Nghệ thuật biểu diễn tại Đà Nẵng - những khởi sắc - Văn Thu Bích
1. Trong những năm qua, nghệ thuật biểu diễn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có một số bước phát triển mới, những cách làm sáng tạo. Ngoài việc phát triển hoạt động nghệ thuật trong thành phố, biểu diễn nghệ thuật của Đà Nẵng đã có quá trình giao lưu, tiếp biến một cách sinh động với các nước trong khu vực và quốc tế, điển hình là Lào, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ... Qua các chương trình biểu diễn, triển lãm, giao lưu văn hóa nghệ thuật đã góp phần giới thiệu hình ảnh Đà Nẵng đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Các loại hình nghệ thuật biểu diễn của Đà Nẵng đang từng bước hoàn thiện và phát triển, đạt được những thành tựu đáng kể nhằm tạo ra môi trường sống chất lượng, hài hòa, ý nghĩa hơn cho người dân Đà Nẵng từ thành thị đến nông thôn qua hoạt động khá hiệu quả của hệ thống các nhà hát, tụ điểm sân khấu ngoài trời, câu lạc bộ dân ca, nhóm ca nhạc dân gian. Nhiều giá trị văn hóa dân gian truyền thống được khôi phục, giữ gìn và đưa vào cuộc sống; đồng thời tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ những truyền thống quý báu của dân tộc như: nghệ thuật Tuồng, đàn hát dân ca, hát ru... Nhiều vở diễn và các trích đoạn tuồng cổ có giá trị được dàn dựng. Bên cạnh việc nỗ lực phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, nhiều loại hình nghệ thuật hiện đại cũng được chú trọng với hoạt động khá đa dạng của Đoàn Ca múa nhạc Đà Nẵng, các tiết mục tham gia hội diễn, liên hoan nâng cao giá trị hơn qua các mùa hội thi, hội diễn, đội ngũ nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú ngày càng nhiều.
Hoạt động nghệ thuật biểu diễn công lập khá khởi sắc, có thể nói Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã và đang được nâng cao chất lượng về cơ sở vật chất lẫn nội dung hoạt động. Nhà hát luôn tập trung công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật Tuồng truyền thống, khôi phục các vở tuồng cổ và xây dựng các vở tuồng mới; tiến hành nghiên cứu khoa học về mặt nạ tuồng và bổ sung hiện vật quý về tuồng cổ cho Bảo tàng nghệ thuật tuồng, tạo bước chuyển biến lớn nhằm đưa nghệ thuật Tuồng đến với cuộc sống, trở thành nhu cầu hưởng thụ văn hóa cho người dân thành phố và du khách trong, ngoài nước. Nghệ thuật Tuồng là một loại hình sân khấu truyền thống của di sản văn hóa phi vật thể. Sự mai một, thậm chí bàng quang đối với nghệ thuật Tuồng rất dễ xảy ra, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Vì vậy việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật Tuồng luôn được quan tâm. Năm 2010, được sự hỗ trợ của lãnh đạo thành phố, chương trình show diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ khách du lịch tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã được ra đời, đến nay phục vụ thường xuyên lượng du khách trong và ngoài nước. Nhà hát đã đầu tư xây dựng các trích đoạn tuồng và các tiết mục ca múa nhạc tạp kỹ đưa vào show diễn phục vụ khách du lịch vào các tối thứ 4, thứ 7 hằng tuần. Các buổi diễn này đã góp phần làm cho sân khấu Nhà hát Tuồng đỏ đèn nhiều đêm trong tuần.
Tháng 7 năm 2015, Kế hoạch “Đưa Tuồng xuống phố” của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khởi động với nhiều nội dung đa dạng, phong phú biểu diễn vào các tối chủ nhật hằng tuần, chương trình gồm các tiết mục: Biểu diễn trích đoạn Tuồng, múa Tuồng, giới thiệu mặt nạ và trang phục truyền thống Tuồng ngay bên bờ Đông sông Hàn, đầu Cầu Rồng... đã được thực hiện thể nghiệm nhằm đưa Tuồng đến gần người dân. Kết quả, hoạt động này được đông đảo nhân dân và khách du lịch đón nhận.
