Phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt - Huỳnh Thạch Hà

16.02.2016

Thờ cúng tổ tiên là một phong tục có từ lâu đời, mang tính nhân văn và đạo lý của người Việt. Dân ta quan niệm, ông bà, tổ tiên và người thân cho dù đã mất, nhưng vẫn là thành viên của gia đình và luôn tồn tại ở dạng linh hồn xung quanh cuộc sống của con cháu. Trong công trình Tản mạn về tín ngưỡng và phong tục tập quán của người Việt, tác giả Khai Đăng cho biết: “Những người đã khuất vẫn thường xuyên qua lại trần thế để thăm nom, phù hộ cho con cháu, đây là cơ sở hình thành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên”.1 Do đó, vào ngày mồng một, ngày rằm, ngày giỗ hay lễ tết, người Việt đều tưởng nhớ đến tổ tiên. 

 

Phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt - Huỳnh Thạch Hà

Đặc biệt, trong những ngày tết thì không gia đình nào lại không bày biện lễ lạt để dâng cúng tổ tiên, mời tổ tiên về hưởng tết. Bởi vậy ở nhiều địa phương, sau khi sắm sửa tết xong, người ta có tục đi viếng mộ, đắp lại mộ phần, thắp hương khấn mời hương hồn người quá cố về hưởng tết với gia đình mình. Vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu nhận định rằng, thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng mang ý nghĩa hướng về nguồn cội, là dịp nhìn về quá khứ, thể hiện lòng thành kính của những người đang sống đối với những người thân đã khuất.

2. Tổ tiên theo nghĩa hẹp là những người cùng huyết thống như cha, mẹ, ông, bà, cụ, kỵ,... Theo nghĩa rộng thì, tổ tiên cũng là những người có công tạo dựng nên cuộc sống hiện tại như các vị thần Thành Hoàng làng, các vị tổ nghề. Rộng hơn nữa, tổ tiên còn là những người có công bảo vệ làng xóm, quê hương, đất nước khỏi nạn ngoại xâm. Đặc biệt, tổ tiên trong tín ngưỡng của người Việt còn là mẹ Âu Cơ, là vua Hùng. Do đó, thông qua việc thờ cúng nhằm xác lập mối liên hệ giữa người sống với người chết, giữa con người ở thế giới hiện tại với thế giới tâm linh. Những quan niệm này đã góp phần hình thành nên nền văn hóa Việt.

Người Việt luôn tin rằng, những người đã khuất vẫn ở bên cạnh những người đang sống, nên mỗi khi có việc hệ trọng, người ta đều thắp hương báo với tổ tiên, chẳng hạn cưới hỏi, chuẩn bị làm nhà, thi cử… để được ông bà chở che, phù hộ. Lễ vật dùng để dâng cúng tổ tiên tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình, tuy nhiên, hầu như gia đình nào dù khó khăn đến mấy cũng cố gắng thu vén để dâng lên tổ tiên những gì tốt nhất. Học giả Phan Kế Bính cho biết: “Mỗi tuần tiết, hoặc một ngày kỵ, hoặc mùa có của mới, gạo mới, hoặc khi có việc hiếu hỉ, việc to việc nhỏ, nhà kiệm nhà phong, hoặc bò lợn dê gà, hoặc làm vài mâm cỗ, hoặc dùng đồ hoa quả bánh trái, hoặc thủ lợn mâm xôi, hoặc bát cơm cái trứng, con cá bát canh, tùy thế nào cho tiện thì thôi. Nhưng thế nào cũng phải có cơi trầu, bát nước lã, một hũ rượu mới thành lễ”.2 Chính vì vậy, việc thờ cúng tổ tiên giúp cho con người không quên cội nguồn, mà luôn phải nghĩ về trách nhiệm của mình đối với người khác, làm cho người ta biết sợ, biết tôn kính. Mình là con cháu, phải làm sao để không hổ danh với ông bà, không làm điều gì xấu ảnh hưởng đến dòng họ, đến những người đã khuất.

