Côn Minh và văn hóa đọc
Đối thoại bàn tròn chủ đề Tận dụng không gian đọc sách, thúc đẩy việc đọc sách quốc gia và nâng cao văn minh đô thị với bảy diễn giả Trung Quốc. Ảnh: B.V.T |
Thư mời của Văn phòng Ngoại vụ thành phố Côn Minh nêu rõ: “Với chủ đề Cùng nhau xây dựng xã hội tri thức và chia sẻ nền văn minh hiện đại, các cơ quan chính phủ, đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội, cơ quan nghiên cứu, chuyên gia, học giả và danh nhân văn hóa… sẽ tề tựu tại Côn Minh để chia sẻ những kinh nghiệm tiên tiến, trao đổi và đọc truyện, nghiên cứu thảo luận về việc toàn xã hội cùng nhau đẩy mạnh việc đọc sách cho tất cả mọi người, tiếp tục tạo bầu không khí yêu đọc sách, đọc sách hay, đọc sách giỏi mạnh mẽ trong toàn xã hội, hướng dẫn người dân trên cả nước chú ý đọc sách và tham gia đọc sách, không ngừng nâng cao trình độ văn hóa tinh thần và mức độ văn minh xã hội của toàn dân”.
Ngày 24-4, tại lễ khai mạc Hội nghị đọc sách toàn dân lần thứ ba, cùng với các diễn giả người Trung Quốc và ông Wangthong Hashazhan, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Luang Prabang, Bí thư Thành ủy Luang Prabang, Thị trưởng thành phố Luang Prabang, người viết bài này đã thay mặt đoàn đại biểu thành phố Đà Nẵng đọc tham luận, qua đó giới thiệu một số hình ảnh về văn hóa đọc ở thành phố bên sông Hàn: “Trên con đường Bạch Đằng nằm dọc tả ngạn sông Hàn, Đà Nẵng đã hình thành Thư viện khoa học tổng hợp từ năm 1979, được trùng tu năm 2015 với thiết kế hình một cuốn sách mở, hoạt động hiệu quả hơn 40 năm qua. Nơi đây hằng năm diễn ra nhiều hoạt động liên quan đến văn hóa đọc như hội chợ sách, giới thiệu sách và tổ chức giao lưu giữa tác giả với độc giả, tập trung vào Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21-4.
Điều quan trọng là sự lan tỏa, vì thế hoạt động ủng hộ văn hóa đọc ở Đà Nẵng không chỉ dựng lại trong khuôn viên Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố, mà còn được mở rộng thông qua hệ thống thư viện trường học và hệ thống tủ sách ở các phường, xã - trong đó đáng chú ý là các thư viện trường đại học và Công viên-Café sách Đà Nẵng-Daegu ở phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) do thành phố Daegu Hàn Quốc tài trợ; cũng như qua xe thư viện lưu động nhằm đưa sách đến các xã ngoại thành... Đà Nẵng có Nhà xuất bản Đà Nẵng - một nhà xuất bản công lập được thành lập từ năm 1984 và đến nay vẫn là một đơn vị sự nghiệp công lập. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng có chi nhánh tại Đà Nẵng nhằm đáp ứng nhu cầu về sách giáo khoa không chỉ của Đà Nẵng mà còn của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Ngoài ra, một số nhà xuất bản lớn ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng có chi nhánh trên địa bàn Đà Nẵng. Tất cả đã góp phần làm cho văn hóa đọc Đà Nẵng thêm phong phú đa dạng”. Tham luận do tôi trình bày bằng tiếng Việt và được một giảng viên Trường Đại học Vân Nam trực dịch ra tiếng Trung đồng thời được thể hiện song ngữ Việt-Trung trên ba màn hình led.
