Nhà văn Thái Bá Lợi: Văn chương không cần làm dáng
Gặp Thái Bá Lợi nếu không tìm hiểu trước, hẳn không ai nhận ra ông là người nổi tiếng. Là tác giả của rất nhiều truyện, ký chân thực, sắc sảo, nhà văn vẫn khiêm nhường, bình lặng bên những tiểu thuyết gắn với tên tuổi ông như: Thung lũng thử thách, Họ cùng thời với những ai, Bán đảo, Trùng tu, Minh sư…
1. Trong căn hẻm nhỏ trên đường Trần Phú, căn gác nơi nhà văn Thái Bá Lợi sống cùng cháu trai thường khá tĩnh lặng. Ban ngày, người cháu trai đi làm, còn Thái Bá Lợi cắm cúi bên bàn viết.
Các đồng nghiệp ở NXB Hội Nhà văn tại Đà Nẵng - nơi ông đang làm việc - nói rằng rất khó để gặp hay nói chuyện điện thoại với ông vào buổi sáng, vì đó là thời gian ông dành riêng cho việc sáng tác văn học. Trong cuộc vật lộn với con chữ, có khi Thái Bá Lợi tỏ thái độ khó chịu với những cuộc điện thoại liên hồi: “Có ai té xe hả?”. Tất nhiên, những lời bỗ bã nửa đùa nửa thật như thế ông chỉ bộc trực với những người bạn, đồng nghiệp thân thuộc, họ hiểu ông nên chẳng ai lấy làm giận. Căng thẳng, bứt rứt là vậy, nhưng Thái Bá Lợi không bao giờ tự nhận rằng, nghề văn mà ông đang theo đuổi là nghề nặng nhọc nhất thế gian, hay mỗi trang viết là một cuộc “hỏa thiêu” chính mình như một số cây bút bậc thầy đã đúc rút. Thái Bá Lợi khiêm nhường tâm sự rằng, viết văn đối với ông như nhu cầu, như hơi thở, và là sợi dây bền chặt gắn kết ông với cuộc sống, không rứt ra được.
2. Thái Bá Lợi bén duyên với văn chương từ những năm 70 của thế kỷ trước, khi còn là anh lính quân y xông xáo vào chiến trường miền Nam. Là đội trưởng đội phẫu thuật tiền phương, Thái Bá Lợi đã có dịp đi qua nhiều chiến trường như: Đường 9, Nam Lào, Khe Sanh, Đông Hà, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam... Những gì trải qua hoặc được nghe kể lại từ những thương binh ở những trạm phẫu thuật tiền phương đã thôi thúc người lính trẻ cầm bút, với những truyện ngắn đầu tay: Những người đánh giáp lá cà, Vùng chân Hòn Tàu, Đồng đội của Phú, Rừng quế, Quê hương... Từ sự khích lệ của các bậc đàn anh như nhà văn Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung…, Thái Bá Lợi dần nhập cuộc với không khí văn chương ngày ấy. Ông bảo, đó là những ngày gian khổ nhưng vui và lý tưởng vô cùng. Trong thời gian ngắn, Hai người trở lại trung đoàn, Thung lũng thử thách, Họ cùng thời với những ai… liên tục ra đời khẳng định cây bút giàu nội lực Thái Bá Lợi.
Năm 1978, đọc tiểu thuyết Thung lũng thử thách của Thái Bá Lợi, nhà văn Nguyễn Văn Bổng phát biểu: “Quả tiếng đồn không sai, anh viết rất giỏi, chặt chẽ, chính xác trong tài liệu; nhân vật sôi nổi ý chí và tình cảm. Nhất là vốn sống, đọc anh thấy không sống như anh thì không viết được vậy”. Nhà văn Nguyễn Minh Châu trong bài Các nhà văn quân đội và đề tài chiến tranh đăng trên Báo Nhân dân (1979) nhắc đến Thái Bá Lợi như một “cây bút trẻ xông xáo, đầy vốn sống và năng lực”… Sau này, cùng với Trùng tu, Bán đảo, Khê mama…, các tác phẩm của Thái Bá Lợi tiếp tục là đề tài sôi nổi tại những hội thảo, tọa đàm, công trình nghiên cứu văn chương. Cái tên Thái Bá Lợi thường gắn với những nhận định như: anh có “cái nhìn điềm tĩnh” về chiến tranh và hậu chiến, văn của anh làm ánh lên lẽ sống của dân tộc, vẻ đẹp của con người trong chiến tranh; những trang văn của Thái Bá Lợi dồn nén dung lượng lớn của hiện thực cho thấy anh là kiểu nhà văn “biết mười chỉ để viết một”; viết về chiến tranh, Thái Bá Lợi là một trong những nhà văn hàng đầu…
3. Khác với nhiều người, khi mô tả về chiến tranh, Thái Bá Lợi không chú trọng những vấn đề lớn lao như số phận con người, sự khốc liệt của chiến tranh với những trận đánh lớn, mà chỉ tập trung chủ đề đạo đức của con người trong chiến tranh, được biểu hiện ở lòng trung thực, đức hy sinh và ý thức trách nhiệm của người lính. Ông đi sâu khai thác những điểm nhỏ chứa đầy kịch tính như một chiến dịch, một trung đoàn, một tiểu đoàn chủ công, một đại đội trinh sát, thậm chí một khoảnh khắc trước và sau tiếng súng nổ trong một trận đánh. Thái Bá Lợi ít dàn dựng một câu chuyện có mở đầu, có kết thúc một cách trọn vẹn, rạch ròi. Đôi khi có những tiểu thuyết dường như không có cốt truyện như Họ cùng thời với những ai, Trùng tu, Khê mama. Vấn đề trung tâm của truyện thường được chứa đựng trong nhân vật, thông qua hành trang cuộc đời của từng nhân vật, từng số phận làm nổi rõ cốt truyện và vấn đề trung tâm của truyện.
