Một góc nhìn đa diện và nhân văn
Bốn mươi truyện ngắn là những nỗi niềm trăn trở về thân phận con người. Đó cỏ thể là tấm lòng thương cảm về một hoàn cảnh trớ trêu và thiệt phận của hai mẹ con mắc bệnh phong bị đầy ra chốn hoang vu (Cô gái hát thánh ca). Nhân vật cô gái tên Ngảo đó hiện diện chính tâm hồn của tác giả luôn mong muốn chia sẻ nỗi đau nhân tình thế thái khuất lấp trong cuộc đời. Hay đó còn là nỗi xót xa về cuộc sống của Vân trong câu chuyện Ngôi nhà có nhiều cửa sổ. Cô gái tật nguyện này đã sống trong những niềm vui được chăm sóc, được nhìn thế giới quanh mình qua ngôi nhà có nhiều cửa sổ. Nhưng rổi trong chính ngôi nhà này cô lại chiêm nghiệm nỗi cay đắng khi biết ẩn sâu trong thế giới sáng trong kia là một góc tối u ám mà cha mẹ cô đã gây ra. Vân thất vọng khi tự mình leo lên tầng thượng của ngôi nhà để tìm tới thiên đường của mình bằng cái chết bay trong vũ trụ bao la. Cùng với sự chia sẻ về nỗi đời nhân thế tác giả còn có những truyện ngắn hay khác như Giữ lấy vị muối tâm hồn, Miền thánh đợi, Tim rắn, Ma nơ canh, Ổ khóa định mệnh...
Đáng chú ý không chỉ có sự sẻ chia về nỗi đau khuất lấp của người đời mà tác giả Nguyễn Văn Học còn có những nét phản biện khá sắc nét với những tệ nạn xã hội. Nếu với Giữ lấy vị muối tâm hồn là một trạng thái tự đấu tranh nội tâm của nhân vật Khẩn khi bị lôi kéo vào cuộc đấu đá nội bộ cơ quan. Với hình ảnh túi rác bị Khẩn quên khi mang theo xe. Anh quên vứt đi vì trong lòng còn vướng bận giữa danh lợi. Nếu anh theo người xấu vu tội cho người tài và tốt bụng thì sẽ được hưởng vinh hoa phú quý. Nhưng sau bao ngày đêm suy tư và đắn đo trong lương tâm, Khẩn đã đứng vụt dậy và dứt khoát phản bác lại quyết định của giám đốc. Khẩn đã từ chối danh lợi và đã vứt được túi rác đầy ô uế trong cuộc sống của mình. Chịu thiệt phận và sống đúng với lương tâm nhưng thanh thản trong tâm hồn. Đó là một góc nhìn nhân văn đã được tác giả phát huy trong những truyện ngắn hấp dẫn khác như Cụ cây, Bước qua ranh giới, Chuyện nhỏ giữa các tiến sĩ, Ổ khóa định mệnh...
Nguyễn Văn Học còn có góc nhìn khá hài hước nhưng lại vẫn ần giấu sự sâu cay trong những câu chuyện mình kể ra. Đáng chú ý trong nét hóm hỉnh và sắc bén này tác giả đã tỏ ra rất tài hoa trong Tim rắn và Bước qua ranh giới. Chiều sâu trong những câu chuyện này là chủ đề không chỉ về hệ nhân quả thông qua những ứng xử trong cuộc sống và còn ẩn giấu chủ để về môi trường và thiên nhiên. Ai đụng tới mẹ thiên nhiên. Con người xâm phạm thiên nhiên đều bị trừng phát. Tim rắn là góc nhìn khá nổi bật khi tác giả kể ra câu chuyện khi Lục theo chúng bạn nuốt những trái tim rắn còn đang phập phồng nhịp đập với những chén rượu đời cay đắng. Lục bị chê vì có vợ tịt đẻ. Rồi anh còn bị thiên hạ xúi giục bán đất để kiếm cô vợ khác đẻ con. Lục là con người tốt nết thật thà và yêu chiều vợ. Nhưng khi uống rượu với tim rắn Lục đã trở nên khác lạ. Trái tim Lục đã hóa trái tim rắn. Độc ác và dữ dội. Bản tính Lục đã hỏa biến vì rượu. Hắn gây ra tội lỗi và đổ hết tức tối lên đầu vợ hiền. Hắn đã mất hết nhân tính khi bị kẻ xấu xúi giục giết bố để bán đất. Lục sống trong ảo giác và hoảng loạn. Khi rơi vào bế tắc khủng hoảng Lục đã được mọi người cứu vớt và lôi kéo về thực tại. Nhưng để cắt được trái tim rắn mọc hoang trong tâm hồn Lục đòi hòi phải có sự vượt thoát tự thân để trở lại làm người.