Sự hiện diện của tổ tiên trong mỗi gia đình được thừa nhận như một sự kiện hết sức hiển nhiên. Có người cho rằng, việc tin tưởng người chết vẫn sống vô hình bên cạnh người sống là điều tự nhiên thông thường. Mối tin tưởng này không xuất phát từ một hành vi đức tin, từ nhu cầu hi vọng hoặc nhu cầu giải thích bí nhiệm sự sống; đây cũng không phải là một xác tín khó lý giải, mà là một điều xác thực buộc họ phải công nhận với sự hiển nhiên như của các thực tại hữu hình và khả giác,… Người ta tin rằng, những người đã khuất vẫn sống bên cạnh những người sống, như tin vào ánh sáng mặt trời hay vào trọng lượng của chì vậy”.3

Trong gia đình, tổ tiên được thờ trên một bàn thờ riêng, thường được đặt ở vị trí trung tâm và cao nhất trong nhà. Điều này không chỉ để tránh sự va chạm mà còn tránh gió, bụi bặm và côn trùng. Những gia đình nghèo khó, dù những đồ đạc trong nhà đơn sơ, nhưng người ta vẫn gói ghém để làm bàn thờ bằng gỗ, đặt ở gian giữa, bên trong có bát hương nhỏ. Những nhà có kinh tế khá hơn thì bàn thờ cầu kỳ hơn, có nhà còn dùng mặt tủ làm bàn thờ hoặc đóng cái giá gắn lên vách hay tường nhà. Cho dù bàn thờ có được thiết kế ra sao đi nữa thì điều quan trọng nó luôn phải ở vị trí trang trọng, có độ cao thích hợp để khi cúng mọi người tỏ rõ được sự ngưỡng vọng thành kính của mình với tổ tiên. Trên bàn thờ có thể có khám, ngai hay đặt bài vị được chạm khắc cầu kỳ và sơn thếp cẩn thận. Trước bài vị có một hương án. Trên hương án, chính giữa là một bát hương để cắm hương khi cúng lễ. Bát hương được chăm nom cẩn thận và không được xê dịch. Hai bên bát hương là hai cây đèn được làm bằng đất nung, gốm sứ, đồng hoặc đơn giản chỉ là hai cây nến (ngày nay người ta thay bằng hai cây đèn điện). Phía trước bát hương có thêm lư hoặc đỉnh bằng đồng để đốt trầm. Bàn thờ được xem là nơi thiêng liêng nhất trong nhà nên người ta không để các thứ lặt vặt, các vật dụng thường ngày trong sinh hoạt lên mà lúc nào cũng phải giữ bàn thờ và đồ thờ được sạch sẽ, uy nghiêm. Và bất cứ trong hoàn cảnh nào, dù túng thiếu đến mấy người ta cũng không đem cầm cố hay bán đồ thờ tự.

Việc lau dọn sạch sẽ bàn thờ là công việc cần làm trước mỗi lần có lễ lạt. Chổi quét hoặc khăn lau bàn thờ thường được dùng riêng và phải thật sạch sẽ. Nước lau bàn thờ thường được dùng từ nguồn nước sạch, có gia đình còn dùng nước mưa, thậm chí nước nấu từ lá trầu, lá bồ đề để lau. Những ngày gần tết, gia đình nào cũng bận bịu, tất bật dọn dẹp và chuẩn bị sắm sửa đồ thờ. Từ việc đánh sáng lại bộ lư đồng đến quét dọn bàn thờ, lau chùi khung ảnh, thay bát hương (nhang)... đều thể hiện cho nhu cầu giao hòa, gắn kết mật thiết giữa thế giới hiện tại và thế giới tâm linh. Điều đó cho thấy, không gian thờ tự ông bà, tổ tiên là không gian thiêng liêng trong gia đình, là nơi lưu giữ nhiều tình cảm giữa các thế hệ, cho nên việc giữ gìn bàn thờ luôn sạch sẽ, mát mẻ không chỉ thể hiện sự chăm sóc và tôn kính của con cháu đối với ông bà, tổ tiên mà còn là sự chăm sóc đến cái tôi tâm linh ở mỗi con người.

