Bí ẩn văn chương John Banville
John Banville là tiểu thuyết gia người Ireland, sinh ra ở Wexford năm 1945. Hiện ông đang sống và làm việc tại Dublin.
Văn chương của John Banville kết hợp nhuần nhuyễn của chủ nghĩa hậu hiện đại và chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, trong đó dấu vết ảnh hưởng của Samuel Beckett khá rõ ràng. Từ đó đã chạm đến được bản chất của nhận thức, thể hiện được sự xung đột giữa thực tế và trí tưởng tượng, cũng như phơi bơi sự cô độc của mỗi cá nhân.
Ám ảnh của quá khứ và cái chết
Quá khứ hấp dẫn Banville một cách ám ảnh, như ông đã từng chia sẻ: “Quá khứ là hiện tại ở một thời điểm, và nó đã từng là một hiện tại nhàm chán. Nhưng điều gì làm nó trở nên quan trọng? Điều gì khiến nó trở thành một quá khứ sáng lòa? Khi nào thì quá khứ trở thành quá khử? Hôm qua là quá khứ? Tuần trước là quá khứ? Bạn phải đi bao xa cho đến khi quá khứ trở thành quá khứ? Đây là những điều tôi chưa bao giờ tìm thấy câu trả lời, và nó là lý do tại sao nó mê hoặc tôi.”
Cùng với quá khứ, cái chết cũng là một thôi thúc điên cuồng trong sáng tác của Banville. Ông từng có những chia sẻ về cái chết rằng, khi chúng ta còn trẻ, cái chết là sinh vật đen tối khủng khiếp, đứng bên cạnh bạn. Nhưng mỗi năm trôi qua bạn nhận ra rằng cái chết chỉ là sự kết thúc của cuộc sống của bạn, nó không phải là bí ẩn, cũng không phải là điều gì quá lớn lao. Nhưng đó cũng là một sức mạnh lớn trong cuộc đời. Cái chết tạo ra mùi vị và màu sắc cho cuộc sống. Bởi vì nhận thức của chúng ta về cái chết có nghĩ là chúng ta sống mạnh mẽ hơn.
Cuộc sống mà chúng ta đang sống, thường được tái tạo bằng tâm trí của chúng ta, nhưng không phải trong thời điểm hiện tại. Quá khứ và cái chết là một bản nhạc thịnh hành chạy liên tục trong tất cả các tác phẩm của Banville, mà thể hiện nó dường như chưa bao giờ là đủ đối với ông.
Quá khứ và cái chết cũng chính là chủ đề quan trọng trong cuốn tiểu thuyết đã đem lại cho Banville giải thưởng Man Booker 2005. Quá khứ như một câu thần chú trong tiểu thuyết của Banville, trong Biển đã rung lên, gấp gáp hơn bao giờ hết.Banville bảo rằng, ông không nhớ mọi thứ, nhưng ông có khả năng thăm dò tiềm thức, và từ đó khơi mở trí tưởng tượng. Ký ức đem lại một vùng tưởng tượng mãnh liệt và nó khiến ông tạo dựng sức mạnh trong sáng tác.
Nhân vật chính và là người kể chuyện là Max Morden, một nhà sử học nghệ thuật góa bụa. Sau khi vợ ông qua đời, đã trở về quê bên bờ biển, nơi ông từng trải qua kỳ nghỉ thời thơ ấu, để thưởng thức và dày vò bản thân với những ký ức về tình yêu đầu tiên. Cuốn tiểu thuyết vẫn đậm đặc dấu ấn của Proust và Nabokov.
Nghề của người kể chuyện đưa lại cơ hội cho tác giả nhắc đến nghệ thuật lịch sử và thần thoại cổ đại, trong khi nhân cách dịch chuyển của ông, luân phiên trong trạng thái nhạy cảm và đe dọa, được tác giả truyền đạt qua một hệ thức đầy chất thơ ca.
Âm vọng của quá khứ và dự cảm về sự chết chóc cũng trở đi trở lại trong nhiều tiểu thuyết khác của Banville.
The Blue Guitar là câu chuyện được kể lại bởi những người đàn ông trôi dạt. Orme nghi ngờ rằng anh mất khả năng tương tác của con người. Anh ngoại tình với vợ của bạn mình, và giống như người kể chuyện trong cuốn tiểu thuyết Eclipse của Banville, Orme tìm về thời thơ ấu của mình để khảo sát những mảnh ký ức vỡ nát, rời rạc.
