Đưa gió qua sông - thơ Phạm Đức Mạnh
Tôi nhận ra, những con chữ mượt mà, trữ tình trước đây của Phạm Đức Mạnh không thể nối kết nhau để có được bản hòa âm tịnh thiện như của Đưa gió qua sông…
Thú thật, tôi gặp khá nhiều bất ngờ khi đọc Đưa gió qua sông (tập thơ thứ tư của Phạm Đức Mạnh, NXB Hội Nhà Văn, 7.2015). Những bất ngờ có thể nói là thú vị. Thú vị vì ở tập thơ này, tôi đã nhận ra sự định hình nét riêng khá độc đáo và mới lạ của Phạm Đức Mạnh, cả ở ngôn từ và nghệ thuật diễn đạt. Và thú vị hơn, khi sự mới lạ và độc đáo ấy được phát triển ngay trên nền “quen tay” của tác giả mà người đọc thường gặp ở cả 3 tập thơ trước. Cho dù sự “quen tay” ấy đã được số đông những người đọc Mạnh yêu thích, và cũng không ít người thuộc lòng dăm ba câu “quen tay” ấy của anh. Phạm Đức Mạnh vẫn rất mạnh dạn bước những bước rất khác, cả hành trang và nhịp điệu, trên hành trình thơ của riêng mình trong tập này.
Cứ ngỡ dòng chảy dung dị và mượt mà ở ba tập thơ trước sẽ chảy tiếp trong tập thơ này, nhưng không, những nhánh sông thơ êm đềm và trữ tình của Phạm Đức Mạnh đã ra đến cửa biển. Khi từ bờ lòng của mình, tác giả đưa gió trời – gió đất qua sông, như một hành giả đã ngộ thấu thiên địa và nhân gian, thì gió đã bay bằng những cung bậc của một bản hòa âm tịnh thiện. Vẫn tịnh thiện cho dù thơ rất đời và rất người.
Đưa gió qua sông
vuốt thao thức ngả vào lòng mẹ
thỉnh nhân từ quàng cổ tiếng chuông
xóa vết thương chớp bể mưa nguồn
róc phận nghèo bầm nát…
Sự nén chặt, dẫu không cố tình của con chữ, mang nỗi ám ảnh và cả ngưỡng vọng về một bờ sông lộng gió luôn thổi những - ngọn - lau - phận - người oằn cong những đường cong số phận, nhưng mãi mãi không bao giờ gục ngã. Đưa gió qua sông, chính là hành vi đưa thiền tính tiếp cận đến bước thiền hành.
Cũng chính sự nén chặt ấy đã kích chiều cho cảm xúc tỉnh thức hơn và thơ đau đáu hơn, nhất là những bài lục bát. Tôi thích toàn bộ những bài lục bát trong tập này. Có cảm giác Phạm Đức Mạnh chọn lựa con chữ rất kỹ khi viết, nhưng nếu như thế làm sao anh có được những câu thơ hay một cách tự nhiên và đậm đà bằng trắc!? Tôi cho rằng anh đã “luyện công” đam mê, và đến lúc chỉ cần phất tay, “nội lực” cảm xúc sẽ bung ra theo đúng mục tiêu nó cần đến.
Mời làng
ăn miếng trầu cay
Đón em ôm cả tháng ngày sang sông
Hỡi người đan võng lời ru
Cho ta xin một góc thu cõi thiền
Hồi hôm qua ngõ thời gian
Để quên nỗi nhớ trên giàn ngây thơ
Mẹ ngồi rang những hột mưa
Sưởi năm cũ chuyển giao mùa nhớ con
Con đành cậy cục chiêm bao
Gặp cha trong nỗi nhớ hao hao gầy
Chính nhờ biết cách sử dụng những “từ lạ lẫm” nên thơ Phạm Đức Mạnh trong Đưa gió qua sông có được những hình ảnh rất động trong độ tĩnh của con chữ. Thiết nghĩ, cũng nhờ một phần lớn những “từ lạ lẫm” này mà cảm xúc của tác giả có được hiệu ứng song hành cùng người đọc và thủ pháp diễn đạt trở thành “đặc sản” của riêng anh.
Nếu tách những từ như “tuốt đời, thấm khoét, hèn xô, buồn vênh, khét lời, cưỡi biển…” ra khỏi câu/ bài thơ, lập tức chúng trở thành những từ khó đọc. Phạm Đức Mạnh đã tự tin sử dụng những từ “khó đọc” ấy vào đúng giai đoạn thơ anh đạt tới độ chín cần thiết để tạo một nét riêng cho mình. Tự tin sử dụng “con dao hai lưỡi” như thế, đồng nghĩa với việc anh mong muốn định hướng những người vốn đã thích thơ anh trước đây, tiếp tục yêu mến thơ anh ở một chiều không gian khác, một “gout” thẫm mỹ khác. Anh đã không sợ những người yêu mến thơ mình trước đây sẽ rời bỏ mình, mà ngược lại, sẽ yêu thích thơ anh hơn. Khách quan mà nói, Mạnh đã thành công. Sự thành công ấy phần lớn cũng đến từ những đề tài đa dạng nhưng vẫn nhất quán trong nghệ thuật diễn đạt dù ở thể loại thơ nương theo niêm luật hay thơ tự do.
Cô đơn mềm rục
cõi lòng
Níu hồn tỉnh rụi
ong ong kiếp người
Ai nham nhở quét lên tường ma xó
Những lằn vôi bùa yểm bong ma đời
Khiến bầy trẻ non lạc hồn thốn dó
Rú trong làng mắt quào ước mơ rơi
Mùi giọt sương bốc hơi
Tô phở mừng sinh nhật con trụng gió heo may
Vương miếng ớt cay và nụ cười hiếm muộn
Bày kiếp phong trần lên niết bàn
Thắp nén nhang trắng đời sinh nở
Mẹ dằn cơn vật vã cô đơn
Húp cháo
chờ danh hiệu
Tôi nhận ra, những con chữ mượt mà, trữ tình trước đây của Phạm Đức Mạnh không thể nối kết nhau để có được bản hòa âm tịnh thiện như của Đưa gió qua sông. Trong cõi mênh mông Chân – Thiện – Mỹ, lúc này và ở ta, cõi Thiện cần thiết hơn bao giờ hết. Thông qua chữ Tâm, thơ của Đưa gió qua sông đã trăn trở cõi Thiện ấy không trích “pháp cú”, không dẫn “lẽ thiền” nên rất tịnh.
Trước đây, tôi gọi thơ Phạm Đức Mạnh bằng cái tên “Chân quê lạc phố”, nhưng sau khi đọc Đưa gió qua sông, tên gọi ấy đã lạc hậu. Trông đọc những gì sau tập thơ này, tôi mới gọi đúng tên thơ anh.
Nguyễn Liên Châu
(nhavantphcm.com.vn)