Về cuốn tiểu thuyết lịch sử mới nhất lấy Chủ tịch Hồ Chí Minh làm nhân vật trung tâm
Viết Đại gia, Thiên Sơn đã tỏ rõ bản lĩnh dám xông vào một đề tài nhạy cảm, dễ bị “thổi còi”. Để thực hiện bộ tiểu thuyết trường thiên lịch sử hiện đại, tôi hình dung tác giả còn phải vượt qua những thách thức lớn hơn, trước hết vì tất cả sự kiện, nhân vật gần như còn tươi rói, sách báo đã đào xới rất nhiều, lại không được phép tung hoành ngòi bút dễ dàng trước các nhân vật đã mặc nhiên dựng thành khuôn phép.
Gió bụi đầy trời dày gần năm trăm trang, tập trung miêu tả chính trường Việt Nam giai đoạn 1945-1946, khởi đầu từ Hoàng cung Huế ngay trước cơn bão táp Cách mạng tháng Tám và trang cuối là cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường sang Pháp (tháng 5/1946) theo lời mời của Chính phủ Pháp sau khi Hội nghị trù bị Việt-Pháp tại Đà Lạt không đạt kết quả. Đây là thời đoạn rất quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, khi chính quyền non trẻ đứng trước vô vàn thử thách: dân chúng kiệt quệ sau nạn đói, ngân khố trống rỗng, thù trong giặc ngoài cấu kết nhằm tranh giành thế lực với Việt Minh và chưa có một chính phủ nào trên thế giới công nhận Nhà nước Việt Nam, kể cả sau bầu cử Quốc hội ngày 6/1/1946. Thiên Sơn chọn thời đoạn này mở đầu bộ sách nhằm giúp bạn đọc - nhất là lớp trẻ hôm nay - hiểu sâu hơn lịch sử cách mạng đất nước những ngày đầu khó khăn, đặc biệt là thấy rõ bản lĩnh, tài trí xoay chuyển tình thế của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khác với nhiều cuốn tiểu thuyết khác, Gió bụi đầy trời không chia thành chương mục, mà chỉ dùng các dấu sao (*) ngăn cách những đoạn văn xếp nối nhau, mỗi đoạn thường chỉ vài trang, miêu tả một sự kiện - hầu hết là các cuộc họp hay hội ý giữa các chính khách ở đủ phe phái, địch, ta. Khó có thể xem đây là đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết, nhưng phù hợp với cách lựa chọn sử liệu đưa vào tác phẩm của tác giả. Thiên Sơn tái hiện hầu hết sự kiện quan trọng diễn ra trong hai năm 1945-1946, nên tác phẩm gần như là một dòng chảy liên tục. Ưu điểm nổi trội của Gió bụi đầy trời so với các cuốn sách cùng viết về giai đoạn này là phục dựng đầy đủ, chi tiết nhất mọi diễn biến của thời cuộc, nhưng đồng thời có thể đây cũng là nhược điểm của tác phẩm. Dường như chưa có tác phẩm văn học nào lại cho xuất hiện nhiều nhân vật lịch sử thuộc nhiều phe phái trong giai đoạn này đến thế. Phe “ta” có đủ từ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Văn Giàu, Tôn Quang Phiệt, Tố Hữu, Hoàng Minh Giám, Trần Huy Liệu…; phe “khác” có Bảo Đại, Nam Phương hoàng hậu, Ngô Đình Diệm, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh… Tây, Tàu cũng đủ mặt, từ Sainteny, Argenlieu, Leclerc, Lư Hán, Tiêu Văn… Do tác giả muốn thể hiện cho đầy đủ nên có phần dàn trải; các nhân vật luân phiên vào ra, trình diễn thường theo một cung cách dễ gây cảm giác mệt mỏi cho bạn đọc. Hầu như toàn bộ nhân vật đều là các nhà hoạt động chính trị, chứ chưa thành nhân vật tiểu thuyết, mặc dù trong các đoạn văn, sau khi tả ông A bàn công việc với ông B thì tác giả cũng cho họ giãi bày “tâm tư”, hầu hết vẫn là xoay quanh thế sự và không có gì bất ngờ với bạn đọc. Hình như duy chỉ Nam Phương bộc lộ sự nhớ thương lo lắng của một con người bình thường - một người vợ - khi Bảo Đại lên đường ra Hà Nội theo lời mời của Cụ Hồ.
“Nam Phương giọng nghẹn đi:
- Hoàng thượng đi một mình thôi sao?
