BÀI CHÒI - Nghiên cứu của TRẦN HỒNG

05.10.2012

Ngày xưa, cứ đến Tết Nguyên đán người ta thường tổ chức các hội vui chơi nào là đua ghe, đá gà, hội vật, đấu võ, hát sắc bùa, hát bội, đánh Bài Chòi...

Đánh Bài Chòi là trò diễn xướng dân gian rất thịnh hành ở Miền Trung từ những năm đầu thập kỷ 20 cho đến sau những năm kháng chiến chống Pháp, ở các vùng tự do còn tổ chức. Hát Bài Chòi, Nói Vè, Hô Lô Tô, Hát Dân ca được đưa vào các chương trình văn nghệ quần chúng để động viên, tuyên truyền các chính sách của Đảng rất đắc lực.

BÀI CHÒI - Nghiên cứu của TRẦN HỒNG

Bài Chòi là một sản phẩm văn hóa rất độc đáo của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và đến Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai cho đến nay. Bài Chòi vẫn tồn tại mạnh mẽ, sâu rộng trong làng xã khắp nơi trong tỉnh Bình Định.

Bài Chòi ra đời vào lúc nào, ở đâu? Đã có nhiều người sưu tầm, nghiên cứu, tìm tư liệu để xác nhận nguồn gốc Bài Chòi, nhưng đều là giả định và ước đoán, chưa có cơ sở khoa học.

Ông Phan Đình Lang, tức Bốn Trang, còn gọi là Bốn Que, sinh năm 1910, ở xã Nhơn Thành, An Nhơn, Bình Định đã nói rằng hồi còn nhỏ ông đã nghe ông nội và bà con kể là Bài Chòi do ông Đào Duy Từ (1571 - 1634) ở ngoài Bắc vào Bình Định khai khẩn đất hoang, sinh cơ lập nghiệp, xây làng lập ấp. Ông còn lập gánh hát Bội, dạy hát, múa Tuồng, vui trong các ngày lễ, ngày Tết và bày ra chơi Bài Chòi. Từ việc làm các chòi giữ hoa màu khỏi bị heo, nai, thú rừng ăn phá, khi có thú về họ gõ mõ, gõ các dụng cụ để xua đuổi, các chòi làm gần nhau để hỗ trợ, canh gác, họ căng dây nối vào 2 ống tre, có bịt da ếch, nói vào ống, người phía đầu ống ở chòi bên kia để tai vào ống nghe được, "Hát ống" có từ đó, ông Đào Duy Từ mới sáng kiến bày ra trò chơi Bài Chòi trong các ngày Tết.

Theo lời dẫn của nhạc sĩ La Nhiên (trong "Quê hương điệu hát Bài Chòi, Sài Gòn" 1974) có nhà Âm nhạc học người Pháp tên là G.L.Bouvier đã đến Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX để nghiên cứu về các thể loại âm nhạc ở nước ta, ông Bouvier cho rằng: "Bài Chòi được hình thành và phát triển sau những năm 1470 Nam tiến, người Việt ra sức khẩn hoang từ vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cho tới Bình Thuận, đặc biệt đã thành công trong việc xây dựng kinh tế, văn hóa và đời sống vùng châu thổ ở Bình Định và Phú Yên rất phì nhiêu. Trong số đó, có nhiều người từ nhiều địa phương có truyền thống văn hóa lâu đời, phong phú và đa dạng, có điều kiện kết hợp nhanh chóng với nền văn hóa dân gian của địa phương, một số làn điệu dân ca, Hò, Lý, Hò chèo thuyền, Hò giã gạo, Hò đi cấy... còn giữ được bản sắc ban đầu, đồng thời phát triển, sáng tạo ra các làn điệu mới."

Tại những vùng mới khai hoang, nhà ở tạm bợ, họ dựng các nhà chòi để canh giữ, chống thú vật, ăn phá rẫy nương, hoa màu. Các chòi cao để chống lũ lụt và khi chuyển vùng canh tác, tháo dỡ được nhanh chóng.

Khảo sát về tập quán người Việt xưa ở vùng Trung du, miền núi, hai ông P. Huard và M. Durand, các nhà nghiên cứu âm nhạc học người Pháp đã mô tả: "Thôn dân ngủ đêm trên Chòi để canh heo rừng và thú dữ ra phá hoại hoa màu. Trên một chòi cao của mỗi rẫy, họ làm liên hoàn các rẫy và có nhiều chòi quanh nhau, khi có thú rừng về, các chòi đều đánh mõ, khua phèng la và xua đuổi vang động khắp vùng để hỗ trợ cho nhau. Những đêm thanh vắng họ nghĩ ra các trò chơi, hát ống để giải trí và tâm tình với nhau từ chòi này qua chòi kia. Từ đó họ sáng tạo ra Hô Bài Chòi, "Đánh Bài Chòi" được hình thành. Qua một thời gian dài Bài Chòi đã trở thành một nhu cầu giải trí lành mạnh trong kho tàng Văn nghệ dân gian Miền Trung". (Ca dao, dân ca Phú Yên 1994).

