“VƯỜN MẸ” ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ -   Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn

08.12.2021
  Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn

“VƯỜN MẸ” ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ -   Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn

Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn

         “Vườn Mẹ mới chỉ là ý tưởng ban đầu, là đề án sơ khai, hy vọng với sự tận tâm của anh Phan Đức Nhạn và sự đóng góp của tập thể những người con tâm huyết như anh Vũ Ngọc Hoàng, Nguyễn Trung Thu, Châu Văn Mẫn, Hồ Thanh Hải,... thì ý tưởng sẽ mang tính khoa học cao, nó sẽ được các cấp có thẩm quyền phê duyệt để rồi đây trên vùng đất Bình Dương sẽ mọc lên một công trình lịch sử - văn hoá thật ý nghĩa không chỉ cho Bình Dương mà cho cả Thăng Bình, cho cả Quảng Nam”.

 

       Gần đây, có lần nghe kỹ sư Phan Đức Nhạn (Đại biểu Quốc hội khoá XI) chuyện trò và tiết lộ về điều mà anh tâm huyết, ấp ủ lâu nay: “Vườn Mẹ” một phác thảo mang ý tưởng xây dựng công viên nghĩa trang văn hóa trên quê hương Bình Dương (Thăng Bình, Quảng Nam) nhằm tri ân các bà Mẹ Việt Nam Anh hùng….

       Tìm hiểu kỹ nội dung câu chuyện, trước hết tôi xin bày tỏ lời cảm ơn và sự đồng tình về ý tưởng này của anh Phan Đức Nhạn. Đây thực sự là một ý tưởng thấm đậm lòng biết ơn, với  mong ước biến miền cát cháy Bình Dương thành một vùng văn hoá tâm linh; một địa chỉ đỏ có quy mô tiêu biểu cho mảnh đất quá nhiều hy sinh mất mát trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ như quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng anh hùng, nơi đã có gần 70 ngàn liệt sỹ đã ngã xuống, với gần 9 ngàn Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng (chiếm hơn 1.6 số Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của cả nước). Trên mảnh đất này, có rất nhiều xã có số lượng liệt sỹ trên một ngàn người và số Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng trên một trăm Mẹ, mà Bình Dương của huyện Thăng Bình là một trong những xã tiêu biểu đó, đã ba lần được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu anh hùng (hai lần danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang và một lần danh hiệu Anh hùng Lao động), một xã chỉ có hơn 7 ngàn người dân đã có 1.347 liệt sỹ và 350 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, một xã mà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã có gần 2.3 số dân đã bị chiến tranh cướp đi sự sống... Những con số đó đã nói lên sự khốc liệt của cuộc chiến, sự tàn ác của kẻ thù và tinh thần anh dũng quật cường của  người dân Bình Dương nói riêng và của người dân Quảng Nam - Đà Nẵng nói chung.

        Tôi còn nhớ, trong những năm chiến tranh (thời kỳ năm 1966-1970), cán bộ, bộ đội và nhân dân ta đã thường kể cho nhau về căn cứ lõm Bàu Bính. Đó là một thôn nhỏ giữa bốn bề cát trắng, phía tây là sông, phía đông là biển, đã kiên gan bám trụ với tinh thần một tấc không đi, một ly không rời, hình thành thế trận chiến tranh nhân dân, mà suốt cả cuộc chiến tranh, bằng tất cả sức mạnh của vũ khí, bom đạn, Mỹ - ngụy cũng không thể hủy diệt được cái căn cứ nhỏ bé này. Bàu Bính đã trở thành điểm tựa vững chắc cho phong trào cách mạng ở vùng Đông Thăng Bình, đồng thời cũng là nơi đối đầu giữa lòng yêu nước với sắt thép, đạn bom của kẻ thù.

          Trong những năm đầu sau chiến tranh, tôi có lần về Bình Dương để tìm chị  Lương Thị Kim Rượu, một người chị mà tôi chỉ gặp vỏn vẹn hai tiếng đồng hồ trên đỉnh dốc gió Quảng Nam vào năm 1970, khi tôi đang trên đường đi vào trường Đặc công của Quân khu V để học tập. Lúc đó, nơi đây chỉ là một miền cát trắng bao la, bom đạn và sự cày ủi xúc tát, dồn dân đã biến Bình Dương trở thành sa mạc cát. Thế nhưng, người dân nơi đây dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chi viện của cấp trên đã từng bước rà phá bom mìn, khai hoang phục hoá, phủ xanh cát trắng, biến vùng cát sa mạc thành những cánh rừng dương bạt ngàn che phủ, đem lại màu xanh sự sống và biểu hiện của khát vọng hoà bình. Truyền hình Quân khu V đã từng thực hiện một phim phóng sự tài liệu tên gọi Bảo tàng trên cát nói về Mẹ Việt Nam Anh hùng Lại Thị Sự, một phóng sự dài 15 phút ghi lại hình ảnh ngôi nhà của Mẹ chỉ rộng chưa đến 30m2, bên cạnh một hố bom sâu đã trở thành ao nước, vừa dùng cho nhu cầu giặt giũ, vừa dùng để tưới cây trong vườn; trong ngôi nhà ấy gàu múc nước là đầu của quả bom napan, thùng gánh nước được gò tự vỏ ống pháo sáng, thùng đựng gạo là thùng gỗ bảo quản đạn B40 và cái gì quý giá nhất thì mẹ cất trong thùng đạn đại liên 50, người Mẹ ấy đã nhường ngôi nhà tình nghĩa xây cho Mẹ để cho những nhà chính sách còn khó khăn hơn. Chính để có cái phóng sự ấy, lần thứ hai tôi lại về Bình Dương, thêm một lần cảm nhận cái chất anh hùng của người dân nơi miền cát cháy. Cây đã xanh và lòng người như đã mát lành hơn, họ đã sẻ chia những ngọt lành của cuộc sống hoà bình và kiên cường đứng dậy như những rừng dương xanh ngút ngàn trên vùng cát mặn.