- Nàng cùng với Đức Từ và các con hãy ở lại…
Nam Phương nép vào Bảo Đại. Ông ôm lấy bà. Một cái ôm thật chặt, nồng ấm…”
Một tiểu thuyết năm trăm trang mà chỉ dành cho chuyện riêng tư chừng ấy thì quả là quá ít. Có thể đây là quan niệm tiểu thuyết lịch sử của tác giả với chủ ý xây dựng sự kiện, nhưng cả hàng loạt nhân vật mà hầu như chỉ đề cập chuyện gia đình của Bảo Đại thì liệu có thể coi tác phẩm là chân thực được không? (Trang 85, tác giả có hé thêm vài dòng cho thấy vợ con Phạm Quỳnh “đứng xiêu vẹo ở góc nhà đang gào lên thảm thiết” khi ông bị lính cách mạng bắt đi.) Cũng có thể là tôi đã đặt yêu cầu quá cao và “cổ điển” chăng? Và cũng biết đâu tôi đã hơi vội vàng bình phẩm; đây mới chỉ là tập một, nhân vật mới chỉ hoạt động trong quãng thời gian một năm, mà bộ tiểu thuyết nghe đâu sẽ có hàng ngàn trang, các sự kiện hẳn là kéo dài đến năm 1975…
Chúng ta thử khảo sát kết cấu Gió bụi đầy trời, xem trong hơn một trăm trang đầu tác phẩm, tác giả đã bố trí nhân vật “vào-ra” như thế nào. Quả là Thiên Sơn đã miêu tả khá kĩ lưỡng biến động trong Hoàng cung triều Nguyễn những ngày tháng cuối cùng và rất nhiều sự kiện của cuộc Cách mạng tháng Tám tại đây. Chỉ vài chục trang đầu, sau cảnh Trần Trọng Kim vào chầu vua Bảo Đại khi có tin phát xít Nhật đầu hàng là cảnh Phạm Khắc Hòe đến thông báo có quân Pháp nhảy dù và thế lực Việt Minh hoạt động khắp nơi, tiếp theo là cảnh Nguyễn Văn Sâm gặp Trần Trọng Kim trước khi vào Sài Gòn nhậm chức Khâm sai Nam Bộ với sự “trao trả miền Nam” từ Pháp, rồi cảnh Trần Trọng Kim tiếp đại diện Việt Minh, tiếp nữa là cảnh Hồ Chí Minh gặp Võ Nguyên Giáp trước khi đọc lệnh xuất quân dưới gốc đa Tân Trào và cảnh Nguyễn Chí Thanh đại biểu Huế đến báo cáo với Bác là Trần Trọng Kim đã cho người liên lạc với Việt Minh, rồi cảnh Hồ Chí Minh gặp Trường Chinh trao đổi về việc Lư Hán, Tiêu Văn sắp dẫn hai mươi vạn quân Tàu Tưởng vào miền Bắc…
Như thế là rất đầy đủ và chi tiết. Sử sách báo chí cũng đã thông tin những sự kiện đó, chỉ khác là trong Gió bụi đầy trời, sự kiện được hiển lộ qua đối thoại nhân vật nên sống động hơn. Chỉ tiếc là nội dung đối thoại hầu hết là chuyện thế sự, lại toàn là của những con người thuộc “thượng tầng” xã hội nên thường là cùng một giọng; nói cách khác, ngôn ngữ nhân vật thiếu cá tính. Có thể đây cũng là một yêu cầu quá cao đối với Gió bụi đầy trời, khi hầu hết nhân vật đều là những con người phải đóng vai trò long trọng (ở phe này hay phe khác). Riêng với hai nhân vật Trần Văn Giàu và Lê Duẩn, có thể nói tác giả đã khá mạnh dạn miêu tả những điều mà sử liệu, báo chí còn ít đề cập: giai đoạn Lê Duẩn cùng Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng từ Côn Đảo được trở về đất liền sau Cách mạng tháng Tám. Những “khoảng mờ” lịch sử chính là “đất dụng võ” của nhà văn, có điều, trong trường hợp này, Thiên Sơn “đi võ” xem ra chưa thật mãn nhãn.
