Những tác phẩm nổi bật của Huỳnh Thúc Kháng

23.01.2015

Huỳnh Thúc Kháng là một trong những sĩ phu yêu nước hoạt động từ đầu thế kỷ XX cho đến sau này chế độ dân chủ nhân dân thành lập.

Cụ đã trải qua nhiều chặng đường đấu tranh gian khổ, từ một ông Nghè Nho học tham gia phong trào Duy Tân, bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo (1908-1921). Sau khi được trả tự do, ông lại tiếp tục đấu tranh đòi quyền lợi dân tộc, dân chủ trong cương vị Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kì (1926-1928), rồi làm nhà báo, nhà học giả đấu tranh công khai bền bỉ, trước thuật nhiều công trình văn chương, sử học… cuối cùng đã đứng vững trong hàng ngũ cách mạng kháng chiến (1946-1947) và đã có nhiều đóng góp tích cực, được Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đánh giá rất cao.

Những tác phẩm nổi bật của Huỳnh Thúc Kháng


Huỳnh Thúc Kháng đã viết nhiều tác phẩm như: Thi tù tùng thoại (1939); Thi tù thảo (bản thảo); Thơ văn với thời đại (1939); Đê hải thi tập (bản thảo); Thi văn các nhà chí sĩ Việt Nam (ký Phi Bằng) (1937); Mính Viên cận tác (di cảo); Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử (1957); Xã túc tập (bản thảo); Huỳnh Thúc Kháng niên phổ (1962); Gia đình giáo dục (bản dịch - 1937); Bức thư gởi Cường Để (1957); Cuộc khởi nghĩa Duy Tân (bản thảo) và rất nhiều thơ chữ quốc ngữ, chữ Hán có giá trị.  

Sinh thời tâm chí ông biểu lộ rõ trong bài cảm khái lúc đi đày về: (bản dịch).

“Nợ bầy đeo đuổi giục bên người,

Chả để nằm yên xó góc trời.

Biển Bắc dê cùng chung mấy độ,

Nhành Nam chim sẵn ổ muôn đời.

Rừng sâu với quế ca xăng xái,

Hang thẳm tìm lan dạo thảnh thơi!

Rốt cuộc máu lòng tìm chỗ dốc,

Sử xanh núi biếc rưới cùng nơi”.

Đến lúc nước nhà giành được độc lập tự do, ông ra tham chính. Mừng xuân năm 1947, đôi liễn của ông cũng nói lên tấc lòng yêu nước thương dân chí thiết.

“Trẻ lại với xuân, nước tổ bốn ngàn năm lịch sử;

Đứng lên làm chủ, quyền người hai chục triệu dân sinh”.

Tác phẩm của ông gồm các lĩnh vực sau:

Thi tù tùng thoại (nguyên ông viết bằng chữ Hán ở Côn Đảo, khi được trả tự do sách bị tịch thu và đốt, sau về Huế, ông chép lại theo trí nhớ và dịch ra tiếng Việt).

Trong đó, chúng ta sẽ bắt gặp nhiều tài liệu liên quan đến hoàn cảnh xã hội, diễn tiến các phong trào yêu nước, cách mạng Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX.

Đồng thời cũng thấy được tư tưởng, tình cảm của các nhà yêu nước, cách mạng Việt Nam; nhất là phong trào Đông du, Duy tân. Trong đó, tác giả thu thập những bài thơ làm trong tù hay có liên quan đến thế giới tù (cả Việt lẫn Hán). Nếu là Hán văn thì dịch ra Việt văn cùng ghi những tình cảm và nhận xét của mình.