      Và mới đây, tôi lại về Bình Dương theo lời mời của Đảng ủy xã để nói chuyện thời sự cho cán bộ, đảng viên của cái xã mà trong tôi luôn ghi dấu ấn, bởi hơn bốn mươi năm tôi vẫn chưa gặp được người chị mà tôi mong muốn tìm. Nơi đây đã thay da đổi thịt, Bình Dương đang từng bước phát triển theo hướng đô thị hoá, một khu du lịch tầm cỡ quốc gia đã ra đời, nhiều cánh rừng dương đã không còn, mà thay vào đó là những khu du lịch, những công ty, xí nghiệp ra đời. Tôi nghĩ đất nước muốn phát triển không có con đường nào khác là phải công nghiệp hoá, nhất là khai thác thế mạnh để phát triển ngành công nghiệp không khói ở vùng đất ven biển này, song tôi vẫn thầm tiếc cái thời về Bình Dương ngút ngàn rừng dương, đi dưới tán rừng, ngồi lên thảm lá dương rụng dày trên cát mà thấy yêu hơn quê mình thật giàu có tiềm năng; mà thấy tiếc, rồi đây đâu còn chứng tích của Bảo tàng trên cát, những gốc dương già đã hoá thành thần, những địa đạo, những hố bom sâu trở thành ao nước và... tôi ước có cách gì để nơi ấy còn lưu giữ dấu vết, hồn cốt một thời oanh liệt, để cháu con sau này biết đến một Bình Dương đã góp phần để có một Quảng Nam Trung dũng Kiên cường, đi đầu diệt Mỹ.

 Nay được anh Phan Đức Nhạn trình bày về không gian “Vườn Mẹ”, tôi như cởi tấm lòng, cái mong ước của mình có thể trở thành sự thật, “Vườn Mẹ” sẽ lưu dấu một thời đạn bom, một thời hoà bình; một thời mà cả xã, cả huyện, cả tỉnh toàn dân một lòng theo Đảng với ý chí: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi  và Quảng Nam đã trở thành nơi đi đầu đánh Mỹ. Và cũng trên mảnh đất này khi không còn bóng giặc thì với tinh thần quyết vắt cát ra nước, quyết biến sa mạc thành rừng xanh, những công trình thủy lợi Phú Ninh đưa nước về các huyện Nam sông Thu Bồn, những cánh rừng dương bạt ngàn ven biển phủ xanh từ Điện Bàn kéo dài vô tận Núi Thành cùng với những cánh đồng mười tấn, hai mươi tấn thóc trên một ha... đã ghi dấu ấn Quảng Nam của thời dựng xây phát triển.

“Vườn Mẹ” sẽ là nơi tưởng nhớ đến 350 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của xã Bình Dương và rộng ra tưởng nhớ đến gần 9.000 Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của cả  Quảng Nam - Đà Nẵng. “Vườn Mẹ” cũng là nơi ghi dấu những căn hầm chống giặc, những địa đạo ẩn sâu trong lòng đất của Tam Kỳ, Đại Lộc, Thăng Bình ... và nó sẽ chứa đựng bên trong hồn cốt của người dân Bình Dương, của người dân xứ Quảng, mảnh đất địa linh nhân kiệt hun đúc nên những con người kiên trung chống giặc và tận hiến sức mình để đất Quảng vươn mình đứng dậy xoá đói nghèo nhằm đạt tới ấm no, yên bình.

  “Vườn Mẹ” mới chỉ là ý tưởng ban đầu, là đề án sơ khai, hy vọng với sự tận tâm của anh Phan Đức Nhạn và sự đóng góp của tập thể những người con tâm huyết như anh Vũ Ngọc Hoàng, Nguyễn Trung Thu, Châu Văn Mẫn, Hồ Thanh Hải,... thì ý tưởng sẽ mang tính khoa học cao, nó sẽ được các cấp có thẩm quyền phê duyệt để rồi đây trên vùng đất Bình Dương sẽ mọc lên một công trình lịch sử - văn hoá thật ý nghĩa không chỉ cho Bình Dương mà cho cả Thăng Bình, cho cả Quảng Nam. Nơi đây sẽ trở thành một địa điểm du lịch - lịch sử - văn hoá - tâm linh hướng về nguồn cội, vươn tới tương lai. Mở ra cho mảnh đất anh hùng một sự sinh sôi, nẩy nở của sự phát triển vững bền, bởi Quảng Nam sẽ đi lên từ cội nguồn sức mạnh, đó là lòng dân, lòng của những người Mẹ Anh hùng và bản sắc văn hoá của con người xứ Quảng.

Mong sẽ được thấy một “Vườn Mẹ” ra đời, để cho ta có một hành trình từ các di tích cổ kính của Hội An, đến một “Vườn Mẹ” của hôm nay và mai sau. Và lớn hơn cả, là Quảng Nam lại có một bảo tàng quy mô trên cát...

 

Đà Nẵng, tháng 8.2021

 Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn

 (Nguyên Cục trưởng Cục tuyên huấn Bộ Quốc phòng)