NGƯỜI MẸ BÌNH DƯƠNG - Phan Thanh Châu
Trên sông Trường Giang
Bình Dương quê tôi có trảng cát vàng, sông Trường Giang uốn khúc lượn quanh, nước trong xanh xuôi về Cửa Đại, biển Đông ầm ầm sóng vỗ, chiều thuyền ra khơi, mai về đầy cả. Người dân Bình Dương bao đời vất vả, một nắng, hai sương xây dựng cuộc đời. Trong đấu tranh cách mạng người Bình Dương anh hùng, dũng cảm, trong lao động lại ngời sáng anh hùng.
Trong cuộc mưu sinh, để tồn tại của người Bình Dương, thì những người mẹ chịu nhiều khổ cực, vất vả, mang nặng, đẻ đau, sinh ra những người con trai, con gái bụ bẫm, nuôi bằng dòng sữa trắng ngọt ngào, mẹ bón từng thìa cháo, thìa cơm, mong sao các con mau lớn và mẹ là người dạy chúng ta lòng yêu quê hương, đất nước. Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình.
Tôi may mắn được sống và chiến đấu ở quê hương. Tôi đã gặp không biết bao nhiêu bà mẹ mà vóc dáng, cử chỉ, lời nói và cả cách cư xử y như những người mẹ Bình Dương quê tôi.
Những năm được giải phóng, các mẹ đi chợ Nồi Rang, chợ Trà Đoả mua cá cơm, cá nục về muối mắm, mua dầu phụng, muối và cả lương thực để cán bộ, bộ đội giải phóng chuyển lên căn cứ, Tết đến, các mẹ gói các loại bánh gởi cho bộ đội giải phóng, vì các mẹ nghĩ ngày Tết không có ai lo cho bộ đội như những ngày ở nhà các mẹ. Còn lúc bộ đội về đóng quân trong làng, các mẹ đổ bánh xèo, làm mỳ Quảng cho bộ đội khi địch vừa dứt càn, bình thường như những ngày không có địch, dù trên sân, ngoài vườn vẫn còn khói bom, lửa đạn. Có khác chăng là ánh mắt các mẹ âu yếm hơn, bởi các mẹ từng lo đến cháy lòng không biết cán bộ, bộ đội của ta có hề hấn gì. Có những mẹ sáng nào cũng lui cui vừa xóa dấu dép trên cát, vừa ca cẩm trách móc mấy chú bộ đội giải phóng trẻ lo chẳng tới, nhưng chỉ ít ngày bộ đội không về là các mẹ lại nhớ, trông hoài.
Hồi Xuân Mậu Thân 1968, các mẹ, các chị Bình Dương, cơm đùm, cơm nắm, 3.000 người tiến ra Hội An cùng đồng bào nội thành nổi dậy, dù bị địch đàn áp, có mẹ đã hy sinh ngay trên đường phố, nhưng các mẹ, các chị vẫn xông lên chiến đấu tay không với quân thù, làm cho bọn chúng phải khiếp sợ.
Những năm 1969-1972 cuộc chiến ác liệt, một số mẹ đưa gia đình ra Đà Nẵng, Hội An để kiếm sống, còn mua lương thực, thực phẩm, thuốc men gởi về quê để giúp cán bộ, bộ đội, du kích chiến đấu với quân thù, các mẹ còn động viên con cháu về quê tham gia bộ đội, du kích để chiến đấu gìn giữ quê hương.
Những người mẹ bám trụ quê hương, ngày đêm chiến đấu với quân thù, có trận càn hàng ngàn tên lính Mỹ - ngụy và lính Hàn Quốc, cùng với xe tăng, xe ủi triệt phá xóm làng, các mẹ, chị dàn hàng ngang chặn đầu xe địch, có mẹ nhảy lên xe ủi quát to: Bọn bay không được phá xóm làng nhà cửa của tao, làm cho bọn địch hoảng sợ phải dừng bước, bỏ dở trận càn.
Có lần địch đổ quân xuống chiếm đóng các đồi cát: ông Họp, ông Ban, ông Cồn, ông Mong, ông Tửu, ông Tương, ông Đối, ông Thơ... rồi bọn chúng dồn dân vào các khu dồn, nhiều mẹ đã tự nguyện ra ở khu căn cứ lõm Bàu Bính để giúp đỡ bộ đội, du kích chống lại quân thù. Khi ta gặp khó khăn, để bảo tồn lực lượng, Tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu V ra lệnh cho rút căn cứ lõm Bàu Bính. Đêm ngày 15 tháng 12 năm 1972, cuộc rút quân được triển khai trong đêm tối, các mẹ cùng bộ đội, du kích, các đội công tác các xã vùng Đông Thăng Bình cả thảy gần 600 người vượt sông Trường Giang lên vùng căn cứ Bình Phú, trong lúc đó địch đóng quanh căn cứ lõm Bàu Bính mà không hề hay biết gì. Những cán bộ và du kích được bố trí ở lại quê hương, được các mẹ cơ sở cách mạng trong khu dồn cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men tiếp tục bám trụ và chiến đấu cho đến ngày quê hương Bình Dương được giải phóng hoàn toàn.
