Nguồn cảm hứng bất tận trong sáng tác văn học nghệ thuật Việt Nam - Phương Mai
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở đầu một kỷ nguyên mới cho dân tộc. Hình ảnh đẹp này đã tạc vào lịch sử một dấu ấn đậm nét, thấm sâu vào lòng những ai từng chứng kiến, đặc biệt với văn nghệ sĩ. Từ nơi đây, hình tượng Hồ Chí Minh với sự hy sinh vô bờ cho dân tộc đã khởi đầu nguồn cảm hứng đi vào nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đặc sắc suốt 7 thập niên qua...
Ấn tượng trong ngày Độc lập đầu tiên
Nhà thơ Xuân Diệu trong bài viết về Kỷ niệm ngày độc lập (Tiền Phong số 18-2/9/1946) đã kể lại: “Nhớ ngày Độc lập lần đầu tiên, tôi được ở xa tắp trông thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ Chủ tịch đội một cái mũ màu trắng đã thành ra màu vàng, đi đôi dép cao su, tay cầm một chiếc gậy cong đầu như cái cán ô, với bộ áo ka-ki vàng. Hình ảnh này đối với chúng ta giờ đã quen thuộc, nhưng lần đầu tiên, nó là một ấn tượng trong tâm não người ta. Đến khi Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, người ta được nghe một giọng nói đặc biệt, một giọng nói như hãy còn pha các thứ giọng trên thế giới; một giọng hãy còn phảng phất chiến khu núi rừng. Ngạc nhiên hơn nữa, là Chủ tịch không lấy giọng lấy hơi chi cả; Chủ tịch đã đọc đôi chỗ lắp đi lắp lại, đôi chỗ líu đíu nữa kia; nói đến cựu Hoàng đế Bảo Đại, Chủ tịch quay sang người đứng cạnh hỏi nhỏ: “Ông Vĩnh Thụy phải không?” và câu hỏi tự nhiên ấy lọt vào trong máy truyền thanh tất cả. Rồi quốc dân lạ lùng hơn nữa, khi Chủ tịch đứng trên đài cao, dưới chiếc ô trắng che mặt trời, trước máy truyền thanh, hỏi một câu bất ngờ: “Đồng bào nghe có rõ không?”.
Nhà thơ Xuân Diệu nói: “Và đó là tất cả kỷ niệm thân yêu sâu sắc nhất của tôi, cũng như tất cả đồng bào sau khi dự lễ Ngày Độc lập”.
Nhìn lại hơn 70 năm qua, tính từ ngày Độc lập lần đầu tiên, trong âm nhạc, chúng ta đã có hàng trăm ca khúc về Người như: “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” (Văn Cao), “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” (Lưu Hữu Phước), “Người là niềm tin tất thắng” (Chu Minh), “Bác Hồ một tình yêu bao la” (Thuận Yến), “Miền Trung nhớ Bác” (Thuận Yến)... Trong điện ảnh, nhiều phim truyện khai thác thành công hình ảnh Bác Hồ như: “Hẹn gặp lại Sài Gòn” (đạo diễn Long Vân) kể về thời gian Bác Hồ cùng gia đình sống và học tập ở Huế, rồi vào Sài Gòn tìm cách ra nước ngoài tìm đường cứu nước. “Hà Nội Mùa Đông 1946” (đạo diễn Đặng Nhật Minh), phim chú trọng vào thời khắc Hà Nội ở những ngày cuối cùng trước khi bùng nổ cuộc chiến tranh Pháp - Việt... Đáng chú ý, bộ phim tài liệu “Ngày Độc lập 2/9/1945” do NSND Phạm Kỳ Nam đạo diễn, ra đời năm 1975. Trong đó, có 5 phút phim tư liệu vô cùng quý giá ghi lại giây phút tuyên bố độc lập của Hồ Chủ tịch trong không khí sôi động của buổi lễ đặc biệt này tại Quảng trường Ba Đình. Dù vậy, đến hiện nay, tác giả của những thước phim này vẫn là điều bí ẩn. Nhà văn Nguyễn Xuân Hưng, Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam - đang là nơi sản xuất nhiều nhất phim về Bác Hồ, cho biết: Thời gian trước, tiếp cận các tài liệu về buổi lễ lịch sử này không dễ. Hơn nữa, để dựng lại buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập với hàng nghìn người dự như hôm 2/9/1945, là một điều không dễ dàng. Những yếu tố khách quan đó khiến chưa nhà làm phim nào đi sâu về vấn đề này, dù ai cũng hiểu, khai thác thời khắc mang ý nghĩa lịch sử