Ngõ xưa - truyện ngắn Hương Nghĩa

31.08.2012

Tùng đến nhà tôi đường đột, bệ vệ bởi cái bụng có phần quá cỡ nhưng không mất đi vẻ sang trọng.

- Thùy này! Tôi đã nói với các ông các bà cùng ngõ rồi. Sắp tới tôi cho mở rộng cái ngõ này ra, lát một con đường rộng rãi để ô tô có thể phóng thẳng vào nhà tôi, phải bồi thường cho các ông các bà ấy bao nhiêu tiền tôi sẽ lo chu đáo.
- Thế còn… ? Tôi mở to mắt ngỡ ngàng không phải vì bất ngờ trước quyết định của Tùng.

Ngõ xưa - truyện ngắn Hương Nghĩa

- Còn nhà Thùy phải không? Thùy chỉ cần cắt cho tôi lẻo đất sát mép giếng kia là được. Tiền nong khỏi lo. Ai chứ Thùy tôi sẽ trả cao gấp ba lần người khác.

- Không! Không… Tôi gần như thét lên bởi nỗi thấp thỏm trong lòng.

- Tôi muốn hỏi Tùng, mở rộng ngõ ra có nghĩa là cây bằng lăng đầu ngõ… Tôi hồi hộp e dè.

- Chặt, chặt hết, để làm gì cho ám. Người ta đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa từ nông thôn đến thành thị. Bây giờ hè phải thông, đường phải thoáng. Nhà cao tầng mọc lên như nấm. Sắp tới nông thôn hóa thành thị, có gì phải lăn tăn.

- Ám ư… Tôi lắp bắp. Tai tôi ù đi. Trong khoảng khắc, trước mắt tôi là một thằng Tùng đen nhẻm, cao lêu đêu tay cầm chùm hoa màu tím và tôi con bé Thùy gầy quắt queo với mái tóc đỏ quạch, còn kia nữa lũ trẻ con xóm tôi lốc nhốc đứa thấp, đứa cao, đứa gầy, đứa béo đang nhảy tâng tâng với cái bài vè đã khiến tôi bao lần phải khóc:

" Ve vẻ vè ve

Cái vè nó hát

Anh Tùng cũng tốt

Chị Thùy cũng xinh

Hai bên rập rình

Gia đình đồng ý

Đi xin chữ ký

Ủy ban không cho

Tùng bèn hét to

Không cho cũng lấy…”

Và lúc nào bị lũ trẻ hát vè tôi cũng khóc. Tôi khóc vì tức lũ trẻ chỉ là cái cớ mà khóc để cho Tùng phải dỗ, bởi mỗi lần tôi khóc Tùng lại lăng xăng chạy ra đầu ngõ, nơi có cây bằng lăng phủ đầy hoa rồi hái đền cho tôi một chùm thật đẹp. Cây bằng lăng ấy còn là nơi tôi và Tùng thường thơ thẩn đợi nhau đi học về vì tôi học buổi sáng, Tùng học buổi chiều. Khi tôi mười lăm tuổi và Tùng cũng đã ra dáng một chàng trai không còn gầy nhẳng nhơ như trước. Lũ trẻ con xóm tôi cũng đã lớn, bài vè ngày xưa không được chúng ngân lên nữa. Nhưng một hôm thoáng thấy bóng tôi với Tùng trước ngõ, chúng đồng thanh hét toáng lên " Anh Tùng yêu chị Thùy – Chị Thùy yêu anh Tùng” rồi hò nhau chạy. Mặt tôi đỏ bừng, trán Tùng lấm tấm mồ hôi. Không nói gì Tùng cầm tay tôi kéo ra phía cây bằng lăng rồi thoăn thoắt trèo lên để hỏi cho tôi một nhành hoa rực tím và hỏi :

- Sao Thùy không khóc?

- Để làm gì?

- Để Tùng dỗ.

Tôi bảo :

- Lớn rồi ai còn khóc.

- Tùng nhớ hồi xưa mỗi lần lũ trẻ hát vè về chúng mình Thùy lúc nào cũng khóc. Bây giờ chúng nó hét toáng lên : Tùng yêu Thùy… Sao Thùy… Hay là Tùngg yêu Thùy nhé. Tùng sẽ thể trước cây bằng lăng này.

Nói rồi Tùng ngẩng lên những tán bằng lăng phủ dầy nói đủ để tôi nghe :

- Tùng yêu Thùy. Lớn lên Tùng sẽ lấy Thùy.

Tôi ngỡ ngàng. Trái tim tuổi mười lăm của tôi đập rộn rã. Cứ thế tôi và Tùng lớn lên bằng những kỉ niệm từ cái ngõ nhỏ thân thương, từ những chùm hoa màu tím tưởng khó có thể phai mờ…

Thời gian trôi đi, tôi theo học trường sư phạm. Sau bao năm tình nguyện lên miền núi dạy học tôi có quyết định về dạy học tại quê nhà, còn Tùng hiện đang làm việc ở một thành phố lớn. Tôi và Tùng rất ít khi gặp nhau bởi giờ đây Tùng đã là con rể của một vị làm chức sắc gì đó to lắm. Nhà Tùng năm tầng ở mặt phố chính, nhìn chung Tùng rất giàu có. Lời thề năm xưa chỉ là trò chơi trẻ con mà tôi chẳng thể nào quên…

- Tôi chẳng thiết về quê để làm gì Thùy ạ! Nhưng ngặt một nỗi ông bà già " đi” rồi, tôi lại là con trưởng. Tôi thì tôi muốn bán quách cái nhà này đi nhưng mấy cụ " khốt” trong họ lại không chịu. Thật cổ hủ hết mức. Gia với phả… Tổ với tiên… Mệt quá đi mất.

Giọng Tùng xoang xoảng kéo tôi về thực tại. Tôi choáng váng trước những gì Tùng nói. Con người ta đổi thay nhanh chóng thật. Mới ngày nào Tùng còn hứa : " Mai này dù có đi đến đâu Tùng sẽ không bao giờ quên Thùy, quên cái ngõ nhỏ có cây bằng lăng tím đỏ…

Chiếc đài nhà ai vang lên câu hát "… Người ơi! Đành quên sao ngõ xưa rắc đầy hoa tím…” Tùng cười khẩy, điệu cười đầy khinh bạc:

- Đồ lãng mạn dở hơi. Thời buổi này…

Tôi biết Tùng định nói gì. Tùng nói thế mà đúng: Có khối kẻ được quê hương nuôi nấng lớn khôn, học hành thành đạt, có cuộc sống sung túc rồi thì đến gia đình, đến nơi chôn rau cắt rốn còn không muốn nhớ, nói gì đến cái ngõ nhỏ ngày xưa.

Tùng đi rồi lòng tôi trĩu nặng. Ngày mai tôi sẽ phải nói với các em học sinh thân yêu của tôi, những cô bé, cậu bé của cái làng quê nhỏ bé này hiểu được cái điều mà mỗi con người ai sinh ra cũng cần phải hiểu :

"… Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi…”

Và :

"… Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người...”

Đầu ngõ cây bằng lăng đang rung lên trong gió. Sắc hoa nhuộm tím cả khoảng trời.