Vào những ngày gần tết, những người phụ nữ trong nhà thì tất bật lo việc bếp núc, nấu nướng và dọn dẹp nhà cửa vì nó đòi hỏi tính cẩn thận, tỉ mỉ. Song việc trưng bày bàn thờ ngày tết lại được dành cho nam giới trong gia đình, không phải vì việc ấy nặng nhọc mà vì ngày xưa dân ta quan niệm rằng đàn ông thì “sạch sẽ” hơn, đồng thời họ là người trụ cột và là chủ gia đình, phải đại diện chăm lo nơi cư ngụ của tổ tiên để tỏ lòng hiếu kính. Đó là cách nhìn từ văn hóa truyền thống xưa kia. Ngày nay, việc bày biện hay thắp hương trên bàn thờ không phân biệt nam nữ, tuổi tác. Tuy nhiên, để giữ nếp xưa, mọi nhà vẫn mời người lớn tuổi nhất khấn và thắp hương cho ông, bà tổ tiên trong những ngày quan trọng như: tất niên, đêm giao thừa, mừng năm mới, cúng tiễn...

Ngày tết, con cháu khấn mời tổ tiên ông bà về ăn tết với gia đình, tạo nên một không khí thiêng liêng, đầm ấm. Khoảng sáng 30 tết, việc bày biện bàn thờ ngày tết phải được hoàn tất. Trong ba ngày tết, trên bàn thờ luôn có sự hiện diện của tổ tiên. Học giả Léopold Cadière trong công trình nghiên cứu Về văn hóa và tín ngưỡng truyền thống người Việt cho biết: “Ngoài các ngày giỗ, tổ tiên còn hiện diện một cách minh nhiên hơn, đậm đà hơn trong các ngày đầu năm. Vào khoảng nửa đêm trừ tịch, giữa bao tiếng pháo, người ta đi “rước ông bà” theo cách nói bình dân, và ông bà về ngự trong nhà, người ta dâng rất nhiều đồ cúng. Ngày mồng ba hoặc ngày mồng bảy năm mới, người ta “đưa ông bà” và ông bà trở lại tình trạng hiện diện êm ả nhưng không kém phần đích thực như số phận thông thường của mình”.4

Để cho hương khói trên bàn thờ khỏi bị tắt, từ chiều 30 tết, người ta thường dùng hương vòng hoặc hương sào để thắp. Hương vòng là một cuộn hương hình tròn, thắp được suốt đêm tới sáng, còn hương sào là một cây hương thật to, có thể thắp được suốt ngày đêm mới hết. Những ngày này, con cháu đều dâng lễ, thờ cúng tổ tiên rất chu đáo. Lễ vật dâng cúng thường là vài bộ quần áo, giày dép, giấy tiền vàng mã cho các cụ, một vài cái ly nhỏ và một bình trà; mâm ngũ quả lớn đặt ở trung tâm bàn thờ, một bình hoa lớn và một chai rượu ngon. Xung quanh, có bày thêm bánh mứt cho cân đối và đẹp mắt. Hoa để thờ có nhiều loại, hoa tươi thường là hoa cúc, hoa huệ trắng, hoa mai, hoa đào hoặc hoa làm bằng giấy bạc (một bạc, một vàng biểu tượng cho một âm một dương, âm dương giao hòa). Về mâm ngũ quả ngày tết thì ở mỗi vùng miền có những cách riêng và thường có đủ 5 loại quả có màu sắc khác nhau. Người Việt quan niệm thế giới vạn vật được tạo nên bởi 5 yếu tố: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ ứng với năm màu: đen, xanh, trắng, đỏ, vàng. Kim là kim loại, mộc là gỗ, thủy là nước, hỏa là lửa, thổ là đất và được bày biện rất công phu theo vị trí cụ thể. Màu xanh thuộc về hành mộc là nải chuối màu xanh ôm gọn lấy quả bưởi có màu vàng tượng trưng cho hành thổ ở giữa trung tâm. Màu đỏ thuộc hành hỏa là quả hồng chín mọng hoặc quả quýt bày xung quanh. Màu trắng thuộc hành thủy, như quả lê, quả táo. Màu đen thuộc hành kim như quả nho. Mâm ngũ quả tượng trưng cho quan niệm ngũ hành đã đi sâu vào nếp nghĩ và trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Người Nam Bộ có cách đọc trại âm hay đơn tiết hóa một số từ, ví dụ chỉ tên trái mãng cầu thì gọi đơn tiết hóa là Cầu (mãng cầu: thỏa mãn trong sự cầu xin) - Sung (sung: chỉ sự sung túc, sung mãn) - Vừa (đọc chệch âm của dừa: quả dừa) - Đủ (đơn tiết hóa của đu đủ) và xài (là cách đọc chệch âm của tên quả xoài). Còn người miền Bắc hướng đến ý nghĩa biểu trưng nhiều hơn, quả phật thủ hay nải chuối như bàn tay che chở của đức Phật cho tất cả mọi người; quả bưởi, dưa hấu thể hiện cho sự đầy đặn, trọn vẹn căng đầy sức sống; màu sắc thắm tươi của quýt, hồng tượng trưng cho sự may mắn, phồn thịnh cát tường.