Hay trong Ancient Light, Alex là một diễn viên về hưu, nhân vật chính và là người kể chuyện, nhớ lại một mối tình đam mê đã xảy ra cách đây hơn 50 năm. Đối tượng đam mê của Alex là người phụ nữ tên Gray, người bạn thân nhất của mẹ mình, đã 35 khi ông còn là đứa bé 15 tuổi ngây thơ.
Những nhân vật của Banville, những người cuồng tín dịu dàng, cô độc, dành nhiều thời gian để suy ngẫm về những gì nằm ngoài ý muốn. Chính quá khứ và cái chết cũng đã tạo dựng nên bầu không khí buồn bã, ảm đạm và tan rã trong hầu khắp những tiểu thuyết của Banville, đôi khi khiến người đọc mệt mỏi và khó tiếp cận.
Một cuộc chơi trên văn bản
Tác phẩm văn chương của Banville biểu hiện rõ nhất về sự điêu luyện trong việc tạo dựng văn bản bằng ngôn ngữ. Sáng tác tựa như một cuộc chơi, mê đắm đến điên cuồng trên văn bản. Ở điểm này, quan niệm và sáng tác của Banville có nhiều nét tương đồng giống những thần tượng văn học của ông, đặc biệt là Proust, Dostoevsky và Nabokov.
Một trong những điểm nổi bật của văn chương John Banville là sự lặp đi lặp lại liên văn bản, nơi mà các mô-típ hoặc ý tưởng được lặp lại từ cuốn tiểu thuyết này sang tiểu thuyết khác. Gabriel Swan, người có những cuộc phiêu lưu trong hội chợ hóa trang, chính là sự khôi phụ lại một cách khôi hài hình ảnh của Brichwood trước đó.
Khi John Banville là một thiếu niên, ông muốn trở thành họa sĩ. Năm thập niên sau, ông vẫn nghĩ cuộc sống của mình sẽ như thế nào nếu ông trở thành họa sĩ.
Banville từng nói, ông thích quan niệm trở thành một họa sĩ, ông yêu thích màu sắc và thích cái cách thế giới được tạo nên bởi những màu sắc tuyệt đẹp ấy. Chính vì vậy, ông cũng bảo rằng, ông ghét khi nghĩ mình là một nhà văn, bởi ông có một cây bút đẹp và những cuốn sách đẹp để viết, nhưng nó vẫn không là gì so với việc một họa sĩ với cây cọ và tất cả những thứ màu sắc tuyệt vời kia.
Có lẽ chính bởi suy nghĩ ấy mà ông viết cuốn tiểu thuyết The Blue Guitar liên quan đến một họa sĩ thất bại, với nỗ lực tạo dựng một “đế chế” ngôn ngữ chói lòa, có khả năng bừng sáng trong mọi vùng không gian.
Trước The Blue Guitar, Biển cũng là tác phẩm mang đậm dấu ấn ngôn ngữ Banville. Có thể xem Biển chính là sàn diễn của ngôn ngữ. Một thứ ngôn ngữ thấm đẫm chất văn chương. Thứ ngôn ngữ được tạc nên bởi màu sắc, âm thanh, trải nghiệm, xúc cảm, thăm dò và suy tưởng. Ngôn ngữ mạnh đến mức đã tạo ra một dòng truyền mãnh liệt, khơi gợi nên cảm thức về âm nhạc, điện ảnh, hội họa, điêu khắc. Khiến cho văn chương trở nên tuyệt diệu hơn bao giờ hết.
Khi nhận xét về Biển, tác phẩm đạt giải Man Booker của Banville, Giáo sư Sutherland, chánh chủ khảo, đã bỏ lá phiếu quyết định, nói rằng đây là một tác phẩm văn chương đích thực, một cuốn sách mà toàn bộ giá trị và vẻ đẹp của nó hầu như hoàn toàn nằm trong những con chữ của chính mình.
Với Banville, ông cũng quan niệm văn chương đích thực là ngôn ngữ. Không phải như vậy có nghĩa là ông chỉ quan tâm đến bề mặt. Ngược lại, với nỗ lực khai phá và mài luyện ngôn ngữ của mình, ông tin rằng, ngôn ngữ chính là chiều sâu nhất của văn chương.
Sáng tác cũng như là nghệ thuật, và ông từng nói: “Như là một nghệ sĩ, tôi chỉ quan tâm đến việc sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật”.
Dạ Vũ
(news.zing.vn)