Nhà văn trinh thám xuất sắc của Nhật Bản
Matsumoto thường nói: "Điều quan trọng đối với tôi là mô tả động cơ gây án". Ông thích nghiên cứu tình huống từ nhiều góc độ khác nhau và nghĩ ra những loại động cơ gây án khác nhau...
Nhà văn không có ngày nghỉ
"Allo, tôi là Matsumoto đây..." - Một giọng nói vang lên trong ống nghe điện thoại tòa soạn. Người gọi từ lâu không giải thích Mutsomoto là ai, từ đâu đến, nhưng đương nhiên bất cứ cán bộ nào trong tòa soạn chúng tôi đều biết cái giọng nói khàn khàn đặc trưng đó là của ai.
Ông là nhà văn Matsumoto Seichô, cộng tác viên thường xuyên của chuyên mục "Tiểu thuyết còn tiếp" của chúng tôi. Ông đã đăng 14 tác phẩm ở báo chúng tôi, còn từ năm 1983, tôi đã biên tập 3 cuốn tiểu thuyết của ông. Nếu cần liên hệ công việc, ông gọi điện thoại cho chúng tôi hàng ngày. Ông có thể gọi vào bất cứ lúc nào và đòi gặp biên tập viên. Tại sao? Tại vì "nhà văn không có ngày nghỉ". Ông có thể làm việc thâu đêm, không nghỉ ngơi, hoàn toàn tập trung vào sáng tác. Do đó, biên tập viên cũng không có ngày nghỉ. Nếu nhà văn gọi, phải vứt bỏ tất cả và ngay lập tức đến nhà ông ở quận Sunginami của Tokyo.
Mutsomoto thường làm việc vào ban đêm. Đôi khi, tôi đợi ông từ sáng sớm trong phòng khách, ông cầm tập bản thảo bước vào, có vẻ như vừa mới viết xong, tóc tai rối bù, tà áo kimono xộc xệch.
Trong khi nhà văn đốt thuốc, tôi đọc bản thảo. Đây không chỉ là việc đọc sách mà là một trận đấu kiếm. Tác giả ngồi đối diện với tôi, dõi theo tôi, hỏi ý kiến của tôi. Khỏi phải nói, biên tập viên là bạn đọc đầu tiên của ông. Nếu như ngoài những nhận xét làng nhàng, tôi không thể nói được gì hơn, Matsumoto sẽ nói thẳng với tôi: "Thế mà cũng gọi là biên tập viên à! Năng lực chuyên môn của bạn quá kém!".Ông ngồi xuống đi văng, chìa tập bản thảo cho tôi và lim dim mắt châm thuốc hút. Ông vừa rít thuốc vừa thở dốc, cho tới khi điếu thuốc cháy rụi, chỉ còn lại đầu lọc - lần nào tôi cũng có cảm giác ông sắp đốt cháy ngón tay của mình. Tàn thuốc rơi lả tả xuống đầu gối, nhưng ông không hề để ý. Trên quần áo của ông xuất hiện những lỗ thủng nhỏ bởi tàn thuốc.
Đấy là phản ứng duy nhất có thể của một người luôn luôn viết với ý thức hướng vào phản ứng của độc giả.
Thỉnh thoảng, nếu trong quá trình đọc bản thảo, tôi đưa ra được một nhận xét chính xác, nhà văn nở một nụ cười tươi và tỏ ra hài lòng vì tôi đã hiểu rõ cốt truyện: "Ồ, bạn đã phát hiện ra rồi đấy, thật tuyệt vời, có đúng không?". Những lúc đó trông ông giống như một đứa trẻ, thực sự sung sướng vì đã nghĩ ra được một trò chơi tinh nghịch.