Trong Lời nói đầu (Bản in 1939) tác giả viết:

“Thi có cùng mà sau mới hay” (cùng nhi hậu công) tin như lời nói xưa, thì trên đời mà gọi là “cùng” không chi cùng hơn cảnh tù, đáng lẽ thơ của kẻ tù, lưu truyền khá nhiều mới phải. Vậy mà xét trên lịch sử phương Đông, trên dưới ngàn năm, duy có mấy bài của Lý Bạch lúc đày ở Gia Lăng, bài “ở trong ngục vịnh con ve” của Lạc Tân Vương, bài “Chính khí ca” của Văn Thiên Tường, bài thi “Vịnh lúc gần hành hình” của Dương Kế Thạnh, cùng ở nước ta thì bài “Trần tình” của Cao Bá Nhạ. “Tờ khai” của Đoàn Trưng v.v... còn có truyền lại, ngoài ra không thấy thi văn tù bao nhiêu.

Trái lại; những lối uống rượu ngắm hoa, trông trăng thưởng gió, cùng lối thi ứng thù tiêu khiển của bọn văn sĩ phong lưu, thôi thì đầy kho chật tủ, làm họa cho bản in không biết là bao!

Trên thi sử xưa nay, thừa bên này mà thiếu bên kia, nghĩa là thi phong lưu nhiều mà thi tù ít, là vì lẽ gì? Không phải là trái với cái thuyết “cùng mới hay” kia sao?

Như nói trong đám tù tội không có bọn văn nhân thì ngục Đáng Cố nhà Hán, ngục Thanh Lưu đời Đường, án Ngụy học đời Tống, án Đông Lâm Thục Xã đời Minh, bọn văn hào thi bá mấy đời, co tay bó chân làm bạn với gông cùm xiềng bộng, cúi đầu nín tiếng, ngồi than thở cái oai quyền vô thượng của bọn ngục quan và lính gác, trước sau nối gót, biết bao nhiêu người! Ai bảo rằng trong đám tù không có hạng văn hào thi bá?

Theo sở kiến của tôi thì thi tù ít truyền bá là vì cớ này:

Ở phương Đông về thời đại quân chủ chuyên chế, tù là tội cả, không có hạng tù quốc sự (chánh trị phạm) như phương Tây. Bởi thế nên đã vào tù, vô luận là nhân cách lưu phẩm thế nào, người đời đều xem như vật ghê gớm đáng sợ; đã là vật đáng sợ trong xã hội, tự nhiên cái người đã mang cái huy hiệu “tù”, công chúng đều tránh xa; với người đó còn không dám lại gần, huống là thi với văn, dầu có nghe thấy thi văn của họ, không dùng đậy hũ tương thì phú cho ngọn 


                                                                   

Âu triều truyền sang, phong khí đổi mới, chế độ về thời đại chuyên chế, bị triều lưu văn minh dội quét gần hết, trên sử tấn hóa mới của loài người, trong đám tù tội có cái tên gọi là “tù quốc sự” khác với hạng tù thường, không những xã hội không bài xích như ngày xưa, mà trong có hạng chí sĩ, nhân nhân, trở lại được người đời tỏ lòng sùng bái và khen ngợi, từ đó mà thi tù mới truyền.

Ở Âu Mỹ không nói, nói riêng về phương Đông như sử duy tân khẳng khái của Nhật Bản, cách mạng sử của Trung Hoa sau cuộc Mậu tuất chánh biến, ở trong chép nhiều thi của bọn tù, không sao kể hết. Nước ta sau cuộc dân biến năm 1908 về sau có nhiều thi của tù, chính là theo lệ chung đời mới nói trên.

Chuẩn theo lẽ ấy, tức gọi rằng thi tù mở một cái màn mới trong văn giới cùng đi với công lệ tấn hóa cũng không phải là quá đáng. Độc giả để ý xem” (M.V).

Thi văn với thời đại là một thi tuyển của các nhà chí sĩ Việt Nam trong công cuộc Cần vương chống Pháp. Tác phẩm này, soạn giả góp nhặt một số thơ văn (phần lớn là Hán văn) của các quan lại, nhà khoa bảng, nhà yêu nước thuộc các phong trào Cần vương, Văn thân, rồi dịch ra Việt văn, có thêm lời chú thích; nhất là những lời nhận định và phê bình xác đáng của ông.