Cụ Phan Đình Long có truyền thuyết Hội Bài Chòi từ việc dựng Chòi cao để khua mõ đuổi thú rừng canh giữ hoa màu. Ông G.L. Bouvier, ông P. Huard, ông M. Durand là những nhà nghiên cứu âm nhạc học người Pháp, các ông này đã đến Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX để nghiên cứu về các thể loại âm nhạc ở nước ta, đã dành một chương dài có tên là La chanson Populaire de L"Anam (trong quyển La Rousse Musicale - Paris 1928) để nói về nguồn gốc Bài Chòi cho rằng: "Bài Chòi được hình thành và phát triển sau những năm Nam tiến, tức là sau năm 1470, các ông này cũng nói Bài Chòi phát xuất từ các chòi giữ thú rừng, các trò chơi giải trí trên chòi, rồi bày ra Hội Bài Chòi". (Ca dao, dân ca Phú Yên, 1994).

"G.L.Bôviơ, một học giả, người Ba Lan gốc Pháp từng có mặt trong nhóm nghiên cứu văn hóa Phương Đông của Bồ Đào Nha, Italia đến Việt Nam từ trước đại chiến thế giới lần thứ nhất. Năm 1902, Bôviơ hoàn thành tập sách: về Hát Bài Chòi (Voici quelques pièces Hat Bai choi tireés du Phong trao Can Vuong). Mới đây trong khi tìm hiểu về nghệ thuật Hát Bài chòi, tôi tìm được một vài trang trong tập sách trên và xin giới thiệu với bạn đọc.

Hát Bài chòi, theo Bôviơ xuất hiện ở những tụ dân cư vùng rừng núi xa xôi. Tại những nơi này, từ việc xây cất nhà cửa đến việc làm ruộng, làm rẫy, săn thú... đều dựa theo kinh nghiệm lâu đời của người địa phương. Theo đó, nhà được dựng lên bằng hình thức "dã chiến", có thể tháo - gỡ - lắp ráp dễ dàng mỗi khi cần chuyển vùng canh tác (du canh - du cư). Nhà càng gần rừng núi, gần dã thú càng cất thu hẹp lại và càng cao hơn ở phần chân trụ (dạng nhà sàn - ngày nay vẫn còn). Dựa vào phương tiện nhà ở và nhà chòi giữ rẫy sẵn có, người ta bày ra trò chơi. Giải trí là chủ yếu, nhưng để "sát phạt - hơn thua" nhau cũng thường xảy ra. Trò chơi này về sau người ta quen gọi là "đánh Bài chòi".

Muốn trò chơi kiểu này được tập trung hơn, mỹ quan hơn... dần dần người ta chọn những nơi có nhiều nhà san sát nhau để tổ chức "đánh bài chòi" với nhau trong những dịp hội hè, tết nhất. Hình thức "đánh bài chòi" giai đoạn sơ khởi chỉ có thế. Sau đó không lâu được hoàn chỉnh dần dần, trở thành trò chơi dân gian không bao giờ thiếu vắng trong thôn xóm vào những ngày vui được mùa hoặc những lần đình đám khác...

Nếu trò chơi "đánh bài chòi" chỉ có hình thức dựng lên một số "nhà chòi" và bắt buộc người dự cuộc phải trèo lên "chòi" ngồi đợt kết quả mỗi ván bài (có khi phải chờ hàng giờ) thì không có gì gọi là hấp dẫn cả, do đó người ta đã dùng ca dao, câu vè, câu thơ thích hợp và chọn người có giọng đọc quyến rũ, đọc lên những câu đó trong những lúc cần chờ đợi kết quả ván bài. Thế rồi thói quen này vô tình tạo ra cho người đọc thơ, đọc vè... vốn có sẵn giọng ngân nga tốt từ bẩm sinh ấy trở thành chuyên nghiệp. Cứ như thế theo năm tháng, càng lâu càng biến đổi, hoàn chỉnh dần... biến thành thể điệu hò hát riêng.

