Nguyễn Hữu Cảnh từ danh tướng đến tôn thần
Được xem là vị tướng mở cõi vùng đất Nam bộ với nhiều câu chuyện lý thú, nhưng tư liệu về Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vẫn còn khá khiêm tốn.
Các biên niên sử hoàng gia Champa và Cao Miên đều không nhắc đến nhiều, còn các sách sử và địa chí của người Việt cũng chẳng có bao nhiêu. Vì vậy mà những “góc khuất” về cuộc đời và sự nghiệp của ông luôn được hậu thế quan tâm.
Cuốn Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh - từ danh tướng đến tôn thần của nhà nghiên cứu Trần Hoàng Vũ (NXB Tổng hợp TP.HCM) vừa giới thiệu đến độc giả, đã phần nào “giải mã” được những thắc mắc đó ở cả hai khía cạnh: danh tướng và tôn thần. Tác phẩm chia làm 2 phần: phần đầu khảo về lý lịch, hành trạng và các đóng góp của ông lúc sinh tiền; phần còn lại đề cập đến tín ngưỡng thờ cúng Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại miền Nam, từ khi ông qua đời cho đến những năm cuối thế kỷ 20.
Tài liệu nghiên cứu của tác giả Trần Hoàng Vũ cho biết: “Theo gia phả dòng họ Nguyễn Hữu ở Vạn Xuân (Quảng Bình) thì tên ông là Nguyễn Hữu Thành. Ngoài ra ông còn được gọi là Nguyễn Phúc Lễ, Nguyễn Lễ. Tuy nhiên tên gọi được sử dụng phổ biến nhất là Nguyễn Hữu Cảnh. Về tên tước của ông, Đại Nam thực lụctiết lộ: “Bấy giờ gọi là Lễ Tài hầu, chữ Tài có chỗ viết là Thành, lại là Hòa”. Cách gọi Lễ Tài hầu thấy ghi trong quyết định sắp xếp thứ bậc thờ cúng các công thần tại Thái miếu năm 1804. Trong đó, ông được gọi là Chưởng cơ Lễ Tài hầu. Nhiều khả năng tước Lễ Tài hầu là có sau, do vua Gia Long phong tặng, còn Lễ Thành hầu mới là tước gốc”.
Ghi chép của Bảng Trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm khẳng định: “Thân phụ Lễ Thành hầu là Nguyễn Hữu Dật theo cha là Triều Văn hầu vào Nam vào năm Hoằng Định thứ 10 (1609) đời Lê Kính Tông, do bất mãn với chúa Trịnh và có cảm tình với Đoan Quận công Nguyễn Hoàng. May mắn được sinh ra trong một gia đình dòng dõi võ tướng nên từ nhỏ Nguyễn Hữu Kính (Nguyễn Hữu Cảnh) đã sớm tham gia tập luyện võ thuật, ông trở thành sư tổ khai sáng môn phái võ học còn truyền tận đến ngày nay là Bạch Hổ Sơn Quân Phái. Năm 23 tuổi, Nguyễn Hữu Kính được cha cho đi tòng chinh. Ông cùng ba anh em: Hữu Hào, Hữu Trung, Hữu Chắc gắn bó với đường binh nghiệp và lập nhiều chiến công hiển hách”.
Năm 1681, phụ thân ông qua đời. Gánh vác nghiệp cha để lại, Nguyễn Hữu Kính đã có nhiều đóng góp lớn lao cho xứ Đàng Trong: mở đất Bình Thuận, chống quân Chiêm Thành và kinh lược Đông phố đặc biệt xuất sắc. Theo nhà nghiên cứu Trần Hoàng Vũ, công việc kinh lược của Nguyễn Hữu Kính bắt đầu từ tháng 2 âm lịch năm 1698. Ông chọn lưu vực sông Đồng Nai - sông Sài Gòn làm trọng tâm, lập ra phủ Gia Định quản lý hai huyện, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình; lập dinh Trấn Biên và dinh Phiên Trấn; lập ra sổ đinh để quản lý nam giới, sổ điền để quản lý ruộng đất...
Xung quanh cái chết của Lễ Thành Hầu vào tháng 4 năm Canh Thìn (1700), tác giả Trần Hoàng Vũ tiết lộ trong sách: “Bấy giờ trong quân phát bệnh dịch, Lễ Thành hầu cũng nhiễm bệnh. Ban đầu còn nhẹ, dần dần trở nặng, hai chân tê đi, ăn uống không ngon. Đến ngày mồng 5.5 là Tết Đoan ngọ, có yến tiệc để khoản đãi quân sĩ, Lễ Thành hầu gượng dậy cùng uống rượu với các tướng tá để yên lòng quân. Bất ngờ ông thổ ra một cục máu, vội lấy tay áo che đi, không cho ai biết. Bệnh ông ngày một nặng thêm, đến ngày 16.5 thì mất, hưởng dương 51 tuổi”.
Lê Công Sơn
(thanhnien.vn)