Thi văn các nhà chí sĩ Việt Nam, ông cũng sưu tầm dịch thuật một số thơ văn của các nhà thơ, nhà văn, nhà yêu nước trong các phong trào Cần vương, Văn thần, Đông du, Duy tân. Theo đó, ông có lời phê bình nhận xét rất xác đáng về các văn phẩm ấy.

Đọc qua hai tác phẩm ngắn này, người đọc sẽ thấy được tư tưởng tình cảm của các nhà yêu nước; đồng thời cũng rõ được lịch trình chống ngoại xâm của nhân dân ta hồi cuối thế kỷ trước (XIX) và đầu thế kỷ XX.

Tuồng Trưng vương bình ngũ lãnh là một vở tuồng ngắn, ngắn hơn cả một đoạn văn; nhưng ý tưởng và chủ đích của nó rất lớn. Đọc nó, người đọc còn bắt gặp chủ nghĩa yêu nước, lòng thương yêu nòi giống, tư tưởng bình quyền, bình đẳng... Nhất là tinh thần tự cường, độc lập, tự tôn dân tộc trong lịch trình tư tưởng của dân tộc Việt Nam từ thời dựng nước đến cận đại.

Bên cạnh đó, ông còn ba tập thơ chữ Hán:

Thi tù thảo nói về sinh hoạt tù ở Côn Đảo. (bản chép tay).

Đê hải thi tập




Xà túc tập (nói về sinh hoạt thơ văn trong đời sống xã hội). Riêng hai tập thơ này chúng tôi chỉ thấy ghi đề và các bài tựa của Tiểu Mai và Mặc Si (nay đã thất lạc).

Mính Viên cận tác: gồm một số thơ chữ Hán và Quốc ngữ một phần đã đăng trên báo Tiếng Dân. Gia đình giáo dục (1937) nhà in Tiếng Dân Huế (dịch).

Ngoài các tập thơ trên, chúng ta còn thấy, Huỳnh Thúc Kháng niên phổ (hay tự truyện). Đây là một tập tự truyện (bằng chữ Hán) về đời mình. Trong tác phẩm này ông ghi những biến cố cá nhân có liên quan với lịch sử nước nhà từ khi Pháp chiếm nước ta đến năm 1942. Ở đây, chúng ta còn bắt gặp nhiều sự kiện lịch sử đáng chú ý. Đây là một tập tự truyện về đời tư ông do chính ông viết khá đầy đủ và chính xác.

Sử học

Độc giả còn bắt gặp Huỳnh Thúc Kháng là một sử gia. Một sử gia yêu nước, cách mạng, nhưng không bao giờ bị định kiến chi phối, hoặc có cái nhìn sai lầm bởi ý thức chính trị của mình.

Cuộc cự sưu ở Trung Kỳ năm 1908 Nguyên văn tác giả viết bằng chữ Hán với nhan đề: “Trung Kỳ cựu sưu ký”. Trong đó, ông ghi lại sự việc, lịch trình của biến cố trọng đại năm 1908 bộc phát ở Quảng Nam. Từ ngày đầu cho đến khi thực dân và Nam triều đàn áp trắng (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) với đầy đủ các chi tiết, các nhân vật có liên hệ đến phong trào đã bị thực dân thủ tiêu, lưu đày...

Cuộc khởi nghĩa Duy Tân là một bản lược sử về quá trình cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân do Thái Phiên và Trần Cao Vân chủ động. Sử liệu này được ông tham khảo các tài liệu có liên quan đến biến cố và các nhân vật ở Huế vào thời đó; chứ ông không trực tiếp tham dự haychứng kiến (vì thời gian này ông đang ở Côn Đảo).