Đặc biệt, mâm cơm cúng tổ tiên trong ngày tết được tổ chức nấu nướng và bày biện khá công phu. Tùy từng hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình mà các mâm cỗ cúng lớn nhỏ khác nhau, nhưng tựu trung đầy đủ 4 món cơ bản là: bánh chưng, thịt heo, dưa hành và cơm trắng. Món bánh chưng tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài và con người mỗi năm một tuổi. Thịt heo chế biến thuộc về âm, dưa hành thuộc về dương, âm dương hài hòa tượng trưng cho sự phát triển. Cơm trắng là lương thực hàng ngày, nên trong mâm cỗ có nếp, có tẻ cũng như có âm có dương đầy đủ lẽ sinh sôi. Bát nước chấm đặt giữa mâm hình tròn với 4 bát cơm đặt 4 góc mâm, tượng trưng cho trời đất vũ trụ, mà con người dù ở cõi âm hay dương đều có cuộc sống trong đó.

Tết Nguyên đán thường tổ chức 4 ngày và lễ cúng gia tiên cũng được trình tự cúng trong 4 ngày với những ý nghĩa khác nhau. Chiều 30 tết có lễ cúng tất niên, tức là cúng trình với ông bà, tổ tiên năm cũ đã hết, mời ông bà, tổ tiên về ăn tết. Đêm 30, người ta không cúng tổ tiên nữa mà chỉ cúng giao thừa, thời điểm chuyển tiếp năm cũ sang năm mới. Sáng mùng 1 tết là cúng Nguyên đán, nghĩa là cúng sáng sớm của một ngày đầu năm. Chiều mùng 1 tết cúng Tịch điện, tức là cúng cơm chiều. Ngày mùng 2 tết có 2 lễ cúng, buổi sáng cúng mời tổ tiên gọi là Chiêu điện, buổi chiều cúng Tịch điện. Ngày mùng 3 là ngày cuối của tết nên cúng tạ Ông vải, với ý nghĩa 4 ngày tết đã đầy đủ và người ta hóa vàng.

Trong những ngày Tết Nguyên đán, người con trưởng đại diện cho các thành viên trong gia tộc, khăn áo chỉnh tề, thắp đèn, hương rồi lễ 4 lễ, 2 vái trước ban thờ, khấn từ vị tổ từ 5 đời trở xuống đến cha mẹ. Bài văn khấn thường bao hàm đầy đủ nội dung về quốc hiệu, dân tộc, rồi đến năm, tháng và ngày âm lịch theo phong tục truyền thống. Sau khi gia trưởng khấn lễ xong, mọi người trong gia đình ra thắp hương rồi chờ cho tàn một tuần hương, tức là những nén hương thắp lên cháy quá 2/3 thì người gia trưởng tới trước ban thờ tạ lễ và hạ cỗ xuống. Mọi người trong gia đình quây quần bên nhau hưởng lộc của tổ tiên và chúc nhau một năm mới vạn sự tốt lành.

3. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên rất quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt, là nét văn hóa đầy tính nhân văn của dân tộc ta. Trải qua hàng ngàn năm tồn tại, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là cái còn lại trong khi nhiều giá trị văn hóa đang mất dần đi. Đó là một trong những nhân tố góp phần quan trọng để bảo tồn và duy trì văn hóa truyền thống, và là nét đẹp không thể thiếu mỗi dịp tết đến xuân về.

H.T.H.

CHÚ THÍCH

 1 Khai Đăng, Tản mạn về tín ngưỡng và phong tục tập quán của người Việt, (Hà Nội: Văn hóa Thông tin, 2009), 44.

2 Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, (Thành phố Hồ Chí Minh: Thành phố Hồ Chí Minh, 1999), 20.

3, 4 Léopold Cadière, Về văn hóa và tín ngưỡng truyền thống người Việt, (Hà Nội: Văn hóa Thông tin, 2009), 45, 44.