Mái trường mến yêu - thơ Đặng Hiển

27.05.2016

Mái trường mến yêu - thơ Đặng Hiển

Với hơn 40 năm dạy văn ở trường Trung học phổ thông, nhà thơ, Nhà giáo ưu tú  Đặng Hiển vừa dạy học, vừa nghiên cứu văn học và sáng tác thơ, viết kịch. Khi rời bục giảng về nghỉ hưu, rời viên phấn trắng, bảng đen, ông lại miệt mài trên từng trang giấy, tiếp tục cho ra đời những sản phẩm văn hóa bổ ích giúp cho các bạn đồng nghiệp trẻ những kinh nghiệm quý của nghề dạy học và nghề viết văn. Đến nay, ông đã cho ra đời 3 tập truyện kí, 5 vở kịch, 6 tập lý luận phê bình văn học và nhiều tập thơ.

Trong các tác phẩm đó, thơ, đặc biệt là thơ về nhà giáo, về nghề dạy học, về học trò là phần sáng tạo chiếm vị trí quan trọng nhất trong cuộc đời tác giả. Chọn lọc từ 13 tập thơ đã ấn hành trước đó, ông tập hợp thành tập thơ mang tên “Mái trường mến yêu” do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành năm 2015 và Nhà xuất bản Hội Nhà văn tái bản năm 2016, gồm những bài thơ tâm huyết của một người thầy đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp “trồng người” gian nan mà cao quý.

Tập thơ gồm hơn 90 bài, đa dạng về thể thơ, phong phú, sinh động trong các cảm thức thi ca. Tất cả tựu chung nổi rõ hình tượng trữ tình của một nhà giáo có tấm lòng yêu nghề, yêu học trò thiết tha, sâu nặng. Từ bài thơ đầu tiên viết năm 1961 đến bài thơ gần đây nhất viết đầu năm 2016 in trong tập là 55 năm, hơn nửa thế kỷ, nhà thơ, nhà giáo Đặng Hiển vẫn thủy chung với giọng điệu thơ truyền thống và ở nhiều bài, ông mạnh dạn cách tân trong cách cảm, cách nghĩ và tìm mới trong sự thể hiện ngôn từ, trong cấu trúc bài thơ.

Về phương diện nghề nghiệp, ông là một nhà giáo thành đạt: là giáo viên giỏi, Nhà giáo Ưu tú, là lãnh đạo nhà trường, có những huân, huy chương, kỉ niệm chương, nhiều giấy khen, bằng khen… được nhiều thế hệ học trò yêu quý. Nhưng thơ ông không phải không có những nỗi buồn. Đó là nỗi buồn về năm tháng trôi qua: “Bốn mươi năm kiếp con tằm/ Xanh dâu để có tơ vàng mà giăng/ Phượng chưa phai đã đỏ bàng/ Trông ra, vẫn lứa trăng rằm mộng mơ” (Năm học - Đời Thầy), là nỗi buồn khi sắp nghỉ hưu: “Phượng ơi, còn có ba tuần / Liệu hoa có nở kịp lần chia tay?/.../ Có người thầy tóc bạc phơ / Đêm nay ngồi viết bài thơ phượng già” (Cây phượng già).

Bốn mươi năm dạy học, bao nhiêu chuyến đò chở khách sang sông, người sang ngang có nhớ về người lái đò? Nhưng người lái đò đặc biệt, người thầy Đặng Hiển thì luôn luôn canh cánh nhớ về những lứa học trò. Đây là lứa học trò đầu tiên thầy dạy ở Mỹ Đức (Hà Đông) gần chùa Hương có trái mơ trữ tình đằm thắm đã đi vào thơ của nhiều thi sĩ tài hoa. Ba chục năm sau, thầy giáo nhà thơ nhớ về và hỏi:

 

Ba chục năm rồi, em ở đâu
Đời em đã hái trái mơ nào
Có bao giờ nhớ về kỉ niệm
Những trái đầu tiên, trái ngọt ngào

và thầy bộc bạch:

