Ngọn đèn đứng gác - Ký Viên Phúc Quân

18.04.2015


Năm 1965, nhà thơ Chính Hữu viết bài Ngọn đèn đứng gác, trong đó có câu Những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt/ Như những tâm hồn không bao giờ biết tắt... Những năm 70 sau đó, người dân thôn Hồng Phước, xã Hòa Khánh, tuy không ai biết đến bài thơ đi cùng năm tháng này nhưng ngoài đời vẫn có “những ngọn đèn chong mắt đêm thâu” để canh gác sự bình yên cho những người âm thầm đi làm cách mạng.

Ngọn đèn đứng gác - Ký Viên Phúc Quân


Những tâm hồn không bao giờ biết tắt

Ở Hồng Phước, nhà ông Dương Chương và bà Phạm Thị Dĩ, vợ ông, là cơ sở cách mạng được cán bộ Quận Nhì ngày đó tin cậy nhất. Anh em về họp hội, ăn cơm, đi đánh trận xong lại về. Bà có năm người con, bốn trai và một gái út. Hai người con lớn tham gia du kích, có khi đi cả tuần mới về. Người thứ ba đi làm thợ dưới trung tâm Đà Nẵng, thỉnh thoảng đi rải truyền đơn, một tuần mới về một lần. Ở nhà chỉ còn ông Chương, bà Dĩ, cậu bé Thị và đứa em gái cùng với đứa con người em của bà.

Với 4 hầm bí mật trong nhà, bà Dĩ được vinh dự đón nhiều đời bí thư tỉnh ủy viên, bí thư Khu 1 và Quận Nhì về ở; trong đó có bà Lê Thị Tính người xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, làm Bí thư Quận Nhì (nay là quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng).

Ngày đó, anh em nằm hầm bí mật thì cơ sở báo tình hình từng đêm một, chứ anh em hoạt động trên núi muốn qua làng là phải để ý cây đèn dầu của nhà bà Nguyễn Thị Liên và nhà bà Dĩ. Theo nhận định của ông Hồ Phúc Ngôn, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, người Hồng Phước, thì cán bộ, bộ đội nào muốn về Hồng Phước họp hành cũng phải liên lạc với nhà bà Dĩ trước, nó như cái tiền đồn. Nơi đây địa thế thuận lợi, trước là Bàu Sậy nước sâu, giữa bàu có cái đìa.

Để giúp cho cán bộ, bộ đội không bị lộ, bà Dĩ dùng cái đèn dầu làm tín hiệu với sự “cộng tác” của Thị.

Thị một buổi đi học ở trường làng, một buổi ở nhà vừa giữ trâu vừa giúp mẹ. Ông Phan Văn Tải (Sáu Tải) lúc đó là Quận ủy viên, Quận đội phó Quận Nhì. Năm 1971, Thị mười hai tuổi, được ông Tải chính thức giao nhiệm vụ giao liên, theo dõi bám địch, thấy địch đi hướng nào lên là phải báo cán bộ biết để sẵn sàng tư thế đối phó. Tối, cán bộ họp trong nhà thì Thị ra ngoài bụi cây ngồi thu lu trong bóng tôi để quan sát, cảnh giới, nghe tiếng động gì là chạy vô báo.

Tối đến, bà Dĩ thường giao Thị nhiệm vụ ngồi giữ cái đèn đặt trên bệ xi-măng trước hiên nhà, không cho nó tắt. Thị để ý có bữa mới chập choạng tối mà mẹ đã hối thắp đèn, nhưng cũng có bữa trời tối mịt rồi mà vẫn không nghe bà nhắc chuyện đèn đóm chi hết. Mà cũng lạ, Thị để ý thấy y như rằng mỗi lần thắp đèn là có nhiều người về nhà mình chuyện trò rôm rả lắm. Mỗi lần như thế, mẹ bảo Thị ra chơi trước nhà, hễ có ai vô là kêu mẹ thiệt to.