Về sau, càng có nhiều ca dao, câu vè, câu thơ được lượm lặt, sưu tầm, rộng rãi hơn dành cho những dịp cạnh tranh tổ chức giữa các nhóm hò hát bài chòi với nhau. Trong sự cạnh tranh nghề nghiệp đó "hát bài chòi" có lúc đã trở thành "diễn đàn văn nghệ" có tác dụng phê phán những thói hư tật xấu, ca ngợi những nét đẹp, cái hay trong xã hội lúc bấy giờ. Họ làm được việc ấy dù ngẫu nhiên, song đối với các vị khoa bảng, những nhà yêu nước trong lớp người đi khai hoang - lập ấp... đã chú ý và triển khai để... đưa tác phẩm văn học đại chúng của mình vào "lợi thế" diễn đàn này. Cho tới giai đoạn hát bài chòi đã được rất nhiều người yêu chuộng, kể cả các nhân vật quý tộc, nó không còn đơn độc với giọng hò trước đó chỉ có phần đệm bằng "bộ gõ" đơn giản (đệm bằng cặp sanh - Sanh là 2 thanh gỗ chuốt tròn giống như 2 con găng cỡ lớn) mà còn có cả đàn nhị (đàn cò) và kèn lưỡi tre. Kèn này có lần người Pháp đã gọi đùa bằng tên một loại kèn xưa nhất của xứ Ả Rập (Cotarisiplet) (phát âm qua lưỡi gà, tương tự như chiếc Ascsê của Clarinét ngày nay). Phần nhạc đệm tất nhiên có trống tum (trống con) và xụp xòa làm nòng cốt.

Viết đến đoạn này, G.L. Bôviơ bỗng quay sang câu chuyện tương tự xảy ra trong nền dân ca Angêri. Ở đất nước nhỏ bé đó cũng có một thể loại dân ca xuất xứ từ một trò chơi kiểu như "đánh bài chòi" của Việt Nam. Nếu có khác, chỉ khác ở chỗ họ dùng những chiếc bàn con xếp vòng quanh một chiếc bàn lớn, thay vì ở Việt Nam dựng lên những chiếc chòi.

Điểm giống nhất giữa hai trò chơi của hai nước này là đều dùng "hệ chu kỳ 12 con giáp" (cycle Décimal + Cycle Doudécimal) vào trong danh sách những con bài Xuyên qua sự mô tả trên để rồi Bôviơ quả quyết cho rằng, lối chơi bài có mang tên ghép của mỗi con bài lấy từ hệ chu kỳ trên là lối chơi du nhập từ Đông Dương hay nói chính xác hơn đó là lối chơi của người dân xưa kia tại vùng phía nam Việt Nam - nơi có những cụm "nhà sàn" xinh xắn san sát nhau, tuần tự mọc lên phía bên mạn Bắc của dãy núi miền Panduranga... sau những năm đầu có phong trào Nam tiến của người Việt"[1].

Các truyền thuyết trên chưa biết thực hư ra sao? Nhưng xin trích dẫn ra đây, để nhằm giúp cho các nhà nghiên cứu tham khảo sau này.

Trong những ngày Tết Nguyên đán thường tổ chức các Hội Bài Chòi ở sân đình, những nơi có sân rộng, bãi chợ, những nơi tập hợp được nhiều người. Nơi đó người ta dựng lên chín cái chòi, có nơi mười một chòi. Chòi Trung ương ở giữa lớn hơn, chòi dựng thành hai hàng, có tên là chòi Càn, chòi Khảm, chòi Cấn, chòi Chấn xếp 1 hàng dọc, chòi Tốn, chòi Ly, chòi Khôn, chòi Đoài xếp 1 hàng dọc, theo "Bát Quái đồ": Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Còn loại dựng 11 chòi, chòi Trung ương ở giữa, xếp mỗi hàng 5 chòi hai bên, có tên là chòi Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu 1 hàng, chòi Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý 1 hàng theo "Thập can". Cách dựng chòi như sau:

Chòi Trung ương lớn gấp đôi chòi con. Chòi Trung ương dành cho gia đình các vị chức sắc có thể ngồi được 5, 6 người. Chòi con chỉ ngồi 2, 3 người mà thôi. Nhà Hội làm ở đầu sân, rộng lớn có phản to, bàn ghế, để trà nước, quà thưởng, bánh trái, rượu... Các vị chức sắc trong làng, Tổng và Ban tổ chức hội họp, nghỉ ngơi trong nhà Hội. Xung quanh chòi Trung ương và nhà Hội có cắm cờ đuôi nheo và giăng cờ tam giác đủ màu sắc, trước nhà Hội cắm 1 cây nêu bằng 1 cây tre nhỏ, trảy hết mắt cành, chỉ để lá ở đầu ngọn, 1 lá cờ làng vuông to được treo nghiêng ở đầu cây nêu, ở mỗi chòi con có đặt một khúc chuối nhỏ để khi nào tới 1 con bài, anh Hiệu dâng lá cờ nhỏ hình tam giác cắm vào đó, khi cắm 2 cây cờ là chờ "Tới" con bài thứ 3, anh Hiệu nghe tiếng mõ giục thì đem quà thưởng và cờ tới dâng lên đủ 3 cây cờ. Chòi dựng bằng 4 cây tre, khi trảy mắt còn chừa mỗi mắt 1 đoạn để làm thang trèo lên chòi. Chòi cao bằng nhau, độ 2 mét, có giường tre, lợp 2 mái bằng rạ, hoặc tranh, ba bên che kín, phía trước để trống. Cột chòi có đục thành mõ để gõ ở 2 cột gần chỗ ngồi. Một khoảng đất rộng ở giữa có cắm 1 cây tre có ống đựng con bài, con bài dán vào thẻ tre, 1 đầu dẹp 1 đầu tròn như chiếc đũa bếp, anh Hiệu lúc lắc, rung xóc cho các con bài xáo trộn trước khi rút con bài ra. Dựng 9 chòi thì có 27 cặp bài, chia ra 2 ống. Anh Hiệu đứng chính giữa bắt đầu diễn xướng, có đờn nhị, kèn, nhịp phách đệm, gọi là "Hô thai", hoặc "Hô bài chòi".

Anh Hiệu là người hát hay, có tài ứng khẩu linh hoạt, có khả năng làm trò duyên dáng, hài hước, nhanh nhẹn. Anh Hiệu là người chia bài cho các chòi, mỗi chòi 3 con bài dán trên thẻ tre, xong rồi rung, xóc các bài tỳ trong ống ra và hô tên từng con bài, để các chòi nào có con bài đó thì gõ mõ, anh Hiệu liền hô: "Vâng lịnh làng lãnh lấy khay tiền. Hiệu khẩn cấp dâng cờ đệ nhất". Anh Hiệu bưng khay tiền và cờ giao cho chòi có gõ mõ. Chòi nào trúng được 3 con là "Tới". Hết 1 hiệp, anh Hiệu thu các con bài về, xáo trộn 1 hồi rồi đem chia cho các chòi và tiếp tục rung xóc ống bài tỳ, hô lên, cho đến khi nào có chòi trúng 3 con đã "Tới" hiệp 2, và cứ như thế các chòi chơi hết 7 hiệp là hết 1 Hội, khi nộp tiền chơi 1 hội là 9 chòi, nhưng chơi 7 hiệp, còn 2 hiệp để lại cho làng dùng mua quà thưởng cho 7 hiệp đã chơi. Xong 1 hội, ai tiếp tục chơi thì nộp tiền và cho các người mới đến nộp tiền để chơi.

Mỗi buổi chơi liên tục được 10 Hội, người chơi và người đến dự chung vui rất đông. Họ lắng nghe các con bài do anh Hiệu hô có sẵn hoặc kiến tại để khen và tán thưởng câu thai này. Hội Bài Chòi ngày Tết thu hút từ trẻ em đến các ông cụ bà cụ trong làng, các cô các cậu thanh niên, các bà lão miệng nhai trầu móm mém, tất cả ai nấy đều xúng xính trong bộ quần áo mới, đẹp nhất tụ hội xung quanh sân hội Bài Chòi. Ai cũng muốn chơi 1 Hội đầu năm, xem vận hên, may đầu năm ra sao, nên đều nô nức đến tham gia chơi Bài Chòi một cách tự nguyện và say mê. Có những gia đình liên tiếp gõ mõ, chòi được may "tới" liền mấy Hội, cờ cắm đỏ cả chòi, có những chòi chỉ được 2 con, chờ con thứ 3 mỏi cả tai mà không "tới". Chính sự hồi hộp, chờ đợi con bài thứ 3 đó rất hấp dẫn kể cả người đang chơi và người đến tham dự.

Chơi Bài Chòi ngày Tết là thú vui Xuân, nhưng còn có ý nghĩa thử đầu năm vận mệnh có được "hên" không, để phấn khởi làm ăn trong năm tới được phát đạt hay không? Anh Hiệu là người quản trò, làm cho cuộc chơi luôn luôn sôi động và hấp dẫn. Câu hô gọi là "Hô Thai" hay "Thai Bài Chòi" - Chữ "Thai" là đố. Do đó câu hô thường là nôm na bằng thơ lục bát, bóng bẩy, ẩn chứa nội dung con bài 1 cách lắt léo để người nghe phỏng đoán là con bài gì?