Bức thơ gởi Kỳ ngoại hầu Cường Để là một quyển sử lược 80 năm vong quốc. Bằng thư này, Huỳnh Thúc Kháng ghi lại tất cả thực trạng xã hội Việt Nam hơn 80 năm sống dưới ách chuyên chế, một cổ hai tròng cùng mọi bịp bợm, lừa dối của thực dân mà dân ta phải gánh chịu. Nội dung tác phẩm, ông còn “trả lời khéo” sau những “câu hỏi khéo” do Nhật ủy thác cho Cường Để muốn ông làm công việc “sào mũi”, “liên lạc”.

Trong đó, đôi đoạn ông tỏ vẻ lạc quan, nhưng cũng không quên nhắc đến sự thật khi quân Nhật đặt chân đến Đông Dương thì cái hiện tượng đế quốc hiện ra rõ ràng “Hoàng quân đặt chân đến xứ này đã hai năm mà cái khoảng giữa nhân dân Việt Nam cùng Hoàng quân gần trong gang tấc mà cách xa như mấy lớp đèo ải núi non, khoảng ngăn rẽ ấy vạch một địa giới Hồng Câu không vượt qua được”.

Đọc kỹ bức thư ấy ta thấy tuy ông có vẻ lạc quan, nhưng ông luôn luôn hoài nghi thái độ, chính sách của quân phiệt Nhật, nhất là việc bức thư của Cường Để, hơn nửa năm sau mới tới tay ông. Việc đó sau này ông còn nhắc lại trong Bức thư trả lời chung để phản đối chính sách duy trì hiện trạng Đông Dương. Cho nên, nếu quả thực Cường Để có uy tín, thực lực thì hãy lấy danh nghĩa, dùng quân lực để đánh đổ hiện trạng, tự mình thiết lập chính quyền tự trị có thực chất?

Bức thư vì vậy được gửi đi không có một dư luận hoặc biến cố gì do Nhật và Cường Để đem lại.



Bức thư trả lời chung là một cuốn sử gọn hơn, đầy đủ hơn Bức thư gởi Cường Để. Bằng bức thư ấy ông viết một bản cáo trạng lên án chế độ thực dân và mọi chính sách tàn ác dã man nhằm tiêu diệt dân tộc này. Cùng nói rõ lý do không thể nào ông cộng tác được với người Nhật, nhất là đối với chính sách “Đại Đông Á” của Nhật Bản. Bức thư đã gây nên dư luận sôi nổi lúc bấy giờ.

Tiếp đó ông còn viết một tác phẩm cùng chủ đích Một ít dật sử trên đoạn sử Việt Nam cách mạng trong thời kỳ Pháp thuộc (1885-1945). Tập này chưa xong thì ông ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới, nên tác phẩm còn dở dang, và nay đã thất lạc (?).

Ngoài các sách về sử học nêu trên, Huỳnh Thúc Kháng còn viết Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sửvề cuộc đời của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh. Đây là một quyển sử biên niên về nhà thơ Tây Hồ, từ khi Phan Châu Trinh chào đời cho đến ngày nhắm mắt. Nguyên, sách này ông viết từ năm 1926 tại Thạnh Bình, huyện Tiên Phước khi Phan Châu Trinh qua đời, sau đó ông trao sách này lại cho con gái và con rể Phan Châu Trinh để làm kỷ niệm (bà Phan Thị Châu Liên và ông Lê Ấm).

Sau này gia đình ông Lê Ấm có cho in trong Giai nhân kỳ ngộ vào năm 1958 do Nhà xuất bản Hướng Dương Sài Gòn xuất bản. Đến năm 1959, Nhà xuất bản Anh Minh (Huế) có cho in lại thành một quyển riêng với đầu đề như trên. Đây là một quyển lược sử về cuộc đời hoạt động của Phan Châu Trinh rất súc tích và chính xác.