Kết thúc chiến tranh, Bình Dương có 4.700 người đã ngã xuống trên mảnh đất này, trong đó có hơn 1.000 người mẹ đã vĩnh viễn ra đi.
Trên ngực mẹ không có huân chương
Mai vinh quang mẹ dành cho đất nước
Mẹ chịu bao đắng cay tù ngục
Mong cho đời nhân ái với tình thương.
Bình Dương một mảnh đất kiên cường, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, bọn địch cày đi, xát lại không biết bao nhiêu lần, đến nỗi cây gai xương rồng bị xích xe tăng băm nát, nhưng nó vẫn tồn tại, nảy mầm và nở hoa trên cát trắng. Một xã được 3 lần Đảng và Nhà nước tuyên dương anh hùng và có 350 bà mẹ được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng, là một địa phương cấp xã có nhiều Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng nhất của tỉnh Quảng Nam.
Có những người mẹ rất tiêu biểu như mẹ Phan Thị Diệm, đảng viên thời chống Pháp chín năm, mẹ có 5 người con, cả 5 đều liệt sỹ và mẹ cũng là liệt sỹ; mẹ Phan Thị Hiền, mẹ Võ Thị Buội có 5 người con là liệt sỹ; Mẹ Dương Thị Huấn có chồng và 9 người con tham gia cách mạng, có những người con là cán bộ cao cấp của Đảng, như anh Hoàng Minh Thắng Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Thương mại; Phan Đấu, Phó Văn phòng Khu ủy 5, Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng và mẹ có 3 con là liệt sỹ. Mẹ Vương Thị Cận có chồng là ông Phan Hoàng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Thăng Bình tập kết ra miền Bắc 1954. Mẹ gắng sức nuôi 5 người con trưởng thành đều làm cách mạng. Bọn địch biết mẹ là đối tượng tình nghi nên bọn chúng liên tục bắt mẹ quản thúc tra tấn, nhưng mẹ vẫn giữ tròn khí tiết người cách mạng. Đến cuối năm 1962 bắt được liên lạc với cách mạng, mẹ cho con cháu đào hầm bí mật nuôi cán bộ tỉnh, cán bộ huyện về hoạt động ở địa phương. Những năm quê hương Bình Dương được giải phóng mẹ tích cực hoạt động các phong trào ở địa phương. Khi người chồng trở về quê hương thì mẹ và 3 người con thân yêu đã hy sinh. Bà Ngô Thị Hưởng người mẹ rất kiên trung với cách mạng. Cuối năm 1962 mẹ bắt được liên lạc với cấp trên, được giao nhiệm vụ đào hầm bí mật, nuôi dấu cán bộ tỉnh, huyện về hoạt động ở Bình Dương, những năm quê hương được giải phóng mẹ luôn đi đầu trong các phong trào cách mạng ở địa phương. Người con gái đầu của mẹ tham gia cuộc đấu tranh chính trị ở quận lỵ Thăng Bình, bọn địch xả súng vào đoàn biểu tình, chị hai Hưởng bị thương nặng, 2 người con gái tham gia cán bộ xã hi sinh anh dũng trong một trận chống càn với địch, 2 người con rể của mẹ cũng hi sinh.
Mẹ Lê Thị Cán, đang sống với người con trai út Phan Đức Tống (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Xây dựng Quảng Nam) mẹ có chồng và 2 con liệt sỹ, nhớ chồng con, người mẹ già gần trăm tuổi ngày ngày bảo con đẩy xe lăn ra tượng đài liệt sỹ để mẹ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. Năm 1962, mẹ đào hầm bí mật để nuôi dấu cán bộ tỉnh, huyện về hoạt động cách mạng ở Bình Dương, mẹ là người đóng góp nhiều cho cách mạng. Những lúc chúng tôi đến thăm mẹ, khi còn tỉnh táo, câu đầu tiên mẹ hỏi: Đã ăn cơm chưa, bố trí các đồng chí ở hầm bí mật nhà nào? Thời gian gần đây sức khỏe yếu dần nhìn chúng tôi mẹ chỉ cười, cặp mắt mẹ nhỏ lệ mừng vui vì mẹ vẫn một lòng tin cách mạng…
Những người con ra đi không bao giờ trở lại
Có nỗi đau nào hơn thế
Có mất mát nào hơn thế
Vì độc lập - tự do - hòa bình
Mẹ nén nỗi đau thành sức mạnh
Góp sức xây đời hạnh phúc nhân dân.