Mô tả động cơ gây án
Matsumoto thường nói: "Điều quan trọng đối với tôi là mô tả động cơ gây án". Ông thích nghiên cứu tình huống từ nhiều góc độ khác nhau và nghĩ ra những loại động cơ gây án khác nhau. Nhấn mạnh tới động cơ gây án, ông khám phá thực chất sâu xa của hành vi con người, có lẽ, chính điều đó đã kích thích sự đồng cảm của nhiều độc giả.
Khi chúng tôi cộng tác với nhau, Matsumoto đã ngoài 70 tuổi, nhưng các tác phẩm của ông viết cho tuần báo của chúng tôi vẫn giữ nguyên tính thời sự và nói trực diện về những đề tài mang tính đột phá. Ngủ yên trên cành nguyệt quế không phải là phong cách của ông. Nhiệt tình, sáng tạo không bao giờ vơi cạn và niềm tự hào nghề nghiệp luôn luôn thôi thúc ông.
Vào thời kỳ đó, tôi thấy ông đặc biệt quan tâm tới thể loại trinh thám chính trị. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên tôi cộng tác với ông trong tư cách biên tập viên là tiểu thuyết "Array of Sacred Animals" (tạm dịch "Mảng động vật linh thiêng") - một cuốn tiểu thuyết trinh thám chính trị với câu chuyện diễn ra tại cuộc hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản - Hoa Kỳ. Câu chuyện nói về những tài khoản bí mật tại ngân hàng Thụy Sĩ, Tổng thống Hoa Kỳ và một phụ nữ Nhật bí ẩn lẻn vào phòng tiếp khách hoàng gia để gặp vị khách cao cấp từ Hoa Kỳ.
Thực ra, giai đoạn này, ông đã bắt đầu chuẩn bị sáng tác tác phẩm tiếp theo về tập đoàn kim cương quốc tế De Beers. Matsumoto dự định viết một cuốn tiểu thuyết trinh thám về nền công nghiệp kim cương, về tư bản Do Thái, quyền lợi của Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, việc thu thập tài liệu bước đầu bị trì hoãn, hơn nữa nhà văn không hài lòng với quan điểm chung về cuốn tiểu thuyết, vì vậy ông quyết định chuyển sang đề tài hoàn toàn khác. Ông bắt tay sáng tác cuốn tiểu thuyết trinh thám lịch sử về thời đại Edo (1603-1868).
Chúng tôi bắt đầu đăng tải từng phần của cuốn tiểu thuyết mới của ông, sau khi công bố những chương đầu tiên, Matsumoto tràn đầy nhiệt huyết. "Đây sẽ là tác phẩm xuất sắc nhất của tôi!" - Ông tuyên bố. Tuy nhiên, ông cũng hiểu rằng đạt được điều đó không phải dễ dàng.
Tôi không có thời gian
Tất cả những biên tập viên đã từng làm việc với Matsumoto đều nói rằng ông bao giờ cũng nộp bản thảo vào phút chót. Nhưng với cuốn tiểu thuyết này thì khác - ông thường nộp bản thảo trước cả tuần. Những trang bản thảo được viết bằng bút máy xen kẽ những dòng sửa chữa và ghi chú, bên lề chi chít những nhận xét, bình giải.
Nhưng ngay cả khi nhận được bản in thử do chúng tôi mang đến, ông cũng không ngừng chỉnh sửa, thay đổi những chỗ ông không hài lòng. Ông kiểm tra đi kiểm tra lại tỉ mỉ, viết lại tác phẩm và không hiếm khi ông trả lại bản in thử đặc kín những chỗ sửa chữa.
"Tôi không có thời gian" - Đó là câu nói yêu thích của ông trong những năm cuối đời. Có lần, khi nhắc tới một đồng nghiệp nhà văn sinh thời được đề cử giải Nobel văn học, Matsumoto nói: "Ông ấy hoàn toàn gác bút. Còn tôi đang và sẽ viết mãi mãi". Câu nói đó chứng tỏ niềm tự hào nghề nghiệp và tính hiếu danh của ông lớn đến mức nào.