Huớ mà huơ...

Chầu rày đã có trăng non

Để anh lên xuống có con em bồng.

(Con bài Bát bồng)

Mỗi con bài đều có hình vẽ khác nhau rất bình dân để vui chơi, giải trí. Người ta vẽ các hoàng tử, công chúa, thái tử, tướng... hoặc hình đồng tiền, con gà, hai người ôm nhau, hoặc những hình tròn, những nét lăng quăng, có con bài vẽ rất thô tục mang chất dân gian quê mùa mà hài hước. Mỗi con bài đều có tên và có câu "hô thai" con bài đó để người chơi bài đoán ra.

Ví dụ: - Một hai bậu nói rằng không

Dấu chân ai đứng bờ sông hai người?

(Tứ Cẳng)

Hoặc: - Lấy chồng từ thuở mười lăm

Chồng chê em nhỏ không nằm với em

Bây giờ mười tám đẹp xinh

Em ngủ dưới đất chồng rinh lên giường.

Một rằng thương, hai rằng thương, ba bốn cũng nói rằng thương

Huớ anh ơi! Thương chi hung rứa? Có bốn cẳng giường gãy 1 còn 3.

(Tứ cẳng)

- Đi đâu mang sách đi hoài

Cử nhân chẳng đậu, Tú Tài cũng không?

(Nhứt trò)

- Đầu rồng, đuôi phượng cánh tiên

Ngày năm bảy vợ, tối ngủ riêng một mình.

(Ba Gà)

- Nghèo mà làm bạn với giàu

Đứng lên ngồi xuống nó đau cái l...

(Bạch Huê)

- Vợ đôi chồng một ra gì

Mỗi người mỗi bụng ở thì sao nên.

(Ba Bụng)...

Khi các người chơi đã lên chòi, anh Hiệu đã chia bài cho 9 chòi xong, làng đánh một hồi trống chầu báo hiệu Hội Bài Chòi bắt đầu vào chơi hiệp thứ nhất, các chòi đều gõ mõ báo hiệu đã sẵn sàng. Anh Hiệu quần áo chỉnh tề bước ra chắp tay cung kính xin phép Hội chơi bắt đầu:

- Dạ dạ... chín chòi lẳng lặng mà nghe

Hoặc: Thập nhất chòi lẳng lặng mà nghe:

- Nay Hiệu tôi phát bài đã đủ

Đây tôi xin thủ bài tì

Ai có lá gì phải nghe cho rõ

Ai có lá đó, gõ mõ ba dùi

Đừng tới đừng lui để Hiệu tôi đem tới.

Anh Hiệu vừa hô vừa làm điệu bộ như múa chân tay, vuốt tóc và làm cho các người chơi bài ngồi ở các chòi phải theo dõi, hồi hộp, chờ đợi đến câu chót mới biết đó là con bài gì để gõ mõ.

- Huớ mà huơ! Một anh để em ra

Hai anh cũng để em ra

Em về em buôn em bán, trả nợ bánh tráng,

trả nợ bánh xèo. Còn thì em trả nợ thịt heo

Anh đừng cầm em nữa kẻo mang nghèo vì em!

Nghèo huớ là "Nhì Nghèo" (Con bài Nhì Nghèo)

Chòi nào có con bài Nhì Nghèo thì gõ 3 tiếng mõ, anh Hiệu cầm con bài tỳ Nhì Nghèo vội vàng đem đưa cho chòi có gõ mõ đó. Xong, anh trở lại vị trí của mình, cầm ống thẻ bài tỳ xóc 1 hồi rồi rút ra hô:

Huớ mà huơ!

Anh say chi say hủy, say hoài

Đã say quá chén còn nài uống thêm

Say sưa đôi mắt lim dim

Đường đi trơn trợt còn tìm thấy ai?

Huớ là con Ngũ Trợt! .v.v...

Điệu hô Bài Chòi ban đầu cũng rất đơn giản, dần dần anh Hiệu đã sáng tạo ra có giai điệu hay và hấp dẫn hơn, anh đã ứng tác những câu dài 4, 6 câu lục bát, rồi lên 10 hoặc 12 câu... Những câu có nội dung hấp dẫn, vui vẻ, hoặc có tính đả kích thói hư tật xấu trong xã hội, được người chơi hưởng ứng, tuy nói về những chuyện của làng xã, miễn sao đến câu cuối có chữ của con bài, hoặc nói bóng gió để người chơi đoán ra là được. Ví dụ:

1. Đi đâu mang sách đi hoài

Cử nhân chẳng có tú tài cũng không?

