“Chỉ cần sang bờ kia, mọi thứ sẽ khác.
Mọi người đều tin chắc thế”.
Nhưng niềm tin ấy có bao giờ thành hiện thực không? Có người nào sang được bờ kia không? Sáu truyện ngắn trong tập Mỗi người một chỗ ngồi của nhà văn Phan Triều Hải gửi đến chúng ta sự loay hoay về tìm kiếm bờ bến đó.
Loay hoay tìm một chỗ trong đời
Có thể là một người đàn ông loay hoay với các cuốn Tạp chí Địa lý cũ mèm trong truyện ngắn cùng tên. Ông tìm vợ, con gái mình trong cuộc vượt biên mà ông và con trai đã bị bỏ lại bờ bên này. Ông tìm một hình bóng nào đó trong màu xanh của đại dương trên tấm bản đồ, hay đường biên giữa các quốc gia.
Hay người đàn ông trong truyện ngắn Bia lạnh thì tìm một điều gì đó trong cuộc sống mà mình đã đánh rơi. Đó có phải là một căn nhà khác? Một đứa con? Một người vợ như thuở mới yêu. Một cuộc sống khác cần thay đổi? Hay quá khứ? Tất cả đều không phải, sự tìm kiếm ở đây là cách làm sao trốn được chuỗi ngày nhàm chán, lặp lại, cùng một công việc tẻ nhạt ổn định.Ông tin sẽ thấy điều gì đó, bỏ lại thực tại bên ngoài, bằng lòng với cuốn tiểu thuyết ký hiệu là các tấm bản đồ cho đến lúc chết. Người con trai cũng mù mịt trong chính bản đồ của đời mình, có một tình yêu rồi cũng rời bỏ lúc nào chẳng biết.
Nhưng sự nhàm chán ấy nó như rễ cây ăn vào chính tâm tưởng của người muốn phá chúng. Để rồi kết cục của người đàn ông trong truyện là một kết thúc phi lí nhưng hợp lí. “Anh như bị đúc vào chiếc ghế gỗ, hóa thành gỗ, không tài nào nhấc lên được nữa”.
Đến đây ta chợt nhớ đến nhân vật Gregor Samsa trong Hóa thân của Franz Kafka, một ngày tỉnh dậy thấy mình hóa bọ, trước ấy cũng là chuỗi ngày nhàm chán, lặp lại, áp lực của cuộc sống, gia đình.
Nhân vật của Phan Triều Hải cũng chịu áp lực ấy, những áp lực rất mù mờ, vu vơ, khó cắt nghĩa. Gọi tên chính xác áp lực là gì thì thật khó, chưa thật đúng và không phải. Nó cứ như đám mây vô hình trên đầu một ngày ụp xuống.
Giống người đàn ông trong Cái tên biến mất còn không biết cuộc đời mình muốn gì, tất cả đều suôn sẻ, một gia đình hạnh phúc, một người vợ xinh đẹp, đảm đang. Tất cả rạn nứt bắt đầu trong sinh nhật khi người chồng mua ba sáu bông hồng nhung tặng vợ, đồng thời người vợ cũng tự thưởng (hoặc được tình nhân tặng) cho mình một chiếc điện thoại mới.
Từ đó, đều đều trong các bữa ăn mua sẵn với gà luộc cùng canh sen hầm sườn non họ nói chuyện với nhau rời rạc, khi mà người vợ một tay quẹt quẹt điện thoại, tay còn lại cầm đũa mò thức ăn, người chồng bị đẩy ra khỏi quỹ đạo mà chính mình từng góp phần xác lập.
Họ không còn nhắc đến những lá thư tay ngày yêu nhau nữa. Bởi: “Thư là chuyện của hai người. Còn đây là cả thế giới”. Cái thế giới rộng lớn ngoài kia đã đẩy cái thế giới trong họ ra xa nhau hơn.