đối với vận mệnh cả dân tộc sẽ có nhiều điều lý thú và hấp dẫn, đặc biệt là những điều Người khẳng định trong Tuyên ngôn. Song, chính vì sự hiếm hoi đặc biệt đó mà tới đây, Hãng phim Hội Nhà văn dự kiến sẽ dàn dựng bộ phim “Ý chí độc lập” (tác giả Nguyễn Xuân Hưng) về đề tài này. Đây cũng là kịch bản đã được nhận giải thưởng trong cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí xuất sắc đợt 1 năm 2013 về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Ở mảng văn học, thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương, tác giả của nhiều tác phẩm viết về Hồ Chủ tịch, trong đó có tiểu thuyết “Cha và con” từng giành nhiều giải thưởng, cho biết: “Để có dấu mốc lịch sử Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945, có nhiều sự kiện liên quan, đã được ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ, kể lại: Từ ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập trung vào việc soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập trên gác hai nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội. Ngày 30/8, Người mời một số đồng chí ở Trung ương Đảng đến trao đổi, góp ý kiến cho bản dự thảo Tuyên ngôn Độc lập. Ngày 31/8, Hồ Chủ tịch bổ sung một số điểm vào bản thảo Tuyên ngôn Độc lập, đồng thời, hỏi Ban tổ chức về tình hình chuẩn bị ngày Lễ Độc lập. Vì thế, khai thác vấn đề này sẽ rất hấp dẫn. Nhưng cho đến nay, chưa có tác phẩm văn học nào chuyên sâu về thời khắc trọng đại này của Bác. Có lẽ vì những vấn đề thời sự lớn lao của đất nước cuốn đi, đặc biệt là khi đó, điều kiện tiếp cận với các tài liệu gốc về buổi lễ gần như không có” (kể cả nhà văn Hồ Phương với các cuốn sách “Những cánh rừng lá đỏ”, “Điện Biên Phủ” có đề cập đến mối quan hệ của Bác Hồ với bộ đội ở các chiến dịch thời kháng Pháp - GC: NV).
Ở lĩnh vực mỹ thuật, thời khắc lịch sử khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, nhiều người thường nhắc bức tranh Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập của họa sĩ Hoàng Hoa Mai - một trong những nghệ sĩ đã có nhiều sáng tác về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2012, bức “Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình” của nghệ nhân Nguyễn Đình Vinh (xã Liên Bão, Bắc Ninh) đã ra đời sau 20 năm ấp ủ ý tưởng. Bức chân dung có kích thước 1,93m x 1,38m, được chế tác từ hơn 300 mảnh trai, ốc và đồng này lập tức đã được công chúng hào hứng đón nhận v.v...
Hình tượng Bác Hồ trong tranh họa sĩ Phan Kế An
Tuy nhiên, người tâm đắc về sự kiện ngày Độc lập đầu tiên cũng như hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nổi bật hơn cả, không thể không nhắc đến họa sĩ Phan Kế An. Nhắc đến tên ông, người ta nhớ đến những tác phẩm sơn mài nổi tiếng “Nhớ một chiều Tây Bắc”, “Hà Nội tháng 12 năm 1972”, nhớ đến bức chân dung đầu tiên vẽ Bác Hồ được đăng trên báo Sự thật tháng 12/1948, đến những bức tranh cổ động, ký họa, biếm họa nổi tiếng được lưu giữ trân trọng ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hay các bảo tàng ở nhiều nước trên thế giới...
Từ 20 tuổi, Phan Kế An tìm đến với cách mạng, hơn 70 năm cầm cọ vẽ - người họa sĩ từng may mắn được sống bên cạnh Bác Hồ, đã gắn bó thấm thía qua từng bước chuyển mình của dân tộc. Đến nay, dù tuổi đã cao, bệnh tật..., nhưng trong ông cảm xúc về những ngày Cách mạng Tháng Tám ở Thủ Đô vẫn còn lại với dư âm tươi mới, vẫn vẹn nguyên hình ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình sáng 2/9/1945...