Tôi đã đi gần trọn cuộc đời
Hái nhiều trái khổ với hoa vui
Quên đi chua chát và cay đắng
Bởi nhớ vàng thơm trái ngọt bùi

 

               (Trái mơ đầu)

Cảm nhận về học trò trong tâm thái như nhớ về một người thân, mong tin và muốn gặp lại nên khi gặp một người “Hình như thầy đã có thời dạy em/ Vì sao ánh mắt em nhìn/ Như người xa lạ gặp trên xe tầu”(Xa lạ), nhà giáo Đặng Hiển thoáng buồn nhưng không trách cứ gì học trò mà lại tỏ ra thông hiểu, cảm thương.

Tác giả đặt ra những tình huống khách quan: Do thời gian phôi pha thầy thì già đi, trò không còn trẻ nữa rồi mà không nhận ra nhau và những lý do khác nữa: “Hay là em có niềm đau / Ước mơ ngày cũ tan vào thời gian/ Hay là đời lắm lo toan / Làm bao kỉ niệm héo tàn trong em? /Hay là em mải bước lên / Trường xưa lớp cũ mải quên đường về?”.

Với thầy giáo Đặng Hiển, tất cả đều là lý do khách quan chứ  thâm tâm em  vẫn nhớ về trường xưa, thầy cũ. Và người thầy thúc giục, động viên: “Thì em ơi, cứ đi đi/ Cầu cho thuyền ấy ngày kia đến bờ” (Xa lạ). Tấm lòng bao dung lớn lao của nhà thơ đã làm xúc động nhiều bạn đọc và chắc chắn sẽ còn làm chạnh lòng không ít những người đã từng ngồi trên ghế nhà trường và đang bươn chải trong cuộc sống hiện tại. 

Đây là một trong những bài thơ hay về ngành Giáo dục của thơ Việt Nam hiện đại. Bài thơ làm tôi nhớ đến bài thơ “Có một chiều tháng năm” của nhà thơ Đỗ Trung Quân. Người học trò Đỗ Trung Quân bất ngờ gặp thầy giáo cũ của mình - một “Người đàn ông gày gò / Ngồi sau tủ thuốc ven đường”, học trò chào thầy, người thầy không nhận “Không…xin lỗi…ông lầm…Tôi chưa từng dạy học”.

Hình ảnh người thầy đối lập với người học trò làm nhức nhối nhiều con tim bạn đọc “Thầy vành nón che mắt nhìn mỏi mệt/ Trước đứa học trò quần áo bảnh bao”. Cảnh ngộ và suy nghĩ của người thầy giáo và học trò ở hai bài thơ khác nhau nhưng nghĩ suy và cảm nhận về nhau đáng để cho người đời nhiều suy ngẫm.

 

Cuộc đời dạy học của nhà thơ Đặng Hiển có những niềm tự hào chính đáng, trong đó niềm tự hào về học trò chiếm một vị trí quan trọng trong đời ông. Đó là những người mà tên tuổi được cả nước biết đến như Anh hùng phi công Nguyễn Đức Soát. Không phải ngẫu nhiên ông đã dành cả trường ca “Đôi cánh” viết về người học trò nà

Trường ca được xuất bản lần đầu năm 1974 và tái bản có bổ sung năm 1994. Trong tập thơ này, tác giả trích hai đoạn: “Mái trường nơi của ước mơ” và “Về lại trái tim mình” viết về mái trường cấp III Phú Xuyên và vùng quê chiêm trũng, nơi đã nuôi dưỡng, đào luyện Nguyễn Đức Soát trở thành một học sinh giỏi văn và sau này trở thành một Anh hùng phi công - niềm tự hào của mái trường và của cả một miền quê.