Mãi sau này, Thị mới hiểu được cái “mật mã” được truyền đi từ cái đèn dầu của mẹ mình: đèn sáng là an toàn, đèn tắt là nguy hiểm. Do vị trí nhà ở trên gò đất, rộng và thoáng nên ban đêm ở xa tít tắp cũng nhận ra cái đốm sáng lập lòe của chiếc đèn dầu trước hiên nhà bà Dĩ. Mỗi khi đèn sáng, cán bộ, bộ đội yên tâm về Hồng Phước tổ chức hội họp bàn chuyện làm cách mạng. Ngược lại, đèn tắt, tịnh không một ai lai vãng, bởi có nguy cơ rơi vào mai phục, bố ráp của địch.

Năm 1967, em ruột ông Sáu Tải là ông Phan Văn Mót làm phó ban An ninh Quận Nhì, mọi người quen gọi là Bảy Mót, về ở nhà bà Dĩ, thân mật như người trong nhà. Tối hôm đó ông Bảy ngồi trên tấm phản chờ bà dọn cơm, thấy Thị đi vào, ông đứng lên ôm chầm lấy Thị vào lòng, bất đồ cây súng ngắn trên thắt lưng ông bị cướp cò, nổ một phát xuyên qua bắp chân ông, máu chảy đầm đìa. Anh em phải huy động gần như toàn bộ lực lượng để khiên ông qua đồng phía bên kia rồi gấp rút đưa lên núi cấp cứu.

Ngày đó Thị tuy nhỏ con, ít tuổi nhưng làm được rất nhiều việc mà người lớn không cáng đáng nổi. Ông Nguyễn Bá Siêu, Đội phó Đội công tác phía trước giao cho Thị vẽ sơ đồ trạm gác của kho gạo Hòa Khánh (nay là Nhà máy Bia Larue Đà Nẵng). Thị dắt trâu tới cột gần đó rồi đi loanh quanh quan sát, ghi nhớ nơi đặt các trạm gác, rào dây thép gai, chất bao tải cát... về, vẽ lại toàn bộ rồi đưa cho ông Siêu. Nhờ đó, bộ đội đặc công dễ dàng lên kế hoạch đánh kho gạo.

Những năm 1973 – 1974, tình hình căng thẳng, lính chế độ Sài Gòn canh gác rất nghiêm ngặt, việc liên lạc đối với “người mình” rất gay go. Thị và dì mình là bà Năm Miên cùng với cơ sở đóng vai làm người đi củi qua Hố Chuối (địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc ngày nay) để đem thư cho ông Lê Thành Don lúc đó là xã đội trưởng Hòa Hiệp. Ông này lúc đầu thấy Thị nhỏ tuổi quá, sinh nghi: “Thằng mô nhỏ xíu mà lọt vô đây?”. Lúc đó, bất cứ ai qua cầu Nam Ô cũng bị khám xét rất kỹ, có lẽ nhờ có “thằng nhỏ xíu” đi theo nên địch không để ý, thêm nữa, thư được giấu trong ruột một giữa hàng trăm cây củi nên chỉ có... tài thánh mới tìm ra!

Những tâm hồn không bao giờ biết tắt, câu thơ của Chính Hữu mượn ngọn đèn dầu để nói về những con người không bao giờ biết chùn bước trước cường quyền, bạo lực. Trong những năm đó, người dân thôn Hồng Phước tuy không ai biết đến bài thơ “Ngọn đèn đứng gác” nhưng ngoài đời vẫn có “những ngọn đèn chong mắt đêm thâu” để canh gác sự bình yên cho những người âm thầm đi làm cách mạng.

Chốn xưa kỷ niệm một thời

Hồng Phước ngày đó có 46 hầm bí mật. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Mũi trưởng Biệt động Quận Nhì, lần đầu tiên về Hồng Phước vào tháng 3-1974, ở một trong bốn hầm bí mật trong khuôn viên nhà bà Dĩ. Có bữa anh em xuống đông quá làm cho hầm thiếu không khí. 8 giờ sáng, ông Tuấn trẻ nhất, nhỏ con nhất, xung phong lên trên để mọi người đủ thở. Ông vào nhà rủ ông Thị, hai anh em dùng ghe ra bàu đánh cá để che mắt địch. Ông Thị cầm chèo, ông Tuấn ôm lưới, cả hai đàng hoàng đẩy ghe chèo ra Bàu Sậy. Mọi việc êm xuôi. Trưa, gia đình đem cơm ra cho hai ông. Tối, ông Tuấn về lại nhà bà Dĩ, họp bàn với cơ sở.