Họa sĩ Phan Kế An kể lại: “Tôi vẫn nhớ buổi sáng mùa thu, trời nắng rực, tôi đi cùng mấy anh em trường Mỹ thuật như Mai Văn Hiến, Dương Bích Liên, Kim Đồng... Chúng tôi đi qua Bộ Ngoại giao, thì trông thấy bác sĩ Lê Văn Chánh - người sau này là bác sĩ riêng của Bác Hồ đang ngồi túc trực phía cửa, đề phòng có người say nắng hoặc có vấn đề gì thì sơ cứu ngay. Khi đi thì đông đủ cả nhóm mấy anh em nhưng đến gần quảng trường Ba Đình, người đông quá, chặt như nêm và rồi lạc nhau. Chỗ nào cũng thấy người dân ồn ào và phỏng đoán không biết Hồ Chí Minh có phải là Nguyễn Ái Quốc không. Bởi trước khi Nhật đảo chính Pháp tháng 3/1945, người dân nhận được nhiều truyền đơn ký tên Nguyễn Ái Quốc. Dù chưa một lần gặp mặt nhưng nhân dân rất đặt niềm tin vào Nguyễn Ái Quốc. Người dân đổ về quảng trường mỗi lúc một đông nghịt, không theo hàng lối nhưng tất cả đều rất trật tự hướng về lễ đài lắng nghe Bác đọc Tuyên ngôn độc lập. Tôi lúc đó chỉ biết chen mà đi, tìm cách tiến sâu vào trong để nhìn rõ Bác.
Cách lễ đài 30-40 mét, tôi lần đầu trông thấy Bác Hồ. Bác Hồ vận bộ đồ kaki màu cỏ úa, cổ áo cài kín kiểu Tôn Trung Sơn. Dáng Bác hao gầy, da sạm có lẽ vì mới trải qua cơn sốt rét trên Tân Trào, Tuyên Quang.Tôi trông thấy đứng đằng sau Bác là anh Nguyễn Hữu Đang ở Ban chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc. Cùng với Phạm Văn Khoa, nhà báo Nguyễn Hữu Đang là người sau này tôi được biết đã đi vận động các kiến trúc sư và trực tiếp chỉ huy dựng Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Dưới chân lễ đài, những anh như nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cầm súng đứng gác”.
Cũng tương tự nhà thơ Xuân Diệu, cái ký ức ấn tượng nhất của họa sĩ Phan Kế An là khi, Bác bỗng nhiên hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Cả biển người đồng thanh trả lời “Có”! Ông nói: “Tôi đã hết sức ngạc nhiên và cảm động trước câu hỏi của Bác. Tôi không ngờ một ông Chủ tịch nước mà gần gũi nhân dân đến thế. Cách Bác nói, hỏi cũng rất tự nhiên”.
Sau ngày Độc lập lần đầu tiên ấy, lần thứ hai thì họa sĩ Phan Kế An cho biết, ông được tiếp cận và hiểu về con người Bác hơn. Cụ thể, đó là khi Bác đến thăm triển lãm Mỹ thuật trong Tuần lễ văn hóa mừng đất nước độc lập sau ngày 2/9. Khi đó, triển lãm có tranh của Phan Kế An, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí... Bác Hồ đã đi xem hết lượt các bức tranh, đi sau có các họa sĩ như Phan Kế An, Sỹ Ngọc, Nguyễn Tiến Chung..., đến tranh vẽ thiếu nữ của Nguyễn Gia Trí, Bác Hồ có dừng lại nói một câu mà cho đến giờ Phan Kế An vẫn nhớ mãi: “Sáng tác hội họa cũng nên đi sát thực tế hơn. Đời sống thực không phải những cô tiên như thế này”. Lần đó, giống như một định mệnh, nối liền sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Phan Kế An đến với hình tượng Bác Hồ...
