Hồi ký về gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên

03.11.2016

Hồi ký về gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên

“Chúng tôi đã sống như thế” là cuốn hồi ký vừa mạch lạc của khoa học, vừa tinh tế của nghệ thuật, lại lấp lánh ân tình của cuộc đời.
Đây là hồi ký được PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết, người vợ của nhạc sĩ Phạm Tuyên viết những năm cuối đời. Sách do NXB Tổng hợp TP. HCM in và phát hành.   Con gái gia đình cách mạng nòi PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết sinh trong một gia đình cách mạng nòi ở làng Quảng Xá, cạnh con sông Kiến Giang, cách tỉnh lỵ Đồng Hới (Quảng Bình) 15 cây số. Cha là Nguyễn Trung Thầm, một chiến sĩ cách mạng từng nhiều năm lâm chốn lao tù từ Đồng Hới tới Chí Hòa. Mẹ là Trần Thị Hồng Diệm, một phụ nữ tân tiến đến với cách mạng. Bà chia sẻ trong hồi ký, suốt bao nhiêu năm trời chỉ ăn cơm tập thể, khiến bà rất vụng về trong cuộc sống. Con người bà bao giờ cũng có một mâu thuẫn: một mặt rất tự hào là con của một gia đình cách mạng được đoàn thể, nhân dân nuôi, nhưng mặt khác lại thấy tủi thân vì thiếu thốn tình cảm gia đình. “Thời thơ ấu tôi đúng là một đứa trẻ lang thang, “không gia đình”. Những lúc vui đùa với bạn bè thì thôi, chứ lúc một mình tôi thường cảm thấy tủi thân vì ít khi được gặp những người thân yêu ruột thịt, được sống trong vòng tay của mẹ, nên mong ước đến một ngày nào đó mình sẽ có một người mẹ bên cạnh, nghèo khổ cũng được miễn là được thương yêu”. Người con gái của gia đình cách mạng ấy đã vươn lên trong cuộc sống và nghiên cứu khoa học. Tốt nghiệp khoa Toán trường ĐHSP Hà Nội, rồi học thêm một khóa về Tâm lý học và Giáo dục học, làm giảng viên Tâm lý giáo dục.

Từ đây, PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết nhiều năm liền làm công tác giảng dạy ở Trường ĐHSP Hà Nội. Bà trở thành chuyên gia đầu ngành về Tâm lý học giáo dục và Giáo dục mầm non.   Điểm tựa cuộc đời PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết (2/10/1936 -11/5/2009) nhiều năm liền làm công tác giảng dạy ở Trường ĐHSP Hà Nội. Chủ nhiệm đầu tiên Khoa Giáo dục mầm non - Trường ĐHSP Hà Nội (1985); Chủ tịch Hội đồng Giáo dục mầm non - Bộ GD-ĐT… Là tác giả và đồng tác giả 34 cuốn sách về Tâm lý giáo dục và Giáo dục mầm non. Nhà khoa học ấy còn là người vợ hiền lặng lẽ phía sau nhạc sĩ Phạm Tuyên. Hồi ký không chỉ ghi lại con đường khoa học của bà mà còn ghi lại những chặng đường nghệ thuật của ông. Hoàn cảnh ra đời từng ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên, có lần ông chia sẻ với cá nhân người viết bài này rằng, ông cũng không nhớ, thì đều đã được bà ghi lại. Đó là những ca khúc cho thiếu nhi như "Tiến lên đoàn viên" (1954), "Chiếc đèn ông sao" (1956), "Trường cháu là trường mầm non" (1973), "Cô và mẹ" (1975), "Chú voi con ở bản Đôn" (1983), "Cánh én tuổi thơ" (1987)… Những ca khúc cách mạng nổi tiếng như "Chiếc gậy Trường Sơn" (1967), "Như có Bác trong ngày vui đại thắng" (1975), và cả những khúc tình ca ít tai biết đến như "Gửi nắng cho em" (1976 - phổ thơ Bùi Văn Dung), "Bài hát xưa và Hồ Tây bình yên" (1991 - phổ thơ Nghiêm Thị Hằng)...

Đúng như lời bà viết: ở đâu cũng có bước chân của anh theo đó là những bài hát ân tình để lại. Qua hồi ký “Chúng tôi đã sống như thế”, bạn đọc biết thêm vợ chồng nhạc sĩ Phạm Tuyên đã phải vất vả vượt qua chủ nghĩa lý lịch thành phần như thế nào. Thêm biết để thêm hiểu. Thêm hiểu để thêm yêu. Nhạc sĩ Phạm Tuyên là con trai của học giả Phạm Quỳnh, người đã bị xử bắn sau Cách mạng tháng Tám. Chính vì thế “không đợt tăng lương nào lại không dính líu đến lý lịch của anh, cũng không có lần đề bạt nào mà gốc rễ gia đình anh lại không bị lôi ra. Cả những lần khen thưởng tuyên dương anh cũng gặp sự hẹp hòi, đố kỵ rất khó chịu và lại chịu thiệt thòi”... Tất cả những truân chuyên đó ông bà đều vượt qua. Họ đã sống những năm tháng như thế. Để rồi những năm cuối đời nhạc sĩ Phạm Tuyên không viết hồi ký thì bà thay ông viết. “Nếu tôi được coi là điểm tựa của nhạc sĩ Phạm Tuyên, thì chính anh ấy cũng là điểm tựa của tôi. Chúng tôi dựa vào nhau để sống và làm việc”.

Kiều Thái
(nongnghiep.vn)