Trong những năm qua, ngành văn hóa thành phố Đà Nẵng đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực nghệ thuật. Bằng những việc làm cụ thể như: phối hợp với các đơn vị địa phương và Trung ương tổ chức các cuộc biểu diễn, hội thi, hội diễn, các sự kiện văn hóa nghệ thuật cấp thành phố và quốc gia, quốc tế; góp phần nâng cao đời sống nghệ thuật, tạo môi trường và điều kiện cho nhân dân tham gia và thưởng thức. Hơn nữa, với những nỗ lực của các đơn vị chức năng liên quan, đã tạo điều kiện cho các anh chị em văn nghệ sĩ sáng tạo nên nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị, tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật có quy mô quốc gia và quốc tế đạt được những thành tựu nhất định. Đầu năm 2015, thành phố Đà Nẵng có hoạch định tổ chức các tụ điểm sân khấu ngoài trời dọc hai bên bờ sông Hàn và Công viên Biển Đông nhằm tăng cường hoạt động văn hóa phục vụ khách du lịch và người dân Đà Nẵng, bước đầu có khởi sắc và được công chúng hưởng ứng.
Nghệ thuật biểu diễn Đà Nẵng đã lần lượt tiến từ mái vòm nhà hát ra dần các tụ điểm thu hút nhiều khách du lịch như Bảo tàng điêu khắc Chăm, sân khấu ngoài trời với chương trình: Âm nhạc đường phố, bên bờ sông Hàn đường Bạch Đằng, gần Chợ Hàn được khởi động từ năm 2012. Sân chơi này đem đến nhiều hứng thú cho người xem với các chương trình ca nhạc đương đại, các tiết mục hòa tấu nhạc cụ Tây phương, nhạc jazz, ca khúc... Tuy nhiên, cần tăng cường các chương trình ca nhạc dân tộc, giới thiệu tác phẩm ca múa nhạc mới về Đà Nẵng nhằm làm đa dạng, phong phú thêm nội dung, hấp dẫn công chúng, tăng cường biểu diễn, giao lưu quốc tế, nhất là nên bổ sung thêm các loại hình biểu diễn trong các kỳ Điểm hẹn mùa hè đã trở thành thương hiệu của Đà Nẵng bên cạnh Cuộc thi Trình diễn Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng và Lễ hội Quán Thế Âm diễn ra hằng năm thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài nước.
Song song với Đoàn Tuồng của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Đoàn Ca múa nhạc Đà Nẵng thuộc Nhà hát Trưng Vương trong hệ thống nhà hát công lập, cũng có nhiều chương trình ca múa nhạc hiện đại khá phong phú, đa dạng, phục vụ nhiệm vụ chính trị, giao lưu văn hóa trong và ngoài thành phố.
Bên cạnh đó, phong trào văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển rộng rãi, sôi nổi và có chất lượng cao. Nhiều câu lạc bộ biểu diễn nghệ thuật ngân vang lời hát tiếng đàn khắp các vùng nông thôn Hòa Vang và các ban nhóm nhạc, vũ đoàn nơi phố thị lần lượt ra đời tạo ra môi trường rộng mở cho đông đảo quần chúng chuyên và không chuyên tham gia, góp phần cổ vũ, động viên quần chúng sáng tạo, khai thác, truyền bá các giá trị nghệ thuật và thưởng thức nghệ thuật...
Các đơn vị nghệ thuật tư nhân hoạt động khá hiệu quả, thường xuyên tham gia các sự kiện lớn trong và ngoài thành phố như: Công ty tổ chức sự kiện Minh Nhật, Vũ đoàn Hoàn Vũ, Vũ đoàn Sắc Việt, các nhóm nhạc dân tộc của NSƯT Đỗ Linh, NSƯT Mạnh Hùng, NSƯT Nguyễn Ninh, nhạc sĩ Lưu Học, Đội Dân ca Bài chòi huyện Hòa Vang, các nhóm nhạc tại các khách sạn, resort... Đoàn nghệ thuật dân gian Non Nước, các nhóm nghệ thuật tư nhân phục vụ tại tụ điểm Không gian xưa, nhà hàng Apsara...