Huớ là con Nhứt Trò.

2. Huớ mà huơ... Lội suối trèo non

Tìm con chim nhỏ

Về treo trước ngõ

Nó gáy cúc cu

Huớ là con Chín Cu .v.v...

Bộ bài để đánh Bài Chòi chính là bộ bài "Tổ Tôm", có nơi gọi là "Bài Tới", hay "Bài Trùng" gồm 3 "Pho".

- Pho Văn: Các con bài có tên: Tráng Hai, Ba Bụng, Tú Tượng, Ngũ Rún, Sáu Miểng, Bảy Liễu, Tám Miểng, Chín Cu, Ông Ầm, Chín Gối.

- Pho Vạn: Nhứt Trò, Nhì Bí, Tam Quăng, Tứ Móc, Ngũ Trợt, Lục Trạng, Thất Vung, Bát Bồng, Cửu Chùa, Bạch Huê...

- Pho Sách: Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ba Gà, Tứ Sách, Ngũ Trưa, Sáu Hột, Bảy Thưa, Tám Dây, Cửu Điều, Tứ Cẳng.

Mỗi pho có 10 lá bài. Với hệ thống dựng 9 chòi chỉ có 27 cặp. Nếu chơi với hệ thống 11 chòi phải có 33 cặp, nên người ta thêm vào 3 lá. Ông Ầm đen, Cửu Điền đen và Tứ Cẳng đen. Ba con bài này trong bộ bài đều đỏ để dễ phân biệt.

Toàn bộ bộ bài có 30 con đều màu đen. Riêng 3 con Bài thêm là Ông Ầm đen- Cửu Điều đen, Tứ Cẳng đen- Để phân biệt với 30 con đen kia, người ta in 3 con này đều màu đỏ để không nhầm lẫn.

Hội chơi Bài Chòi trong các ngày Tết, có khi còn kéo dài thêm mấy ngày nữa mới thôi. Các anh Hiệu không còn nơi làm ăn, họ phải đi hát dạo ở những nơi tụ họp đông người, không có chòi thì họ trải chiếu ở sân đình, ngõ chợ để hát, ai hảo tâm cho tiền để họ sinh sống. Họ phải hát Bài Chòi bằng các bài lục bát dài có nội dung, cốt truyện quen thuộc như Ông Xã Bà Đội, Lâm Sanh, Xuân Nương, Phạm Công Cúc Hoa, bắt đầu có các nhân vật biểu diễn các vai trong truyện, có thay đổi quần áo cho phù hợp. Từ đó thành các tiết mục sân khấu Ca kịch. Họ tập họp thành "gánh" có ba bốn anh Hiệu nhập lại đi diễn quanh làng để kiếm kế sinh nhai. Các "gánh" Bài Chòi thường là một gia đình có vợ chồng, mẹ, cha, anh chị em cùng nhau, hoặc rủ thêm vài ba người bạn bè lập thành gánh với cái trống, vài cây đàn, cặp sanh là đi biểu diễn được. Đêm đêm, trên 3, 4 chiếc chiếu to trải ở sân nhà nào đó, với vài ngọn đèn dầu phụng hoặc dầu dừa, không có phông màn, họ chỉ mặc quần áo thường ngày mà biểu diễn, chỉ dùng cái khăn bịt đầu và cái nón lá, cái thắt lưng, thế mà họ đã đi biểu diễn khắp nơi, đến đâu họ cũng được nhân dân đón rước nồng nhiệt. Giai đoạn này gọi là Bài Chòi trải chiếu.

Nội dung là các bài chòi lẻ độc tấu, hoặc nam nữ đối đáp như hai vợ chồng, hay vài ba người thay nhau kể một câu chuyện có đầu, có đuôi như chuyện Lục Vân Tiên, Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn... Họ lấy từ cốt truyện đó mà sáng tác chỉ vài ba nhân vật nào đó, để diễn mà thôi. Tùy theo lực lượng và khả năng của "gánh" mà họ sáng tác có nhiều vai hay ít vai cho phù hợp. Từ lúc chỉ diễn trên tấm chiếu, hoặc dưới đất, lúc này họ đã diễn có cốt chuyện như một vở Ca kịch thật sự, khiến cho người xem càng ngày càng đông, không thể nào giữ được trật tự của buổi biểu diễn, nên họ phải mượn 3, 4 bộ phản rồi kê con ngựa và lót ván lên cao, như một sân khấu trống 4 mặt, để người xem khỏi chen lấn. Giai đoạn này gọi là "Bài Chòi từ đất lên giàn" (Sân Khấu).