Nhắc lại chuyện xưa, còn nhớ có lần qua điện thoại, ông Tuấn, lúc đó là Thiếu tướng Cục trưởng Cục Tuyên huấn - Bộ Quốc phòng, nói vui với ông Thị: Nếu hồi đó mà địch phát hiện thì nó bắn cả hai, chứ chẳng lẽ bắn anh mà “tha” cho em. Với ông Tuấn, từ căn hầm bí mật, từ cái ghe nhỏ nơi nhà bà Dĩ, ông hiểu thêm được lòng dân, hiểu thêm được hoạt động của địch để cùng đồng đội tham gia vào những trận đánh góp phần làm nên cái ngày 29-3 năm 1975 lịch sử.

Hồng Phước nay thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu. Chúng tôi về đây hai lần, lần nào cũng có hai người từng là cán bộ kỳ cựu công tác ở vùng B1 xưa là các ông Hồ Phúc Ngôn, Phan Văn Tải. Lần sau lại có thêm Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Bộ Quốc phòng) và đoàn làm phim tài liệu của Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng. Chúng tôi hai lần đứng trên vạt đất xưa từng là nền nhà của bà Dĩ, nghe những lời tâm sự của họ và mường tượng ra không gian làng Hồng Phước ngày trước.

Cậu bé Thị ngày nào chạy lon ton trên đường làng giờ đã trở thành ông chủ tịch quận, mỗi lần về lại khu vườn xưa lòng lại dấy lên bao cảm xúc. Con mương lớn trước nhà mẹ ông giờ đã bị lấp gần hết, chỉ còn một vũng nước nhỏ đầy lục bình. Người dân Hồng Phước xưa từng đi ghe ngược lên nguồn Cu Đê, theo mương nước đưa gỗ về làm nhà. Mấy vạt ruộng phủ kín cỏ hoang, ngôi nhà xưa đã thành tàn tích với ngổn ngang gạch đá, mấy mảng tường gãy đổ, ông lục tìm ký ức để xác định nơi từng là mái hiên ngày nào mẹ ông đặt chiếc đèn dầu sai ông canh giữ.

Vườn nhà mẹ ông ngày đó rất rộng, ông đưa tay chỉ cây bạch đàn phía xa và bụi cây bên cạnh chỗ ông đứng để chúng tôi dễ hình dung. Hàng xóm lúc đó có nhà bà Năm Liên, bà Ngọc, ông Lê Khi. Bà Năm Liên đã qua đời năm ngoái, lần trước về tôi có gặp, nghe bà nhắc chuyện ngày xưa từng đưa cái nắp hầm bí mật bằng gỗ cho cậu bé Thị, dặn cất kỹ đi để sau dùng lại. Thị lúc đầu mang ra vùi dưới bùn trong đám ruộng trước nhà, mấy ngày sau nó nổi lên, phải đem chôn dưới đất.

Ông Hồ Phúc Ngôn đã bước sang tuổi 85. Nhìn hàng tre trước nhà bà Dĩ vẫn còn nguyên vẹn, ông hình dung ra cái đìa rộng gần đó, nước sâu, nhiều cây cối, cán bộ hay núp trong bụi, rất khó tìm. Cả Hồng Phước giờ đang trong quá trình giải tỏa nên cây cao bị chặt, chỉ còn những cây thấp lè tè.

Ông Phạm Chữ, em ruột bà Dĩ, nhớ cái thời giả bộ chèo ghe ra đìa thả lưới, nhưng chính là đem giỏ cơm ra cho ông Sáu Tải và ông Ngôn “đóng đô” ngoài đó. Ông Tải rúc hầm, ông Chữ giữ nhiệm vụ giở nắp và đậy nắp. Tối, ông cảnh giới cho ông Tải đào hầm, đặt mìn hoặc đi rải truyền đơn.