Một lần khác, tôi nghe ông nói rằng cuốn "Bể phong nhiêu" của Mishima Yukio là một tác phẩm thất bại. Ông nói điều đó tự tin đến mức không thể phản đối. Nhưng lúc bấy giờ tôi không thể hỏi tại sao ông lại nghĩ như vậy, và bây giờ, tất nhiên, tôi cảm thấy rất tiếc.
Ý nghĩ về việc ông còn kịp viết bao nhiêu cuốn sách nữa không để ông yên. Phần thứ nhất của tiểu thuyết trinh thám lịch sử của ông được đăng trên số báo gộp giáp tết năm 1991. Bản thảo phần tiếp theo của Matsumoto, chúng tôi nhận được ngày 3 tháng giêng năm 1992.
Ngày hôm đó, ông gọi điện thoại mời tôi đến nhà, và tôi đến gặp ông. Chờ một lát tại phòng khách, tôi nhìn thấy ông bước vào, tay cầm tập bản thảo. Mở đầu câu chuyện, ông nói: "Tôi đón năm mới không phải trước màn hình TV, mà bên bàn làm việc. Tôi viết suốt đêm". Có cảm giác rằng ông muốn kịp làm thật nhiều trong cái khoảng thời gian hữu hạn của mình. Dốc toàn bộ sức lực vào công việc. Tôi tin rằng ông không rời bàn làm việc mấy ngày liên tục.
Cuộc trò chuyện cuối cùng
Ngày 21 tháng 4 năm 1992, người nhà của Matsumoto gọi điện thoại cho tôi thông báo rằng nhà văn nhập viện. Lúc đó là buổi sáng. Ông vào viện hôm trước, sau khi trở về từ một cuộc hẹn ông cảm thấy mệt. Tôi không thể tin điều đó.
Tất cả diễn ra quá đột ngột. Tôi vừa mới nói chuyện điện thoại với ông hôm qua - tôi gọi cho ông vào buổi chiều báo cáo về tập tài liệu ông nhờ tôi tìm để viết cuốn tiểu thuyết tiếp theo. Ông trò chuyện với tôi bình thường như mọi lần: "Tối nay tôi có cuộc hẹn, vì vậy ngày mai bạn mang tài liệu đến". Hóa ra, đó là cuộc trò chuyện cuối cùng của chúng tôi.
Thậm chí trên giường bệnh, mặc dù đau đớn Matsumoto vẫn không ngừng suy nghĩ về công việc của mình, suy nghĩ tới phút cuối cùng. Qua máy fax, gia đình ông chuyển cho tôi mẩu thư ông viết ngay trong bệnh viện. Tôi cứ đinh ninh là sẽ nhận được chỉ thị về việc đăng tải phần tiếp theo, nhưng chỉ nhìn thấy trên mẩu giấy mấy chữ nguệch ngoạc đến nỗi tôi không đọc được.
Ông không bao giờ kể với ai về diễn biến tiếp theo trong các cuốn tiểu thuyết của mình. Kể cả các biên tập viên. Khi được hỏi "Câu chuyện kết thúc như thế nào?", ông vừa nhả khói mù mịt vừa trả lời: "Riêng điều này thì tôi không thể nói". Ông rất muốn nhìn thấy phản ứng thuần túy, tự nhiên của biên tập viên đối với tác phẩm trong lần đọc bản thảo đầu tiên.
Kết quả là cuốn tiểu thuyết trinh thám lịch sử mà tôi chịu trách nhiệm công bố là tác phẩm cuối cùng của Matsumoto Seichô. Tiểu thuyết này vẫn còn dang dở và không nằm trong tuyển tập tác phẩm của nhà văn. Tháng 12 năm 2009, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn, tạp chí "Shôsetsu Shinchô" đã xuất bản một số đăng tải toàn bộ 300 trang của cuốn tiếu thuyết do nhà văn sáng tác vào năm cuối đời.
Trần Hậu (Theo Nippon.com)(vnca.cand.com.vn)