Tập thơ có số phận không bình thường

06.12.2018

Tập thơ có số phận không bình thường

Ấy là cách gọi của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đối với tập thơ "Vừng ơi mở cửa" của 37 tác giả, 37 niềm đam mê sáng tạo thơ ca một thời ở Văn khoa Tổng hợp.Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (Sinh viên lớp Ngữ văn K15, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) đã rất xúc động khi nhận được đề nghị từ Giám đốc NXB Văn học viết tựa cho tập thơ.

“Tập thơ này đã biến mất 27 năm một cách vô tăm tích, rồi lại đột ngột hiện ra trước đôi mắt sững sờ của thi sĩ kiêm nhà báo Nguyễn Tiến Thanh trong một buổi tình cờ dọn nhà. Tiến Thanh đã run run và rưng rưng cầm cuốn sách lên, rồi anh cứ thế ngồi bệt trên nền nhà mà đọc liền một mạch, đọc trong nỗi xôn xao rất khó diễn tả thành lời.

Tôi cũng có tâm trạng giống hệt như Tiến Thanh, nhẹ nhàng mở từng trang sách. Không nhẹ nhàng sao được, khi tôi biết chắc chắn rằng, mỗi con chữ được viết ra ở đây đều hết sức trong veo và vô cùng mong manh, dễ vỡ.

Tất cả các cảm xúc đó đều hết sức chân thành, làm nên một bản hòa tấu của tâm hồn. Công bằng mà nói, không phải bài thơ nào ở trong tập thơ này cũng đều hay cả, có bài khá và có cả những bài trung bình. Nhưng điều quan trọng là các cây bút sinh viên đã giúp chúng ta giữ lại và nhớ lại một thời hoa bướm nằm giữa những trang sách một thời mà nắng sân trường lung linh trong từng ánh mắt, một thời trong sáng tới mức không thể trong sáng hơn được nữa, một thời đã ra đi và biết bao giờ sẽ trở lại??? Tôi vừa lướt qua trên Fb và bỗng lặng người khi đọc những dòng chữ của ai đó đã viết hộ tâm tư của rất nhiều người, trong đó tất nhiên là có cả tôi: “Nói cho tôi biết đi! Bạn nhớ gì về thời sinh viên của mình? Muốn khóc quá!”.

Còn lời bạt của thày Nguyễn Hùng Vỹ chắc chắn khiến cho các thế hệ sinh viên văn khoa rưng rưng. Một trời thương nhớ và cả những trách nhiệm đau đáu.

“Cái năm 91 của thế kỷ trước này, trong chuyến đi công tác Phnom Pênh, tôi gửi đường thư về cho các bạn, những tác giả trong tập thơ này, bài Mùa khô đang tới. Trong đó có đoạn:

Còn ta biết mùa khô sẽ khác
Ta dào lên sinh lực vô cùng
Em dễ cháy và em dễ ướt
Tim khỏa thân ta bước tứ tung…

Năm đó tôi ba mươi sáu tuổi mà giờ đã là sáu mươi ba. Sự đảo ngược như là chơi chữ. Thế mà con tim vẫn vậy, vẫn nâng niu những vần thơ các bạn trên tay. Như một kỷ niệm. Như một trải nghiệm.

Ba mươi bảy tác giả ngày đó trong tập thơ này, ba mươi bảy niềm đam mê sáng tạo thơ ca một thời ở Văn khoa Tổng hợp, bây giờ họ ra sao?

Tất cả, tất cả họ đều là những CON NGƯỜI TỬ TẾ.

Có người là doanh nhân, nhiều người hàm Vụ trưởng, nhiều người là Viện trưởng các viện nghiên cứu, Tổng biên tập các tờ báo, Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh, những trưởng ban, phó ban ở các tòa soạn, những Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, những phóng viên gạo cội đạt giải thưởng Quốc gia về Báo chí hàng năm v.v…

Cuộc sống là chọn lọc khắc nghiệt, cuộc đời là vận động vô thường, nhưng những người có thơ trong tâm khảm họ vẫn khẳng định được nhân cách nhân phẩm trong hành trình tồn tại.

Mang thơ trong lòng, thế hệ này vẫn tiếp nối được thế hệ trước là thế hệ thơ ca đã từ Mái trường đến Chiến trường một thuở.

…Cầm tập thơ trên tay, trong 37 cái tên trân trọng, tôi bỗng nhớ ngơ ngẩn một người. Một người yêu thơ đến vật vã, đến vất vả. Đó là Phương Hồng Khanh. Anh đã vĩnh viễn xa chúng ta vì bệnh hiểm nghèo.

Lần in này cũng là một ly rượu ngọt dành cho anh.

Các bạn ơi! Chúng ta vẫn trẻ nhưng chúng ta đã  chín. Nhân dân và đất nước vẫn rất cần những trang thơ, những hồn thơ của các bạn, cái độ chín của tất cả các bạn. Hãy tiếp tục trang trải tấm lòng đi nhé!”.


hương trình “Vừng ơi mở cửa”, đêm gặp gỡ và giao lưu nghệ thuật của các thế hệ sinh viên Văn khoa đại học Tổng hợp từ 16h ngày 07/12/2018, tại sân khấu ngoài trời Kí túc xá Mễ Trì,182 Lương Thế Vinh, Thanh Xuân, Hà Nội.

Chương trình tri ân, tôn vinh các thầy cô đã cùng xây dựng nên Khoa Văn học và đào tạo nhiều thế hệ sinh viên trưởng thành, cơ hội để các thế hệ sinh viên sống lại một thời hoa niên đầy ắp kỷ niệm và truyền lại nhiệt huyết cho các thế hệ sinh viên hiện tại.

(phunuvietnam.vn)