bia, của trung tâm này trung tâm khác. Giấy khen, bằng khen, huy chương, huy hiệu treo đầy tường đang cố lòa sự hãnh tiến của An. An chập choạng bước ra rồi lăn đùng trên giường ngủ. Lời Lão Ngố cứ lùng bùng: “Ông là kẻ hủy diệt môi trường. Ông đem nước về làm say chết cả chúng sinh”.

Khổ.

An nhớ lời Khổng Tử năm xưa: Khôn chết. Dại chết. Biết sống. An không khôn mà chẳng dại. An biết nhiều mà chưa biết hết lời Lão Ngố nói đêm qua. An ước ao có được ngụm nước giếng tiên, có được quả sim, có được tiếng chim rừng thuở An còn niên thiếu. An thấy mình thèm khát được một lần tắm lại cái giếng tiên.

V.T.A