Có lẽ, trong đội ngũ các nhà giáo làm thơ thì Đặng Hiển là người viết về học trò nhiều nhất. Ông có những dòng thơ ngợi ca, tự hào về học trò song nhiều hơn cả là những bài thơ chia sẻ, cảm thông, buồn thương với những nỗi đau, mất mát, thua thiệt của học trò trong cuộc sống, trên đường đời. Nhiều bài ông đề tặng cụ thể tên học trò như “Tưởng nhớ 1- Gửi hương hồn Bùi Thị Nga”, “Lời ru oan nghiệt -Tưởng nhớ học sinh Bùi Thị Nga mất vì bệnh hiểm nghèo”, “Nhớ Lai Vu”, “Trái tim người mẹ -Tưởng nhớ Phan Đức Bảng, học sinh cũ”, “Thương em Hương đau bệnh hiểm nghèo”, “Thương em Vân bị cảm mất”…

Những bài thơ có điểm xuất phát cụ thể với những chi tiết sống chân thực, cảm xúc thơ sâu lắng có khi ứ nghẹn như thế làm cho những bài thơ đó có sức nặng tình cảm thật khó tả. Những dòng thơ viết “Gửi hương hồn Bùi Thị Nga”, một học trò: “Em nằm lại, nấm mồ chưa đắp trọn/ Hoàng hôn rồi, trời mờ mịt mây bay /Bình minh của ta ơi, sao sớm tắt / Cỏ chưa mọc trên mồ, sương xuống buốt lòng ai” (Tưởng nhớ 1) là nỗi đau vô bờ, câu thơ như chắt ra từ nước mắt, có sức khơi gợi mạnh trong độc giả.

 Trong cuộc sống phong phú và nhiều hoạt động đa dạng của mình, nhà giáo, nhà thơ Đặng Hiển có nhiều mối quan hệ xã hội sâu sắc khác. Trong thành công của tác giả trên các mặt không thể không nhắc tới những người thân yêu trong gia đình. Trước hết là cô giáo Quyên, Hiệu trưởng một trường THCS ở Hà Đông, người bạn đời và cũng là đồng nghiệp của tác giả.

Với ngôn từ giản dị, nhà thơ đã bộc lộ một cách kín đáo niềm tự hào của mình có người bạn đời xinh đẹp, chung tình và đồng nhất về phẩm cách, lý tưởng: “Em đến, trường lán gianh/ Em về, trường xây đẹp/ Hai bàn tay thơm sạch/ Khi về, chỉ có…Anh/ Em để lại nghĩa tình/ Cho học trò đồng nghiệp/  Để lại màu tóc đẹp/ Cho những hàng phượng xanh” (Em về -Tặng Quyên). Thơ Đặng Hiển dồi dào cảm xúc, chứa chan tình yêu song đó là tình yêu học trò, yêu mái trường, yêu cuộc sống…

Đây là bài thơ duy nhất viết về tình yêu trai gái và đó lại là viết về người vợ. Thơ Đặng Hiển còn có những bài viết về người những người thầy. Bài thơ viết về thầy giáo của mình - thầy Lương Thanh Tường có những dòng thơ cảm động, chứa chất nhiều ân nghĩa sâu xa khi tác giả về viếng thầy:  “Rượu thầy không uống được/ Hoa ơi đến muộn rồi/ Hương, khói trào nước mắt/ Lệ nến giọt vắn, dài/ Kỷ niệm hồng như lửa/ Cháy trong con suốt đời/ Cúi xin thầy tha tội/ Sự đời lệ chảy xuôi” (Viếng thầy).

Đọc thơ Đặng Hiển viết về thầy giáo, nhà trường, ta gặp một thế giới người thầy đa diện, phong phú và có chiêu sâu về nhiều mặt. Không chỉ bảng đen, phấn trắng, giáo án, sân trường, tiếng ve, hoa phượng… mà còn hiện lên trong thơ ông hình ảnh các thế hệ học sinh từ mái trường tỏa đi khắp mọi miền đất nước. Từ đó ta cảm thông, chia sẻ với cuộc sống tâm hồn của một nhà giáo, tiêu biểu cho tầng lớp trí thức được đào luyện và trưởng thành trong  nhà trường xã hội chủ nghĩa với những niềm vui, nỗi buồn, những vinh quang và cả những hi sinh thầm lặng trên bục giảng và trên đường đời.

Thanh Ứng
(nhavantphcm.com.vn)