Ngăn kéo thời gian - Ngăn kéo hồi ức
Tập thơ Ngăn kéo thời gian của nhà thơ Nguyễn Hoàng Thọ, NXB Đà Nẵng 2020.
Nguyễn Hoàng Thọ đã nhẹ nhàng để vào trong Ngăn kéo thời gian một số “kỷ vật” thật đặc biệt. Ông viết cho người bạn, người thân, nhất là cô gái NT. Vì thương yêu mà làm thơ? Không đúng. Phải vì người ấy mà ta sống sót, vì họ mà có lúc ta dường như không biết sống để làm gì, và vì không còn cách biểu lộ nào thay thế được, chỉ may ra thơ mới có thể giải bày.
Ngăn kéo thời gian - Tập thơ thứ 2 của Nguyễn Hoàng Thọ đến với bạn đọc đã đặc biệt làm lay động tiềm thức về nỗi nhớ của mỗi người, ngoảnh mặt lại để nghĩ về từng ngọn cây, cọng cỏ, con người trước 1975. Thơ của Nguyễn Hoàng Thọ thong dong, nhẹ nhàng, sâu lắng biểu lộ tâm tư của kẻ “ưu thời” và có lúc chứa những nước mắt. Những đổi thay của thời cuộc khiến con người ta quên đi cái xưa cũ Em có thấy gì không/ Hải Vân Sơn Hoa rừng màu áo vua Lê/ Muôn đời không thay sắc mới/ Đất và người nở màu hoa tri kỷ/ Năm trăm năm son sắt một lời thề/ Tiếng chuông giở từng trang kí ức tưởng chừng như đã rêu phong/ Đằm thắm giọt thương trái tim hồng máu Việt/….
Thơ ông viết về những điều bình dị mà chất chứa những kỷ niệm đưa đọc giả về những khung cảnh yên bình: Ngôi nhà với hàng dâm bụt; con đường làng mình đi bừng thơm hương bưởi - rất trong veo bình dị giữa đời thường. Bên cạnh sự nhẹ nhàng đó thì càng về sau lời thơ của ông càng mạnh mẽ và hào hùng, nhấn mạnh về một bầu trời ký ức đầy oanh liệt trước bão giông và khát vọng hoà bình. Đọc thơ của ông, độc giả có thể tưởng tượng được trong mắt ông ngập tràn tình yêu quê hương con người và xứ sở rộng lớn của đất Việt.
Những con sóng từ đại dương bao la
hàng nghìn năm cố trườn mình về phía chúng ta
gửi thông điệp
nhưng rồi thiên thu ảo vọng
Hàng triệu con mắt thay nhau mở ra
nhìn bầu trời đầy sao
chỉ để khát thèm ánh sáng nhiệm màu
chưa hề đậu trên bàn tay đợi chờ hư ảo.
(Giữa những giới hạn)
Ngăn kéo thời gian còn vang vọng dư chấn “lịch sử” theo cách nào đó len lỏi vào đúng tâm trạng, vào đúng lúc Rừng duyên/ thôi đã bạc màu, vào đúng chỗ Vết nứt thời gian để ông nhận ra thứ “bùa mê”, dù muộn. Thơ ngày thanh niên như tiếng súng, thơ hôm nay nhẹ tựa chung thanh hư thoảng.
Bình minh cõng hồng giọt nắng
lưng chiều vắt vẻo sương mơ
nụ đời tinh khôi bung nở
cháy hết mình
một trái tim thơ
(Ánh trăng trong)
Thơ một thời tạm vắng nay có cơ hội quay về - thứ mà ngày xưa ông và thế hệ của mình coi như một “vũ khí đấu tranh” thì nay lại coi như là nơi tựa vào để tìm niềm ủi an sau cuối. Nhớ về cha, nhớ về mẹ, sự cô đơn cùng tôi lớn lên giữa đồng mây chiều/ rách tươm phếch/ nghe cây lúa trở mình/ trổ trắng hạt mồ côi…
Cha mở đất làm mùa
sấm giật gọi người đi
nhớ chủ quanh năm “hò tắc hò rì”
(…)
Mẹ thay cha chống chèo với tháng ngày
mưa bão
thay trâu xẻ đất gieo trồng
mẹ cấy mùa đông
nỗi đau chồng hoá thạch
mẹ cấy mùa thu
heo may úa mềm áo rách
mẹ cấy mùa xuân
khoảng trắng lặng trên đồng
chấp chới mùa hè
(…)
(Mồ côi)
Mùa về lòng mẹ trông ngóng, lòng ta cũng day dứt một nổi nhớ cứ mãi chẳng gần được để đỡ niềm xót thương. Đành gói nỗi nhớ vào Chớm đông/ trở trời/ chút thu nằng nặng/ đi tìm/ chuyến tàu thời gian. Sự ẩn dụ rất tinh tế của tác giả khi nhớ đến tình yêu của cha mẹ được giữ nguyên vẹn không thể nào quên, đã phần nào đó chạm vào sự thương cảm của độc giả: Cha gửi mùa xuân cho con trên cây lúa làm đòng/ Mẹ tặng bông hoa đầu năm khi nụ Giêng vừa chín tới/ con cất giữ hương xưa trong hơi thở của rừng/ ủ giọt mồ hôi cha gieo lên cánh đồng mặn mà hạt nhớ/ soi lời mẹ ru bay lả những cánh cò. Mẹ chờ, cha ngóng lòng quặn làm sao:
Mùa về mà không thấy con
hình như lá xếp trên non muộn màng
(…)
Mùa về ngồi đợi trông nhau
mở rương rao áo bạc màu con ơi
kiềm lòng mà giọt giọt rơi
(…)
Mùa về vỗ mặt sân ga
hư vô mẹ khóc “Nhớ nhà không con?”
trắng - đen hai mái tâm hồn
liêu xiêu chiếc bóng bên cồn bụi bay…
(Mùa về, chiếc bóng…)
Ở Ngăn kéo thời gian, ta sẽ thấy những gam màu: Trầm buồn, phai úa, mơ hồ, tiếc thương, hoài niệm… Đó là, Chớm đông; Không đề; Mồ côi; Người học trò và bông hồng vàng; bạc phếch trong mồ côi; Vỗ cánh thời gian; Tìm; Ảo; Bóng mẹ; Mười năm gửi nhớ; Mùa về, chiếc bóng; Tiễn em; Ánh trăng trong ; Liêu xiêu một nửa. Những thi ảnh đó phần nào đã thể hiện được chân dung thơ và cuộc đời của Nguyễn Hoàng Thọ của ngày ấy và bây giờ.
P.T.T.N