Khi đã có sân khấu rồi, các "gánh" phải lo các khâu của đêm diễn, sao cho nó "bề thế" hơn khi còn diễn trải chiếu, thế là về nội dung phải có "vở kịch", họ ngồi lại với nhau và bàn bạc, kẻ thêm, người bớt về cốt chuyện, về câu hát, về nhân vật, sao cho ăn ý, rồi "liệu cơm gắp mắm", nhắm anh chị nào có giọng hát hay, có mặt mũi sáng sủa, có điệu bộ dễ nhìn mà sắp xếp vai để cùng nhau tập luyện. Các cô gái thì có kiềng vàng, bông tai, thêm cái xây thêu tua quanh cổ. Thắt lưng xanh, vàng, đầu bịt khăn, hay vắt vai tùy từng nhân vật mà ăn mặc cho phù hợp. Con trai thì khăn đóng, áo the, quần trắng, có thắt lưng điều, hay hoa lý, chân đi guốc hay giày hạ, tùy vai mà sắm sửa cho đúng. Về nhạc thì cái trống, cây đàn nhị, cặp song loan, thêm sáo, phèng la, có gánh còn có kèn nữa. Về ánh sáng thì dùng cái nắp vung đất đặt ngữa lên, đổ dầu phụng và 9, 10 cái bất thắp lên. Trước sân khấu và 2 bên có chừng 3, 4 cái đèn cũng đủ sáng, để xem mặt diễn viên. Đồng bào nghe rao bảng, từ trẻ con, đến trai, gái, ông bà già, ăn cơm tối xong, họ kéo nhau đến sân khấu Bài Chòi để xem; với giá vé 2 xu cho trẻ em, 3 xu cho người lớn. Có người hứng chí còn ném tiền thưởng lên sân khấu cho anh, chị nào sắm vai hát hay diễn giỏi, tiếng đàn, tiếng ca Bài Chòi vang lên trong đêm, mọi người say sưa thưởng thức tài nghệ của các vai diễn.

"Ở Bình Định vào những năm 1930, 1935 đến năm 1937, xuất hiện nhiều "gánh Bài Chòi" như gánh Ông Sáu Cóc, gánh vợ chồng Ông Trang, gánh vợ chồng anh Sinh ở An Thái, gánh vợ chồng chị Lợi ở Phước Nghĩa, gánh vợ chồng anh Dần ở Bồng Sơn, gánh vợ chồng anh Miệt lấy tên là "Long Vân", gánh anh Phạm Đình Chi lấy tên là "Ý Chung", gánh cụ Lang, cụ Hượt lấy tên là "Ý Đồng" rồi "Đồng Hòa"... Các nghệ nhân Hát Bài Chòi nổi tiếng ở Bình Định các năm ấy có ông Năm Oanh ở An Lương (Phù Mỹ), Thầy Ma Mại (Thầy Thủy), ông Chín Oanh ở Kiến Hàn (An Nhơn), ông xã Sáu Sơn ở Nhạn Tháp (An Nhơn), ông Trương Ân ở An Thái (An Nhơn), hiện nay còn một số nghệ nhân tham gia Câu lạc bộ Bài Chòi cổ của anh Phan Ngạn như nghệ nhân Lê Thị Đào (Minh Trung), nghệ nhân Trần Thị Xuân Mai, bà Nguyễn Thị Đức, bà Cao Thị Bĩnh (Hồng Lợi), các cụ đã ngoài 70 tuổi nhưng tiếng hát vẫn còn hay và thường xuyên đi biểu diễn khắp làng xã trong tỉnh". (Hoàng Lê)