Nhiều người nhận xét giọng văn của Thái Bá Lợi điềm tĩnh, tự nhiên, đôi khi có chút suồng sã, bỗ bã; ông kể nhiều hơn tả, nhân vật thiên về hành động nhiều hơn là suy tư, xét đoán. Điều này quả chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi Thái Bá Lợi luôn chọn sự mộc mạc, chân thành, không màu mè tô vẽ cho lối sống, cách hành xử với văn chương cũng như trong cuộc đời mình. Những chân lý khách quan, những chiêm nghiệm sâu sắc về cõi nhân sinh thường bộc ra từ trang văn của Thái Bá Lợi như bản chất nó vốn như thế. Thái Bá Lợi nói văn chương tuyệt đối không cần phải làm dáng! Với ông, câu văn đẹp nhất được cấu tạo bởi những câu chữ giản dị, chân thực nhất. Vậy mà, ai đã trót đọc văn Thái Bá Lợi thường bị ám ảnh mãi bởi những cách triết lý dung dị mà hết mực sâu xa như: “Dù khó khăn đến đâu việc trùng tu Huế trước sau cũng sẽ làm được,… nhưng việc ấy làm sao quan trọng bằng việc trùng tu những điều năm tháng đi qua còn để lại, những con người bước từ trong đó ra…” (Trùng tu); hay “Những người nói điều hợp với lòng ta, mà ngay cả người nói điều trái ý ta, cả những người muốn hại ta, kẻ thù của ta, họ đều là những bậc thầy sáng suốt của ta, ta tri ân họ vì họ dạy ta nhiều điều” (Minh sư)...
4. Thái Bá Lợi luôn ý thức rằng, nhà văn cần có cái giọng riêng và phải giữ cho được cái giọng ấy, nhưng không có nghĩa cứ khư khư viết theo lối mòn, dù đó là đường mòn do chính bản thân vạch ra. Nên bao giờ, viết xong một tác phẩm, ông phải “tranh thủ” quên ngay để kịp bắt đầu đề tài mới. Tâm đắc nhất đối với Thái Bá Lợi luôn là tác phẩm đang viết chứ không phải những ánh hào quang đã qua. Ông luôn tìm cách đổi mới qua mỗi chặng đường sáng tác. Chẳng hạn, khi cho rằng, những tiểu thuyết dày cộm không còn phù hợp với nhịp sống hiện đại nữa, ông liền chuyển sang viết ngắn. Vẫn là hiện thực đầy đủ của tiểu thuyết, nhưng Thái Bá Lợi tìm cách dồn nén, tinh giản đến mức tối đa. Như với Thung lũng thử thách (1981) ông viết 200 trang, Bán đảo (1983) 107 trang, thì đến Khê mama (2004) chỉ còn 43 trang…
Không chỉ đem lại cái nhìn mới về dung lượng tiểu thuyết, Thái Bá Lợi còn tìm cách đổi mới cả hình thức, kết cấu đến nội dung. Điển hình có thể kể đến Minh sư (2009). Ở đây người ta không còn nhận ra lối kể truyền thống, mà chỉ thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn kỹ thuật đồng hiện, tái hiện, kể, tả, độc thoại, đối thoại… Cuốn tiểu thuyết đã đem đến cho người đọc những suy tư rộng mở, nhiều chiều.
5. Thái Bá Lợi công nhận, trước sự bùng nổ của quá nhiều kênh thông tin giải trí, văn hóa hiện nay, người viết khó tìm được chỗ đứng trong lòng công chúng so với ngày xưa. Nhưng những nhà văn, đặc biệt là những cây viết trẻ mê văn chương thực sự nên coi đó là thử thách, là thực trạng cần được lường trước để tiếp tục dấn thân. Đề tài cũng không bao giờ là cái khó, quan trọng là ý tưởng. Ý tưởng thì không ở đâu khác ngoài đời sống, với Thái Bá Lợi, chỉ cần nhà văn sống chân thành với cuộc đời, lắng nghe từng nhịp đập của đời sống thì sẽ luôn được niềm hứng khởi để viết.
Thanh Tân
(baodanang.vn)