Ông Sáu Tải quay lại vùng đất mình từng hoạt động, lòng nao nao bao kỷ niệm xưa. Ông nhắc chuyện ông Tuấn, ông Thị thường hay chèo ghe ra ngoài đìa; chuyện ông và anh em đi đánh địch các nơi, đánh xong là về trú nhà bà Dĩ, mang thức ăn, cơm gạo ở đây đi; ai bị thương cũng được đưa về đây băng bó, chữa trị, thậm chí anh em nào hy sinh cũng đưa về giao cho gia đình chôn cất. Như lần đánh trận Hoa Lư, ông Lê Bồn mũi trưởng Đặc công 89 người Hải Phòng bị thương, được đồng đội đưa vô Thanh Vinh, đến 9 giờ sáng thì hy sinh. Lại phải đưa ông về nhà bà Dĩ để lo hậu sự. Giữa đêm khuya bà Dĩ lặn lội đi mua vải về liệm ông Bồn rồi an táng ông sau nhà ông Lê Điện. Sợ địch phát hiện nên không đắp nấm, mãi một năm sau mới vun mộ lên cho ông.

Một điều ông Tải không sao quên được, đó là những ngày cuối tháng 3 năm 1975, cả Đà Nẵng chộn rộn tin quân cách mạng giải phóng Tây Nguyên, Quảng Trị, rồi đến Huế. Ở xã Hòa Khánh, địch tuy còn đông nhưng đã mất hết tinh thần; ở các thôn Hồng Phước và Đa Phước, cán bộ, bộ đội cải trang đi lại giữa ban ngày. Thị lúc này 16 tuổi, được ông Tải phân công cùng với ông Phạm Đình Khôi - phụ trách đội trưởng Đội công tác xã Hòa Khánh, hai anh em chạy xe máy xuống cơ quan Hội đồng xã Hòa Khánh, hạ lá cờ của chế độ Sài Gòn xuống, kéo cờ Giải phóng lên, báo hiệu quê nhà Hòa Khánh đã được giải phóng.

Mai sau còn một ngọn đèn

Tướng Tuấn ra Bộ Quốc phòng công tác, được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều ngành, nhiều giới, ông cảm nhận được một điều là công tác bảo tồn di tích lịch sử cách mạng vẫn còn nhiều khiếm khuyết đáng bàn lắm. Với căn cứ lõm B1 – Hồng Phước, theo ông, nên giữ lại để ghi dấu tích một thời lịch sử, nếu không sẽ mai một bởi thời gian và sự lãng quên. Nếu đây không giữ được – ông Tuấn  nói, thì ít nhất cũng phải có một tấm bia ghi dấu tích. Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị lập bia lịch sử cho từng di tích một. Tôi tin rằng Đà Nẵng cũng làm được như thế. Tất nhiên làm được trước đây thì sẽ tốt hơn là sau này. Dầu muộn cũng nên làm. Đó là một chứng tích, khi muốn tìm về lịch sử cách mạng một vùng đất người ta sẽ đến đây.

Hồng Phước giờ sắp sửa giải tỏa trắng để mở rộng vành đai khu công nghiệp Hòa Khánh. Bà Dĩ đã qua đời năm rồi. Ngọn đèn dầu trước hiên nhà xưa giờ chỉ còn trong hoài niệm, nhưng trong ký ức của ông Thị, nó như vẫn cháy sáng để báo hiệu cho cán bộ ở các vùng Trung Sơn, Xóm Nà yên tâm về Hồng Phước hoạt động.

Người dân Hồng Phước đang mong mỏi có được một khu tưởng niệm để lưu giữ những chứng tích hào hùng một thời của quê mình. Với họ, đó cũng là ngọn đèn với ánh lửa sẽ tiếp tục rực cháy trong “tâm hồn không bao giờ biết tắt” của các thế hệ mai hậu...

 

V.P.Q.