Sau phần trình bày các tham luận, đại biểu nghe nhiều ý kiến trao đổi về văn hóa đọc Trung Quốc tại cuộc đối thoại bàn tròn chủ đề “Tận dụng không gian đọc sách, thúc đẩy việc đọc sách quốc gia và nâng cao văn minh đô thị”, với người dẫn chương trình là bà Zhang Qi, Giáo sư và người dẫn chương trình của Đại học Sư phạm Vân Nam, cùng sáu khách mời: ông Zhang Dongxiao, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Nhà sách Cathay; ông Li Yinhe, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Nhà xuất bản Nhân dân Vân Nam; ông Wu Kongyu, Thư ký và Hiệu trưởng Trường Tiểu học Washi, thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang; ông Chen Runjue, Giám đốc Vịnh Văn hóa Shimei, Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Thư pháp và Hội họa kiêm Giám đốc Nhà sách Phoenix Jiuli, thành phố Vạn Ninh (tỉnh Hải Nam); ông Song Panpan, Tổng Giám đốc Nhà sách C&F và bà Wang Yifan, Phó Tổng biên tập City Times thuộc Trung tâm truyền thông hội tụ Côn Minh.
Theo dõi nội dung trao đổi của các diễn giả, tôi ấn tượng nhất là phát biểu của Tổng Giám đốc Nhà sách C&F Song Panpan ở phố Nam Bình, thành phố Côn Minh. Là một doanh nhân khởi nghiệp trẻ, Tổng Giám đốc Song Panpan rất thuyết phục khi cho rằng người bán sách phải đồng thời là người chọn sách - chọn từng cuốn một - để bày bán nhằm có thể nói “không” với những ấn phẩm kém chất lượng tư tưởng cũng như chất lượng nghệ thuật/học thuật. Tổng Giám đốc Song Panpan cũng cho rằng học sinh, sinh viên là đối tượng số một mà Nhà sách C&F hướng đến trong suốt quá trình chọn sách và bán sách.
Có thể nói, Ban tổ chức hội nghị Đọc sách toàn dân lần thứ ba của Trung Quốc rất chú tâm đến văn hóa đọc học đường, bằng chứng là trong chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng hội nghị diễn ra tối ngày 23-4 đã có không ít tiết mục hát, múa về hoạt động đọc sách trong trường học và có nhiều diễn viên không chuyên là học sinh, sinh viên đến từ các trường học ở Côn Minh; đặc biệt tôi hết sức quan tâm đến các trao đổi của bà Zhang Qi đến từ Đại học Sư phạm Vân Nam và của ông Wu Kongyu đến từ Trường Tiểu học Washi khi họ nêu lên những cách nghĩ, cách làm mang tính đột phá nhằm nâng cao hiệu quả văn hóa đọc học đường…
Trước khi ra sân bay Trường Thủy để về nước, đoàn đại biểu thành phố Đà Nẵng tranh thủ tham quan phố đi bộ Nam Bình để tận mục sở thị Nhà sách C&F. Ngồi trên máy bay , tôi suy ngẫm rất nhiều về các câu trả lời của mình khi được mời ghi hình tại buổi phỏng vấn của Văn phòng Ngoại vụ thành phố Côn Minh ở đại sảnh khách sạn Mansion tối 24-4, trong đó có câu hỏi thứ ba: “Ông kỳ vọng gì về mối quan hệ hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng và thành phố Côn Minh trong thời gian tới” và tôi đã trả lời: “Sang năm 2025, cả Đà Nẵng và Côn Minh sẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm 10 năm ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa hai địa phương (2015-2025) và chắc chắn những thu hoạch của đoàn chúng tôi tại Hội nghị đọc sách toàn dân Trung Quốc lần này sẽ được nhắc lại. Côn Minh và Đà Nẵng đã cam kết hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật. Chính vì thế, tôi kỳ vọng rằng tới đây hai thành phố sẽ tăng cường giao lưu hợp tác nhiều hơn nữa trên lĩnh vực này, nhất là về văn hóa đọc”.
Tôi cũng nhớ đến hình ảnh Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Côn Minh Hoàng Minh Sơn ngồi cách tôi một ghế đã nháy mắt ra hiệu cho tôi bước lên diễn đàn khi ba tiếng Pei Wentian được xướng lên - Pei Wentian là phiên âm của Bùi Văn Thiên 裴文天 do chữ Tiếng tên tôi là từ thuần Việt không có trong Hán tự.
B.V.T