Ngoài ra hoạt động nghệ thuật quần chúng tại các cơ quan, trường học, hội, ngành, đoàn thể, phòng văn hóa thể thao các quận, huyện phát triển khá mạnh. Các liên hoan, hội thi, hội diễn không chuyên cấp thành phố diễn ra hằng quý, nhằm phát hiện những tài năng nghệ thuật từ các phong trào văn nghệ cơ sở.
2. Bên cạnh những kết quả đạt được, đời sống nghệ thuật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phần nào vẫn còn đơn điệu, nhiều tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao chưa được giới thiệu rộng rãi ra đông đảo công chúng. Bởi vậy, các tác phẩm nghệ thuật dù dân gian hay đương đại, khi giới thiệu ra công chúng tuy có sức cuốn hút nhưng không thường xuyên cũng khiến công chúng dần dần lãng quên. Có một thực tế cần được nhìn nhận rằng, do hệ thống cơ sở vật chất ít ỏi nên người dân thưởng thức nghệ thuật không đa dạng, chưa tạo nên sự hấp dẫn, thu hút; nội dung còn hạn chế; nhiều hoạt động nghệ thuật mới chỉ dừng lại ở các đề án, quy hoạch, thể nghiệm, chưa được đưa vào thực tế cuộc sống... Trong khi đó, cùng với quá trình hiện đại hóa đất nước, những nét văn hóa truyền thống xứ Quảng cũng đang dần bị ảnh hưởng và mai một bởi yếu tố ngoại lai và thương mại, văn hóa nước ngoài đang du nhập làm thay đổi ít nhiều những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Đây là vấn đề mà hầu như các quốc gia đang phát triển nào cũng gặp phải, đặc biệt trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong thời đại mới. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, trong đó có lĩnh vực nghệ thuật truyền thống như Tuồng, dân ca xứ Quảng là việc làm cấp bách, cần có sự quan tâm, đầu tư và đẩy mạnh việc xã hội hóa các nguồn lực. Đồng thời, hoạt động nghệ thuật ca múa nhạc đương đại cũng nên được chú trọng dàn dựng mới mẻ, không để mãi ngủ yên trong khuôn khổ mái vòm nhà hát, phục vụ cho số ít khán giả mà cần thiết giới thiệu những tiết mục mới từ các hội diễn chuyên và không chuyên, đưa ra khỏi sân khấu nhà hát đến gần với công chúng thường xuyên, tạo điều kiện cho số đông công chúng được hưởng thụ, không chỉ vào các dịp lễ tết mà cần nên thường kỳ, ban đầu là hằng quý, dần dần là hằng tháng, hằng tuần. Bên cạnh đó, cần tổ chức các cuộc giao lưu nghệ thuật có nội dung phong phú với các đơn vị trong và ngoài nước nhằm làm phong phú thêm diện mạo văn hóa.
Biểu diễn nghệ thuật là một dạng hoạt động dễ thu hút đông đảo người xem, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần trong đời sống của người dân Đà Nẵng. Muốn cho văn học nghệ thuật nói chung và nghệ thuật biểu diễn nói riêng phục vụ xã hội một cách hiệu quả, phát huy được hết tác dụng của mình thì trong công tác quản lý phải đảm bảo điều kiện cần thiết cho lĩnh vực này vừa hoạt động đúng tính chất, vừa đảm bảo nâng cao khả năng cảm thụ, thưởng thức nghệ thuật của công chúng; đồng thời đi đôi với một số giải pháp cụ thể, thích hợp với từng thời kỳ và điều kiện của địa phương với việc tổ chức nhiều hơn các chương trình giao lưu, các tụ điểm biểu diễn thường kỳ, tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách lẫn người dân...
Nhìn chung, đời sống nghệ thuật ở Đà Nẵng trong thời gian qua khá sinh động, chất lượng thẩm mỹ của các loại hình nghệ thuật đã được các cấp quan tâm đầu tư cao hơn hẳn so với trước đây. Tuy nhiên, cần đầu tư hơn nữa các hoạt động biểu diễn nghệ thuật từ làng quê đến phố thị nhằm góp phần làm diện mạo văn hóa Đà Nẵng ngày càng thay đổi theo hướng đi lên, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân và du khách khi đến với vùng đất đang khởi sắc từng ngày.
V.T.B