Các gánh Bài Chòi hoạt động mạnh nhất cho đến ngày Cách Mạng Tháng Tám 1945. Trong những năm trước Cách mạng Tháng Tám, các gánh Hát Bội, Cải lương biểu diễn rất mạnh khắp mọi nơi. Các gánh Bài Chòi sinh sau đẻ muộn, nên phải tìm mọi cách để cạnh tranh, để kiếm sống và tồn tại bộ môn này. Các diễn viên Hát Bội, Cải lương và nhạc công của hai ngành này cũng tham gia biểu diễn Bài Chòi, do đó họ đưa một vài câu ca Cải lương, câu hát Tẩu, Hát Nam của Tuồng vào, khiến cho Bài Chòi có sự giao lưu và ảnh hưởng rất lớn trong Quan Công phục Huê Dung, có mở đầu bằng nói lối Tuồng và chen vào giữa bằng câu hát Nam, hát Khách. Nhạc còn chơi đệm các bản Kim Tiền, Ngũ Điểm, Khổng Minh tọa lầu, thêm một sắp Tây Thi, một lớp Xàng xê của Vọng cổ vào để câu khách. Sự vay mượn, giao lưu để câu khách có tính tự phát và tùy tiện, thiếu tính nghệ thuật đó, đã bị thời gian chọn lọc và loại bỏ. Cũng nhờ đó Bài Chòi mới có thêm điệu Hò Quảng, Điệu Cổ bản ảnh hưởng điệu Nam Xuân của Tuồng. Điệu Hò Quảng đã ảnh hưởng các bài bản Quảng của Cải lương rất đậm nét, nhưng đã bị "Bài Chòi hóa" bằng lời thơ lục bát nên khi hô lên ai cũng nói đó là Bài Chòi.

Sau Cách Mạng Tháng Tám, Bài Chòi phát triển mạnh để phục vụ nhân dân khắp các tỉnh từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... Các Đoàn Văn Công, các Đội Văn nghệ quần chúng trong chương trình biểu diễn đều có Hô Bài Chòi, Ca kịch Bài Chòi 1 màn, chen kẽ với Múa, Ca, nói thời sự, tuyên truyền giáo dục nhân dân với các nội dung "Học bình dân học vụ, đóng thuế nông nghiệp, đi Tòng quân, công tác địch vận, tăng gia sản xuất, đánh giặc giữ làng..., ca ngợi người tốt, đả kích thói hư tật xấu. Các đơn vị nghệ thuật đã hoạt động suốt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Liên Khu Năm, từ Thanh Thiếu niên, dân quân du kích, các mẹ chị, trong cơ quan, trường học, quân đội, anh chị em cán bộ làm công tác Văn hóa Văn nghệ, Tuyên truyền xung phong đều đã nghe có người còn thuộc các Bài Chòi: ca ngợi anh Bế Văn Đàn, chị Nguyễn Thị Chiên, anh Cù Chính Lan, em Đằng Anh Dũng, các vở Ca kịch Bài Chòi như: Giải phóng Kon Tum, giải phóng Man - Đen, Hạ đồn Tú Thủy, Tây cướp thịt heo, Bắn máy bay bà già, Thư em gái gởi anh bộ đội... Bài Chòi đã hoàn thành nhiệm vụ văn nghệ phục vụ chính trị, có công trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Liên Khu Năm một cách tự hào.

Sau ngày Hòa bình được lập lại, Đoàn Văn công Liên Khu Năm tập kết ra Bắc, đã được Trung ương Đảng, Bộ Văn hóa thành lập Đoàn Ca kịch Liên Khu Năm từ năm 1956 là thành viên đứng trong đại gia đình Sân khấu Việt Nam.

Ở Miền Nam, với truyền thống lấy Văn nghệ Dân gian, các điệu Hò, Vè, Bài Chòi, Dân ca để sáng tác tiết mục Văn nghệ phục vụ nhân dân và bộ đội đánh Mỹ - Ngụy cũng rất có hiệu quả, được Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng Trung Trung Bộ, Ban Tuyên huấn khu và các Tỉnh đã thành lập các Đoàn Văn Công giải phóng phục vụ ở chiến trường. Các Đoàn Văn Công giải phóng các Tỉnh Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đều có Đoàn Kịch dân ca Bài Chòi hoạt động suốt mấy chục năm chống Mỹ - Ngụy và khi Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam thống nhất. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các ngành Văn hóa nghệ thuật, Các Đoàn văn công được phát huy và bảo tồn vốn văn nghệ dân gian, đậm đà bản sắc dân tộc có khoa học hiện đại và tiến bộ không ngừng...

Chúng ta những người làm công tác nghệ thuật là các tác giả kịch bản, âm nhạc, đạo diễn, họa sĩ, biên đạo, nghiên cứu lý luận, các diễn viên, những người có trách nhiệm với nhiệt tình và am hiểu nghệ thuật "Ca kịch Bài Chòi" sẽ góp phần xây dựng sân khấu này càng phát triển và đơm hoa kết trái hơn nữa, xứng đáng với sự có mặt của một loại hình nghệ thuật mới trên Sân khấu Việt Nam.

(Trích từ tập sách "Âm nhạc kịch dân ca”-NXB Sân khấu 2003)

T.H


[1]Tạp chí Sân khấu Xuân Kỷ Tỵ - 1998 - Nguyễn Xuân Đà.