Ở một khía cạnh khác thì Gió bụi đầy trời lại có ưu điểm là thể hiện rõ và nhất quán quan điểm nhân đạo và chính sách mềm dẻo, đại đoàn kết toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bước ngoặt lịch sử quan trọng 1945-1946. Ngay từ những trang đầu tác phẩm, Bác đã nói với Trường Chinh: “Phải thuyết phục vua Bảo Đại thoái vị. Tuyệt đối không sử dụng vũ lực khi chưa thật cần thiết… Ta vẫn còn cần đến ông ấy…” Tập sách đã thể hiện quan điểm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính quyền cách mạng không chỉ đối với vua Bảo Đại mà còn đối với những người tham gia chính thể cũ trong suốt thời kì trước và sau Cách mạng tháng Tám. Đến cuối tác phẩm, cố vấn Bảo Đại được Hồ Chí Minh cử sang Trùng Khánh, thay mặt Nhà nước Việt Nam nhằm tạo mối quan hệ hữu hảo lâu dài với Trung Quốc theo đề nghị của Nguyễn Tường Tam. Hay khi Ngô Đình Diệm bị bắt trên đường ra Huế gặp Bảo Đại, quân tự vệ đối xử thô bạo, có người còn nói “Giam giữ mà làm chi? Chém một phát cho hắn rơi đầu luôn mới vui!” nhưng rồi thượng cấp ra lệnh chở ông ta ra Hà Nội và Hồ Chí Minh đã thân mật tiếp: “Tôi mời ông đến với tinh thần hợp tác đối với một người yêu nước… Tôi biết rõ và tôn trọng những việc ông làm trước đây…” Do không thỏa mãn yêu sách của mình, Ngô Đình Diệm từ chối không tham gia Chính phủ và được Hồ Chí Minh thả tự do…
So với các nhân vật ở “phe khác”, Phạm Quỳnh đã được Thiên Sơn miêu tả nhiều trang trong Gió bụi đầy trời, mặc dù không quá khác biệt với các nguồn tư liệu đã công bố trước đây, nhưng vẫn có thể gây ra ý kiến khác nhau. Tác giả khá mạnh dạn và muốn tỏ ra công bằng khi miêu tả tâm trạng và sự day dứt của Phạm Quỳnh trước thời cuộc. Sau khi Georges Boudarel - “nhà ngoại giao lão luyện” Pháp từng quen biết Phạm Quỳnh khi ông còn là Thượng thư bộ Lại - tìm đến biệt thự Hoa Đường nhằm lôi kéo Phạm Quỳnh tiếp tục cộng tác với Pháp để chống lại Việt Minh, “Phạm Quỳnh bắt tay Boudarel rất chặt, nở một nụ cười hạnh phúc: - Tôi sẽ làm việc bằng nỗ lực cao nhất để phụng sự đất nước và tình hữu ái giữa hai dân tộc chúng ta.” Tuy vậy, khi Phạm Quỳnh một mình trong phòng, tác giả đã để cho nhân vật suy tư: “Rút cục, ta sẽ làm được gì cho lịch sử và sẽ còn lại trong lịch sử như thế nào? Nhiều người đã ganh ghét, cho rằng ta là tay sai của Pháp, nhưng thử hỏi, thời này còn làm gì có ý nghĩa hơn việc ta đã làm là truyền tải văn hoá Pháp vào trong nước nhằm nâng cao dân trí…”
Cũng liên quan đến Phạm Quỳnh, nhưng nhằm nêu cao cách ứng xử nhân đạo và độ lượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả đã miêu tả cảnh Bác gặp ông Tôn Quang Phiệt khi ông ra Hà Nội báo cáo tình hình cách mạng ở Huế. Bác gọi Phạm Quỳnh là “học giả” và nói: “Sao các chú lại để cho dân quân giết cụ Phạm Quỳnh?... Không phải chú nhận lỗi là đủ. Điều tôi cần là chú phải chấn chỉnh lại thái độ làm việc và sự ứng xử của cán bộ dưới quyền…”
Quan điểm này của Hồ Chí Minh cũng như “tâm tư” của Phạm Quỳnh ở trên đã có không ít tờ báo nói đến, với các nhận xét khác nhau; có người chất vấn rằng “Bằng chứng nào cho biết Hồ Chí Minh đã nói như thế?”, có nhà nghiên cứu thì phê phán luận điểm dựa vào Pháp để nâng cao dân trí của Phạm Quỳnh là ngụy biện… Thiết nghĩ, nhà tiểu thuyết với thủ pháp hư cấu thì có quyền thể hiện những điều “có thể có”, nhất là nơi nội tâm nhân vật và nơi đối thoại giữa các nhân vật với nhau. Tuy vậy, “nghi án” bắn Phạm Quỳnh cùng bố con Ngô Đình Khôi mà tác giả bạch hóa và miêu tả quá cận cảnh thì tôi đồng ý với ý kiến cho rằng là không cần thiết…
Trong hàng loạt sự kiện diễn ra sau Cách mạng tháng Tám ở Huế được tác giả miêu tả trong Gió bụi đầy trời, có hai vụ xảy ra tại Hoàng cung mà tôi đọc cứ thấy ngờ ngợ: vụ đốt văn bản giấy tờ trong kho văn khố triều đình và vụ cướp kho châu báu ở hậu cung. Có thể qua hai sự kiện trên, tác giả chủ ý vừa phản ảnh sự ấu trĩ của một số quần chúng mới được giác ngộ, vừa đề cao ông Tôn Quang Phiệt khi ông muốn ngăn chặn vụ đốt tư liệu của Hoàng cung, nhưng thiết nghĩ quyền hư cấu của người viết tiểu thuyết lịch sử - nhất là với giai đoạn mà nhân chứng, vật chứng còn đến hôm nay - nên có giới hạn, nhà tiểu thuyết không nên phóng bút tùy tiện để có thể dẫn đến những cách hiểu sai lệch về diễn biến thời cuộc và những con người đã tham gia làm nên lịch sử giai đoạn đó.
(vannghequandoi.com.vn)