Bên cạnh đó, chúng ta còn thấy Huỳnh Thúc Kháng là một dịch giả rất xuất sắc. Ông dịch rất nhiều cả thơ lẫn văn, nhất là thơ. Thơ của ông cũng như thơ của tác giả khác. Hầu hết thơ, câu đối trong Thi văn với thời đại, Thi văn của các nhà chí sĩ Việt Nam, Thi tù tùng thoại, Lương ngọc danh sơn phú, Toàn quốc đồng bào phụ lão kháng chiến thư, Bức thư gởi Cường Để...đều do ông dịch, mà các bản dịch này rất đạt, và chính xác.

Sau này (1945), chúng ta còn thấy Huỳnh Thúc Kháng tiếp tục dịch các tác giả nước ngoài, nhất là bản dịch Xã hội tư tưởng sử của Từ Dật Tiều (theo tài liệu của ông Anh Minh). Sách gồm bảy chương:

  • Chương 1: Nông nghiệp công trường.
  • Chương 2: Tinh thần chủ nghĩa xã hội cận đại.
  • Chương 3: Chủ nghĩa xã hội không tưởng.
  • Chương 4: Các nhà xã hội không tưởng: Charles fournier, Robert Owen và Saint Simon.
  • Chương 5: Khái niệm về chủ nghĩa xã hội khoa học.
  • Chương 6: Đời sống cùng trứ tác của Karl Marx.
  • Chương 7: Chủ nghĩa xã hội với trật tự xã hội.

Cùng với Lời nói đầu (của người dịch) và bài tựa (của tác giả), ông nêu rõ mục đích dịch là “Thiếu các món sách thiết thực với nhân sinh, nói cho rõ là xã hội học cùng sách tư tưởng xã hội, thật là một khuyết điểm rất lớn (...). Kẻ lược dịch bản sách Xã hội tư tưởng sử bản ý không chi khác hơn là muốn cho nguồn tư tưởng xã hội chóng phổ cập theo triều lưu chung cả dân tộc trên thế giới (...) sách này dành cho số đông phổ thông quần chúng, không có thì giờ và công phu làm thang bước đầu mở đường chỉ lối (...). Độc giả muốn hiểu rõ nguồn gốc, tư tưởng xã hội khoa học cho đầy đủ cần phải nghiên cứu học thuyết Mác Ăng Ghen cho đến nhà thực hành Lê Nin...”.

Cuốn sách có ưu điểm là trích dẫn nhiều tác phẩm của Mác và Ăng Ghen để cho độc giả tiếp thu trực tiếp chủ nghĩa xã hội khoa học. Cảm tình của người dịch đối với Mác và Ăng Ghen là điều dễ nhận thấy khi chúng ta đọc qua lời nói đầu cùng toàn bộ bản dịch.

Điều đó được ông nhắc: “Mã Khắc Tư (Karl Marx) trọn đời tận tụy với chủ nghĩa vĩ đại, kiên quyết sáng suốt cho đến ngày chết mà không thôi. Ông có người bạn thân thiết là Ân Cách Nhĩ (Engel), cùng một định kiến, định lực như nhau, nối theo hoàn thành công việc trứ tác dở chừng của họ Mã (...) Mã Khắc Tư cùng Ân Cách Nhĩ (hai ông tổ của khoa học xã hội) là hai bạn thâm giao trọn đời khởi đầu từ tờ Đức Pháp niên báo, từ đó hai người trọn đời dâng mình cho chủ nghĩa xã hội”.

Báo chí:

Huỳnh Thúc Kháng đã mở đường ngôn luận đầu tiên ở miền Trung và tờ Tiếng Dân (1927-1943) trở thành cơ quan ngôn luận làm theo thực dân vừa lo, vừa sợ, và cũng rất ác cảm với báo. Tiếng Dân là tờ báo ra đời sớm nhất và sống lâu năm nhất (1927-1943) ở Trung Kỳ. Đó là một tờ báo đứng đầu, và uy tín nhất của Việt Nam vào thời mất nước.

(baodanang.vn)