Họa sỹ Lê Mai: Thành danh với nghệ thuật bút sắt
Lê Mai, sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Thanh Hóa, từ nhỏ ông đã ham mê vẽ và chiếc bút sắt dùng để viết bài là công cụ duy nhất để ông vẽ những gì ông yêu thích.
Lớn lên vào quân ngũ, cây bút sắt theo ông đi khắp chiến trường. Những lúc rảnh rỗi, nghỉ ngơi ông lại cùng cây bút sắt phác họa lại những khoảnh khắc, bản làng, thôn xóm đã đi qua... Cho đến giờ, bút sắt luôn là người bạn thân thiết cùng ông miệt mài sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật có giá trị.
Người lính tài hoa
Hai lần nhập ngũ, ba lần bị thương, gần như Lê Mai đã cống hiến cả tuổi xuân cho Tổ quốc. Dấu chân của ông đã đặt khắp các chiến trường, khắp mọi miền của đất nước.
Là người lính nhưng trong ông còn là một nghệ sĩ đam mê hội họa. Không có điều kiện học tập qua các trường lớp nhưng ông luôn chịu khó, lăn lộn, tìm tòi, học hỏi trong mọi điều kiện có thể để hoàn thiện mình. Với niềm say mê cháy bỏng dành cho nghiệp vẽ, hàng ngày ông luôn cần mẫn, tỉ mẩn cùng cây bút sắt tạo ra các tác phẩm độc đáo về phong cảnh làng quê, con người trong chiến tranh và thời bình.
Tranh của Lê Mai có 3 đề tài chính: Chân dung nhân vật lịch sử; Một thời chiến tranh, một thời hòa bình; Và tranh phong cảnh.
Ông đã vẽ rất nhiều về đề tài một thời chiến tranh, một thời hòa bình. Riêng về các tác phẩm vẽ trong thời chiến, ông đã gửi tới 29 cuộc triển lãm. Nhiều bức tranh được các bảo tàng lưu giữ. Đặc biệt, nhà sưu tầm nghệ thuật Trần Anh Tuấn đã dành riêng một không gian lưu giữ trên 300 tác phẩm của ông. Tiêu biểu như: “Đánh chiếm thành Quảng Trị”, “Trước cửa ngõ Sài Gòn”, “Sân gôn”, “Đánh chiếm thành Huế”, “Cửa mở”, “Một thời chiến tranh”, “Một thời hòa bình”, “Sân kho”, “Nón Làng Chuông”, “Tuổi thơ tôi”…
Ngòi bút sắt của Lê Mai còn vẽ lên những bức chân dung, đặc biệt là nhân vật lịch sử, tiêu biểu như: “Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc”, “Lãnh tụ Phi Đen thăm vùng giải phóng Quảng Trị”, “Anh hùng Núp”, “Đại tướng Võ Nguyên Giáp”... Từ gương mặt, dáng đi, phong thái… đều toát lên vẻ bình dị, đĩnh đạc, ung dung… Mảng tranh này của ông đem đến cho người xem thấy rõ khả năng và nghệ thuật tả thực tài tình qua ngòi bút sắt.
Mảng tranh phong cảnh thiên nhiên nổi bật nhất là đề tài nông thôn. Lê Mai đã phác họa lên những bức tranh làng quê Việt Nam từ miền núi đến đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên… một cách chân thực và sắc nét. Qua ngòi bút sắt, những “mảnh hồn làng” được tái hiện giữa ồn ào phố thị, gợi cho người xem một nỗi nhớ quê hương da diết.
Nhận xét về họa sĩ Lê Mai, ông Lê Trí Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: “Dưới ngòi bút sắt của Lê Mai, chúng ta có thể hình dung được dấu chân của ông trải dài theo năm tháng trên mọi nẻo đường của Tổ quốc. Với đặc tính kiên trì hiếm có, ông đã ghi lại một cách kỹ lưỡng, chi tiết từng nhân vật, cảnh vật...
Ông thành công hơn trong những tác phẩm phong cảnh không người, ở đó rất nhiều nét “gãi” từ ngòi bút sắt, sự lãng mạn được đẩy cao hơn, tự do hơn, không bị câu thức về hình thể người, khiến cho người xem tranh ông thú vị bởi các chi tiết sự vật được tỉa tót kỹ lưỡng tận cùng, “rất ảnh mà không ảnh”. Hơn nữa, những bức xạ ngôn ngữ ảnh chính là những bức tạo nên sự độc đáo, nó mang theo cái hồn chân quê của một con người đến với hội họa bằng cả tấm lòng chân thật”.
Nghệ thuật bút sắt
Bức tranh vẽ phong cảnh làng quê đồng bằng Bắc Bộ bằng bút sắt của họa sỹ Lê Mai
Nghệ thuật bút sắt cũng có ngôn ngữ, chất liệu kỹ thuật đặc thù, được biết đến như một thể loại, một chất liệu phổ cập, tiện dụng, dễ kiếm. Chỉ cần bút sắt, mực nho và giấy trắng, người họa sỹ có thể mặc sức sáng tạo.
Thế nhưng để sáng tạo ra các tác phẩm được công chúng đón nhận không phải ai cũng làm được bởi ngôn ngữ đặc thù của tranh bút sắt là hệ thống nét, mà nét lại được coi là yếu tố tạo hình chủ đạo. Nét không chỉ diễn hình, xác định hình mà còn đủ sức tạo mẫu, tạo không gian, ánh sáng, mảng, khối, tả chất, diễn chất.
Đặc biệt hơn, đặc điểm của tranh bút sắt thường có 2 màu đen, trắng: Đen của mực nho, trắng của giấy vẽ. Theo triết lý nhân sinh phương Đông, đen vừa là nhiều vừa là ít, vừa là không vừa là có, dùng sao cho đúng độ chẳng đơn giản chút nào. Ít màu càng đòi hỏi diễn làm sao cho đa sắc.
Nói về sự độc đáo của ngòi bút sắt, họa sỹ Lê Mai chia sẻ: "Vẽ bút sắt có những cái khó riêng, bởi vì chỉ vẽ một màu mực nhưng phải diễn tả được tâm trạng, sắc thái... của bức tranh. Nếu không diễn tả được, coi như bức tranh đó đã chết, vì không thuyết phục được người xem. Với cây bút sắt, tôi từng vẽ trên các chất liệu như giấy, toan… Giấy có ưu điểm là dễ vẽ, con toan lại rất khó vẽ, dong toan lại có những ưu điểm riêng của nó như: Sự mềm mại và, độ bền đẹp”.
Để hoàn thiện mỗi bức tranh vẽ trên toan, được biết họa sỹ Lê Mai phải sử dụng từ 50 – 70 cây bút sắt, loại bút kim, có dầu để mực bám. Thời gian để hoàn thành mỗi bức tranh mất từ 3 ngày đến 1 tháng, thậm chí có bức mất nhiều thời gian hơn.
Tranh bút sắt của Lê Mai có vẻ khoáng đạt hơn trong những đề tài trữ tình, êm ả, nhất là khi ông vẽ về phong cảnh nông thôn Việt Nam. Những cây cầu ao, cầu khỉ, bến nước, cổng làng... Mô típ cây rơm được nhắc đi, nhắc lại trong nhiều tác phẩm, gợi nỗi nhớ quê hương cho người thưởng thức tranh...