Đến ngày nay, trong hàng trăm bức tranh đã nhuốm màu thời gian tại căn gác nhỏ của gia đình họa sĩ Phan Kế An, còn lại không ít trong số đó là những bức tranh vẽ về Bác Hồ. Họa sĩ cho biết, thời trai trẻ, ông có khoảng thời gian gần một tháng được sống bên cạnh Bác ở Khuôn Tát, Thái Nguyên vào năm 1948. Hơn 20 bức tranh ông vẽ Bác trong thời gian sống cùng từ phác thảo đơn giản hay những nét vẽ kỹ càng, từ cận cảnh hay toàn cảnh đều gửi gắm biết bao tình cảm và sự ngưỡng mộ. Họa sĩ Phan Kế An bộc bạch: “Tôi về báo Sự thật từ năm 1947. Tháng 11/1948, nhận được lệnh của Tổng Bí thư Trường Chinh, người trực tiếp phụ trách báo: “Sáng mai anh lên đường sang ở với Cụ một thời gian để vẽ Cụ ở mọi tư thế, bằng mọi chất liệu”. Từ khi nhìn thấy Bác ở quảng trường Ba Đình cho đến khi sống một thời gian bên cạnh, tôi nhận ra mình đã từng cảm nhận sai về Bác”. Vì theo họa sĩ, trong cuộc đời mình, ông từng tiếp xúc và ở cùng với nhiều vị cấp cao, dù gần gũi thế nào thì vẫn có khoảng cách, không thể quá thân thiết, bỗ bã được. Ông đã nghĩ chắc Bác cũng sẽ đối xử với mình như thế. Nhưng thật không ngờ, Bác đối với ông gần gũi, tình như cha đối với con đồng thời lại thân mật, giản dị như hai đồng chí gặp nhau. Ông nói: “Ngày đầu tiên tôi đến chỗ Bác, qua trạm liên lạc còn khoảng 300 mét đi bộ là tới chỗ nhà sàn nơi Bác ở. Nhưng tôi mới đi được nửa đường đã thấy Bác ra đón. Bác vẫn dáng cao gầy như lần tôi nhìn thấy ở quảng trường Ba Đình, chỉ khác ở bộ đồ nâu. Tôi gọi “Cụ” xưng “tôi”, còn Bác xưng “mình” gọi “An”. Bác ôm lấy tôi hỏi han sức khỏe. Cảm giác gần gũi, thân mật này, tôi tin là trong nước cũng như trên thế giới không có lãnh tụ nào lại có cách ứng xử trân trọng và ân tình như thế! Từ khi gặp đến khi từ biệt Bác, hình ảnh ông cụ mặc quần áo nâu giản dị vẫy tay từ biệt tôi vẫn còn in đậm trong tâm trí cho đến tận bây giờ”.
Trong những kỷ niệm thú vị trong thời gian sống gần Bác, họa sĩ Phan Kế An kể lại: “Vì thế tôi luôn tranh thủ ký họa những khoảnh khắc, góc nhìn của Bác mọi lúc, mọi nơi có thể. Thương tôi làm việc vất vả, thỉnh thoảng Bác lại gần mời một điếu thuốc. Lúc đó, phần thì đang dở tay, phần thì đang mải làm việc, tôi “xin” Bác điếu thuốc rồi bỏ vào túi áo ngực. Lúc đầu, hành động đó chỉ đơn thuần là vì công việc, về sau tôi nảy ra một mẹo là giữ những điếu thuốc đó lại về làm quà cho những anh em ở tòa soạn. Một thằng trẻ ranh như tôi lại có vinh dự được ở gần, được vẽ Bác, lại được hút thuốc của Bác trong khi nhiều họa sĩ khác trong tòa soạn đã lăn lộn với nghề nhiều năm lại chưa có may mắn ấy. Vì thế tôi tin chắc sẽ không có món quà nào dành cho họ lại có ý nghĩa hơn. Và hôm đó là buổi vẽ cuối cùng. Khi đang cố gắng hoàn thiện bức ký họa để có thể đưa về tòa soạn vào hôm sau, bỗng nghe tiếng Bác hỏi: “An tích trữ được bao nhiêu điếu thuốc rồi?”... Trời, thế là kế hoạch bị lộ tẩy! Chẳng còn cách nào khác, tôi đành thú nhận toàn bộ sự thật với Bác. Nghe xong, Bác hỏi tiếp: “Ở đó có bao nhiêu anh em?”. “Dạ, có 30 người ạ!”. Bác mở hộp thuốc đếm ra đúng 17 điếu (trước đó tôi đã tích cóp được 13 điếu) để đủ chia cho mỗi anh em trong tòa soạn mỗi người một phần”.
Đợt công tác đặc biệt đó, họa sĩ Phan Kế An đã thực hiện được hơn 20 bức tranh về Bác và báo Sự Thật số tháng 12 năm 1948 đã được in với số lượng lớn đủ để phát hành khắp các chiến khu. Trong đó, nhiều bức tranh chân dung Bác đến nay vẫn được nhiều người yêu chuộng và được xem là những tác phẩm kinh điển tiêu biểu của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam.
P.M