Rồi đến khi người vợ muốn người chồng thay đổi công việc để có thu nhập cao hơn thì người chồng không muốn. Đỉnh điểm của sự xa cách ấy là lúc người chồng đi ăn cùng cô nhân viên tạp vụ mà anh thấy rung động; cô ta có những đặc điểm của vợ anh ngày còn yêu. Khi đi ăn ra người chồng thấy vợ mình cùng người đàn ông doanh nhân đã gặp nhiều năm trước. Người chồng nghĩ đó là ảo ảnh và tự hỏi có điều gì trong đời mà anh muốn thay đổi?
Người đàn ông độc thân ở Mèo trong gió mùa Đông Bắc lại chờ đợi một con mèo quay về và đi tìm người tình nhân tên Khanh. Con mèo thì đã quay về, còn người đàn bà thì mất hút trong gió mùa Đông.
Nhân vật chính trong truyện đã gọi hàng trăm cuộc điện thoại mà vẫn không liên lạc được. “Anh đã thử tìm đến nhà cô, nhưng không thể tìm ra, cứ như thể chưa từng có một nơi như thế. Suốt từng ấy thời gian sống với nhau, hầu như Khanh đến tìm anh. Có duy nhất một lần, thuở mới quen, anh đề nghị để đưa Khanh về đến tận nhà, nhưng cô từ chối. Anh chỉ nhớ cô đi nhanh vào trong khu chợ lầy lội”.
Khi con mèo quay về thì niềm băn khoăn của người đàn ông rằng người tình của mình có nhớ tên con mèo. Truyện là sự vật chất hóa các cảm xúc, rồi con người, đồ vật, con vật cũng bình đẳng như nhau, trượt dài trên hành trình gọi là thời gian. Sự yêu thương, nhớ nhung có gì đó thật xa xỉ, khó tìm.
Câu chuyện của những người đàn ông có vấn đề với người phụ nữ
Cùng sự loay hoay đó người đàn ông (điểm nhìn của nhân vật trong truyện đều là đàn ông, đều có vấn đề với người phụ nữ của mình) trong truyện Mỗi người một chỗ ngồi cố gắng định danh vị trí của mình trong đời.
Đến lúc tìm thấy đứa bé ở trường, chỉ việc bám theo người mẹ ghi lại địa chỉ nhà để chấm dứt hợp đồng, nhận tiền là xong thì anh dừng lại không đi theo nữa. Đến đây truyện cũng kết thúc.Đầu tiên, anh thích vị trí những ngã tư và những cột đèn, vì nó giống với cuốn tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần mà anh yêu thích. Khi người bạn tên Ân, cùng chạy xe ôm với anh bị tai biến thì anh thấy cái vị trí đứng của mình không ổn. Anh muốn thay đổi, anh nhận tìm một đứa bé cho Sinh, chủ trường dạy nhạc tư nhân mang tên Xanh Tiếng Đàn.
Tác giả để cho người đọc tự tìm hiểu lý do nhân vật không chấm dứt hợp đồng. Có lẽ anh ta sợ khi xong công việc này thì lại đến công việc khác. Rồi không thể định hình được vị trí của mình ở đâu. Nhưng nếu thế thì anh ta cũng cứ loanh quanh với câu hỏi “chỗ của mình ở đâu?”.
Mười ba năm để nhà văn Phan Triều Hải tái xuất với một tập truyện ngắn. Người đọc bắt gặp vẫn đó hình ảnh của Phan Triều Hải thời của Vào đời, Quán bò rừng, Những linh hồn lạc, Có một người nằm trên mái nhà… với chất văn tự sự nhuốm màu u buồn.
Cái khác ở tập truyện Mỗi người một chỗ ngồi là nhà văn đã tiết chế hơn cảm xúc của mình. Các nhân vật trong truyện đều được xây dựng với những nét tính cách rõ ràng, các chi tiết dày đặc, cụ thể, sống động hơn.
Và đặc biệt đều mất mát, cái mất mát của thời đang sống, điều này đúng với nhận định của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn năm xưa về những tác phẩm đầu tiên của Phan Triều Hải: “Hải đang sống với thời hiện tại và hình như trong vô thức đã mang chịu một trách nhiệm nói hộ những câu chuyện riêng tư của thế hệ mình”.