Chính những người mẹ ấy đã làm tôi da diết nhớ mẹ và tôi hiểu vì sao các mẹ lại yêu tha thiết quê hương mình đến thế. Ai đó nói rằng: Những chiến sĩ giải phóng quân đem cả lịch sử ngàn năm vào trận đánh, chúng tôi không dám nói mình như vậy, nhưng chúng tôi luôn nghĩ rằng mỗi ngày chúng tôi sống và công tác ở mảnh đất quê hương đều có bóng hình, có lòng yêu thương quê hương mà các mẹ đã gieo ươm, vun trồng trong trái tim mình từ thuở nào. Cảm ơn các mẹ đã truyền cho chúng tôi niềm tin yêu quê hương, đất nước.
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, luôn giáo dục cho các thế hệ phải biết uống nước nhớ nguồn. Đảng và Nhà nước đã có quyết định đúng đắn, hợp lòng dân, về việc phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, có công lớn đóng góp trong sự nghiệp chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bọn tay sai. Kể từ đó đến nay, cả nước ta có hàng vạn bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Riêng xã Bình Dương cho đến nay có 350 Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Nhưng trong khi đó, các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương lại thiếu những Nghị định, Quy định, cơ chế, chính sách cụ thể, khi các Mẹ Việt Nam Anh hùng hy sinh, từ trần được chôn cất ở đâu cho xứng tầm tôn vinh, nên các địa phương cơ sở lúng túng, làm các gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng bức xúc.
Đầu năm 2021, anh Phan Đức Nhạn đại biểu Quốc hội khóa XI, là Tỉnh uỷ viên Quảng Nam khoá XI - người con của Bình Dương, đã nêu lên ý tưởng xây dựng không gian “Vườn Mẹ”, tại thôn một, khu vực nổng ông Cửu Họp và vùng phụ cận đây là khu vực có nhiều chiến tích thời chiến tranh. “Vườn Mẹ” là một công trình lịch sử văn hóa ở một địa phương 3 lần Anh hùng, đề án được xã hội hoá kinh phí đầu tư, vận động các doanh nghiệp ủng hộ, đáp ứng nguyện vọng cao cả của Đảng bộ và nhân dân xã Bình Dương.
Việc đề xuất xây dựng không gian “Vườn Mẹ” tại xã Bình Dương là một đề xuất sáng tạo, có trí tuệ, có trách nhiệm, có quan điểm đúng đắn, hợp lòng dân, đúng đạo lý, có tính nhân văn sâu sắc. Việc chọn địa điểm vườn mẹ tại nổng ông Cửu Họp và vùng phụ cận rất hợp lý về không gian “Vườn Mẹ” đó không chỉ là nơi ta đến để tôn vinh, tưởng nhớ những người Mẹ Việt Nam Anh hùng, mà còn là nơi trải nghiệm và cảm nhận các giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, là nơi các con của Mẹ, các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau đến thắp những nén hương thơm, thăm viếng, chiêm ngưỡng và tổ chức sinh hoạt văn hóa truyền thống cùng các lễ hội, làm cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng ấm lòng ở cõi vĩnh hằng. Thiết nghĩ Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam thấu hiểu, đồng tình với nguyện vọng của đồng bào Bình Dương mảnh đất Anh hùng. Rất mong các doanh nghiệp và cá nhân có tiềm lực kinh tế đóng góp, đặc biệt các cơ quan thông tin đại chúng của Trung ương và các địa phương vào cuộc phối hợp cùng với xã Bình Dương mở các đợt tuyên truyền, vận động đóng góp của toàn xã hội, nhất là các doanh nhân, để công trình “Vườn Mẹ” có thể được khởi công sớm nhất, đạt chất lượng cao về kỹ - mỹ thuật, có giá trị vĩnh cửu. Bởi vì “Vườn Mẹ” sẽ là tài sản vô giá không chỉ của xã Bình Dương mà của dân tộc Việt Nam.
Đà Nẵng, 02.9.2021
Phan Thanh Châu
(Nguyên Phó Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ Quảng Nam)