Nhưng có lẽ truyên ngắn Miền thánh đợi đã được tác giả tập trung nhiều cảm xúc nhất. Truyện đã thể hiện nét tài hoa với nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn qua một bố cục dầy đặc những chi tiết về số phận của những nhân vật trong tác phẩm. Nhân vật “Tôi” là chính danh tự sự. Với nét sáng trong của nhân vật chính, câu chuyện từ những tình cảm riêng tư mở rộng tới thôn xóm và đạo đời đã bao quát một xã hội điển hình sâu sắc cho thực tại đang diễn ra phổ biến khắp nơi hiện nay. Đó chính là chiều sâu của tác phẩm. Từ chuyện của những gia đình xóm “ngụ cư” bị thiệt thòi, dè bỉu bởi những làng theo đạo, hay làng theo phật giáo, hoặc xóm tật nguyền kế bên; tới những chuyện những tệ nạn xã hội xảy ra khá khốc liệt và cay đắng đã diễn ra trước mắt. Thông qua một cuộc tình tha thiết của đôi bạn trẻ khác làng khác đạo mà biết bao sự kiện phức tạp trong xã hội đã vây quanh. Đặc biệt tác giả còn nhấn sâu về câu chuyện con người cần tìm đến hạnh phúc luôn phải kèm theo chọn một lẽ sống, một lý tưởng và niềm tin. Bởi ở cái đất đầy sóng gió và hủ tục niềm tin con người bị bơ vơ. Hạnh phúc trông cậy vào đâu. Miếng cơm manh áo gửi gắm vào ai. Tệ nạn tham nhũng chia chác và lợi ích nhóm luôn đe dọa sự sống ở những nơi này. Từ chuyện học hành đến hôn nhân của lớp trẻ đều bị đè nén và chia rẽ bởi những hủ tục và thói hư tật xấu của con người. Tác giả đã kể một câu chuyện thật hay về những phẫn nộ về cuộc đời này trong ngôi làng của mình. Đến cả giấc mơ thoát khỏi làng cũng là nỗi khủng hoảng tâm trạng mà con người không thể thoát ra được. Đó là một bi kịch của truyện ngắn Miền thánh đợi.
Bốn mươi truyện ngắn của Nguyễn Văn Học có những tìm tòi nhất định về thi pháp và bố cục. Những câu chuyện luôn được tác giả kết cấu ngắn gọn và sinh động. Giọng điệu mỗi câu chuyện một khác với những phát hiện vấn đề nhạy cảm và tinh tế. Nguyễn Văn Học là nhà văn có những trải nghiệm thực tiễn và phần nào đã mang dấu ấn của một phong cách văn chương. Điển hình, nhà văn có những nét ảo diệu trong Ngôi nhà có nhiều ô cửa, hay Cô gái hát thánh ca, thì với truyện ngắn Miền thánh đợi lại thể hiện sự sáng tạo sóng đôi hòa quyện giữa hiện thực lãng mạn và huyền ảo. Đây là sự thành công đáng khích lệ cho tập truyện ngắn chọn lọc của nhà văn sau chặng đường hai mươi năm theo đuổi sự nghiệp văn học.
(baovannghe.com.vn)