Bức tranh đa sắc về phụ nữ Việt hiện đại

20.10.2016

Bức tranh đa sắc về phụ nữ Việt hiện đại

20 nhân vật nữ thuộc 3 thế hệ, hoạt động ở các lĩnh vực khác nhau, nhưng đều đóng góp cho xã hội, cộng đồng. Câu chuyện về họ, được kể trong cuốn sách Con gái Bà Triệu thế kỷ XXI, góp phần tạo nên bức tranh nhiều màu sắc về phụ nữ Việt Nam, vừa kế thừa truyền thống, vừa mang dấu ấn thời đại mới.

Những người truyền cảm hứng

Kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20.10) năm nay, NXB Phụ nữ ra mắt cuốn sách Con gái Bà Triệu thế kỷ XXI (phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh) của hai tác giả đến từ hai nền văn hóa Đông - Tây: Đỗ Thùy Dương và Irene Ohler. Cuốn sách tập hợp 20 nhân vật nữ đa dạng về lĩnh vực hoạt động, từ kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, đến văn hóa nghệ thuật. Họ thuộc nhiều lứa tuổi, sinh sống ở nhiều vùng miền, có thể nổi tiếng hoặc ít được biết đến, nhưng “đều có bài học quý giá trong cuộc sống, về tinh thần lãnh đạo ở Việt Nam, một trong những xã hội thay đổi nhanh nhất hành tinh”.

Đó là bà Tôn Nữ Thị Ninh và bà Phạm Chi Lan - những người đánh dấu sự trưởng thành của phụ nữ Việt Nam qua nhiều thử thách; tiếp đó là thế hệ phụ nữ ghi dấu Việt Nam trên bản đồ quản trị điều hành của thế giới như bà Hà Thị Thu Thanh, với 30 năm trong ngành kiểm toán và 25 năm điều hành Deloitte Việt Nam; bà Đàm Bích Thủy, sau nhiều trải nghiệm trong kinh doanh, nay gắn kết với vai trò quản lý Đại học Fulbright Việt Nam... Cuốn sách cũng mang theo câu chuyện của Minh Hạnh - nhà thiết kế tôn vinh tà áo dài trên sàn diễn thời trang quốc tế; ca sĩ Mỹ Linh với tiếng hát và cuộc đời thu hút nhiều người hâm mộ; hay Giàng Thị Lang - cô gái 26 tuổi dân tộc Mông ở ngôi làng nhỏ gần Sa Pa, phát triển mô hình vườn cây ăn trái sạch và giúp đỡ các hộ nghèo trong cộng đồng.

“Từ một doanh nhân người dân tộc thiểu số hơn 20 tuổi đang sinh sống ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam tới một cố vấn kinh tế ở tuổi 70 - thái độ sống và cơ hội của những phụ nữ mà chúng tôi phỏng vấn phần lớn được định hình bởi môi trường của họ. Nhưng họ có điểm chung là làm theo cách của mình, làm những gì họ cho là đúng và theo đuổi bất chấp thử thách” - tác giả Irene Ohler nhận định.

Ba thế hệ phụ nữ khắc họa trong sách chưa phải là tất cả và đại diện cho phụ nữ Việt Nam, nhưng với đóng góp và cách họ ghi dấu ấn trong cộng đồng, thực sự đã truyền cảm hứng cho giới nữ và tạo ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế.


“Năm đầu tiên sống ở Việt Nam, giống như phần lớn người nước ngoài, ngay cả khi mới ở đây thời gian ngắn, tôi chú ý đến những phụ nữ ghi dấu ấn. Tôi liên tục có điều kiện gặp gỡ, nghe kể về những phụ nữ thành đạt, từng giữ vị trí lãnh đạo tại Việt Nam, và thấy rằng đề tài lãnh đạo nữ ở Việt Nam là kho báu chưa được khám phá”, tác giả Irene Ohler - một phụ nữ Áo sinh sống và làm việc ở bốn châu lục trong 20 năm qua - chia sẻ. Ý tưởng ấy của Irene Ohler tình cờ trùng với dự định của Đỗ Thùy Dương - một nữ trí thức trẻ Việt Nam - khi họ gặp gỡ tại Hà Nội. Gần 3 năm sau, cuốn sách về 20 phụ nữ Việt đã ra đời.

Hiểu hơn về Việt Nam

Quá trình đối thoại, viết lại câu chuyện của phụ nữ Việt cũng là dịp để Irene hiểu Việt Nam hơn. “Là người nước ngoài, được gặp gỡ và trò chuyện với nhiều phụ nữ truyền cảm hứng thực sự là phương cách tuyệt vời để tôi học hỏi nhiều hơn về Việt Nam. Mỗi cuộc đối thoại, mỗi câu chuyện mở ra cho tôi một cửa sổ vào thế giới của họ, vào một khoảnh khắc trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, vào lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể, hay cái nhìn về cả thế hệ”. Đó là những trải nghiệm mắt thấy tai nghe trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Tổng Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Cơ Điện lạnh, nữ thanh niên xung phong thời tuổi trẻ; tàn dư chiến tranh và giải quyết tàn dư ấy qua đôi mắt của chị Thảo Nguyễn Griffiths - Giám đốc quốc gia Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam; hay ô cửa sổ vào thế giới của người khuyết tật Việt Nam qua câu chuyện của Nguyễn Thị Lan Anh - Giám đốc sáng lập Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC)...

Hai tác giả cũng gắng tìm kiếm những phụ nữ đi đầu trong khoa học, và đã đeo đuổi 3 phụ nữ, nhưng không thành công; cũng không dễ dàng mời được các nghệ sĩ, chính trị gia hàng đầu... “Còn rất nhiều phụ nữ Việt Nam với những câu chuyện xứng đáng được kể lại, nhưng có lẽ phải chờ tới cuốn sách thứ hai” - tác giả Đỗ Thùy Dương khẳng định. 

Ngọc Phương
(daibieunhandan.vn)