Lời của đá - thoát xác thơ Phạm Trung Tín

23.12.2015

Lời của đá - thoát xác thơ Phạm Trung Tín

Tôi dùng chữ “thoát xác” mà không phân vân lắm khi đọc tập thơ thứ ba của Phạm Trung Tín. Bởi vì hai tập thơ trước: Dặm dài ký ức và Miền tâm tưởng anh viết theo lối thơ hoài niệm, nghiêng về tả chân vẫn chưa thực sự tìm được lối đi cho riêng mình. Đó là những kỷ niệm trên suốt chặng đường đời anh đã đi qua, trải qua nhiều thăng trầm, gian khó… cũng là điều cần thiết cho một người yêu thơ và dám dấn thân vào cái nghiệp mà nhiều người ngán ngại, đứt gánh giữa đường.

Đọc tập thơ mới của anh, tác phẩm Lời của đá tôi vừa ngạc nhiên vừa vui mừng vì dường như Phạm Trung Tín đã thoát được giai đoạn thơ hồn nhiên, chân phác của người lính ra đi từ miền quê Hải Phòng đậm màu gió biển và hương lúa đồng bằng… để tiếp cận với thơ hiện đại mang dáng vẻ lịch lãm của người đang hứng khởi nhận đường đúng hơn. Hành trình thơ anh đã rẽ sang một hướng khác tươi mới và xao động hơn với những tìm tòi sáng tạo đáng ghi nhận, một Phạm Trung Tín mới mẻ, trăn trở, tự ý thức làm mới thơ mình.

Thường thì làm thơ, cái khó trước hết là tìm ra ý tưởng độc đáo (cũng có thể cho là tứ thơ) rồi mới đến triển khai bài thơ theo ý định của mình, song song với sử dụng ngôn từ… Ta nhận thấy rất rõ một Phạm Trung Tín đã chú ý đến tư duy nghệ thuật thơ, với đặc trưng rất riêng của thơ là hàm súc, ấn tượng, ám ảnh người đọc.

Tập thơ này không theo một chủ đề riêng nào nhưng sức bay và sức đọng, giữ chân được người đọc, chủ yếu ở hình tượng, hình ảnh thơ và chuyển đổi ngôn ngữ nhiều khi có vẻ phi lý nhưng lại là cái hợp lý của thơ hiện đại. Và như thế thơ của anh đang cố gắng vươn lên ngang với mặt bằng của “thơ đích thực”. Những câu thơ, khổ thơ làm ta dừng lại thích thú:

Nắng chuyển mình răng rắc

Mây gãy vụn

Gió núp vào khô khát

Chân cỏ rung vỏ đất tìm sương

 

Biển ẩn vào chỗ trũng

Rừng phơi lên ngàn xanh…

 

Dặm dài bươn chải áo cơm

Thảo thanh thơ hát tứ thơm tặng đời…
 

Tiếng chim dính trắng hạt mưa

Sợi mềm vai én đan lùa thảm xuân. 

Chừng ấy thôi, ta cảm nhận được sự lột xác của người thơ và hình như nội lực của thơ anh đang phát tiết mạnh không ngờ.

Mạch thơ trữ tình của Phạm Trung Tín đã mở rộng ra biển đảo và những vùng miền thân thiết với anh, nhưng sự thánh thiện, nhân văn cũng không bỏ qua những chuyện đời, chuyện tình yêu muôn thuở…

Trong bài Tản mạn Chí Phèo anh có những câu thơ hay và không cũ:

Bát cháo hành Thị Nở

Nêm tình trăng đầm đìa

Cho Chí Phèo bớt dại

Sương đẫm vườn chuối khuya…

Bài Từ em, cũng đã cách tân câu chữ, không cầu kỳ mà lại mới ở cách biểu đạt và vận dụng ngôn từ:

Buồn loang loang kín những buồn

Trắng chan bề mặt đen luồn đáy sâu

Đàn rung dây rắc điệu sầu

Căng chùng mấy mảng huyền nâu trắng vàng…

 

Gót son khỏa sóng chơi vơi

Ta giờ chìm nổi nỗi đời… vì đâu… 

Bước thử nghiệm thơ của Phạm Trung Tín có thể nói là chông gai, vì đang tạng thơ tả chân anh mạnh dạn chuyển sang giọng điệu thơ mới, hiện đại, thay đổi hẳn thi pháp là chuyện không đơn giản. Nó đòi hỏi kiên trì, công phu, nghiêm túc trong nghệ thuật sáng tạo. Tôi hy vọng và tin tưởng anh trên bước đường mới đam mê và gặt hái được những thành công sau những mùa cày ải vất vả trên cánh đồng thơ của mình. Người ta thường bảo văn chương là nghiệp chướng, nhưng thơ còn nghiệp chướng hơn. Nhưng ta tin cái nghiệp chướng thiên phú đó góp ích cho đời đẹp hơn, đáng sống và đáng yêu hơn.

TP.HCM, 11.2015
Lam Giang
(nhavantphcm.com.vn)