"Tặng em trai - Cảm ơn em vì đã là một người bạn chí cốt". Nhà văn Robin Benway đã dành những lời đề tặng âu yếm đó để bắt đầu tiểu thuyết "Xa cội" của mình (Hải Yến dịch, Hoàng Thạch Quân hiệu đính, NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2020) như một sự dẫn dắt vào câu chuyện cảm động của tình máu mủ trong xã hội hiện đại.

Cuộc hội ngộ của những đứa trẻ khác thường

Grace, Maya và Joaquin là ba đứa trẻ, sinh trưởng trong những môi trường khác nhau, có ba cuộc đời dường như chẳng thể giao cắt vậy mà lại gặp nhau bởi một điểm chung: nguồn cội.

Cả ba đều là trẻ mồ côi, có chung người mẹ. Người mẹ ấy đã bỏ rơi ba đứa con của mình khiến chúng thất lạc nhau cho đến một ngày sự thôi thúc của huyết thống đẩy Grace đi tìm những người anh em chưa một lần gặp gỡ của mình.

Cuộc hội ngộ gượng gạo của những người anh, chị, em xa cách lâu ngày mở ra những góc khuất cuộc đời của những thiếu niên sớm nếm trải bất hạnh và phải đương đầu những khó khăn của sự trưởng thành.

Chúng ta đang sống trong thời buổi bùng nổ (thậm chí bội thực) thông tin đến mức tưởng chừng có thể dễ dàng tìm kiếm nhau chỉ bằng một cú nhấp chuột. Nhưng cũng trong thế giới thừa mứa thông tin ấy, ba thiếu niên tương ngộ nhau trong sự đứt gãy tình thâm và nhận ra mỗi người hoàn toàn không biết gì về người còn lại. Họ có chung nguồn cội nhưng không có chung quá khứ, ký ức duy nhất gắn kết họ có lẽ là ký ức về thuở còn là những bào thai trong bụng mẹ, ràng buộc chúng vĩnh viễn và khiến Joaquin miễn cưỡng gặp lại hai cô em gái "trên trời rơi xuống".

Cả ba nhân vật chính không oán ghét hay căm giận người mẹ bỏ rơi họ, bởi gần như không có chút cảm xúc thương yêu nào với bà. Đôi khi người ta cần rất nhiều tình thương để có thể oán hận một người nào đó. Cả ba không lãng quên bà nhưng từ lâu đã quyết định để bà yên ổn với phần đời của mình, một phần đời không có những đứa con; chấp nhận sống như thể những đứa trẻ lạc loài chấp nhận mình là những đứa con nuôi, không giống gì với cha mẹ nuôi từ hình dáng đến tính cách. Hoặc như Joaquin đã quá quen thuộc kể từ ngày rời trại trẻ mồ côi, phải chuyển từ gia đình này sang gia đình khác. Để rồi từ đó, mặc cảm với thân phận là đứa trẻ không được thừa nhận, vô định và bất an mỗi lần thay đổi gia đình nhận nuôi mới.

Cùng chung giòng máu

Mỗi nhân vật trong "Xa cội" đều loay hoay giải quyết những vấn đề của mình, như Maya, cô em út nổi loạn, bốc đồng. Dù được gia đình nhận nuôi hết mực yêu thương, nhưng lúc nào trong cô cũng chao đảo giữa những thái cực mà không tìm được sự cân bằng. Một Joaquin cam chịu, không dám đòi hỏi và đau khổ khước từ các mối quan hệ vì biết rằng đời mình không bao giờ yên vị một chỗ.

Cuối cùng là Grace, mang thai ở lứa tuổi thiếu niên, cho đứa con mà cô gọi là bé Đào làm con nuôi ngay từ khi bé mới lọt lòng. Nên không ngạc nhiên khi Grace là người chủ động đi tìm các anh em thất lạc của mình. Giây phút cô cho đi đứa con mới sinh của mình có lẽ lần đầu tiên sau ngần ấy năm, cô hiểu cảm giác đau khổ của người mẹ phải đứt ruột từ bỏ đứa con do mình mang nặng đẻ đau. Cô càng hiểu thế nào là cảm giác mất mát, con cô - bé Đào rồi sẽ mang thân phận giống như cô hiện tại, đứa trẻ mồ côi.

Đôi khi Robin Benway khiến ta quên rằng ta đang đọc câu chuyện của những thiếu niên mà người lớn nhất cũng chỉ mới 17 tuổi. Cái cách chúng đối diện với cuộc đời quá sớm, một thế giới rộng lớn bất toàn mà chúng không được chuẩn bị từ trước. Từng trang sách giở ra, hết bí mật này đến bí mật khác được tiết lộ, những cuộc đời xoắn bện vào nhau như rễ của cùng một cây ràng rịt trong mối quan hệ huyết thống.

"Xa cội" không có một cốt truyện khó đoán nhưng vẫn cuốn hút ta đi theo những bước chân của ba nhân vật, mà mục đích cuối cùng có tìm ra mẹ hay không đã không còn quan trọng nữa. Điều hấp dẫn ở đây là chứng kiến quá trình trưởng thành của các nhân vật chính trong một xã hội tiêu thụ, trong một đời sống mà con người có thể dễ dàng kết nối với bất cứ ai trên thế giới nhưng lại không tìm ra được nguồn cội của mình.

Phần nào đó, "Xa cội" còn nói về những dị biệt sắc tộc trong một xã hội đa dạng như xã hội Mỹ. Robin Benway đã dành ra nửa năm để nghiên cứu các vấn đề về nhận con nuôi để làm cơ sở viết nên cuốn tiểu thuyết này. Cô được biết rằng một cô gái da trắng có thể có phí cao hơn tới 10.000 USD so với một cậu bé Mỹ gốc Phi. Nhưng rốt cuộc trong tiểu thuyết của mình, Grace và Maya là người da trắng còn Joaquin là cậu bé Mỹ gốc Latin. Điều này càng nhấn mạnh hơn về bản nguyên của con người dù ngoại hình có thể dị biệt đến thế nhưng vẫn chung nguồn cội.

Lý giải sự thành công của "Xa cội", Brandy Colbert, tác giả của "Pointe" và "Little & Lion" đã viết: "Câu chuyện cảm động về sự bền bỉ và yêu thương ở những gia đình khác thường. Nó cũng là câu chuyện về tình anh em bất khả hoại cho dù ngay cạnh hay xa cách nhau. Robin Benway sáng tạo nhân vật một cách độc đáo, đầy tình cảm, thương tổn và hy vọng". 

Nhà văn Mỹ có nhiều tiểu thuyết ăn khách

Robin Benway là nhà văn Mỹ có nhiều tiểu thuyết ăn khách. Nổi tiếng với dòng sách viết cho thanh thiếu niên, trong đó phải kể đến "Audrey, Wait!" (2008), "The Extraordinary Secrets of April, May & June" (2010) và "Far from the Tree" (2017).

"Far from the Tree" dịch sang tiếng Việt với tên "Xa cội" được đánh giá là cuốn tiểu thuyết thành công của cô. Nhiều tháng liền nằm trong danh sách bán chạy nhất của tờ New York Times; đoạt giải Sách Quốc gia Mỹ, hạng mục Văn học của người trẻ trong năm.

Huỳnh Trọng Khang
(nld.com.vn)